15:11 07/09/2008

Repo cổ phiếu đang trở lại

Thị trường thuận lợi hơn, một số công ty chứng khoán đã bắt đầu mở lại nghiệp vụ này

 Do tiềm lực tài chính có hạn nên các công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ repo một cách thận trọng và có chọn lọc hơn so với trước đây - Ảnh: Việt Tuấn.
Do tiềm lực tài chính có hạn nên các công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ repo một cách thận trọng và có chọn lọc hơn so với trước đây - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có dấu hiệu khả quan trở lại, một số công ty chứng khoán đã lên kế hoạch mở lại hoặc mở thêm nghiệp vụ repo cổ phiếu theo hướng thận trọng và chặt chẽ hơn.

Thời điểm thuận lợi

Khi thị trường chứng khoán giảm mạnh, nhiều công ty chứng khoán đã tạm ngừng nghiệp vụ repo (cho nhà đầu tư vay tiền thế chấp bằng chứng khoán) để tập trung xử lý các hợp đồng cũ với số dư nợ khá lớn.

Đến nay, khi thị trường hồi phục ở một mức nhất định, các công ty chứng khoán nhận được sự hậu thuẫn từ ngân hàng đã đi đầu trong việc mở lại nghiệp vụ này.

Từ ngày 14/8, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Quang Trung, Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS) bắt đầu triển khai nghiệp vụ repo. Trước đó, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS) thông báo mở lại nghiệp vụ này từ cuối tháng 8/2008.

Thêm nữa, trong thời gian qua, giao dịch trên thị trường OTC có phần sôi động hơn so với giao dịch trên thị trường chính thức. Nhiều công ty chứng khoán đã đẩy mạnh việc tìm kiếm hợp đồng OTC và theo dõi sát sao những diễn biến trên thị trường này. Công ty Chứng khoán Gia Quyền, Công ty Chứng khoán Sen Vàng… cho biết sẽ nhanh chóng mở lại nghiệp vụ repo vào đầu tháng 9/2008.

“Việc nắm bắt rõ tình hình cổ phiếu OTC sẽ giúp công ty chứng khoán giảm đến mức thấp nhất những rủi ro khi thực hiện lại nghiệp vụ repo. Trước đây, nhiều công ty chứng khoán đã chấp nhận repo ngay cả khi không nắm rõ tình trạng cổ phiếu. Một phần do quá lạc quan về thị trường, một phần do không đủ nhân lực để theo dõi mảng thị trường này nên các công ty đã đưa ra mức giá repo cao hơn nhiều lần so với giá trị thực của cổ phiếu”, ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt, chia sẻ.

Nhiều nhà đầu tư lạc quan về khả năng đi lên của thị trường đã mạnh dạn repo cổ phiếu để có vốn xoay sở cho những mục tiêu dài hạn. Thêm nữa, mức giá repo hiện nay đã khá sát với giá trị thực của cổ phiếu nên giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư rất dễ tìm thấy tiếng nói chung. Các công ty chứng khoán mới thành lập đã dành nhiều nguồn vốn nhàn rỗi cho dịch vụ repo cổ phiếu và coi đây là một kênh đầu tư an toàn trong lúc chờ đợi thị trường ổn định thật sự.

Ông Bạch Nguyễn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Vincom (Vincom SG), nói rằng các công ty chứng khoán có thể tranh thủ thời điểm này để nắm giữ các cổ phiếu tốt thông qua nghiệp vụ repo mà công ty sẽ bắt đầu từ tháng 9. Vincom SG sẽ công bố tỷ lệ repo đối với khoảng 20 loại cổ phiếu trong danh mục để nhà đầu tư tham khảo.

“Vincom SG coi đây là thời điểm thuận lợi triển khai nghiệp vụ repo. Ban đầu chúng tôi dành khoảng 30-50 tỉ đồng cho nghiệp vụ repo như là bước thăm dò nhu cầu thị trường, từ đó sẽ có kế hoạch phát triển thích hợp. Quan trọng là thông qua dịch vụ này, chúng tôi có thể thu hút nhiều nhà đầu tư đến với các dịch vụ công nghệ thông tin hiện đại như hệ thống giao dịch trực tuyến mà Vincom mới đầu tư”, ông Vũ nói thêm.

Repo có chọn lọc

Do tiềm lực tài chính có hạn nên các công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ repo một cách thận trọng và có chọn lọc hơn so với trước đây.

Ông Trần Minh Toàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sen Vàng, cho biết công ty chỉ cung cấp nghiệp vụ repo đối với các nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty. “Chúng tôi coi repo như một dịch vụ cộng thêm để phục vụ khách hàng, giữ chân khách hàng thân thiết và thu hút khách hàng mới”, ông Toàn nói.

Thêm nữa, các công ty chứng khoán đã siết chặt lại danh mục cổ phiếu repo, chỉ còn khoảng 15-20 mã cổ phiếu, thay vì lên đến hàng trăm như trước đây. Ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc SBS, cho biết chỉ áp dụng repo đối với 15 loại cổ phiếu hàng đầu đã được niêm yết trên sàn chứng khoán và một số cổ phiếu chưa niêm yết như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Nhà Hà Nội, Hoàng Anh - Gia Lai, Vinaconex...

Công tác đánh giá cổ phiếu sẽ được phòng phân tích và phòng đầu tư của các công ty thực hiện kỹ hơn. Khi đó, công ty chứng khoán phải đứng trên quan điểm của ngân hàng, tức là phải bảo toàn tối đa nguồn vốn dù trong trường hợp nào. Bài học kinh nghiệm từ đợt biến động vừa qua là phải định giá cổ phiếu repo vừa căn cứ vào thị giá vừa dựa trên lý lịch và hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng không chỉ công ty chứng khoán mà cả nhà đầu tư đều nên thận trọng với dịch vụ repo.

Ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cho rằng với lãi suất 1,7-1,8%/tháng, nhà đầu tư sẽ rất khó kiếm lời. Vì vậy, nhà đầu tư chỉ nên repo nếu xét thấy cổ phiếu đó có khả năng sinh lời cao trong tương lai.

Một vấn đề nữa là nhà đầu tư phải kiểm soát được cổ phiếu OTC mình đang thực hiện repo, tránh trường hợp repo cổ phiếu này để mua cổ phiếu khác rồi lại tiếp tục repo cổ phiếu vừa mua, gây ra sự chồng chéo và khó giải quyết khi thị trường chuyển biến xấu.

Hiện nay, Chính phủ đang thảo luận việc cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản. Nếu được thông qua, quy định mới này sẽ giúp cho các hoạt động chứng khoán trở nên chuyên nghiệp và cạnh tranh lành mạnh hơn.

Khi được mở tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thêm sự chọn lựa và dễ dàng so sánh dịch vụ giữa các công ty. Các công ty chứng khoán sẽ cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn, công ty chứng khoán sẽ đưa ra mức giá repo hợp lý hơn, vừa an toàn cho công ty song vẫn đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

(Theo TBKTSG)