20:37 11/12/2009

Triển vọng chứng khoán Việt Nam 2010? (phần 2)

VnEconomy

Nội dung cuộc giao lưu trực tuyến giữa đại diện Ủy ban Chứng khoán, quỹ đầu tư và 5 công ty chứng khoán lớn cùng bạn đọc VnEconomy

Các diễn giả có mặt tại cuộc giao lưu trực tuyến chiều nay.
Các diễn giả có mặt tại cuộc giao lưu trực tuyến chiều nay.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán, quỹ đầu tư và 5 công ty chứng khoán lớn đã có buổi giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc VnEconomy.
 
 Với chủ đề “Triển vọng chứng khoán Việt Nam 2010?”, cuộc giao lưu trực tuyến diễn ra vào lúc 14h-16h30 ngày 11/12/2009, tại trụ sở Thời báo Kinh tế Việt Nam (Hà Nội), với sự tham gia của các vị khách mời:
  
 - Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
 
 - Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
 
 - Ông Hoàng Xuân Quyến, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
 
 - Ông Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TSC)
 
 - Bà Lê Lệ Hằng, Giám đốc Khối phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
 
 - Ông Lê Anh Thi, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt (AVSC)
 
 - Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital
 
 Sau đây, VnEconomy xin giới thiệu những nội dung chính của cuộc giao lưu:
 
Phần 1 / Phần 2 / Phần 3

Tran Van Loi - Nam 34 tuổi - Ke toan:
 
 Xin hỏi anh Quách Mạnh Hào: Tôi thường xem trang website cá nhân của anh, tôi thấy nhận định của anh khá chính xác từ thời điểm tháng 1 đến tháng 10. Tuy nhiên, tôi thấy thời điểm hiện tại rất xấu để mua cổ phiếu, nhưng anh lại khuyên giải ngân bắt đầu giữa tháng 12 này. Vậy anh dựa trên những cơ sở nào? Và cổ phiếu ngành điện anh đánh giá như thế nào trong 2010 nếu mua vào thời điểm hiện nay (VSH và PPC). Cảm ơn anh.
 
 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Bạn nói rất đúng. Cá nhân tôi cũng nhận thấy rằng, mức độ chính xác trong các dự báo của tôi thời gian gần đây có vấn đề do tôi sử dụng phương pháp mô hình định lượng trong dự báo mà đặc trưng của các mô hình này là đòi hỏi một sự ổn định về môi trường vĩ mô. Những sự biến động của chính sách vĩ mô hiện tại có thể đã làm cho các mô hình của tôi không mang lại hiệu quả như trước đây.
 
 Về khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc mua vào thời điểm giữa tháng 12 thực tế là sự kết hợp giữa phân tích dòng tiền và phân tích kỹ thuật. Tôi cũng không kỳ vọng thị trường tăng điểm mạnh trong tháng 12 nhưng tôi kỳ vọng nó sẽ tạo đáy vào và bắt đầu chuyển động từ giữa tháng 12 để hướng tới sự tăng trưởng tốt hơn vào tháng 1. Mặc dù vậy, tôi vẫn khuyến cáo nhà đầu tư nên để ý sự tăng lên của khối lượng giao dịch như điều kiện đủ cho nhận định nêu trên.
 
 Nếu kỳ vọng trên của tôi không xảy ra, chắc chắn tôi sẽ thay đổi mô hình để phục vụ những người bạn và các nhà đầu tư của tôi tốt hơn.
  
 Phạm Minh Khánh - Nam 20 tuổi - Sinh viên:
 
 Xin các diễn giả nhận định sự phát triển của nhóm ngành nào trong tương lai sẽ tốt khi đón nhận thông tin cam kết vốn ODA 2010 là 8,2 tỷ USD, cùng với chính sách nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%/năm? Việc sử dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường thời gian qua có những lợi ích - tác hại như thế nào? Xin chân thành cảm ơn!
 
 Bà Lê Lệ Hằng:
 
 Việc Việt Nam được các tài trợ cam kết hơn 8 tỷ USD trong năm 2010 là một tín hiệu tích cực cho thấy các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm đến Việt Nam và ghi nhận những nỗ lực của chúng ta.
 
 Nguồn vốn ODA thường được ưu tiên cho các dự án xóa đói giảm nghèo và phát triển hạ tầng. Theo quan điểm của chúng tôi, các ngành và hạ tầng, xây dựng và vật liệu xây dựng có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn vốn ODA này.
 
 Liên quan đến việc nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% thì ngành ngân hàng sẽ bớt khó khăn hơn. Về việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong thời gian qua đã làm tăng lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán và làm tăng tính thanh khoản của thị trường.
 
 Tuy nhiên việc sử dụng đòn bẩy tài chính luôn có rủi ro và nhiều nhà đầu tư không thực sự ý thức hết mức độ rủi ro, hơn nữa các quy định về sử dụng đòn bẩy tài chính ở Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng đã tạo ra một sân chơi không công bằng cho các nhà đầu tư.
 
 Đồng thời với lượng tiền đòn bẩy lớn thì thị trường chứng khoán cũng trở nên nhạy cảm hơn với những thay đổi của chính sách tiền tệ và điều này tăng mức độ biến động (volatility) của thị trường trong thời gian qua.
 
 Hoang - Nam 36 tuổi - Banker:
 
 Xin hỏi ông Hùng: Để thị trường chứng khoán Việt Nam ổn định và phát triển tốt, theo ông, với tư cách là cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán cần làm gì để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ trước những tiêu cực xảy ra trên thị trường trong thời gian qua?
 
 Ông Nguyễn Đoan Hùng:
 
 Để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ, điều quan trọng là phải minh bạch thông tin, chính vì vậy, Bộ tài chính đang chuẩn bị ban hành Thông tư thay thế Thông tư 38/2007 về công bố thông tin. Trong đó, yêu cầu về công bố thông tin được chi tiết và cụ thể tới từng đối tượng tham gia thị trường.
 
 Đối với các nhà đầu tư là các cổ đông nhỏ lẻ, Ủy ban Chứng khoán cũng khuyến nghị các đối tượng này cần thực hiện đầy đủ các quyền biểu quyết của mình tại các đại hội cổ đông của doanh nghiệp để tham gia ý kiến vào các quyết định quan trọng của doanh nghiệp.
  
 Tran Duc Hoang - 32 tuổi:
 
 Ông Hào hay các chuyên gia khuyên chờ khối lượng giao dịch đủ lớn hẵng vào. Với công ty của ông hay các nhà đầu tư tổ chức, tín hiệu là gì? Hiện nay các ông cũng đang chờ vào cuộc?
 
 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Chào bạn,
 
 Chúng tôi cũng như một vài khách hàng tổ chức có quan hệ với chúng tôi đều xác định rằng khi Index xuống dưới 500 điểm sẽ là cơ hội để mua. Chúng tôi chọn mua tại những thời điểm mà chúng tôi nghĩ rằng khối lượng giao dịch có xu hướng tăng lên chứ không chỉ dựa vào chỉ số.
 
 Tất cả những gì tôi có thể nói với bạn là hiện tại chúng tôi vừa có tiền vừa có cổ phiếu, và chúng tôi vẫn tiếp tục quan sát thị trường.
  
 Hai Anh - Nữ 25 tuổi - Ke toan:
 
 Kính gửi bà Lê Lệ Hằng. Theo bà trong thời gian hiện tại nếu đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn có khả thi đối với các nhà đầu tư dài hạn không?
 
