02:37 26/09/2008

Phố Wall: Đánh đổi tự do để tồn tại?

Mạc San

Cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ đã làm thay đổi toàn bộ hình ảnh Phố Wall một cách nhanh chóng

Phố Wall - trung tâm tài chính lớn nhất thế giới - đã bước sang một giai đoạn mới - Ảnh: Reuters.
Phố Wall - trung tâm tài chính lớn nhất thế giới - đã bước sang một giai đoạn mới - Ảnh: Reuters.
Cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ đã làm thay đổi toàn bộ hình ảnh Phố Wall một cách nhanh chóng.

Trong 6 tháng qua, 3 trong 5 ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ đã bị xóa sổ. Việc 2 ngân hàng đầu tư độc lập còn lại là Morgan Stanley và Goldman Sachs vừa chuyển đổi mô hình hoạt động sang tập đoàn ngân hàng tổng hợp (bank holding company) đã kết thúc một giai đoạn lịch sử hoàng kim của Phố Wall với mô hình ngân hàng đầu tư độc lập (financial holding company).

Bài viết này nhằm chia sẻ về mô hình hoạt động mới của ngân hàng đầu tư trong bối cảnh mới nhằm chống chọi với khủng hoảng tài chính.

Người viết cho rằng động lực chính của việc chuyển đổi mô hình hoạt động xuất phát từ bản năng sinh tồn của các ngân hàng đầu tư trong hoàn cảnh hiện tại khi các khoản lợi nhuận ngày càng giảm sút, việc huy động vốn mới rất khó khăn và chi phí tăng cao.

Ngân hàng thương mại với ưu thế về nguồn vốn dài hạn, ổn định, chi phí thấp sẽ giúp ngân hàng đầu tư có đủ sức kháng cự chống lại một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử tài chính. Mô hình mới này có những thuận lợi và thách thức nhất định.

Mô hình "cũ" cho hoàn cảnh "mới"

Mô hình mà Morgan Stanley và Goldman Sachs đã chọn chính là mô hình tập đoàn ngân hàng tổng hợp (universal bank) với sự kết hợp giữa hoạt động ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại.

Đây không phải là một mô hình mới mà đã được hầu hết các tập đoàn ngân hàng thương mại lớn trên thế giới áp dụng trong thập kỷ qua nhằm tạo ra những "siêu thị tài chính" cung cấp cho khách hàng tổng thể các loại sản phẩm đầu tư đa dạng trên thị trường vốn cũng như dịch vụ ngân hàng thương mại.

Mô hình ngân hàng tổng hợp đã có từ lâu trong lịch sử ngành tài chính. Sau cuộc Đại khủng hoảng năm 1929, mô hình này đã bị cấm bởi đạo luật Glass-Steagall ra đời năm 1933, nhằm tách bạch hoạt động ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại.

Chỉ đến năm 1999, dưới sức ép của các ngân hàng thương mại nhằm mở rộng phạm vi họat động, đạo luật Glass-Steagall mới bị thay thế bởi đạo luật Glamm-Leach-Bliley, nhằm cho phép sự tái hợp giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại, hình thành nên các tập đoàn ngân hàng tổng hợp.

Các tên tuổi như Citi Group, JP Morgan, Deutsche Bank, UBS, Credit Suisse, Barclays đều đã áp dụng mô hình này. Citi Group là ngân hàng đi đầu trong cuộc cách mạng này với việc sáp nhập với Travellers là một tập đoàn chuyên về bảo hiểm, môi giới chứng khoán và ngân hàng đầu tư (Salomon Smith Barney). Cuộc hôn nhân này được thực hiện năm 1998 gây nhiều tranh cãi pháp lý song đã mở đường cho việc thay thế đạo luật Glass-Steagall vào năm 1999. Các tập đoàn ngân hàng tổng hợp ngày nay đều có tiền thân là hoạt động ngân hàng thương mại rồi vươn ra hoạt động ngân hàng đầu tư thông qua tăng trưởng cơ học (mua bán, sáp nhập) hoặc tăng trưởng sinh học (tự xây dựng).

