07:17 09/06/2009

Phố Wall thoát hiểm, thanh khoản giảm mạnh

Duy Cường

Ngày 8/6, chứng khoán Mỹ đã tránh được phiên giảm điểm mạnh nhờ cổ phiếu khối ngân hàng đột ngột tăng điểm mạnh

Chứng khoán Mỹ đã đảo chiều vào những phút cuối ngày giao dịch, đưa các chỉ số từ mức giảm 1% lên ở mức cân bằng so với phiên trước đó - Ảnh: Reuters.
Chứng khoán Mỹ đã đảo chiều vào những phút cuối ngày giao dịch, đưa các chỉ số từ mức giảm 1% lên ở mức cân bằng so với phiên trước đó - Ảnh: Reuters.
Ngày 8/6, chứng khoán Mỹ đã tránh được phiên giảm điểm mạnh nhờ cổ phiếu khối ngân hàng đột ngột tăng điểm mạnh vào cuối ngày giao dịch.

Hôm thứ Hai, Reuters dẫn nguồn tin cho biết Ngân hàng Barclays (Anh) đang đàm phán để bán đơn vị kinh doanh Barclays Global Investors (BGI) - có trụ sở tại San Francisco và hiện quản lý tổng tài sản lên đến 1.500 tỷ USD.

Quỹ đầu tư BlackRock và Bank of New York Mellon là hai tổ chức đang đàm phán để mua lại BGI. Dự kiến, thương vụ trị giá khoảng 12 tỷ USD sẽ được công bố chính thức trong tuần này.

Nhiều khả năng, BlackRock sẽ là tổ chức mua lại BGI bởi họ được hỗ trợ vốn từ nhà đầu tư đến từ Trung Đông để thực hiện thương vụ này.

Được biết, Bank of America hiện sở hữu 49% cổ phầu của BlackRock, PNC Financial Services Group sở hữu 33% cổ phần và nhiều khả năng nhà đầu tư từ Trung Đông - Qatar Investment Authority và Adia, sẽ rót 3 tỷ USD để nắm giữ 12% cổ phần của BlackRock.

Liên quan đến thông tin đáng chú ý trong ngày, Wall Street Journal đã đưa tin về việc 9 trong số 19 định chế tài chính lớn nhất ở Mỹ sẽ sớm được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho phép hoàn trả lại số tiền đã vay từ gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ. Dự kiến danh sách cụ thể sẽ được công bố trong ngày 9/6.

Tuy nhiên, hôm đầu tuần, New York Post đã nêu đích danh 5 định chế tài chính sẽ hoàn trả vốn, gồm: Goldman Sachs Group, JPMorgan Chase, American Express, Morgan Stanley, State Street, U.S. Bancorp.

Lo về tính thanh khoản

Ngày 8/6, McDonald's cho biết doanh thu của hãng trong tháng 5/2009 đã tăng 5,1%, nhưng lại thấp hơn so với mức tăng 6,9% trong tháng 4.

Trong tháng 5, doanh thu của McDonald's tại thị trường Mỹ tăng 2,8%, nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,1% trong tháng 4. Doanh thu từ thị trường châu Âu tăng 7,6%, doanh thu từ thị trường châu Á tăng 6,4%.

Trước thông tin tốc độ tăng doanh thu tháng 5 thấp hơn so với tháng 4, cổ phiếu của McDonald's (NYSE-MCD) đã giảm 1,92% xuống 58,72 USD/cổ phiếu.

Chứng khoán Mỹ đã đảo chiều vào những phút cuối ngày giao dịch, đưa các chỉ số từ mức giảm 1% lên mức cân bằng so với phiên trước đó. Cổ phiếu khối ngân hàng đột ngột tăng điểm mạnh đã kéo các S&P 500 và Dow Jones lên điểm trở lại trước khi có đợt điều chỉnh và duy trì vị thế cân bằng cho thị trường khi kết thúc ngày giao dịch.

Thị trường mở cửa với mức giảm hơn 0,5% so với phiên trước đó, sức ép tăng cung đã khiến đà giảm tiếp tục được duy trì, có lúc ba chỉ số chứng khoán chính đã giảm từ 1,3-1,7%.