 Bà Lê Lệ Hằng:
 
 Về dài hạn, chúng tôi luôn đánh giá cao những công ty có nền tảng cơ bản tốt, bao gồm bộ máy quản trị tốt, tình hình tài chính lành mạnh, có tiềm năng tăng trưởng bền vững và có mức định giá hợp lý.
 
 Nguyễn Hải Khôi - Nam 25 tuổi - Môi giới chứng khoán:
 
 Thưa anh Hào, trong các nhận định của anh luôn nhắc đến mốc thời gian giữa tháng 12 thị trường sẽ có chuyển biến tích cực. Xin anh cho biết anh nhận định như vậy dựa trên cơ sở nào?
 
 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Tôi xin nhấn mạnh rằng, phương pháp dự báo của tôi dựa trên cơ sở mô hình định lượng với giả định về các biến số kinh tế vĩ mô trong đó có chu kỳ kinh doanh, dòng tiền, tăng trưởng tín dụng, và niềm tin nhà đầu tư. Mô hình này cho tôi một xác suất cao về việc thị trường tạo đáy trước giữa tháng 12 và do vậy, tôi đã đưa ra nhận định rằng, thị trường sẽ chuyển động từ giữa tháng 12.
 
 Tôi cũng đã nhìn về quá khứ lịch sử 9 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam để xác nhận giả thuyết này và kết quả cũng tương tự. Do vậy, tôi tự tin. Tuy nhiên, phương pháp của tôi cũng chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để các bạn cân nhắc.
  
 Đặng Trang - Nữ 32 tuổi - Kế toán:
 
 Kính gửi các chuyên gia, Đề nghị cho đánh giá về vấn đề tiền kích cầu đã chảy vào chứng khoán, làm thị trường chứng khoán diễn biến khó lường và kết quả đang thể hiện trên HOSE và HNX trong thời gian qua?
 
 Ông Nguyễn Quang Bảo:
 
 Quay lại giai đoạn rất khó khăn năm 2008 khi nền kinh tế đứng trước nguy cơ đổ vỡ của một loạt các công ty kinh doanh bất động sản, xây dựng, thị trường xuất khẩu bị suy giảm, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên tới 40%/năm, thị trường tài chính thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng được đánh giá là lớn nhất tính từ cuộc khủng hoảng 1929-1933...
 
 Như vậy chúng ta có thể thấy vai trò cực kỳ quan trọng của gói kích cầu được thực hiện trong năm 2009. Nhiều doanh nghiệp thoát khỏi phá sản, đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động, cứu vãn nguy cơ mất thanh khoản trong hoạt động ngân hàng…
 
 Có thể một phần khoản tiền kích cầu này đã chảy vào chứng khoán, nhưng mức độ ảnh hưởng, tốt hay xấu là vấn đề lớn cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng cẩn trọng. Việc trồi sụt của thị trường chứng khoán bắt nguồn từ nhiều yếu tố và chắn chắn không thể đổ lỗi cho chính sách kích cầu
  
 Nguyễn Thái Học - Nam 37 tuổi - Chuyên viên:
 
 Tôi xin được hỏi các quý vị 3 câu hỏi sau:
 
 1 - Trong khoảng thời gian trước ngày 1/12/2009 các vị có cho phép các khách hành VIP của mình bán chứng khoán trong thời gian T+ "ưu ái" hay không? 2 - Các vị cho biết ý kiến của mình (giả sử các vị là nhà đầu tư nhỏ lẻ) khi bị hạn chế bởi thời gian T+4 trong khi các VIP đã có rất nhiều lợi thế rồi mà còn được thêm quyền được bán chứng khoán trong thời gian T+ "ưu ái" đó? 3 - Thời hạn ngày 1/12 được Ủy ban Chứng khoán đưa ra về vấn đề này có ý nghĩa như thế nào? Tại sao không phải là cấm ngay lập tức chế độ đó?
 
 Ông Hoàng Xuân Quyến:
 
 Cám ơn sự quan tâm của bạn,
 
 Tôi cũng đồng ý với bạn là nếu việc cho phép một số ít khách hàng VIP bán chứng khoán T+ sẽ gây nên sự bất bình đẳng và thua thiệt cho nhà đầu tư khác.
 
 Về việc Ủy ban Chứng khoán yêu cầu các công ty chứng khoán không được phép cho nhà đầu tư bán chứng khoán trước T+4, từ ngày 1/12, chính là nhằm lập lại trật tự giao dịch và tuân thủ nguyên tắc giao dịch, tạo sự bình đẳng cho nhà đầu tư.
  
 Lê Nga - Nam 24 tuổi - Kinh doanh:
 
 Xin hỏi ông Lê Anh Thi: Ở thời điểm này, hai kênh đầu tư là thị trường chứng khoán và bất động sản đều có dấu hiệu chững lại, và có xu hướng giảm sâu trong tương lai. Vậy ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản trong năm 2010?
 
 Ông Lê Anh Thi:
 
 Hiện nay hai kênh đầu tư này đều chững lại do dòng tiền vào hai kênh này suy giảm, biểu hiện qua tín dụng cho bất động sản, chứng khoán đều giảm mạnh.
 
 Với nguy cơ lạm phát trong năm 2010, nếu có sự suy giảm thì thị trường chứng khoán thường giảm mạnh hơn thị trường bất động sản do bất động sản vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn và có giá trị sử dụng cụ thể hơn chứng khoán.
 
 Tuy nhiên, tôi cho rằng, khi dòng tiền vào hai kênh này phục hồi thì thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh hơn. Điều này một phần vì thị trường chứng khoán tăng trưởng còn gắn liền với sự tăng trưởng của nền kinh tế, cụ thể là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Điều này được dự báo là khả quan trong năm 2010 khi nền kinh tế thế giới phục hồi và GDP Việt Nam 2010 dự báo là 6,5%, cao hơn so với 2009 là 5,2%.
 
 Nhìn chung thị trường bất động sản thường dao động trong biên độ hẹp hơn và đi sau thị trường chứng khoán. Ngoài ra, thị trường bất động sản tăng giảm còn có yếu tố cục bộ.
  
 Mai Xuan Thuong - Nam 46 tuổi - Nhà đầu tư:
 
 Xin được hỏi đại diện của Dragon Capital. Là quỹ lâu năm nhất và có quy mô lớn tại Việt Nam, kinh nghiệm của quỹ có thể lý giải tình hình thị trường hai tháng qua như thế nào? Nếu có thể xin cho biết ứng xử của quỹ với tình hình đó? Quỹ có thể cho biết kế hoạch, định hướng hoạt động trong năm tới không? Chân thành cảm ơn và mong đại diện Dragon Capital chia sẻ.
 
 Ông Vũ Hữu Điền:
 
 Trong 2 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động theo xu hướng giảm điểm và những ngày gần đây giảm tương đối mạnh do một số nguyên nhân sau:
 
 Thứ nhất, về mặt vĩ mô có sự lo ngại về thâm hụt mậu dịch, về sự mất giá đồng tiền, lo ngại về lạm phát.
 
 Thứ hai, do Chính phủ đã quyết định dừng gói hỗ trợ lãi suất đúng hạn, không kéo dài; thêm vào đó Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, cung tiền.
 
 Thứ ba, thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán đã cho các nhà đầu tư thực hiện repo và magin trading với số tiền tương đối lớn, lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tình hình này rơi đúng vào thời điểm thị trường tăng mức cao và những chính sách vĩ mô của Nhà nước gây bất lợi cho thị trường.
 
 Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư cá nhân với số lượng chiếm đến 80% thị phần. Nhà đầu tư cá nhân thường giao dịch ngắn hạn và có tâm lý không vững, làm thị trường bị ảnh hưởng.
 