Với việc Morgan Stanley và Goldman Sachs chuyển đổi sang mô hình ngân hàng tổng hợp, lịch sử được chứng kiến việc thực hiện mô hình "cũ" theo một cách thức "mới": ngân hàng đầu tư lấn sân sang ngân hàng thương mại.

Trong thực tế, không phải bây giờ các ngân hàng đầu tư mới bắt đầu xây dựng hoạt động ngân hàng thương mại. Goldman Sachs đã thành lập ngân hàng thương mại Goldman Sachs Bank USA va Goldman Sachs Bank Europe nhưng với quy mô nhỏ (tiền gửi huy động 20 tỷ USD).

Với mô hình mới, Goldman sẽ mở rộng quy mô mảng ngân hàng thương mại với tổng tài sản dự kiến 150 tỷ USD. Goldman Sachs sẽ trở thành ngân hàng tổng hợp lớn thứ 4 của Mỹ.

Morgan Stanley cũng đã có hoạt động ngân hàng thương mại (với số tiền gửi huy động được 36 tỷ USD) và sẽ tiếp tục mở rộng mảng kinh doanh này. Việc bán 20% cổ phần cho Mitshubishi UFJ Financial thể hiện cam kết mạnh mẽ của Morgan Stanley theo mô hình mới.

Với việc chuyển đổi sang mô hình mới, Phố Wall giờ đây đã thuộc về tay FED. Cuộc tranh giành quyền lực ảnh hưởng của FED và Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đối với Phố Wall vốn dai dẳng lâu nay, đã đến hồi kết thúc.

Thuận lợi

Mô hình mới mang lại một số thuận lợi mà quan trọng nhất là nguồn vốn.

Ngân hàng đầu tư thực chất là một công ty tài chính với hoạt động kinh doanh rủi ro trên thị trường vốn, do đó không được phép nhận tiền gửi của khách hàng. Nguồn vốn của ngân hàng đầu tư chủ yếu là vốn cổ đông, vốn vay ngân hàng và phát hành trái phiếu.

Ngoài ra, một nguồn vốn quan trọng khác của ngân hàng đầu tư được hình thành qua nghiệp vụ repo, tức là đi vay có bảo đảm bằng các chứng khoán. Việc kết hợp đi vay và cho vay thông qua "repo" và "reverse repo" hình thành nên hoạt động "khớp sổ" (match-book), cho phép ngân hàng đầu tư xây dựng quy mô bảng cân đối một cách dễ dàng, do đó tạo ra một hệ số đòn bẩy rất cao (20-30 lần).

Nhược điểm của các nguồn vốn này thường mang tính chất ngắn hạn, không ổn định và chi phí cao. Trong khi đó ngân hàng thương mại lại có đặc ân huy động tiền gửi của khách hàng hình thành nên một nguồn vốn ổn định và rẻ. Hơn nữa, do ngân hàng tổng hợp có mức độ rủi ro thấp hơn so với ngân hàng đầu tư, việc huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu của ngân hàng tổng hợp cũng rẻ hơn.

Ngoài ưu thế về vốn, mô hình ngân hàng tổng hợp còn có một số lợi thế khác. Thứ nhất, lợi thế về khách hàng và sản phẩm. Việc tận dụng mạng lưới khách hàng và sản phẩm đa dạng hơn cho phép ngân hàng đầu tư bán chéo sản phẩm cho các khách hàng nhằm đa dạng hóa các nguồn thu nhập. Trong giai đoạn khó khăn nguồn thu nhập ổn định của mảng ngân hàng thương mại sẽ đóng vai trò chính, trong khi mảng ngân hàng đầu tư sẽ có thể mang lại các khoản lợi nhuận lớn cho ngân hàng khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Thứ hai, việc chuyển đổi mô hình sang ngân hàng tổng hợp cho phép ngân hàng tránh được một số quy định nghặt nghèo của chuẩn mực kế toán của Mỹ, do đó một số tài sản không cần hạch toán theo giá trị hợp lý (fair value accounting). Điều này sẽ giảm bớt một số khoản dự phòng giảm giá một cách hợp lệ.

