10:01 31/01/2012

Tổng hợp kết quả kinh doanh trên HSX

Minh Hà

TDW, VHG, VST, CMS, HSI, BAS và DSN công bố kết quả kinh doanh và giải trình lợi nhuận quý 4/2011 tăng, giảm so với cùng kỳ

Diễn biến giá cổ phiếu TDW trong 3 tháng qua. Nguồn: HSX.
Diễn biến giá cổ phiếu TDW trong 3 tháng qua. Nguồn: HSX.
Các công ty trên HSX là TDW, VHG, VST, CMS, HSI, BAS và DSN công bố kết quả kinh doanh và giải trình lợi nhuận quý 4/2011 tăng, giảm so với cùng kỳ.

* Công ty Cổ phần cấp nước Thủ Đức (mã TDW) cho biết doanh thu thuần quý 4/2011 đạt 82,7 tỷ đồng, lũy kế đạt 314,6 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt 7,3 tỷ đồng, lũy kế đạt 24,8 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế quý 4 đạt 6,1 tỷ đồng, lũy kế đạt hơn 21 tỷ đồng.

TDW cho biết, lợi nhuận trước thuế quý 4 của công ty đạt 7,3 tỷ đồng, giảm hơn 5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (12,5 tỷ đồng), tương ứng giảm 41,52% là do lợi nhuận từ hoạt động chính giảm hơn 6,2 tỷ đồng (giảm 58,82%) nguyên nhân quý 4/2011 Tổng công ty đã thực hiện mua bán sỉ nước sạch qua đồng hồ tổng, các chi phí không còn được hỗ trợ thanh toán từ Tổng công ty như trước...

Mặt khác, thu nhập từ hoạt động tài chính và thu nhập khác tăng gần 591 triệu đồng (tăng 24,78%) so với cùng kỳ do sử dụng vốn lưu động tạm thời nhàn rỗi gửi vào ngân hàng với kỳ hạn ngắn để tạo nên thu nhập và tăng cường rà soát áp dụng đúng biểu giá sử dụng nước cho các đối tượng.

Năm 2011, TDW dự kiến tổng doanh thu đạt gần 341 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 24,44 tỷ đồng, cổ tức 12,39%.

* Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn (mã VHG) cho biết kết quả kinh doanh quý 4 của công ty mẹ với doanh thu bán hàng trong quý 4 đạt 54,8 tỷ đồng; lũy kế đạt hơn 249 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lỗ gần 13 tỷ đồng, lũy kế lỗ gần 27 tỷ đồng. EPS năm 2011 -830 đồng, EPS trong quý 4 -516 đồng.

VHG cho biết doanh thu quý 4 năm nay của công ty đạt 54,8 tỷ đồng, giảm 30,57% so với cùng kỳ năm trước (hơn 79 tỷ đồng) do giảm xuất hành vì khách hàng điều chỉnh nhận hàng, ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết mưa bão. Cạnh tranh mạnh và điều kiện thanh toán không tốt doanh ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ nên công ty chủ động giảm bán hàng ra.

Cũng trong quý 4, hoạt động thanh lý tài sản nhà máy cáp đồng (đã ngừng sản xuất) làm lợi nhuận biên giảm 61,14% so với cùng kỳ. Mặt khác, quý 4/2011, hoạt động tài chính của công ty lỗ trên 5,7 tỷ đồng so với mức lỗ 2,2 tỷ đồng cùng kỳ. Nguyên nhân là do chi phí tài chính tăng mạnh do các dự án đầu tư đang trong giai đoạn xác lập và triển khai.

Năm 2011, VHG dự kiến doanh thu đạt 350 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 25 tỷ đồng.

* Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (mã VST) cho biết doanh thu thuần quý 4/2011 của công ty đạt 378 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ (437,3 tỷ đồng); lợi nhuận hoạt động tài chính -109 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ (-79,5 tỷ đồng); lợi nhuận khác đạt 138 tỷ đồng, tăng 182% so với cùng kỳ (49,2 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt 42,3 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ (25 tỷ đồng).

Theo VST, trong quý 4, mawch dù sản lượng vận chuyển đội tầu công ty đạt 453.912 tấn tăng 7% nhưng do giá cước vận tải tiếp tục đà suy giảm và đội tàu công ty thu hẹp (giảm 3 tàu với trọng tải giảm 52.556DWT) nên doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh quý 4 giảm 59 tỷ đồng tương ứng giảm 14%;

Mặt khác, do lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức cao, lãi vay quý 4 tăng 13% so vớ cùng kỳ. Trong kỳ, lỗ hoạt động tài chính tăng đột biến (37%) chủ yếu vì công ty hạch toán khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư nợ dài hạn trong năm với số tiền phân bổ là 61 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước là 30 tỷ đồng; trong kỳ, lợi nhuận khác đạt đạt 139 tỷ đồng từ việc bán tàu VTC Star, do vậy lợi nhuận sau thuế của công ty đạt trên 42 tỷ đồng.

* Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (mã CMS) cho biết doanh thu quý 4/2011 của công ty đạt 758 tỷ đồng, giảm 8,87% so với cùng kỳ (832 tỷ đồng); lãi gộp đạt 104,8 tỷ đồng, tăng 21,08% so với cùng kỳ (86,6 tỷ đồng); doanh thu hoạt động tài chính 2,4 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ (6,6 tỷ đồng); chi phí tài chính là 34 tỷ đồng, tăng hơn 252% so với cùng kỳ (9,6 tỷ đồng), trong đí chi phí lãi vay tăng 107,12%, chi phí bán hàng tăng 161,63%; lợi nhuận sau thuế đạt 25,5 tỷ đồng, giảm 44,85% so với cùng kỳ (hơn 39 tỷ đồng).

CMS cho biết, lãi gộp tăng 18,2 tỷ đồng tương ứng tăng 21,08% so với cùng kỳ là do doanh thu giảm 73,8 tỷ đồng do doan thu kinh doanh vật tư giảm so với cùng kỳ; giá vốn giảm 100,3 tỷ đồng do trong năm 2011 công ty không có kinh doanh vật tư và thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, chi phí sản xuất;

Mặt khác, chi phí tài chính tăng 24,2 tỷ đồng do chi phí lãi vay, chênh lệch tỷ giá phát dinh và trích dự phòng dài hạn; Chi phí bán hàng tăng 14,9 tỷ đồng do công ty điều chỉnh chính sách hoa hồng khuyến mãi và chi phí quản lý giảm 5,3 tỷ đồng do công ty quản lý chặt chẽ các chi phí.

* Công ty Cổ phần Vật tư Tổng hợp và Phân bón Hóa (mã HSI) cho biết kết quả kinh doanh quý 4/2011 của công ty mẹ đạt 2,6 tỷ đồng, giảm 3,2 tỷ đồng so với cùng kỳ (5,8 tỷ đồng). Nguyên nhân là do trong quý 4 này có phát sinh khoản giảm trừ hàng bán bị trả lại với số tiền là 10,5 tỷ đồng làm doanh thu thuần trong qý giảm;

Mặt khác, do khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị ngập nặng trong đầu vụ đông xuân năm 2011 (thời điểm quý 4) đã làm cho vụ đông xuân đến muộ từ 1,5 - 2 tháng do đó làm giảm khả năng tiêu thụ phân bón trong quý 4 của công ty.

* Công ty Cổ phần BASA (mã BAS) cho biết doanh thu quý 4/2011 đạt 4,6 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2011 đạt 19,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý 4/2011 lỗ 9,7 tỷ đồng, lũy kế năm 2011 lỗ 22,5 tỷ đồng. Năm 2010, BAS báo lỗ 2,3 tỷ đồng trong quý 4 và cả năm 2010 lỗ 7,5 tỷ đồng.

BAS cho biết quý 4 năm 2011 công ty lỗ 9,7 tỷ đồng nguyên nhân là do công ty thiếu vốn hoạt động nên phải vay ngắn hạn dẫn đến chi phí tài chính quý 4/2011 là 4,2 tỷ đồng trong đó chi phí trích trước lãi ngân hàng vào cuối năm tài chính là gần 1,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, do thiếu vốn hoạt động nên doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chứng và phải chịu chi phí cho quản lý doanh nghiệp cao, chi phí trích lập dự phòng dự phòng khó đòi cuối năm tài chính là gần 1,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó do tình hình chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng giá làm cho định phí tăng tương ứng. Thành phẩm làm ra với số lượng rất thấp mà chi phí sản xuất lại tăng, nên giá thành cao tương ứng, giá bán bị cạnh tranh nên doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho cuối năm tài chính là hơn 908,2 triệu đồng.

* Công ty Cổ phần công viên nước Đầm Sen (mã DSN) cho biết, doanh thu quý 4 của DSN đạt 20,3 tỷ đồng, lũy kế năm 2011 đạt 134,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý 4 đạt 10,2 tỷ đồng, EPS đạt 1.206 đồng, lũy kế lợi nhuận năm 2011 đạt gần 57 tỷ đồng, EPS đạt 6.745 đồng.

DSN cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 13,7 tỷ đồng tăng 163% so với cùng kỳ (5,2 tỷ đồng) chủ yếu là được thực hiện từ các dịch vụ kinh doanh chính tại Công viên nước. Trong quý 4, lượng khách đến vui chơi tại công viên nước tăng trên 12% nên kéo theo doanh thu bán hàng tăng 26%. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng 88% so với cùng kỳ.