 Đối với Dragon Capital, chúng tôi thấy nền tảng kinh tế của Việt Nam khá tốt và Chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý những vấn đề kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu đã rơi xuống mức tương đối hấp dẫn để đầu tư trung và dài hạn.
 
 Vì thế chúng tôi xem đây là cơ hội để mua vào những cổ phiếu tốt thuộc các ngành nghề có triển vọng trong năm tới.
  
 Đặng Thai Mai - Nữ 27 tuổi - Nhân viên văn phòng:
 
 Thưa ông Quyến, tôi có cổ phiếu chưa lên sàn, có thể dùng làm tài sản cầm cố cho giao dịch ký quỹ được không? Cám ơn ông.
 

 Ông Hoàng Xuân Quyến:
 
 Trong giao dịch ký quỹ, các nhà đầu tư sử dụng tài sản đảm bảo là các chứng khoán mà nhà đầu tư mua ký quỹ, các cổ phiếu niêm yết khác hoặc các cổ phiếu chưa niêm yết.
 
 Cụ thể cổ phiếu nào được phép đưa vào tài sản đảm bảo trong giao dịch ký quỹ thì còn chờ hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán và thủ tục giao dịch ký quỹ đặc thù của mỗi công ty chứng khoán.
  
 Vũ Minh Thắng - Nam 30 tuổi - Nhan vien VP:
 
 Anh chị có thể cung cấp thông tin về tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng? Liệu có căng thẳng như các tin đồng hiện có trên thị trường không? Gửi anh Hào, theo nhận định của anh, khi nào dòng tiền sẽ chảy vào thị trường (chứng khoán)?
 
 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Tình hình thanh khoản khó khăn trong hệ thống ngân hàng thực chất đã xuất hiện từ giữa tháng 10, thể hiện thông qua sự tăng lên của lãi suất và của tỷ suất lợi tức trái phiếu. Cho tới một tuần trước, diễn biến lãi suất vẫn hết sức căng thẳng, tuy nhiên, ngày hôm nay, tôi nghe tin mặc dù chưa có số liệu chính thức rằng, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống. Tôi hy vọng vấn đề thanh khoản sẽ được cải thiện sớm, và khi đó chúng ta có thể hy vọng vào sự khởi động trở lại của dòng tiền vào thị trường chứng khoán.
 
 Nguyễn Cường - Nam 30 tuổi - Nghiên cứu - Phân tích:
 
 Theo các chuyên gia, 'vùng đáy' của thị trường sẽ nằm ở đâu, trong tháng 12/2009 hay sang quý 1/2010, và cơ sở của các tư vấn trên!
 
 Ông Nguyễn Quang Bảo:
 
 Theo tính toán của tôi, vùng đáy của thị trường có thể hình thành từ ngày 15-25/12/2009. Lý do:
 
 - Sức ép giải ngân của các khoản vay cầm cố chứng khoán trong giai đoạn này là lớn nhất.
 
 - Các ngân hàng thương mại phải cố gắng kìm giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 30-35% trong năm 2009 nên hoạt động tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn. Tình hình này sẽ được cải thiện trong năm 2010.
 
 - Với việc suy giảm mạnh của thị trường trong 2 tháng vừa qua, các chỉ số tài chính của nhiều công ty niêm yết đã ở mức rất hấp dẫn.
 
 - Kết quả kinh doanh năm 2009 của nhiều doanh nghiệp được dự báo là khả quan, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2010 được dự báo là ổn định và cao hơn trong năm 2009.
 
 - Thị trường chứng khoán thể giới đã dần đi vào ổn định và có mức tăng đáng kể trong những tháng cuối năm 2009.
  
 Phạm Huy Thái - Nam 33 tuổi - Nhân viên kinh doanh:
 
 Xin hỏi lãnh đạo Công ty Chứng khoán Tân Việt đánh giá thế nào về triển vọng thị trường 2010? Ngành nào có triển vọng đầu tư? Vì sao? Xin cám ơn.
 
 Ông Hoàng Xuân Quyến:
 
 Về triển vọng thị trường chứng khoán 2010 tôi đã nói ở trên.
 
 Khi thị trường chứng khoán tăng tôi nghĩ ngày nào cũng có các cổ phiếu triển vọng ví dụ: ngân hàng, bất động sản, vận tải, dịch vụ cảng biển, vật liệu xây dựng. Điều quan trọng là bạn lựa chọn cổ phiếu nào trong các ngành này và thời điểm nào gia nhập thị trường mới là quan trọng.
  
 Nguyễn Tấn Đạt - Nam 28 tuổi - Nhân viên:
 
 Xin hỏi các chuyên gia nhận định tình hình thị trường chứng khoán hiện nay và cuối năm có gì triển vọng không? Trong năm 2010 thị trường chứng khoán sẽ như thế nào? Các điểm thuận lợi, bất lợi cho thị trường trong năm tới ra sao? Những ngành nào có thể đầu tư cho những nhà đầu tư cá nhân?
 
 Ông Vũ Hữu Điền:
 
 Xin cảm ơn câu hỏi của bạn.
 
 Theo tôi, trong11 tháng 2009 vừa qua,tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam có chuyển biến khá tích cực dựa trên các gói hỗ trợ của Chính phủ đã kích thích tiêu dùng trong nước tăng trưởng. GDP tăng 5%, lạm phát được kiềm chế ở mức khoảng 5%; xuất khẩu có giảm những so với các quốc gia khác, nhưng giảm ít và thị phần xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới tăng.
 
 Tuy nhiên, song song đó có những lo ngại, thứ nhất là việc cung tiền và tăng trưởng tín dụng tương đối cao. Đến 11 tháng, thâm hụt cán cân mậu dịch tăng 34% làm VND bị suy yếu và vì thế, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp tương đối bất ngờ để kìm chế lạm phát, nhập siêu cũng như phá giá đồng tiền (tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%,định giá lạiđồng VND).
 
 Điều này đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. thị trường chứng khoán tăng và giảm dựa trên những diễn biến trên, 9 tháng đầu năm tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng từ tháng 10 trở đi xuất hiện những dấu hiệu lo ngại, nhà đầu tư tương đối hang mang, dẫn đến thị trường giảm mạnh trong thời gian vừa qua.
 
 Về năm 2010, mặc dù có những lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại cũng như thâm hụt mậu dịch và cán cân thanh toán. Tuy nhiên, với việc Chính phủ đã sớm can thiệp để quản lý tình hình nền kinh tế, tôi nghị thị trường chứng khoán Việt Nam 2010 sẽ ổn định hơn.
 
 Hiện nay, trên thị trường chứng khoán giá trị nhiều công ty tương đối hấp dẫn. Nếu P/E 2009 là 11.5 lần, thì P/E 2010 chỉ khoảng 10.5, tương đối hấp dẫn đề đầu tư trung và dài hạn. Mặt khác, năm 2010 chúng ta có nhiều điểm thuận lợi như Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2010 thể hiện tăng trưởng ổn định chứ không phải hy sinh để tăng trưởng. Mục tiêu là tăng trưởng nhưng kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Hành động của Chính phủ điều hành kinh tế trong thời gian gần đây cho thấy Chính phủ có thể kiểm soát tình hình.
 
 Tuy vậy, cũng có những bất lợi, đó là thâm hụt ngân sách và lạm phát có thể quay trở lại. bên cạnh đó, thị trường thế giới đang phục hồi nhưng cũng chưa thể dự đoán được, còn gập gềnh.
 