Cuối cùng, việc chuyển đổi mô hình còn cho phép ngân hàng đầu tư tiếp cận các dịch vụ cứu trợ của Cục Dự trữ Liên bang (FED). Việc cứu trợ này gồm nhiều hình thức khác nhau như tiếp cận dịch vụ cho vay thông qua chiết khấu tài sản đảm bảo (discount window) nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản; cứu trợ với tư cách là người cho vay cuối cùng (last resort lender); và các chương trình cứu trợ khác.

Với việc FED đang trình Quốc hội thông qua gói cứu trợ trị giá 700 tỷ USD nhằm mua lại các gói trái phiếu rủi ro trên bảng cân đối của các ngân hàng thương mại thì việc chuyển đổi lần này có tầm quan trọng sự sống còn đối với các ngân hàng đầu tư trong hoàn cảnh hiện tại.

Do dịch vụ cứu trợ của FED thông thường chỉ áp dụng cho ngân hàng thương mại chịu sự giám sát của FED mà không áp dụng cho các ngân hàng đầu tư vốn chịu sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Mỹ, việc các ngân hàng đầu tư đi tìm một người "đỡ đầu" mới trong hoàn cảnh hiện tại cũng là điều dễ hiểu.

Thách thức

Để tận dụng được những thuận lợi theo mô hình mới, các ngân hàng đầu tư phải chịu những hy sinh nhất định, mà sự hy sinh lớn nhất là sự tự do. Chính vì vậy, có thể ví đây là một cuộc "đánh đổi tự do để tồn tại".

Nếu như trước đây, các ngân hàng đầu tư có thể tự đưa ra các quyết định kinh doanh rủi ro, sử dụng đòn bẩy tài chính cao nhằm tạo ra các khoản lợi nhuận khổng lồ (dưới sự giám sát của SEC) thì giờ đây họ chấp nhận sự giám sát chặt chẽ của FED, SEC và cơ quan bảo hiểm tiền gửi, trong đó, FED sẽ có vai trò là cơ quan giám sát tổng hợp.

Các ngân hàng tổng hợp sẽ phải thành lập ra các công ty con chuyên về hoạt động ngân hàng thương mại và các hoạt động này phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về an toàn cũng như cơ chế báo cáo. Việc tuân thủ các yêu cầu giám sát của cả FED, SEC và cơ quan bảo hiểm tiền gửi sẽ phát sinh chi phí và đòi hỏi hệ thống thông tin quản lý tiên tiến. Việc đầu tư cho con người và công nghệ thông tin có vai trò quan trọng.

Các quy định về an toàn vốn theo Hiệp định Basel II áp dụng cho ngân hàng thương mại có mức độ ngặt nghèo hơn nhiều so với ngân hàng đầu tư. Điều này sẽ hạn chế các hoạt động rủi ro và sử dụng đòn bẩy tài chính quá trớn. Hệ số đòn bẩy tài chính chắc chắn sẽ phải giảm từ mức 25-30 lần hiện tại xuống dưới 20 lần. Ngoài ra việc trích lập các quỹ như tiền gửi bắt buộc, tiền gửi thanh toán, bảo hiểm tiền gửi đối với mảng ngân hàng thương mại sẽ sẽ là những chi phí tài chính đi kèm.

Việc thay đổi mô hình hoạt động có thể sẽ làm thay đổi văn hóa doanh nghiệp truyền thống của các ngân hàng đầu tư. Các nhân viên sẽ phải thay đổi quan điểm và thái độ của họ đối với rủi ro và phải suy nghĩ kỹ hơn trước từng quyết định kinh doanh rủi ro cao.

Hơn nữa, do tính chất hoạt động của ngân hàng thương mại đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, thu nhập bình quân đầu người chắc chắn sẽ giảm xuống. Các nhân viên đầu tư (dealer) vốn ham thích mạo hiểm rủi ro sẽ cảm thấy khó chịu trong một môi trường mới và thu nhập giảm sút.

