07:45 13/08/2008

Khối ngân hàng bất ngờ sụt giảm

Duy Cường

Ngày 12/8, chứng khoán châu Âu và Mỹ đều giảm điểm trong khi giá dầu đã xuống 113,01 USD/thùng

Ngân hàng JPMorgan công bố phải bơm thêm 1,5 tỷ USD để bù lỗ các khoản kinh doanh từ đầu tháng Bảy đến nay khiến cổ phiếu ngân hàng này mất 9,48% - Ảnh: Bloomberg.
Ngân hàng JPMorgan công bố phải bơm thêm 1,5 tỷ USD để bù lỗ các khoản kinh doanh từ đầu tháng Bảy đến nay khiến cổ phiếu ngân hàng này mất 9,48% - Ảnh: Bloomberg.
Ngày 12/8, chứng khoán châu Âu và Mỹ đều giảm điểm do tác động từ khối ngân hàng trong khi giá dầu đã xuống 113,01 USD/thùng.

Chứng khoán Mỹ: Khối ngân hàng bất ngờ sụt giảm

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 9 tại NYMEX trong ngày 12/8 có lúc đã xuống 112,31 USD/thùng trước khi đóng cửa ngày giao dịch ở mức 113,01 USD/thùng, giảm 1,44 USD/thùng, tương đương -1,26% so với phiên đầu tuần.

Hôm thứ Ba, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, thâm hụt cán cân thương mại của nước này trong tháng Sáu đã giảm 4,05% xuống 56,8 tỷ USD từ 59,2 tỷ USD trong tháng Năm.

Trong đó, xuất khẩu tăng 4% lên 164,4 tỷ USD, mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2004 trong khi nhập khẩu chỉ tăng 1,8% lên 221,2 tỷ USD.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng Bảy, xuất khẩu của nước này sang Đức và Anh tăng hơn 4%, sang Italia tăng 9,7%, các thị trường khác như Argentina, Brazil… cũng đều khả quan.

Liên quan đến ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ, Wachovia vừa công bố báo cáo mới về kết quả kinh doanh quý 2/2008 với mức lỗ 9,11 tỷ USD, tương đương 4,31 USD/cổ phiếu, thay cho mức lỗ 8,86 tỷ USD, tương đương 4,20 USD/cổ phiếu được công bố vào ngày 22/7.

Bên cạnh đó, Wachovia cũng công bố kế hoạch sẽ cắt giảm gần 7.000 việc làm, tương đương với 5,8% tổng số việc làm của ngân hàng.

Không dừng lại ở Wachovia, Ngân hàng JPMorgan cũng công bố phải bơm thêm 1,5 tỷ USD để bù lỗ các khoản kinh doanh từ đầu tháng 7 đến nay trong khi Goldman Sachs bị Deutsche Bank hạ triển vọng lợi nhuận từ 3,54 USD/cổ phiếu xuống 2,15 USD/cổ phiếu.

Tiếp đến là Citigroup và Bank of America cũng công bố có thể cắt giảm triển vọng lợi nhuận trong năm 2009.

Tất cả những thông tin trên khiến cổ phiếu Wachovia mất 12,14%, JPMorgan giảm 9,48%, Goldman Sachs tụt 6,01%, Citigroup trượt 6,46%, Bank of America giảm 6,74%.

Chứng khoán Mỹ phiên giao dịch hôm thứ Ba đồng loạt mất điểm với biên độ giảm 1,2% ở hai chỉ số chính là Dow Jones và S&P 500.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 139,88 điểm, tương đương -1,19%, đóng cửa ở mức 11.642,47.

Chỉ số Nasdaq phiên này mất 9,34 điểm, tương ứng -0,38%, chốt ở mức 2.430,61.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tụt 15,73 điểm, tương đương -1,21%, đóng cửa ở mức 1.289,59.

Chứng khoán châu Âu: Giảm điểm vì khối ngân hàng

Hôm thứ Ba, Cơ quan thống kê của Anh đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng Bảy tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng cao hơn 0,2% so với dự báo của giới phân tích.

Giá dầu, lương thực - thực phẩm tăng cao là nguyên nhân khiến CPI của Anh tăng hơn 2 lần so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đề ra trước đó.

Giới phân tích nhận định rằng, việc CPI tăng cao sẽ gây áp lực lớn khiến BoE khó có khả năng đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản đối với đồng Bảng Anh bất chấp kinh tế hiện đang có dấu hiệu đi vào suy thoái.

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch hôm thứ Ba cùng chung sắc đỏ sau khi đồng loạt tăng điểm phiên đầu tuần. Các cổ phiếu ngân hàng sụt giảm do ảnh hưởng từ thông tin Ngân hàng JPMorgan phải bơm thêm 1,5 tỷ USD để bù lỗ các khoản kinh doanh, là tác nhân chính kéo thị trường đi xuống.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 7,3 điểm, tương đương -0,13% đóng cửa ở mức 5.534,5, khối lượng giao dịch đạt 2,05 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên giao dịch này giảm 0,36%, khối lượng giao dịch đạt 4,28 tỷ cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,44%, khối lượng giao dịch ở mức 167 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Đồng loạt xuống điểm

Chứng khoán châu Á phiên giao dịch hôm thứ Ba đã đồng loạt giảm điểm ở các thị trường. Dù chứng khoán Trung Quốc vẫn không thay đổi được gam màu đỏ nhưng biên độ giảm đã không còn mạnh như hai phiên trước đó.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Ba đã đảo chiều giảm điểm do cổ phiếu của các nhà sản xuất thép sụt giảm vì giá kim loại đi xuống. Bên cạnh đó, nỗi lo suy giảm kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng mạnh tới hoạt động kinh doanh của nhiều nhà xuất khẩu lớn sang thị trường này.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 127,31 điểm, tương đương -0,95%, đóng cửa ngày giao dịch ở mức 13.303,60.

Chuyển qua các thị trường khác: Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiếp tục giảm 1%. Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này giảm 0,43%. Chỉ số Straits Times của Singapore phiên này giảm 0,41%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,25%.

Liên quan đến Trung Quốc, Cơ quan thống kế nước này vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Bảy, theo đó, CPI chỉ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây.

Như vậy, tốc độ tăng CPI của Trung Quốc liên tục giảm trong ba tháng qua bất chấp việc chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) liên tục tăng gây khó khăn cho khối sản xuất.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc phiên này tiếp tục mất điểm phiên thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên khác biệt đã được thể hiện rõ khi biên độ giảm của chỉ số Shanghai Composite phiên này chỉ còn  -0,52%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.782,35 11.642,47  -139,88  -1,19
Nasdaq 2.439,95 2.430,61 -9,34 -0,38
S&P 500 1.305,32 1.289,59 -15,73 -1,21
Anh FTSE 100 5.541,80 5.534,50  -7,30 -0,13
Đức DAX 6.609,63 6.585,87  -23,76 -0,36
Pháp CAC 40 4.538,49 4.518,48  -20,01  -0,44
Đài Loan Taiwan Weighted 7.325,62 7.293,80 -31,82 -0,43
Nhật Nikkei 225 13.430,91 13.303,60  -127,31 -0,95
Hồng Kông Hang Seng 21.859,34 21.640,89 -218,45 -1,00
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.581,09 1.577,12 -3,97 -0,25
Singapore Straits Times 2.819,50 2.813,84 -11,55 -0,41
Trung Quốc Shanghai Composite 2.470,07 2.457,20 -12,88  -0,52
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg