11:09 19/01/2007

Sau bánh, tới kem lên sàn

Hỏi chuyện ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc hệ thống Kinh Đô, về kế hoạch niêm yết và sáp nhập trong tương lai của hệ thống này

Ông Trần Lệ Nguyên (trái), trò chuyện với các nhà đầu tư nước ngoài trong một phiên đấu giá cổ phiếu Kinh Đô - Ảnh: VNN.
Ông Trần Lệ Nguyên (trái), trò chuyện với các nhà đầu tư nước ngoài trong một phiên đấu giá cổ phiếu Kinh Đô - Ảnh: VNN.
Trong chín công ty thành viên của hệ thống Kinh Đô thì có đến ba đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là Kinh Đô miền Bắc, Kinh Đô miền Nam và Công ty Nước giải khát Tribeco.

Thành viên thứ tư, Công ty Cổ phần KIDO, vừa được phát hành cổ phiếu ra công chúng và chuẩn bị niêm yết. Báo giới đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc hệ thống Kinh Đô, về động thái trên.

KIDO phát hành thêm cổ phiếu trong thời điểm này nhằm mục tiêu gì?

Tiền thân của KIDO là hãng kem Wall’s của Unilever trước đây được Kinh Đô mua lại. Do nhu cầu mở rộng sản xuất thêm ngành sữa và các chế phẩm từ sữa nên KIDO cần thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển. Công ty sẽ phát hành thêm 2 triệu cổ phiếu, trong đó 1,1 triệu cổ phiếu dành cho đối tác chiến lược, phần còn lại phát hành ra công chúng.

Thời gian đầu, do tái cấu trúc công ty nên KIDO chỉ tăng trưởng 4%/năm, đến nay đạt mức tăng trưởng bình quân 28%. Doanh thu năm 2006 đạt khoảng 124 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 12 tỉ đồng.

Cụ thể thì KIDO sẽ sử dụng nguồn vốn thu hút được như thế nào?


Năm 2008, KIDO sẽ đầu tư một nhà máy mới chuyên chế biến kem - sữa - nước giải khát tại tỉnh Hưng Yên (trong phần đất của nhà máy Kinh Đô miền Bắc) nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh tại khu vực đồng thời giảm chi phí vận chuyển hiện nay khá cao. Mức tiêu thụ kem, sữa và các sản phẩm từ sữa trên đầu người Việt Nam hiện chỉ đạt 0,3 lít/năm trong khi ở Thái Lan là 3 lít/năm. Do vậy dư địa để tăng trưởng còn rất lớn.

Có lẽ cũng nhận ra điều này nên năm 2005 một công ty Hàn Quốc đã từng đề nghị mua lại Công ty KIDO với giá 10 triệu đô la Mỹ.

Khi “về” với Kinh Đô, kem Wall’s tăng trưởng thấy rõ. Với Tribeco, có vẻ như hiệu quả không cao?


Điều đó đúng. Với kem Wall’s, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên nghiệp và Kinh Đô tiếp nhận, điều hành 100% ngay từ đầu.

Với Tribeco, do nhiều năm không đầu tư nâng cấp thiết bị và công nghệ, nguồn vốn cũng không đủ, lại phải tái cấu trúc công ty nên chưa thể có hiệu quả ngay được. Việc đầu tư nhà máy Tribeco ở Bình Dương hoàn toàn mới và hiện đại là vì vậy. Nhà máy tại Hưng Yên sau này cũng sẽ sản xuất nước giải khát. Một tác động cũng không tốt là sau khi tiếp nhận Tribeco thì giá đường tăng chóng mặt.

Năm 2006, trượt giá từ đường mà Tribeco phải chịu đến hơn 20 tỉ đồng. Nếu số này là lãi thì hiệu quả đã khác.

Được biết Kinh Đô đã có kế hoạch sáp nhập các thành viên lại. Hiện đã triển khai chưa?


Đại hội đồng cổ đông đã giao quyền cho hội đồng quản trị nhưng hiện còn vướng ở chỗ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có hướng dẫn vấn đề này đối với những công ty đã niêm yết.

Tuy nhiên, nếu không có gì trở ngại, chúng tôi sẽ tiến hành sáp nhập trong năm nay. Trước mắt là Kinh Đô miền Nam và miền Bắc, sau đó đến các thành viên khác để hình thành một hệ thống quản trị và tài chính thống nhất.

Lúc ấy chỉ còn một loại cổ phiếu Kinh Đô - KDC - trên thị trường thôi.

Vì sao ban lãnh đạo Kinh Đô quyết tâm với chuyện sáp nhập như vậy?

Khi sáp nhập, quy mô doanh nghiệp sẽ lớn hơn, tiếng nói mạnh hơn khi đàm phán với các đối tác là nhà phân phối (trung tâm thương mại, siêu thị…), nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư (đường, sữa, bột, hương liệu…), hạn mức tín dụng cũng tốt hơn.

Vấn đề vận chuyển, kho chứa, các chi nhánh… đều hiệu quả hơn do không cần mỗi anh phải một kho, một chi nhánh, một người đại diện… Quản lý trên toàn hệ thống thì giảm được nhiều chi phí, về quản trị, tư vấn, quảng bá hình ảnh, khuyến mãi.

Đấy là chưa kể việc khai thác chung hệ thống phân phối trên cả nước với 25 cửa hàng bakery, 215 nhà phân phối và 65.000 điểm bán lẻ.

Về hiệu quả kinh doanh, tập đoàn có thể điều tiết hỗ trợ giữa các thành viên với nhau để có tiếng nói chung.

Sau 13 năm thành lập, Kinh Đô phát triển rất nhanh cả về quy mô lẫn uy tín thương hiệu. Ông rút ra điều gì từ đó?

Cách đây chừng 10 năm, khi nói đến thương hiệu, người ta thường nói đến những thương hiệu ngoại như Unilever, P&G, Pierre Cardin… Hiện giờ thì khác, đó là những Đồng Tâm, Kinh Đô, Trung Nguyên, Việt Tiến… Hay nói đến khả năng về vốn, doanh nghiệp trong nước hiện dư sức đầu tư những dự án lớn như The Manor của Bitexco chẳng hạn.

Một dấu hiệu khác, chương trình khuyến mãi của Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim hay đấu giá cổ phiếu của Công ty Bảo hiểm Dầu khí PVI đã thu hút rất đông người tham gia dù phải xếp hàng dài chờ đợi. Rõ ràng doanh nghiệp trong nuớc đã mạnh lên, vốn trong dân cũng rất lớn. Đó là điều đáng mừng.

Riêng với cá nhân tôi, trong phát triển doanh nghiệp, vấn đề là phải đầu tư đúng hướng và đúng thời điểm chứ không sợ đầu tư đa ngành, không sợ thiếu vốn.

* Năm 2007 Kinh Đô sẽ nhập cùng lúc bốn dây chuyền sản xuất bánh trị giá 15 triệu đô la Mỹ để mở rộng sản xuất. Nhà máy Kinh Đô và Tribeco tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Bình Dương, chính thức hoạt động sẽ tăng doanh số thêm 20-30% và thị trường xuất khẩu sẽ tăng 30%. Hiện Kinh Đô xuất hàng đi hơn 30 nước, chỉ riêng thị trường Nhật đã tiêu thụ từ 30-50 container/tháng, thị trường Mỹ 80-100 container/tháng. Năm 2007 Kinh Đô cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư bất động sản.

Số liệu hoạt động kinh doanh hệ thống Kinh Đô năm 2006
Vốn điều lệ 849,48 tỉ đồng
Nhân sự 6.016 người
Doanh thu 2.000 tỉ đồng
Lợi nhuận 230 tỉ đồng
Nộp ngân sách 120 tỉ đồng
Đầu tư 142 tỉ đồng