06:00 22/05/2013

Lao đao cổ phiếu thép

Hoàng Lộc

Dự báo, từ năm 2013 đến 2015, cổ phiếu ngành này sẽ còn lao đao

Trên thị trường chứng khoán, trong số 8 cổ phiếu thép tên tuổi hàng đầu 
một thời như DTL, HPG, HSG, NKG, POM, VIS, HMC và SMC thì chỉ còn duy 
nhất cổ phiếu HSG của Tôn Hoa Sen còn được giới đầu tư để mắt, cổ phiếu 
SMC giữ vững được tốc độ tăng trưởng, dù yếu hơn trước.
Trên thị trường chứng khoán, trong số 8 cổ phiếu thép tên tuổi hàng đầu một thời như DTL, HPG, HSG, NKG, POM, VIS, HMC và SMC thì chỉ còn duy nhất cổ phiếu HSG của Tôn Hoa Sen còn được giới đầu tư để mắt, cổ phiếu SMC giữ vững được tốc độ tăng trưởng, dù yếu hơn trước.
Hiện nay, trên hai sàn chứng khoán có 17 công ty thép đang niêm yết cổ phiếu. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012, khoảng 60% công ty có lợi nhuận giảm mạnh so năm trước. Trong tháng 4/2013 đã có 2 cổ phiếu thép bị đưa vào diện kiểm soát do lỗ 2 năm liên tiếp. Dự báo, từ năm 2013 đến 2015, cổ phiếu ngành này sẽ còn lao đao.

Trên thị trường chứng khoán, trong số 8 cổ phiếu thép tên tuổi hàng đầu một thời như DTL, HPG, HSG, NKG, POM, VIS, HMC và SMC thì chỉ còn duy nhất cổ phiếu HSG của Tôn Hoa Sen còn được giới đầu tư để mắt, cổ phiếu SMC giữ vững được tốc độ tăng trưởng, dù yếu hơn trước.

Những công ty có công suất sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu, giá thành cao, chất lượng thép không cao và hệ thống phân phối kém hiệu quả đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi thị trường.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG-HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên hợp nhất cho kỳ 6 tháng, niên độ tài chính 2012-2013 (kết thúc ngày 31/3/2013) với lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, đạt 353 tỷ đồng, tăng 130% so cùng kỳ, riêng quý 2 (từ 1/1/2013 đến 31/3/2013), lợi nhuận sau thuế đạt 228,16 tỷ đồng, tăng vọt, tới 319% so cùng kỳ.

Theo giải trình của HSG, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí tài chính giảm mạnh do dư nợ vay ngắn hạn, dài hạn và lãi suất vay giảm.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC-HOSE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2013 với lãi ròng đạt 45,12 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước. SMC luôn có lãi cao và ổn định trong 4 năm liên tục, bất chấp thị trường thép suy giảm mạnh.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HOG-HOSE) có hiệu quả hoạt động đang đi xuống. Kết thúc năm 2012, kết quả kinh doanh của HPG không tăng trưởng với doanh thu đạt 16.825 tỷ đồng (giảm 5,7%), lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 994 tỷ đồng, giảm 19,6% so với năm trước.

Tại đại hội cổ đông năm 2013 của HPG, dù đưa ra mục tiêu lợi nhuận của năm 2013 lên đến 1.200 tỷ đồng nhưng các cổ đông hiểu rằng lợi nhuận lại không đến từ thép. Niềm hy vọng đang được dồn tất cả vào dự án bất động sản Mandarin Garden, sẽ chính thức bàn giao tháng 9/2013.

Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (mã DTL-HOSE), năm 2012, lãi ròng sụt mạnh so năm trước, từ 162,4 tỷ xuống chỉ còn 13,2 tỷ đồng và quý 1/2013 cũng chỉ lãi ròng 2,6 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Thép Pomina (mã POM-HOSE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2013 với doanh thu thuần gần 2.836 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế âm hơn 23 tỷ đồng, năm 2012 cũng chỉ lãi có 5 tỷ (2011 lãi tới 405 tỷ đồng).

Cổ phiếu có giá “bèo” nhất trong ngành thép là NVC của Công ty Cổ phần Nam Vang, phiên 20/5 chỉ còn 800 đồng, giảm tới 80% so với cách đây 1 năm và đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa vào diện kiểm soát từ 22/4/2013 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 2 năm gần nhất là số âm (năm 2011 âm 19,48 tỷ đồng, năm 2012 âm 128 tỷ đồng), tổng cộng lỗ lũy kế đã gần bằng vốn điều lệ (160 tỷ đồng).