 Ngành nào để đầu tư trong 2010? Theo tôi, chúng ta có thể đầu tư vào những ngành như hàng tiêu dùng trong nước, ngân hàng, bất động sản (tập trung vào bán lẻ, phục vụ nhu cầu trung cấp). Đặc biệt chúng ta nên chú ý những công ty có khả năng đã bán rồi chỉ thu tiền và hạch toán hoặc những công ty chỉ phát triển bất động sản trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó chúng ta có thể xem xét những thành liên quan đến xuất khẩu. VND giảm giá sẽ khuyến khích xuất khẩu và Chính phủ cũng đang có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu.
 
 Nguyễn Hoàng Hùng - Nam 30 tuổi - IT:
 
 Xin hỏi riêng ông Quách Mạnh Hào. Khoảng 10 ngày gần đây, Công ty Chứng khoán Thăng Long luôn khuyến nghị khách mua vào? Vây ông có thể nói rõ hơn về khuyến nghị này không? Xin cảm ơn.
 
 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Chúng tôi khuyến nghị khách hàng cân nhắc mua vào bởi chúng tôi nhìn nhận thị trường có sự chuyển biến từ nửa sau của tháng 12. Đi kèm với khuyến nghị đó là điều kiện về khối lượng giao dịch tăng lên. Do vậy, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể cân nhắc và tự ra quyết định.
 
 Điều này cũng tương tự như thời điểm thị trường trên 600 điểm, chúng tôi có khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc trong khoảng 626-628 và 638-641 như là các mức điểm mục tiêu để nhà đầu tư cân nhắc và tự ra quyết định.
 
 Điều khác biệt là khi thị trường xuống thì tôi không đưa ra điểm số cho đáy mà chỉ đưa ra mục tiêu khi thị trường lên, bởi những nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, các nhà đầu tư thường chi ly khi bán hiện thực hóa lợi nhuận, nhưng lại bất cần khi bán để "chạy".
 
 Trần Xuân Đạt - Nam 27 tuổi - Kinh doanh bất động sản:
 
 Nếu như không cho dùng đòn bẩy tài chính cũng như giao dịch ký quỹ nữa thì liệu chứng khoán Việt Nam có phát triển được không, liệu có thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không, và thị trường sẽ phát triển như thế nào vào năm 2010?
 
 Bà Lê Lệ Hằng:
 
 Nếu nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng đòn bẩy tài chính thì cũng là một thuận lợi cho họ tuy nhiên điều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam không phải vì các hỗ trợ tài chính mà họ nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của một nền kinh tế mới nổi.
 
 Mặc dù đòn bẩy tài chính làm tăng luồng tiền và tính thanh khoản của thị trường, nhưng thị trường sẽ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài nếu quy mô của thị trường lớn hơn. Quy mô ở đây được hiểu là số lượng cổ phiếu niêm yết, lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên.
 
 Ngoài ra, khung pháp lý trong việc lựa chọn đối tác chiến lược, thời gian mở tài khoản, cũng như sự thuận tiện trong việc chuyển đổi ngoại tệ là những yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
 
 Nguyễn Văn Hoàn - Nam 25 tuổi - Kinh doanh:
 
 Xin hỏi ông Nguyễn Đoan Hùng. Xin ông cho biết liệu trong năm tới Ủy ban Chứng khoán sẽ phối hợp với Trung tâm Lưu ký như thế nào để ngăn chặn việc các công ty chứng khoán cho phép khách hàng bán chứng khoán trước ngày T+4? Tại sao lại để tình trạng này xảy ra lâu như vậy? Và cũng chưa có biện pháp xử lý mạnh tay nào?
 
 Ông Nguyễn Đoan Hùng:
 
 Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản yêu cầu các ctck từ 1/12/2009 dừng việc cho phép bán ck trước ngày T+4. Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán cũng đã có cuộc họp với Hiệp hôi kinh doanh chứng khoán và các công ty chứng khoán để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư giao dịch chứng khoán, trong đó có quy định liên quan đến việc cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán trước ngày T+4.
 
 Hiện nay, trung tâm lưu ký đang xây dựng hệ thống phần mềm mới theo mô hình tài khoản phụ, có thể quản lý tới từng tài khoản nhà đầu tư. Thông qua hệ thống này, Trung tâm lưu ký có thể đối chiếu và xác định được công ty chứng khoán có giao dịch trước ngày T+4, để báo cáo Ủy ban Chứng khoán. Hệ thống này đang trong thời gian thử nghiệm và sẽ sớm đưa vào hoạt động trong năm 2010.
  
 Nguyễn Huynh - Nam 35 tuổi - Nhà đầu tư:
 
 Thưa đại diện công ty chứng khoán, ông/bà có thể cho biết những điểm đáng chú ý, cần rút kinh nghiệm đối với nhà đầu tư trong năm 2009 không, và nếu có thể thì với cả các công ty chứng khoán nữa? Trân trọng cảm ơn.
 
 Ông Lê Anh Thi:
 
 Tôi nghĩ một bài học quan trọng nhất có thể rút ra là thị trường chứng khoán quan hệ rất chặt chẽ với các yếu tố cơ bản và yếu tố tiền tệ, với rất nhiều minh chứng cụ thể trong năm 2009. Các yếu tố cơ bản là các yếu tố về tăng trưởng lợi nhuận, tăng trưởng của các ngành kinh tế, phục hồi kinh tế thế giới...
 
 Yếu tố tiền tệ là vấn đề “mở” hay “thắt” tiền tệ, trực tiếp là tăng hay siết tín dụng, gián tiếp là việc điều hành lãi suất, tỷ giá, giá vàng...
 
 Thị trường chứng khoán phản ứng tức thời hoặc thậm chí đi trước thay đổi của các yếu tố này (liên quan đến dự báo).
 
 Một kinh nghiệm nữa là thị trường chứng khoán biến động khá mạnh trong quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng toàn cầu, dường như theo mô hình W. Điều đó cho thấy nhà đầu tư nên duy trì quan điểm thận trọng, sử dụng đòn bẩy tài chính đúng cách, đúng thời điểm. Trong việc đầu tư cần tuân thủ kỷ luật, tránh phản ứng quá hưng phấn hay quá bi quan.
 
 Phùng Thanh Huy - Nam 28 tuổi - Nhân viên văn phòng:
 
 Kính gửi ông Quyến. Hiện các công ty chứng khoán không có nhiều vốn mà phải vay từ ngân hàng, vậy thì giao dịch ký quỹ sẽ lấy nguồn vốn từ đâu, nhà đầu tư khi sử dụng dịch vụ này sẽ phải trả phí cao hay thấp? Cám ơn ông trả lời câu hỏi này.
 
 Ông Hoàng Xuân Quyến:
 
 Hiện tại, có 105 công ty chứng khoán với tổng vốn điều lệ 24.500 tỷ đồng, bình quân vốn điều lệ/công ty khoảng 220 tỷ đồng. Nếu tính theo vốn khả dụng thì chác khoảng 170 tỷ đồng/công ty.
 
 Rõ ràng nguồn vốn của các công ty chứng khoán rất nhỏ so với nhu cầu của giao dịch ký quỹ với thị trường. Mặt khác, chi phí vốn của các công ty chứng khoán rất cao vì các cổ đông kỳ vọng lợi suất 18-20%/năm. Như vậy điều tất yếu là các công ty chứng khoán phải tìm vốn vay từ ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tài chính khác.
 
 Khi thị trường áp dụng giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư phải trả lãi vay cho các khoản tiền mà công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay để mua chứng khoán.
 