Lực cầu yếu khiến các chỉ số không có một đợt phục hồi kỹ thuật đáng kể nào và tưởng chừng thị trường sẽ kết thúc ngày giao dịch với mức giảm khoảng 1%. Tuy nhiên, những phút cuối ngày giao dịch, cổ phiếu khối ngân hàng đã phục hồi mạnh nên đã kéo theo đà tăng điểm thị trường, qua đó giúp chứng khoán Mỹ thoát hiểm trong phiên đầu tuần.

Nguyên nhân dẫn đến đợt phục hồi này xuất phát từ những tín hiệu khả quan trên biểu đồ phân tích kỹ thuật khi đường trung bình 200 ngày của chỉ số S&P 500 phát đi tín hiệu về ngưỡng giá trị có thể mua vào cổ phiếu.

Nhận thấy những cổ phiếu khối ngân hàng có tính hấp dẫn hơn cả - đặc biệt là cổ phiếu của những ngân hàng sắp được FED chấp thuận cho hoàn trả số tiền đã vay từ gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ hồi tháng 10/2008, nên giới đầu tư đã tăng mạnh gom mua cổ phiếu khối này trước, sau đó là đến các cổ phiếu các ngành khác.

Chỉ số KBW khối ngân hàng đã phục hồi 1,3%, trong đó cổ phiếu JP Morgan Chase tăng 2,4%, cổ phiếu American Express lên 2,81%, cổ phiếu Bank of America tiến thêm 1,69%. Chính nhờ sức tăng của 3 cổ phiếu blue-chip này nên đã kéo chỉ số Dow Jones xanh trở lại, dù biên độ tăng là không đáng kể.

Tuy các chỉ số tránh được phiên giảm mạnh, nhưng tính thanh khoản là điều khiến nhiều nhà đầu tư hết sức lo ngại khi phiên này chỉ có 1,08 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh thành công trên sàn New York - thấp hơn khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên 1,4 tỷ cổ phiếu trong tuần trước đó, tương đương với mức giảm 23%.
Phố Wall thoát hiểm, thanh khoản giảm mạnh - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của chứng khoán Mỹ ngày 8/6 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 8/6: chỉ số Dow Jones tăng 1,36 điểm, tương đương 0,02%, chốt ở mức 8.764,49.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 7,02 điểm, tương đương 0,38%, chốt ở mức 1.842,4.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 xuống 0,95 điểm, tương đương 0,1%, đóng cửa ở mức 939,14.

Chứng khoán châu Âu mất điểm phiên đầu tuần

Cả ba chỉ số chứng khoán châu Âu đã giảm điểm do sự giảm điểm của cổ phiếu khối ngân hàng, năng lượng và khai mỏ.

Cổ phiếu khối ngân hàng đã giảm điểm mạnh, trong đó cổ phiếu Lloyds Banking Group hạ 7,7%, cổ phiếu Banco Santander, Credit Suisse, Deutsche Bank và Societe Generale giảm từ 1,6-4%.

Giá dầu và nhiều kim loại thô đã hạ nhiệt nên đã kéo cổ phiếu khối năng lượng và khai mỏ mất điểm, trong đó cổ phiếu BG Group, Total và StatoilHydro giảm từ 1-2,8%; Anglo American, BHP Billiton, Rio Tinto, Vedanta Resources và Xstrata giảm từ 2 - 4,7%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 33,34 điểm, tương đương -0,75%, chốt ở mức 4.405,22. Khối lượng giao dịch đạt 2,2 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức giảm 1,42%, khối lượng giao dịch đạt 23 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp xuống 1,48%, khối lượng giao dịch đạt 124 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán Việt Nam “một mình một ngựa”

Diễn biến phiên đầu tuần của những thị trường lớn trong khu vực cho thấy đà đi lên đã bị chững lại. Thị trường Nhật duy trì được mức tăng 1% nhờ đồng Yên giảm giá kích thích đà tăng của cổ phiếu khối xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc cũng gắng gượng lên điểm vào cuối ngày giao dịch.

Còn lại những thị trường lớn khác thì đồng loạt giảm điểm. Các thông tin bên ngoài không có nhiều tác động và các thị trường bị chi phối bởi các nhân tố bên trong.

