09:40 20/09/2012

Liên thông các thị trường chứng khoán ASEAN bắt đầu

Lan Hương

Việc kết nối giao dịch giữa các thị trường chứng khoán trong khu vực ASEAN đã chính thức được kích hoạt

Một góc website chung các Sở Giao dịch Chứng khoán ASEAN tại tên miền www.aseanexchanges.org.
Một góc website chung các Sở Giao dịch Chứng khoán ASEAN tại tên miền www.aseanexchanges.org.
Với lễ khai trương kết nối giao dịch trực tiếp giữa 2 sở giao dịch chứng khoán khu vực là Sở Giao dịch Chứng khoán Malaysia và Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore vào ngày 18/9/2012 tại Kuala Lumpur, Malaysia, việc kết nối giao dịch giữa các thị trường chứng khoán trong khu vực ASEAN đã chính thức được kích hoạt.

Diễn ra muộn hơn 3 tháng so với dự tính ban đầu, sự kiện này đã chính thức đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc liên thông thị trường vốn khu vực ASEAN, được cam kết bởi các Bộ trưởng Tài chính các quốc gia ASEAN và mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Theo lộ trình, tiếp theo sẽ đến lượt Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan thực hiện kết nối. 4 Sở giao dịch chứng khoán còn lại gồm: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Indonesia và Sở Giao dịch Chứng khoán Philippines đang chuẩn bị lộ trình kết nối vào những năm tới.

Quyết định kết nối giao dịch giữa các thị trường chứng khoán trong khu vực, các Sở Giao dịch Chứng khoán ASEAN đã và đang đánh dấu bước khởi đầu quan trọng tiến đến việc loại bỏ các rào cản khi thực hiện giao dịch xuyên biên giới trong khu vực ASEAN.

3 sở giao dịch chứng khoán đầu tiên tham gia kết nối (Singapore, Malaysia và Thái Lan) sẽ đại diện cho khoảng hai phần ba tổng giá trị vốn hóa 2,1 nghìn tỷ USD của toàn bộ 7 Sở giao dịch chứng khoán ASEAN.

“Kết nối giao dịch ASEAN nhằm tăng cường hiệu quả đối với các giao dịch xuyên biên giới, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các tổ chức trung gian với một mạng lưới khách hàng rộng lớn hơn. Thông qua kết nối giao dịch này, các tổ chức trung gian trong nước chỉ cần tiếp cận thị trường nội khối ASEAN là có thể kết nối được với các thị trường rộng lớn hơn, còn các tổ chức trung gian nước ngoài sẽ có thêm nhiều lựa chọn dựa trên cơ sở hạ tầng giao dịch sẵn có”, ông Magnus Bocker, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore khẳng định.

Lợi thế khi kết nối


Hiện tại, 7 sở giao dịch chứng khoán của ASEAN sẽ tham gia kết nối có tới hơn 3.600 công ty niêm yết, trong đó có nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, năng lượng, viễn thông, hàng hóa, sản xuất ôtô và các ngành công nghiệp với tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng  2,1 nghìn tỷ USD.

Nhiều sản phẩm hợp tác quan trọng như website chung của các Sở ASEAN, các chương trình trao đổi giữa các công ty chứng khoán thành viên và công chúng đầu tư ASEAN, phát triển hệ thống chỉ số ASEAN... đã được triển khai và đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Tại Website chung các Sở Giao dịch Chứng khoán ASEAN tại tên miền www.aseanexchanges.org, 180 cổ phiếu blue-chip (cổ phiếu lớn) của ASEAN, đại diện cho 30 công ty niêm yết của các nước thành viên được xếp hạng theo khả năng đầu tư căn cứ trên giá trị vốn hóa thị trường và tính thanh khoản.
Hai Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (HNX và HOSE) cũng đã giới thiệu danh sách và thông tin về 30 cổ phiếu được đánh giá tiêu biểu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam cùng với thông tin giao dịch trực tuyến và thông tin cập nhật của từng cổ phiếu, cung cấp thêm cơ hội đầu tư cho công chúng đầu tư trong khu vực và quốc tế.   

Theo mô hình kết nối thị trường cổ phiếu đã thống nhất, khi các Sở giao dịch chứng khoán kết nối, giao dịch cổ phiếu xuyên biên giới sẽ được thực hiện dễ dàng, an toàn và hiệu quả. Khi đó, nhà đầu tư thực hiện đặt lệnh tại công ty chứng khoán của nước sở tại (không cần mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại nước ngoài), Trung tâm thanh toán bù trừ đảm nhiệm vai trò CCP (mô hình thanh toán, bù trừ đối tác trung tâm), rủi ro thanh toán và chuyển giao chứng khoán được loại bỏ.

Để vận hành hệ thống giao dịch đó, các điều kiện cần thiết sẽ bao gồm: thiết lập cổng kết nối, mỗi quốc gia cần có tối thiểu một công ty chứng khoán đảm nhiệm vai trò bảo trợ đối với các giao dịch xuyên biên giới thực hiện tại quốc gia mình.

Cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam


Khi thị trường chứng khoán ASEAN đã trở thành một sân chơi chung thì việc đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Khi đó, một sân chơi liên kết toàn bộ sẽ hình thành trong khu vực ASEAN, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu tốt để mua.  

Đối với các Sở giao dịch chứng khoán của Việt Nam, sự liên thông sẽ mang lại nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư song cũng không phải không có thách thức.

Theo ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc HNX, 3 thách thức lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt nam khi tham gia kết nối là: sự hiểu biết của công chúng đầu tư và doanh nghiệp; cơ chế kiểm soát để giao dịch xuyên biên giới không làm ảnh hưởng đến thị trường; cơ sở pháp lý để cho việc tham gia và điều tra các giao dịch bất thường khi thực hiện giao dịch xuyên biên giới.

Hiện tại, Việt Nam chưa có các quy định chi tiết điều chỉnh hoạt động giao dịch chứng khoán xuyên biên giới và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc sử dụng ngoại tệ trong giao dịch chứng khoán xuyên biên giới. Chính vì vậy, 3 thách thức kể trên càng phải được tính toán kỹ càng khi quyết định hội nhập.

Mặc dù chưa tiết lộ thời điểm mà hai Sở giao dịch chứng khoán của Việt Nam thực hiện kết nối nhưng những công việc chuẩn bị cho lộ trình này vẫn đang được HNX và HOSE rốt ráo chuẩn bị.

Về mặt pháp lý, các cơ quan quản lý như: Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phải nghiên cứu các vấn đề quản lý ngoại hối, tổ chức giám sát và quản lý rủi ro trong giao dịch trong giao dịch xuyên biên giới, đồng thời thảo luận thống nhất với Ngân hàng Nhà nước để có quan điểm thống nhất của phía Việt Nam về các vấn đề nêu trên.

Ngoài ra, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cần tham gia nghiên cứu cơ chế lưu ký – thanh toán – bù trừ, tìm hiểu khả năng thực hiện chức năng CCP (thanh toán, bù trừ đối tác trung tâm) trong mô hình kết nối ASEAN.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)