11:30 01/04/2008

Làn sóng “thâu tóm” công ty chứng khoán sẽ đến?

Duy Cường

Liệu hoạt động mua bán các công ty chứng khoán sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới?

Hiện tại, có 87 công ty chứng khoán đã được cấp phép, và nhiều hồ sơ vẫn còn đang chờ được cấp phép.
Hiện tại, có 87 công ty chứng khoán đã được cấp phép, và nhiều hồ sơ vẫn còn đang chờ được cấp phép.
Liệu hoạt động mua bán các công ty chứng khoán sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới?

Chưa thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, nhưng việc nhiều công ty chứng khoán đang hoạt động cầm chừng - thậm chí thua lỗ - chắc chắn là một thực tế.

Hiện tại, có 87 công ty chứng khoán đã được cấp phép, và nhiều hồ sơ vẫn còn đang chờ được cấp phép. Tuy nhiên, trong bối cảnh chứng khoán "èo uột" như thời gian qua, nhiều công ty đang phải trải qua những ngày tháng không mấy sáng sủa, nhất là những công ty không có các tổ chức tài chính, tổng công ty lớn… đứng sau.

Từ tổ chức tài chính nước ngoài...

Một chuyên gia tài chính (đề nghị giấu tên) dự báo: với tình hình hiện nay, viễn cảnh một số công ty chứng khoán - đặc biệt là những công ty ra đời muộn, nguồn lực yếu - lâm vào cảnh phá sản hoặc bị thâu tóm bởi các tổ chức tài chính nước ngoài có thể trở thành hiện thực trong một tương lai gần.

Thực tế, thời gian qua cuộc đua nhân lực chứng khoán đã không còn nóng như khi chứng khoán đi lên. Các bảng thông báo tuyển nhân sự cho chứng khoán trên các phương tiện truyền thông đã thưa dần. Hơn nữa khi thị trường chứng khoán đi xuống, mảng tự doanh - vốn mang lại nguồn lợi chính cho nhiều công ty mới thành lập - coi như đã “vỡ trận”.

Lý giải việc vì sao các tổ chức tài chính nước ngoài đang quan tâm đến các công ty chứng khoán, chuyên gia nói trê đánh giá: hiện nay để thành lập một công ty chứng khoán sẽ mất nhiều thời gian và khó khăn hơn việc mua lại một công ty chứng khoán đang chờ… bán.

Hơn nữa, nghiệp vụ bảo lãnh phát hành hiện tại chỉ được cấp phép cho công ty chứng khoán, trong khi các tổ chức tài chính, đặc biệt là ngân hàng chỉ được bảo lãnh phát hành trái phiếu. Trong khi đó, dù đang gặp nhiều khó khăn, song mảng bảo lãnh phát hành cổ phiếu được dự báo vẫn sẽ là “miếng bánh lớn” trong tương lai cho các tổ chức tài chính nước ngoài. Nhất là khi ngày càng có nhiều công ty lớn của Việt Nam tiết lộ dự định sẽ tiến hành niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài trong tương lai.

Các dấu hiệu đã trở nên dồn dập hơn. Mới đây, ngân hàng đầu tư Morgan Standley đã mua cổ phần của Công ty Chứng khoán Hướng Việt và đổi tên công ty này thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt. Công ty này sẽ đi vào hoạt động với những nghiệp vụ: ngân hàng đầu tư, bảo lãnh phát hành, môi giới, phân tích và đầu tư.

Mới đây nhất là thông tin Ngân hàng RHB (Malaysia) sẽ mua 49% cổ phần Công ty Chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, còn có nhiều vụ mua bán từ 10% cổ phần trở xuống của các tổ chức khác với các công ty chứng khoán trong nước.

Lý giải thêm cho việc các tổ chức tài chính nước ngoài muốn dành thị phần trong mảng bảo lãnh phát hành cho các công ty của Việt Nam muốn niêm yết ở nước ngoài, ông Nguyễn Văn Vinh, chuyên viên đầu tư trên thị trường chứng khoán New York nói: “Các tổ chức tài chính nước ngoài như Morgan Standley, JP Morgan… là những ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới, họ có uy tín, kinh nghiệm, tiềm lực hơn các công ty, tổ chức tài chính của Việt Nam để đảm bảo sự thành công của các đợt phát hành ra thị trường quốc tế. Trong khi đó, nhiều công ty lớn của Viêt Nam đủ tầm cỡ niêm yết tại thị trường trong khu vực nhưng hiện tại vẫn chưa có công lớn nào niêm yết ở thị trường nước ngoài”.

Ông Vinh cũng đánh giá, bất chấp những khó khăn hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn hứa hẹn rất nhiều cơ hội cho các tổ chức tài chính nước ngoài. Hơn 300 nghìn tài khoản được mở tại một thị trường hơn 80 triệu dân vẫn còn là quá ít so với tiềm năng.

...đến các tổ chức tài chính trong nước

Theo TS. Hoàng Xuân Quyến, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Tân Việt, khả năng các tổ chức tài chính lớn trong nước thâu tóm các công ty chứng khoán hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới. Nhưng vấn đề là người bán và người mua phải gặp nhau ở mức giá "hợp lý".

Trong khi đó, chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Đức Thành cũng nêu ra khả năng thâu tóm và sáp nhập giữa công ty chứng khoán lớn và công ty chứng khoán nhỏ. "Các công ty chứng khoán lớn sẽ có nhiều thuận lợi khi tiếp nhận hệ thống nhân sự, tài khoản... của công ty chứng khoán nhỏ để mở rộng quy mô hoạt động. Tất nhiên, điều này phải dựa trên tinh thần thuận mua vừa bán", ông Thành nói.

Cũng theo ông, Bộ Tài chính nên có văn bản hướng dẫn việc mua bán, sáp nhập đối với công ty chứng khoán để tạo hành lanh pháp lý, vì "chắc chắn xu hướng này sẽ diễn ra mạnh mẽ trong tương lai gần".

* Theo nguồn tin từ Báo Thanh Niên, đầu năm 2008, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xin rút đơn thành lập Công ty Chứng khoán REE, mặc dù công ty này đã được chấp thuận về mặt nguyên tắc. Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, đây là việc làm khôn ngoan khi kịp nhìn ra sự không thuận lợi của thị trường để công ty tập trung vào hoạt động chính của mình.