 Tôi nghĩ các công ty chứng khoán chỉ thu khoản chênh lệch lãi suất từ 2-3%/năm. Còn lãi suất cho vay cao hay thấp còn phụ thuộc vào lãi vay trên thị trường.
  
 Cuong Vu - Nam 22 tuổi:
 
 Tôi đang định xem xét đầu tư vào ngành vận tải xăng dầu, ví dụ như PVT, VIP vì vận tải hàng lỏng vẫn có mức tăng trưởng tốt trong năm nay. Liệu đó có phải là một quyết định hợp lý không thưa các diễn giả?
 
 Bà Lê Lệ Hằng:
 
 Về lâu dài, đây là một trong những ngành trụ cột của Việt Nam. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, ngành này sẽ vẫn có những khó khăn riêng, ví dụ PVT vay nợ bằng USD rất nhiều để mua tàu vận tải dầu thô và xăng dầu phục vụ cho các nhà máy lọc dầu, trong khi phí vận tải vẫn thấp. VIP sẽ bị chia sẻ thị phần với PVT trong năm tới khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động.
 
 Nguyen Dinh - Nam 35 tuổi - Ngan hang:
 
 Chào ông Vũ Hữu Điền, với nhà đầu tư nhỏ và đầu tư dài hạn 2 - 10 năm, có thể nói năm 2010 là thời điểm tốt để mua không? Ông có thể vui lòng bật mí ngành nào hoặc công ty nào có triển vọng nhất trong tương lai để đầu tư theo giá trị? Chúc ông và công ty sức khỏe và thành công.
 
 Ông Vũ Hữu Điền:
 
 Xin cảm ơn câu hỏi của bạn.
 
 Trong 2009, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tương đối mạnh. Sau khi tăng trưởng khá ấn tượng, thị trường đã điều chỉnh trong 2 tháng gần đây và hiện đang ở mức hấp dẫn để đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới. Do vậy, nhà đầu tư cũng nên thận trọng trong các quyết định chọn thời điểm để đầu tư cũng như lựa chọn ngành nghề và công tyđểđầu tư.
 
 Theo tôi, trong thời gian tới những ngành có thể xem xét để đầu tư như ngành ngân hàng, hàng tiêu dùng trong nước, bất động sản với phân khúc trung cấp.
 
 Thuỳ Dương - Nữ 30 tuổi - Nông dân:
 
 Theo một số nhận định các tổ chức nước ngoài, tình hình kinh tế Việt Nam đang có rất nhiều điều bất ổn, thậm chí là mối nguy lớn. Liệu chỉ số VN-Index sẽ giảm sâu không, về lại đáy cũ không?
 
 Ông Hoàng Xuân Quyến:
 
 Theo tôi được biết, Goldman Sachs dự báo GDP của Việt Nam năm 2010 sẽ tăng 8,2%, còn Quốc hội Việt Nam thông qua chỉ tiêu tăng trưởng 6,5%.
 
 Trong hội nghị các nhà tà trợ gần đây, các tổ chức nước ngoài như WB, ADB, Nhật, EU đã cam kết vốn ODA trên 8 tỷ USD. Nếu nền kinh tế bất ổn thì tại sao các tổ chức, quốc gia lại tài trợ một khoản tiền lớn như vậy được.
 
 Nếu phân tích kỹ hơn, tôi cũng chưa nhìn thấy đâu là mối nguy của nền kinh tế. Vì vậy có thể đó chỉ là các ý kiến các nhân ở trong thời điểm nào đó, chứ không đại diện cho tổ chức kinh tế uy tín.
 
 Về triển vọng của VN-Index, chắc bạn muốn nói tới đáy 235 điểm được thiết lập hồi tháng 2/2009, nhưng tôi nghĩ rằng điều đó chắc sẽ không xảy ra.
 
 Phạm Thị Huệ - Nữ 27 tuổi - Nhân viên văn phòng:
 
 Xin chào ông Quyến, theo ông việc áp dụng giao dịch ký quỹ có làm tăng giá trị giao dịch của thị trường ? Xin cảm ơn.
 
 Ông Hoàng Xuân Quyến:
 
 Giao dịch ký quỹ cho phép nhà đầu tư mua được số lượng chứng khoán gấp đôi so với vốn tự có của họ nếu như tỷ lệ ký quỹ cho phép 50%. Điều này chắc chắn sẽ làm cho quy mô giao dịch của thị trường sẽ tăng trưởng rất mạnh. Thị trường sẽ có những bước tăng trưởng đột biến.
  
 Lê Xuân Mai - Nữ 29 tuổi - Nhân viên phân tích:
 
 Kính gửi ông Quách Mạnh Hào. Theo ông thị trường trong tháng 1/2010 sẽ dao động quanh mức bao nhiêu điểm nếu ông cho rằng giữa tháng 12/2009 sẽ có một đợt tăng nếu khối lượng giao dịch được cải thiện? Và ngành nào sẽ có sức bật mạnh mẽ?
 
 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Các mô hình định lượng của tôi chỉ ra một quy luật tương đối để bạn tham khảo như sau: Khi thị trường lên thì chỉ số thường có xu hướng tăng điểm tối đa bằng với số điểm của xu thế tăng điểm trước đó. Và khi thị trường xuống thì chỉ số có xu hướng giảm điểm tối thiểu bằng với số điểm của xu thế giảm điểm trước đó.
 
 Nếu quy luật này đúng, tôi làm phép tính đơn giản để bạn cân nhắc: Xu thế xuống lớn gần nhất là từ 560 xuống 460, và xu thế hiện tại từ 520 sẽ có xu hướng xuống thấp hơn 420. Giả sử khoảng 420 là mức đáy, thì xu thế tiếp theo sẽ có xu hướng không cao quá khoảng điểm từ 400 lên 630 hoặc từ 235 lên 630 nếu tính một chu kỳ dài hơn.
 
 Nếu bạn chia các xu thế thành các sóng nhỏ thì bạn cũng sẽ hiểu rằng tại sao trong sự hồi phục từ 460 của tuần trước, mô hình của tôi chỉ đưa ra kết quả tối đa là 518-521 bởi vì trước đó, thị trường đã có một sự hồi phục nhỏ từ dưới 521 lên trên 560.
 
 Về các ngành nghề và cổ phiếu cụ thể tôi cũng xin chia sẻ với bạn về quan sát của tôi về các nhà đầu tư Việt Nam như sau: Các nhà đầu tư Việt Nam khi mua thì mua bất bất kỳ những gì có thể mua, những thông tin về doanh thu, lợi nhuận, hay thậm chí những tin đồn thực tế chỉ là định hướng nhà đầu tư biết đến sự tồn tại của cổ phiếu đó hơn là việc đo đếm xem nó sẽ tăng, giảm bao nhiêu.
 
 Do vậy, lời khuyên sẽ là bạn hãy chịu khó để ý xem những người khác nghĩ gì, nói nhiều về ngành nào thì đó sẽ là một sự hấp dẫn. Cá nhân tôi ưa thích các cổ phiếu nhóm ngành hàng hóa tiêu dùng và các doanh nghiệp có nhiều đất đai (nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản).
 
 Pham Thu Hien - Nữ 28 tuổi - chứng khoán:
 
 Kính gửi bà Lệ Hằng, tôi được biết Công ty Chứng khoán SSI phát triển rất mạnh bộ phận phân tích, với thế mạnh là phân tích cơ bản. Xin hỏi quan điểm của Bà về trường phái phân tích kỹ thuật và mức độ áp dụng của SSI trên các nghiên cứu phân tích kỹ thuật?
 