Tuy vậy nếu nhìn sang thị trường Việt Nam, nguyên nhân khiến chỉ số VN-Index tăng gần 5% khó có thể giải thích một cách thấu đáo. Các công ty chứng khoán trong nước lý giải sự tăng điểm này là do tâm lý lạc quan và sự kỳ vọng của giới đầu tư, thậm chí có công ty chứng khoán cho đó là tâm lý đầu cơ thúc đẩy thị trường lên điểm.

Sức nóng của thị trường Việt Nam có thể khiến các thị trường khác “ghen tỵ” trong phiên này, cũng như trong tuần trước (từ 1/6 – 5/6) VN-Index tăng 16,3% trong khi các thị trường khác chỉ tăng từ 2,6-4,6%, thậm chí thị trường Hàn Quốc mất 0,08%.

Việc so sánh thị trường Việt Nam với thị trường khác trong khu vực có vẻ khập khiễng, nhưng rõ ràng một thị trường “sốt nóng” nằm trong cùng khu vực có các thị trường chứng khoán trầm lắng thì đó có thể cũng là điều nên được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn về nguyên nhân của đà tăng đó.

Liên quan đến thị trường Nhật, ngày 8/6, Bộ Tài chính Nhật cho biết xuất khẩu của nước này trong tháng 4/2009 đã tăng 7,2% so với tháng 3. Sản xuất ở các nhà máy trong tháng 4/2009 tăng lên mức cao nhất trong vòng 56 năm và các nhà sản xuất như Toyota, Canon đang có kế hoạch tăng sản lượng sản xuất trong các tháng tới.

Trong khi đó, báo cáo của Tokyo Shoko Research đã chỉ ra tỷ lệ các doanh nghiệp phá sản ở Nhật trong tháng 5/2009 đã giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1.203 trường hợp.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei 225 phiên này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua, nhờ sức tăng mạnh của cổ phiếu blue-chip nhiều hãng xuất khẩu lớn.

Tiếp sau đà tăng 2,6% trong tuần trước, 8% trong tháng 5/2009. Chỉ số Nikkei 225 nay đã phục hồi 40% so với thời kỳ điểm xuống thấp nhất trong năm - được thiết lập vào ngày 10/3.

Đồng Yên phiên đầu tuần giảm giá nên đã giúp cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn tăng điểm mạnh, trong đó cổ phiếu Canon tăng 4%, cổ phiếu Toyota lên 1,8%, cổ phiếu Honda tiến thêm 3%, cổ phiếu Advantest nhích 0,7%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 97,62 điểm, tương đương 1%, chốt ở mức 9.865,63. Khối lượng giao dịch đạt 1,1 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 3,35%. Chỉ số Straits Times của Singapore mất 2,61%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,52%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 0,1%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông xuống 2,28%. Chỉ số BSE của Ấn Độ trượt 2,27%. Chỉ số VN-Index của Việt Nan tăng 4,76%.

* Thị trường chứng khoán Australia nghỉ giao dịch nhân ngày lễ.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 8.763,13 8.764,49Up    1,36Up0,02
Nasdaq1.849,421.842,40Down    7,02Down0,38
S&P 500940,09939,14Down    0,95Down0,10
AnhFTSE 1004.438,564.405,22Down  33,34Down0,75
ĐứcDAX5.077,035.004,72Down  72,31Down1,42
PhápCAC 403.339,05 3.289,66Down  49,39Down1,48
Đài LoanTaiwan Weighted6.767,106.628,02Down228,72Down3,34
NhậtNikkei 2259.768,019.865,63Up  97,62Up1,00
Hồng KôngHang Seng18.679,5318.253,39Down426,14Down2,28
Hàn QuốcKOSPI Composite1.394,711.393,30Down    1,41Down0,10
Singapore Straits Times2.396,352.331,03 Down  31,71Down1,34
Trung Quốc Shanghai Composite2.753,892.768,34Up  14,44Up0,52
Ấn ĐộBSE15.103,5514,891,18Down212,37 Down1,41
AustraliaASX3.969,00N/AN/AN/A
Việt NamVN-Index478,72501,49Up  22,77Up4,76
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg