11:41 07/12/2007

IPO Vietcombank: Cổ phiếu các ngân hàng khác sẽ biến động ra sao?

Hiện tượng ấm lên của cổ phiếu ngân hàng mấy ngày qua chủ yếu do tâm lý của nhà đầu tư

Tiềm năng bỏ vốn vào ngành ngân hàng còn rất lớn.
Tiềm năng bỏ vốn vào ngành ngân hàng còn rất lớn.
Trong 2 ngày qua, sau khi thông tin về giá khởi điểm của Vietcombank xuất hiện, một số cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên thị trường OTC đã lấy lại đà tăng trưởng.

Cụ thể, STB đạt mức 70.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 4/12. Cùng ngày, ACB giao dịch trên sàn Hà Nội tăng nhẹ và đạt xấp xỉ 176.000 đồng/cổ phiếu.

Giao dịch trên sàn OTC, cổ phiếu Eximbank tăng từ 6,6 triệu đồng/cổ phiếu (mệnh giá 1 triệu đồng) lên 6,8 triệu đồng/cổ phiếu chỉ sau 2 ngày. Eximbank vừa chính thức bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài và đang trong quá trình đàm phán bán thêm 10% cổ phần cho 2 quỹ đầu tư nước ngoài.

Cổ phiếu Ngân hàng Đông Á cũng “nhảy” từ 5,6 triệu đồng (mệnh giá 1 triệu đồng) lên 6 triệu đồng/cổ phiếu trong ngày 4/12. Bên cạnh những nhà băng lớn, cổ phiếu của một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ như Viet A Bank, ABBANK, Southern Bank, Navibank… cũng có dấu hiệu ấm lại, tuy nhiên mức tăng không đáng kể.

Theo đánh giá của một chuyên gia ngành chứng khoán, nguyên nhân kéo giá cổ phiếu ngân hàng gia tăng trở lại trong những ngày gần đây chủ yếu là do tác động bởi thông tin về giá khởi điểm Vietcombank.

Trước đó, khi tin đồn giá khởi điểm cổ phiếu Vietcombank chỉ đứng ở mức 5 - 6 chấm (50.000 - 60.000 đồng/cổ phiếu) xuất hiện, nhiều nhà đầu tư e ngại bỏ thêm vốn vào ngành ngân hàng, trong đó có cả nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu được mua cổ phiếu với giá ưu đãi khi nhà băng thực hiện kế hoạch phát hành thêm tăng vốn điều lệ.

Tuy nhiên, sau khi Vietcombank có thông báo chính thức về mức giá khởi điểm trong ngày 4/12 là 100.000 đồng/cổ phiếu, ngay lập tức giá nhiều cổ phiếu ngân hàng trên sàn OTC ấm lên.

“Nhiều khả năng giá cổ phiếu ngân hàng sẽ phục hồi nhẹ, tuy nhiên nhà đầu tư nên thận trọng vì nhiều nhà băng đang dồn dập tăng vốn. Tiền của nhà đầu được chia nhỏ để mua thêm cổ phiếu ưu đãi khi các ngân hàng triển khai kế hoạch tăng vốn, một phần bỏ vào IPO Vietcombank. Vì vậy, nhiều khả năng cung sẽ dội so với cầu, kéo theo giá giảm là điều khó tránh khỏi”, vị chuyên gia nói.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, người có nhiều năm trong lĩnh vực chứng khoán cũng đưa ra nhận định, cổ phiếu ngân hàng đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn so với 2 quý vừa qua. Tuy nhiên, nếu các nhà băng phát hành dồn dập cổ phiếu trong tháng còn lại của năm thì nguy cơ thị trường thừa hàng, giá giảm sẽ xảy ra.

Theo ông Tuấn, sau một thời gian chờ đợi giá cổ phiếu phục hồi để phát hành thêm, nhưng thị trường không đáp ứng được lòng mong đợi nên các nhà băng phải thực hiện kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn trong tháng cuối năm để giữ uy tín với cổ đông.

Mặt khác, các ngân hàng chọn thời điểm cuối năm thực hiện kế hoạch tăng vốn vì lúc này đã có kết quả hoạt động tương đối đầy đủ, dễ thu hút sự quan tâm của giới kinh doanh chứng khoán. Nếu các ngân hàng đua nhau phát hành cổ phiếu cuối năm, trong khi vốn nhà đầu tư lại cạn dần, chính yếu tố này sẽ góp phần làm suy giảm giá cổ phiếu của nhiều nhà băng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tổng giám đốc một công ty chứng khoán, tiềm năng bỏ vốn vào ngành ngân hàng còn rất lớn. Cổ phiếu ngân hàng vẫn là hàng hóa luôn được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt, với kết quả hoạt động kinh doanh trong năm nay của các nhà băng, cổ phiếu ngân hàng đang hấp dẫn trở lại đối với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Kết quả hoạt động được các ngân hàng công bố trong 11 tháng năm 2007 rất khả quan, nhiều nhà băng có mức lợi nhuận trước thuế đạt trên 100% kế hoạch cả năm. Đơn cử trong 11 tháng, Eximbank thu về 625 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 103% kế hoạch năm. Dự kiến, đến hết năm nay, lợi nhuận của Eximbank sẽ đạt 700 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2006.

Sacombank đạt trên 1.350 tỷ đồng trong 11 tháng hoạt động của năm 2007. Kế hoạch đưa ra cho cả năm, Sacombank sẽ đạt trên 1.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế… ACB dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả Tập đoàn trong năm nay.

Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn còn non trẻ và đầy tiềm năng để bỏ vốn đầu tư. “Nhìn vào thực tế, hiện chỉ có khoảng 8% dân số có tài khoản giao dịch ở ngân hàng. Như vậy, Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các dịch vụ ngành tài chính phát triển”, vị đại diện trên nói và cho rằng, so với các nước trên thế giới, doanh thu và lợi nhuận thu về của các ngân hàng chủ yếu từ dịch vụ và đạt mức khá cao.

Thế nhưng, vị đại diện của quỹ đầu tư trên cũng đưa ra đánh giá, hiện tượng ấm lên của cổ phiếu ngân hàng mấy ngày qua chủ yếu do tâm lý của nhà đầu tư. Một phần, vì đợt IPO Vietcombank nhưng chính đợt IPO này sẽ gây sức ép cho thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng. Nguyên nhân, vốn của nhà đầu tư sẽ dồn mạnh vào đấu giá cổ phiếu Vietcombank, dẫn đến tính thanh khoản cổ phiếu ngân hàng yếu dần là điều có thể xảy ra.