 Bà Lê Lệ Hằng:
 
 Chúng tôi vẫn đang sử dụng cả hai phương pháp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật trong việc nghiên cứu cổ phiếu và thị trường. Tuy nhiên chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố cơ bản của công ty và nền kinh tế vì chúng tôi tin rằng trong dài hạn sự phát triển bền vững của thị trường sẽ gắn bó chặt chẽ với các yếu tố này.
 
 Nguyễn Tấn Đạt - Nam 28 tuổi - Nhân viên:
 
 Xin hỏi các chuyên gia nhận định tình hình thị trường chứng khoán hiện nay và cuối năm có gì triển vọng không? Trong năm 2010 thị trường chứng khoán sẽ như thế nào? Các điểm thuận lợi, bất lợi cho thị trường trong năm tới ra sao? Những ngành nào có thể đầu tư cho những nhà đầu tư cá nhân?
 
 Bà Lê Lệ Hằng:
 
 Dựa trên những công ty chúng tôi đang theo dõi, chất lượng thu nhập của các doanh nghiệp năm 2010 sẽ có khác biệt so với năm 2009.
 
 Cụ thể là nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chính sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong 2010, nguồn thu từ đầu tư tài chính, hoàn nhập dự phòng và định giá lại tài sản sẽ không cao như năm 2009. Xét về yếu tố cơ bản, điều này cho thấy chất lượng thu nhập của doanh nghiệp sẽ tốt hơn trong năm 2010.
 
 Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010 sẽ có thêm một số yếu tố tích cực khác như các chính sách liên quan đến TT tài chính, chứng khoán sẽ được hoàn thiện hơn. Tính thanh khoản của thị trường cũng như mức độ hiểu biết của nhà đầu tư sẽ tốt hơn. Nhà nước cũng đang tích cực thực hiện quá trình cổ phần hóa và nguồn cung cổ phiếu cho thị trường chứng khoán sẽ tăng lên và tạo sức hút đối với nhà đầu tư.
 
 Lê Xuân Mai - Nữ 29 tuổi - Nhân viên phân tích:
 
 Xin hỏi ông Quách Mạnh Hào: Khi thị trường ở mức khoảng 500 điểm Công ty Chứng khoán Thăng Long đã có dự báo sẽ có "làn sóng xanh" đưa thị trường lên những phiên tăng điểm liên tiếp. Nhưng thực tế "làn sóng đỏ" đang chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Vậy ông cho biết theo dự đoán của ông thì "làn sóng đỏ" này sẽ dừng lại ở mức hỗ trợ bao nhiêu dành chỗ cho "làn sóng xanh"?
 
 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Về vấn đề này, bạn có thể gửi e-mail cho tôi theo địa chỉ quachhao@thanglongsc.com.vn, để tôi truyền đạt lại cho đồng nghiệp của tôi là TS. Nguyễn Trọng Nghĩa :-)
 
 Nông Minh Tuyến - Nam 27 tuổi - Nhân viên IT:
 
 Xin hỏi ông Nguyễn Đoan Hùng, ông dự kiến đến phiên giao dịch cuối cùng của năm 2009, chỉ số VN-Index sẽ dừng lại ở bao nhiêu điểm? Theo dự đoán của ông thì đến năm bao nhiêu, chỉ số VN-Index có thể đạt đỉnh trên 1.000 điểm của năm 2007?
 
 Ông Nguyễn Đoan Hùng:
 
 Hiện nay, các tổ chức dịch vụ tư vấn trên thị trường, các ngân hàng đầu tư, các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ, đều có các phân tích dự báo về triển vọng phát triển kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán. Các dự báo này không hoàn toàn giống nhau, thậm chí có những khác biệt lớn, tùy theo cách nhìn, cách đánh giá đối với các nhân tố thị trường.
 
 Tuy nhiên, các đánh giá đều có một điểm chung nhất là tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam là rất lớn. Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009, đầu năm Chính phủ đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP trong năm 2009 từ 5-5,5%, và đến thời điểm này, đã có thể đạt được mức 5,2%. Mục tiêu cho năm 2010 là 6,5%, đây là mức tăng trưởng rất khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.
  
 Nguyễn Văn Xuân - Nam 20 tuổi - Sinh viên:
 
 Nền kinh tế Việt Nam cơ nào thoát ra khỏi suy thoái chưa? Và để nhanh chóng thoát khỏi giai đoạn này thì ngành nào cần được chú trọng phát triển? Em cảm ơn.
 
 Ông Hoàng Xuân Quyến:
 
 Theo nhận định chung của các nhà kinh tế, nền kinh tế Việt Nam đã thoái khỏi khủng hoảng và hồi phục khá ấn tượng. Dẫn chứng bởi tỷ lệ tăng trưởng GDP vẫn đạt mức 3,1% trong quý 1/2009 trong khi nhiều nền kinh tế khác tăng trưởng âm. Dự báo GDP năm 2009 đạt khoảng 5,2%. Hiện nay Chính phủ đang thực hiện một số giải pháp quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tỷ lệ tăng trưởng ở mức 6-6,5%.
 
 Các ngành khó khăn trong ngắn hạn nhưng tạo hiệu ứng lan tỏa dài hạn sẽ được chú trọng phát triển, ví dụ ngành thủy sản, ngành dệt may, da giầy, mặt hàng nông sản xuất khẩu là những ngành mang lại nguồn thu ngoại tế lớn, sẽ được ưu tiên trong gói hỗ trợ lãi suất trung, dài hạn.
 
 Các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng (cảng biển) cũng được chú trọng tạo thuận lợi thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, tôi cho rằng các ngành này có tiềm năng tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
 
 Bùi Kiên Cường - Nam 44 tuổi - Nhân viên:
 
 Sau một thời gian tăng điểm mạnh, vừa qua thị trưòng có dấu hiệu đi xuống. Theo các diễn giả, sự đi xuống này có phản ánh đúng với nền kinh tế của nước ta không?
 
 Ông Nguyễn Quang Bảo:
 
 Thị trường chứng khoán được ví như phong vũ biểu của nền kinh tế. Tuy nhiên không phải lúc nào diễn biến trên thị trường chứng khoán cũng đúng như vậy, giá chứng khoán luôn thể hiện sự lạc quan thái quá khi thị trường tăng trưởng, cũng như sự bi quan khi thị trường suy giảm.
  
 Pham Ngoc - Nữ 30 tuổi - Kinh doanh:
 
 Kính gửi ông Vũ Hữu Điền. Xin ông có thể chia sẻ cách thức và nguyên tắc trong hoạt động đầu tư chứng khoán của một quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Những hoạt động mà ông thường tiến hành hàng ngày là gì? Quan điểm của ông trong cách tiếp cận thị trường như thế nào?
 
 Ông Vũ Hữu Điền:
 
 Trước tiên, chúng ta phải xác định xem trong một thị trường vào một thời gian nào đó chúng ta kiếm được lợi nhuận bằng cách nào.
 
 Theo tôi, tại thị trường Việt Nam những yếu tố sau đây quyết định thành bại của việc đầu tư: Thứ nhất, phải chọn đúng thời điểm để đầu tư; Thứ hai, chọn đúng ngành nghề phù hợp trong giai đoạn nào đó; và Thứ ba, phải chọn được công ty tốt, có khả năng tăng trưởng mạnh.
 
 Đối với thị trường mới nổi như Việt Nam giá chứng khoán biến động khá mạnh cho nên việc chọn đúng thời điểm đầu tư góp phần đáng kể tạo ra lợi nhuận của nhà đầu tư.Còn yếu tố thứ hai và thứ ba, nếu công ty cóđội ngũ các nhà phân tích giỏi, chuyên nghiệp sẽ giúp cho công ty đó chọn được ngành tốt để đầu tư trong một giai đoạn nào đó.
 