Do đó, rất có thể sẽ diễn ra một làn sóng chất xám chảy sang các quỹ đầu cơ (hedge funds) hay các công ty đầu tư vốn tư nhân (private equity firms).

Tính bền vững của mô hình?

Với những gì đang diễn ra của một cuộc khủng hoảng tài chính khốc liệt, việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng tổng hợp đang được coi là một giải pháp phù hợp.

Về mặt pháp lý, đạo luật Glamm-Leach-Bliley (1999) đã cho phép việc hình thành ngân hàng tổng hợp và đây chỉ là một sự vận dụng sự cho phép này trong hoàn cảnh mới. Tuy nhiên để kết luận tính bền vững của mô hình này có lẽ sẽ cần sự thử nghiệm qua thời gian. Lịch sử cho thấy mỗi mô hình chỉ phù hợp cho từng giai đoạn lịch sử nhất định phù hợp với từng trình độ phát triển.

Mô hình ngân hàng tổng hợp không phải là một mô hình hoàn hảo. Chính các nhược điểm của mô hình này làm cho hậu quả cuộc Đại khủng hoảng 1929 thêm trầm trọng và là lý do đạo luật Glass-Steagall (1933) ra đời nhằm tách bạch hoạt động ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. Một số nhược điểm bao gồm:

- Rủi ro và sự an toàn của ngân hàng thương mại: các ngân hàng tham gia vào bảo lãnh phát hành và đầu tư chứng khoán có thể dẫn đến rủi ro cho các khách hàng gửi tiền và Chính phủ phải đứng ra cứu vớt. Hơn nữa sự sụp đổ của các ngân hàng thương mại có thể làm mất niềm tin của dân chúng vào hệ thống ngân hàng và dẫn tới đổ vỡ hệ thống tài chính;

- Mâu thuẫn lợi ích dẫn đến lạm dụng: việc cung cấp cả dịch vụ ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư có thể dẫn tới mâu thuẫn lợi ích. Ví dụ ngân hàng có thể chấp nhận cho vay các khoản vay dưới chuẩn cho các doanh nghiệp trong tình trạng khó khăn hay chuẩn bị phá sản chỉ vì ngân hàng đang nắm giữ chứng khoán nhằm cứu giá. Ví dụ khác, ngân hàng có thể ép các khách hàng tín dụng của mình đầu tư vào các chứng khoán mà bản thân ngân hàng muốn bán ra trong quá trình đầu tư hay phân phối phát hành chứng khoán.

- Sự cạnh tranh không công bằng: ngân hàng thương mại được trợ cấp một phần bảo hiểm tiền gửi do đó được phép huy động vốn nhà rỗi trong dân rẻ hơn thông qua các khoản tiết kiệm. Do đó nếu cho phép kinh doanh ngân hàng đầu tư, họ có thể cạnh tranh tốt hơn các đối thủ ngân hàng đầu tư khác không có hoạt động ngân hàng thương mại;

- Sự tập trung quyền lực: việc kết hợp ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư sẽ tạo nên một quyền lực lớn của các ngân hàng thương mại và dẫn đến việc họ thôn tính các ngân hàng đầu tư. Việc này sẽ dẫn đến độc quyền cạnh tranh và hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng quyền lợi khách hàng.

Các nhược điểm nêu trên không phải là không có cơ sở. Ngay đầu năm 2008, Citi Group đã chịu khoản tổn thất nặng nề từ hoạt động ngân hàng đầu tư và điều này đã đe dọa sự an toàn của mảng ngân hàng thương mại.

Hơn nữa, một câu hỏi đặt ra là bản thân các ngân hàng đầu tư có thực sự muốn chuyển đổi hay đây chỉ là một giải pháp tình thế. Lịch sử cho thấy khi chu kỳ kinh tế bùng nổ tăng trưởng, một số ngân hàng đầu tư sẵn sàng tự tách mình ra khỏi hoạt động ngân hàng thương mại nhằm tìm lại sự tự do. Sự "chân thành" của việc chuyển đổi lần này chỉ có thể được trả lời theo năm tháng.

