07:21 03/10/2012

Phố Wall biến động trước nỗi lo “Tây Ban Nha”

Dương Lâm

Thị trường chứng khoán Mỹ có thêm một phiên giao dịch đầy biến động và chốt lại với sự tăng giảm trái chiều của ba chỉ số chính

Nhà đầu tư lo lắng về kinh tế Tây Ban Nha cùng triển vọng kinh doanh của các tập đoàn.
Nhà đầu tư lo lắng về kinh tế Tây Ban Nha cùng triển vọng kinh doanh của các tập đoàn.
Thị trường chứng khoán Mỹ có thêm một phiên giao dịch đầy biến động và chốt lại với sự tăng giảm trái chiều của ba chỉ số chính, do nhà đầu tư lo lắng về kinh tế Tây Ban Nha cùng triển vọng kinh doanh của các tập đoàn.

Hôm qua (2/10), Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết việc nước này đề nghị Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) cứu trợ sẽ không xảy ra sớm. Trước đó, có tin đồn rằng quốc gia này đã sẵn sàng ngửa tay xin Eurozone giúp đỡ về mặt tài chính. Mặc dù thông tin của ông Rajoy đã phủ nhận tính xác thực của lời đồn, song nhà đầu tư không vì thế mà giảm bớt sự nghi ngờ.

Theo giới phân tích, nếu Madrid xin cứu trợ, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ phải thực hiện việc thu mua trái phiếu và nhà đầu tư Mỹ sẽ bớt lo ngại về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đối với kinh tế Mỹ. Chính tình trạng không rõ ràng hiện nay đang dẫn tới những đánh giá cho rằng, thị trường sắp tới sẽ còn nhiều biến động và mức độ rủi ro đầu tư vẫn cao.

Cũng liên quan tới kinh tế khu vực châu Âu, Bộ Tài chính Hy Lạp mới đây đã công bố bản dự thảo ngân sách quốc gia trong cả năm 2013. Bản dự thảo có nêu nhận định rằng nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục chìm sâu vào suy thoái năm thứ 6 liên tiếp, với GDP dự tính sẽ giảm 3,8% sau khi chính phủ nước này nối lại cuộc đàm phán đang bị bế tắc với nhóm bộ ba chủ nợ quốc tế.

Một thông tin khác có ảnh hưởng ít nhiều tới giao dịch chứng khoán Mỹ đêm qua là việc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) chiều 2/10 đã bất ngờ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản, từ mức 3,5% xuống còn 3,25%. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ ba của RBA từ đầu năm tới nay, 3,25% là mức lãi suất thấp nhất của Australia trong ba năm qua.

Kết thúc phiên giao dịch 2/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 32,83 điểm, tương ứng 0,24%, xuống còn 13.482,28 điểm. Chỉ số S&P 500 ngược dòng thành công. tăng nhẹ 1,26 điểm, tương ứng 0,09%, lên chốt ở 1.445,75 điểm. Tương tự như S&P 500, chỉ số Nasdaq Composite cũng tiến nhẹ với mức điểm cộng 6,51, tương ứng 0,21% và chốt ngày ở mức điểm số 3.120,04.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, với khoảng 5,7 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn so với mức trung bình hàng ngày 6,38 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay.

Ngoài những yếu tố kinh tế vĩ mô đã nói ở trên, sự trồi sụt của các chỉ số chứng khoán Mỹ đêm qua còn xuất phát từ sự lo lắng của nhà đầu tư về triển vọng kinh doanh của các tập đoàn trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa từ châu Âu đang sụt giảm. Chẳng hạn sự đi xuống của chỉ số Dow Jones một phần là chịu áp lực từ các cổ phiếu liên quan tới tăng trưởng như Caterpillar, Boeing.

Thị trườngChỉ sốPhiên trướcĐóng cửaTăng/giảm (điểm)Tăng/giảm (%)
MỹDow Jones13.515,1113.482,36- 32,75- 0,24
S&P 5001.444,491.445,75+1,26+0,09
Nasdaq3.113,533.120,04+6,51+0,21
AnhFTSE 1005.820,455.809,45- 11,00- 0,19
PhápCAC 403.434,983.414,23- 20,75- 0,60
ĐứcDAX7.326,737.305,86- 20,87- 0,28
Nhật BảnNikkei 2258.796,518.786,05- 10,46- 0,12
Hồng KôngHang Seng20.840,38
Trung QuốcShanghai Composite2.086,17
Đài LoanTaiwan Weighted7.675,727.718,68+42,96+0,56
Hàn QuốcKOSPI Composite1.996,211.996,03- 0,18- 0,01
SingaporeStraits Times3.057,863.079,14+21,28+0,70
Nguồn: CNBC, Market Watch.