 Về cách tiếp cận thị trường, tôi nghĩ trước hếtmình phải luôn cập nhật bức tranh kinh tế vĩ mô và dự đoán triển vọng kinh tế trong thời gian tới.
 
 Bên cạnh đó, cũng cần phải giao tiếp với các đối tượng tham gia thị trường để nắm bắt tình hình cũng như phản ứng của thị trường, và cóđội phân tích giỏi luôn để theo sát ngành nghề và những công ty mà mìnhquan tâm. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn.
 
 Tran Van Loi - Nam 34 tuổi - Ke toan:
 
 Cảm ơn sự trả lời câu hỏi của anh Hào! Vì câu hỏi của tôi có hai ý, ý còn lại là: và cổ phiếu nghành điện anh đánh giá như thế nào trong 2010 nếu mua vào thời điểm hiện nay so với ngành ngân hàng và bất động sản (VSH và PPC)? Cảm ơn anh.
 
 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Về vấn đề này, bạn có thể liên lạc trực tiếp với tôi qua e-mail như đã cung cấp ở trên.
  
 Nguyen Thị Vo Ni - Nam 30 tuổi - Chứng khoán:
 
 Thưa anh Hào, quan điểm của anh về câu nói nổi tiếng "hễ các quỹ và công ty chứng khoán khuyên gì thì nhà đầu tư nên LÀM NGƯỢC LẠI"?
 
 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Các nhà đầu tư nên tập cho mình một thói quen nghi ngờ tất cả và tin vào chính mình. Tôi có thể khẳng định rằng, hầu hết những nhận định công khai thường không phản ánh chính xác quan điểm thật của những người đưa ra nhận định. Tuy nhiên, ngay cả những nhận định thật của họ cũng không hẳn là chính xác.
 
 Do vậy, điều tôi có thể chia sẻ với bạn là bạn hãy xem kỹ các lập luận để xem lập luận nào là có lý, lập luận nào là không. Còn việc kết luận thị trường lên hay xuống trong từng thời điểm cụ thể tôi nghĩ cũng không khác việc tung đồng xu là mấy.
 
 Một người bạn của tôi làm cho một hãng truyền thông tài chính lớn nhất thế giới trong một buổi uống bia với tôi đã nói thế này: “Hào ạ, tôi thấy người Việt Nam quả thật là rất liều vì dám nhận định thị trường tăng giảm bao nhiêu điểm. Như bọn tôi cũng không bao giờ làm điều đó mà chỉ bình luận giúp nhà đầu tư nhìn thị trường sâu hơn.”
 
 Có lẽ, tôi cũng sẽ tiên phong trong việc thay đổi cách làm để giúp cho thị trường trở nên chuyên nghiệp hơn. Bạn và các đọc khác có đồng ý không?
  
 Bùi Thanh Bình - 25 tuổi - Giảng viên:
 
 Nếu Việt Nam có gói kích cầu thứ 2 thì nó có tác động thế nào tới các chỉ số chứng khoán trên 2 sàn và sàn UPCoM? Nhà đầu tư cần cơ cấu danh mục đầu tư của mình như thế nào để đón đầu các cơ hội?
 
 Ông Nguyễn Quang Bảo:
 
 Chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ hưởng ứng những thông tin tích cực từ chính sách vĩ mô của Nhà nước. Giá cổ phiếu của những công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ gói kích cầu này sẽ tăng.
 
 Le Thanh - Nữ 35 tuổi - Luat su:
 
 Xin hỏi bà Lê Lệ Hằng: Bà nhận định như thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày cuối cùng của năm 2009. Dự kiến chỉ số VN Index sẽ dao động ở ngưỡng nào? Bà có tin rằng Quý 1/2010 thị trường chứng khoán VN sẽ hồi phục trở lại sau hàng loạt phiên mất điểm vừa qua?
 
 Bà Lê Lệ Hằng:
 
 Chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Nếu chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt thì thanh khoản của thị trường sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
 
 Triệu Trường Giang - Nam 32 tuổi - Can bo:
 
 Xin hỏi thời điểm hiện nay đã là đáy chưa? Lời khuyên cho các nhà đầu tư hiện nay là gì?
 
 Ông Hoàng Xuân Quyến:
 
 Về lý thuyết thì không ai xác định trước được điểm đáy của thị trường chứng khoán. Bởi lẽ chứng khoán là hàng hóa rất đặc biệt và chịu sự tương tác của rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tâm lý.
 
 Người mua và bán có thể hoán đổi vị trí ngay tức thì, chỉ cần một thông tin tốt hay xấu xuất hiện trên thị trường. Vì vậy, các quy luật cung cầu thông thường không có cơ sở để áp dụng trên thị trường chứng khoán.
 
 Tuy nhiên, chúng ta có thể quan sát khối lượng giao dịch, giá giao dịch để dự đoán vùng đáy.
 
 Về phần mình tôi có một số chia sẻ với các nhà đầu tư như sau:
 
 Trong ngắn hạn, có thể từ nay đến gần cuối tháng thì thị trường chứng khoán chưa có được các thông tin hỗ trợ tích cực, ví dụ kết quả kinh doanh quý 4, luồng tiền tham gia thị trường từ nguồn vốn đi vay. Chính vì vậy, khả năng thị trường tăng trưởng là rất khó khăn.
 
 Nếu bạn là nhà đầu tư trung, dài hạn thì theo tôi nghĩ đây là lúc bám sát thị trường để có thể mua vào các cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt. Nếu bạn là nhà đầu ngắn hạn thì bạn có thể chờ đợi và quan sát thêm, đặc biệt sau thời điểm giữa tháng 12.
 
 Hoang Hai - Nam 39 tuổi - Tai chinh:
 
 Xin hỏi các diễn giả câu ngắn: "Hiện nay đã có thể mua vào được chưa?"
 
 Ông Nguyễn Quang Bảo:
 
 Nếu bạn không có kế hoạch ngắn hạn sử dụng những khoản tiền tiết kiệm này thì hoàn toàn có thể bỏ vốn vào những doanh nghiệp có mức sinh lợi gần tương đương với lãi suất tích kiệm. Theo tôi, với mức cổ tức tính trên thị giá ổn định từ 12-15%/năm, công ty đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 20-25%/năm....thì với mức P/B từ 1,2-1,5 lần là có thể đầu tư được.
 
 Nguyễn Kim Chi - Nữ 25 tuổi - Cán bộ:
 
 Thưa bà Hằng: Trên quan điểm phân tích các dữ liệu và thông tin hiện có của SSI thì theo Bà phải mất bao lâu Thị trường có thể hồi phục?
 
 Bà Lê Lệ Hằng:
 
 Xét về yếu tố cơ bản thì nền kinh tế của thế giới và Việt Nam đang trên đà hồi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Đối với các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2010 thì tăng trưởng đến từ hoạt động kinh doanh chính sẽ nhiều hơn so với năm 2009.
 
 Với một nền tảng như vậy thì sự hồi phục nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc nhiều vào các chính sách tiền tệ.
 
 Nguyễn Văn Bình - Nam 48 tuổi - Công chức:
 
 Xin cho biết về hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, ví dụ như diễn biến tổng giá trị danh mục đầu tư của họ, luồng tiền vào/ra thị trường? Thời gian tới Ủy ban Chứng khoán có giải pháp nào quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài này hay không?
 