Công ty Cổ phần Thép Bắc Việt (mã BVG-HNX) cũng vào diện kiểm soát từ ngày 8/4 với lý do lỗ 2 năm liên tiếp (năm 2011 lỗ 26,40 tỷ đồng, năm 2012 lỗ tiếp 43,83 tỷ đồng) và giá phiên 20/5 còn 2.700 đồng.

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG-HOSE) bị đưa vào diện cảnh báo từ 13/5 do năm 2012 lợi nhuận sau thuế bị âm 105,12 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối cũng âm 91,07 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Kim khí Tp.HCM (mã HMC-HOSE), lãi ròng sụt từ 82 tỷ đồng (2011) xuống còn 27 tỷ đồng (2012) và quý 1/2013 cũng chỉ lãi 4,56 tỷ  đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH-HOSE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2013 với lợi nhuận sau thuế đạt 123,64 tỷ đồng, tăng gần gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư lên tới 105,95 tỷ đồng và thu nhập khác đạt gần 76 tỷ đồng. Trong khi giá trị hàng tồn kho vẫn cao, tới đạt 847 tỷ đồng, tăng 46,43% so với đầu năm nay.

Công ty Cổ phần Thép Việt ý (mã VIS-HOSE) công bố báo cáo tài chính quý I/2013 với lợi nhuận sau thuế đạt 21,2 tỷ đồng, tăng hơn 127% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù doanh thu thuần giảm 19%. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty có một phần không nhỏ đến từ hoạt động khác, với 3,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ vỏn vẹn 4,5 triệu đồng. Năm 2012, VIS có lợi nhuận âm 17,7 tỷ đồng.

Năm 2012 là năm đặc biệt khó khăn khi thị trường bất động sản đóng băng kết hợp với việc đầu tư các nhà máy thép tràn lan không theo quy hoạch đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, công suất lắp đặt của các sản phẩm thép đều gấp 2 lần so với nhu cầu, riêng đối với thép cán nguội gấp gần 3 lần nhu cầu.

Từ đó dẫn đến tình trạng sản lượng thép tồn kho tại các nhà máy liên tục tăng. Để giải quyết hàng tồn, các doanh nghiệp thép trong nước đua nhau bán phá giá, chấp nhận thua lỗ để thu hối vốn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp thép trong khu vực khi Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế theo các cam kết WTO và các hiệp định song phương và đa phương.

Theo cam kết gia nhập khu vực mậu dịch tự do trong khuôn khổ hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA), từ năm 2015 trở đi, thuế suất nhập khẩu thép là 0%, khi đó toàn bộ thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam sẽ có thuế suất là 0%, càng tạo ra tốc độ cạnh tranh khốc liệt, gắn liền với sự sống còn của doanh nghiệp thép trong nước.

Hiện Trung Quốc nước sản xuất và tiêu thụ 46% tổng lượng thép toàn cầu, năm 2012, kinh tế nước này phát triển chậm lại khiến sắt thép dư thừa ước chừng 200 triệu tấn công suất, thúc đẩy họ buộc phải xuất khẩu. Do vậy, ngành thép Việt Nam tiếp tục đứng trước cạnh tranh kép từ áp lực dư thừa trong nước và thép nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp thép đang tìm đầu ra từ xuất khẩu nhưng cũng đang phải đối mặt với những vụ kiện bán phá giá ngày càng nhiều hơn.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, ngày 16/5/2013, ba doanh nghiệp sản xuất nội địa của Mỹ đã nộp đơn lên UB Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) và Bộ Thương mại Mỹ (DOC) yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng ống thép chịu lực không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan, và Malaysia.

Trước đó, đầu năm 2013, doanh nghiệp Việt Nam cũng bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp ống thép cacbon và mắc áo thép tại Mỹ. “Bội thực” nguồn cung; cạnh tranh sống còn với thép Trung Quốc; quy mô sản xuất thấp với công nghệ lạc hậu và giá thành cao cùng với thị trường bất động sản khó có khả năng phụ hồi trong năm 2013 và 2014 là 4 yếu tố quyết định khiến cổ phiếu ngành thép sẽ còn tiếp tục lao đao.