Mô hình nào cho hoàn cảnh Việt Nam?

Với sự vận động nhanh chóng của tình hình thế giới, Việt Nam cần tìm cho mình một mô hình vừa phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, vừa có khả năng đón đầu tương lai mà vẫn giữ được tính an toàn của hệ thống. Đây là một vấn đề phức tạp, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng.

Việt Nam hiện cho áp dụng mô hình ngân hàng tổng hợp với việc các ngân hàng thương mại hình thành các công ty chứng khoán trực thuộc. Ngoài ra còn có hàng chục công ty chứng khoán hoạt động độc lập. Đối với ngân hàng tổng hợp, hiện Ngân hàng Nhà nước là cơ quan giám sát chung, trong khi đó Ủy ban Chứng khoán giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã có quy định các ngân hàng mẹ không được cấp tín dụng cho các công ty chứng khoán trực thuộc. Do đó bản chất ngân hàng tổng hợp tại Việt Nam có một số khác biệt với mô hình ngân hàng tổng hợp của quốc tế. Sự tách bạch nguồn vốn này là một định hướng đúng đắn trong hoàn cảnh hiện tại khi trình độ quản trị rủi ro và ý thức chấp hành rủi ro của các ngân hàng chưa cao nhằm hạn chế việc sử dụng tiền gửi của khách hàng sang đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, hiện tại các ngân hàng thương mại cũng được phép cho vay đầu tư chứng khoán với hạn mức dưới 20% vốn điều lệ, theo quy định mới. Các ngân hàng thương mại thường ủy thác cho các công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ cho vay này song rủi ro vẫn thuộc ngân hàng thương mại. Thiết nghĩ, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho phép các ngân hàng mẹ chuyển nguồn vốn này xuống các công ty chứng khoán trực thuộc thông qua khoản cho vay nội bộ để họ thực hiện chức năng kinh doanh này. Trong tương lai khi thị trình độ quản lý rủi ro tốt hơn, Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng dần các quy định cho vay của ngân hàng mẹ đối với công ty chứng khoán. Việc nới lỏng này có thể được thực hiện thông qua các công cụ không mang tính hành chính như tỷ lệ an toàn vốn.

Với mô hình hoạt động hiện tại, tất nhiên vẫn có thể phát sinh một số rủi ro. Việc phối hợp giám sát giữa Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán có tầm quan trọng đối với việc duy trì hoạt động an toàn của hệ thống.

Người viết xin đưa ra một số khuyến nghị tham khảo.

- Ngân hàng Nhà nước cần giám sát các khoản cho vay từ ngân hàng mẹ sang công ty chứng khoán con dưới các hình thức biến tướng. Ví dụ ngân hàng mẹ bảo lãnh để ngân hàng con đi vay ở ngân hàng khác, hoặc cách thức cho vay lòng vòng qua các trung gian thứ 3 khác. Bản chất và tinh thần của quy định luôn quan trọng hơn hình thức thể hiện;

- Ủy ban Chứng khoán nên nghiên cứu xây dựng và đưa vào áp dụng về tỷ lệ an toàn vốn đối với các công ty chứng khoán được cấp phép (regulated entities);

- Bộ Tài chính cần sớm xây dựng và hoàn chỉnh chuẩn mực kế toán cho các hoạt động của công ty chứng khoán theo tinh thần chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 39 theo hướng ghi nhận giá trị tài sản và công nợ theo giá trị thị trường. Các thông lệ kế toán áp dụng cho hoạt động chứng khoán tại Việt Nam hiện còn bất cập so với kế toán quốc tế và có thể dẫn tới rủi ro không được phát hiện kịp thời;

- Các ngân hàng tổng hợp cần tạo sự ngăn cách tương đối giữa hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Các ngân hàng xần xây dựng cơ chế phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mâu thuẫn lợi ích;

- Các ngân hàng tổng hợp cũng như các công ty chứng khoán cần xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến nhằm đo lường và quản lý rủi ro, đặc biệt là các rủi ro thị trường.