 Ông Nguyễn Đoan Hùng:
 
 Có thể nói dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chịu tác động khá mạnh bởi khủng hỏng tài chính năm 2008. Trong năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009, dòng vốn thuần (vào – ra) âm, tuy nhiên từ thágn 4/2009 đến nay, dòng vốn này đã đảo chiều và đạt dương, đặc biệt là kể từ tháng 10/2009 tới nay.
 
 Ủy ban Chứng khoán thực hiện việc giám sát dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua các báo cáo của các tổ chức thành viên thị trường như: thành viên lưu ký, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan lập và theo dõi cán cân thanh toán quốc tế, là tổ chức nắm toàn bộ luồng vốn nước ngoài vào và ra khỏi Việt Nam.
 
 Chính phủ Việt Nam luôn luôn khuyến khích các dòng vốn đầu tư trung và dài hạn vào Việt Nam để góp phần đầu tư tăng trưởng nền kinh tế.
 
 Trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2020, Ủy ban Chứng khoán đang đề xuất các giải pháp để khuyến khích các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tham gia mạnh hơn nữa vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
  
 Trang Thu - Nữ 32 tuổi - Đầu tư chứng khoán:
 
 Xin hỏi, nếu hủy bỏ biên độ 5% và 7% thì liệu các nhà đầu tư hay đó muốn đánh thị trường xuống có còn dám bán tháo như hiện nay? Hiện nay ngày nào cũng giảm hết biên độ mà không phân biệt cổ phiếu tốt xấu. Nếu không có biên độ thì để họ bán 1 ngày cho xong, không cần phải đặt lệnh bán hàng ngày mất thời gian?
 
 Ông Lê Anh Thi:
 
 Chào bạn, đúng là nếu mà bỏ biên độ thì mọi biến động có thể sẽ phản ánh hết vào giá trong vòng một ngày. Tức là thị trường sẽ hấp thụ rất nhanh từ tin tốt cho đến tin xấu để phục hồi nhanh sau đó.
 
 Các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu thường áp dụng cách giao dịch này. Nhưng lưu ý, phần lớn nhà đầu tư của họ là tổ chức, có chuyên môn và tính kỷ luật cao, ít tâm lý đám đông và phản ứng thái quá.
 
 Nếu quan sát Dow Jones và S&P 500, bạn có thể thấy rằng, nhiều cổ phiếu có giá biến động vài chục % trong ngày, nhưng hai chỉ số trên chỉ biến động tối đa là 1 -2 % /ngày.
 
 Tuy nhiên, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam lại vẫn có áp dụng quy định biên độ. Đó là do thị trường chứng khoán các nước này còn non trẻ, phần lớn nhà đầu tư là cá nhân (khác với các nước phát triển phần lớn nhà đầu tư là tổ chức), đầu tư mang nặng tâm lý đám đông và thường phản ứng tâm lý thái quá.
 
 Do đó giao dịch không biên độ không giúp hạn chế tâm lý này mà lại làm cho vấn đề còn xấu hơn. Bạn dễ nhận thấy, nhiều tin không quá tốt hoặc quá xấu nhưng VN-Index hoặc HNX-Index vẫn tăng giảm đến 4 hoặc 5% ngày, lớn hơn biến động của Dow Jones rất nhiều.
 
 Nguyễn Kim Chi - Nữ 25 tuổi - Cán bộ:
 
 Thưa ông, Vũ Hữu Điền: Ông nhận định gì về động thái của khối ngoại liên tục mua ròng trong suốt thời gian vừa qua? Liệu lần này họ có sai vì không thế dự báo hết những rủi ro khác...?
 
 Ông Vũ Hữu Điền:
 
 Theo tôi, các nhà đầu tư nước ngoài có 2 nhóm chính: nhóm thứ nhất là các nhóm ngân hàng đầu tư quốc tế và khách hàng của họ; nhóm thứ 2 là các quỹ đầu tư nước ngoài có đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam.
 
 Đối với nhóm thứ nhất không tham gia tích cực lắm trong thời gian vừa qua; nhưng nhóm thứ hai là nhóm xem Việt Nam là điểm đầu tư chính của họ và quan điểm đầu tư của họ tương đối dài hạn và họ tham gia rất tích cực vào thị trường trong thời gian qua.
 
 Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài là những nhà đầu tư lớn, quan điểm đầu tư của họ tương đối dài hạn và họ không thể tranh mua/bán với các nhà đầu tư nhỏ trong thời điểm nào đó. vị thế, động thái thông thường của họ là khi thị trường tăng nóng họ có xu hướng giảm bớt tỷ lệ nắm giữ chứng khoán trong danh mục đầu tư của họ, và khi thị trường rơi xuống mức hấp dẫn thì họ bắt đầu giải ngân vào những mã trong danh mục mà họ đã xác định sẵn.
 
 Trong 2 tháng vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm tương đối mạnh và giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn trong con mắt của đầu tư nước ngoài nên việc mua ròng của họ trong thời gian qua là điều dễ hiểu.
 
 Thị trường chứng khoán biến động khó lường, nên không chắc được quyết định giải ngân của các quỹ đầu tư trong thời gian qua là đúng hay sai. Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng như khả năng sinh lợi của các công ty niêm yết trong 2009 cũng như trong thời gian tới, tôi nghĩ các quyết định mua vào những cổ phiếu tốt của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua là quyết định không quá rủi ro.
  
 Nguyen Duy Phuong - Nam 50 tuổi - Kinh doanh:
 
 Kính gửi ông Bảo. Như ông nhận định thì thị trường sẽ giảm từ nay đến cuối năm 2009 sau đó đi ngang... Vậy khả năng thị trường sẽ xuống ở mức nào? 350, 380 hay 420 điểm?
 
 Ông Nguyễn Quang Bảo:
 
 Tôi thực sự không dự đoán được VN-Index sẽ giảm tới mức nào, nhưng với những lý do mà tôi đã trình bày ở trên, tôi nghĩ rằng thị trường sẽ vào vùng đáy từ ngày 15-25/12/2009.
  
 Hoàng Giang - Nam 29 tuổi - Đầu tư:
 
 Xin cho hỏi ông Quách Mạnh Hào, vừa qua tôi có đọc các bình luận của ông về thị trường trong 2 bản tin MTV và The Investor. Tôi nhận thấy ông dự đoán thị trường tương đối tốt trong thị trường tăng trưởng và ngược lại trong thị trường suy giảm tôi nhận thấy thường có vấn đề. Xin cho hỏi ông đây có phải là vấn đề kỹ thuật hay do mô hình dự báo của ông chưa thích hợp với điều kiện hiện tại? Hay do quan điểm của ông về thị trường chưa thay đổi? Thăng Long có tổ chức Roadshow về "Cơn lốc màu xanh", trong đó tôi có thấy đề cập đến dòng tiền mới 15.000 tỷ đồng và cho rằng dòng tiền này đủ sức để thị trường tăng 20%. Xin cho hỏi ông thông tin về "dòng tiền mới" này hiện như thế nào? Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe?
 
 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Bạn có thể tìm đọc trong những phần trả lời trên những vấn đề liên quan tới câu hỏi của bạn. Tôi cũng nhận thấy mô hình dự báo dựa trên cơ sở định lượng của tôi đã không cập nhật đầy đủ sự biến động của các chính sách kinh tế vĩ mô và tôi sẽ trở lại với các bạn bằng một mô hình được chỉnh sửa lại.
 
 Những vấn đề liên quan tới “cơn lốc màu xanh”, tôi cũng đã trả lời rồi.

Phần 1 / Phần 2 / Phần 3