10:48 10/08/2011

Tỷ giá đánh đổi lãi suất?

Khánh Hà

Cơ hội giảm lãi suất như hứa hẹn của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước có thể gặp trở ngại khi áp lực tỷ giá đang tăng

Niềm tin vào cơ hội hạ nhiệt lãi suất có thể yếu đi trước những tác động mới của tỷ giá.
Niềm tin vào cơ hội hạ nhiệt lãi suất có thể yếu đi trước những tác động mới của tỷ giá.
Cơ hội giảm lãi suất như hứa hẹn của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước có thể gặp trở ngại khi áp lực tỷ giá đang tăng.

Kỳ vọng lớn của giới đầu tư chứng khoán có thể sẽ xẹp nhanh khi quá nhiều biến số bất lợi mới xuất hiện. Không chỉ việc kênh đầu tư vàng trở nên hấp dẫn, mà ảnh hưởng của nó đến tỷ giá, nguồn tiền tiết kiệm cộng với biến động rối ren của thị trường chứng khoán quốc tế khiến rủi ro ngày càng tăng.

Thị trường ngoại hối ổn định luôn là một trong những điều kiện quan trọng để Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất. Điều này có thể nhìn lại năm 2010 khi biến động tỷ giá quá mạnh khiến lãi suất tiền đồng buộc phải tăng lên.

Với những áp lực nói trên đang lặp lại, liệu Ngân hàng Nhà nước có phải chấp nhận đánh đổi bình ổn tỷ giá trước mục tiêu giảm lãi suất?

Trước những biến động phi mã của giá vàng trong nước lẫn thế giới, mục tiêu hạ lãi suất trong tháng 9 đang bị thu hẹp. Cũng giống năm 2010, biến động của giá vàng trong nước bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài nên công cụ để Ngân hàng Nhà nước can thiệp sẽ không nhiều. Lần này phản ứng của cơ quan quản lý có vẻ nhanh khi ngày 9/8 tuyên bố cho nhập ngay 5 tấn vàng bổ sung nguồn cung vàng trong nước và có thể cấp thêm 5 tấn nữa.

Tuy nhiên phản ứng trên hoàn toàn có thể đoán trước vì thực tế lâu nay Ngân hàng Nhà nước cũng không có công cụ nào mới hơn. Liều lượng lần này mạnh hơn và cũng không loại trừ biện pháp mạnh là hạn chế kinh doanh của các cửa hàng vàng sẽ được tái áp dụng.

Phản ứng đầu tiên là giá vàng hạ nhiệt và tỷ giá lập tức tăng lên. Số liệu ước tính thì để nhập khẩu đủ hạn ngạch, lượng USD cần thiết khoảng trên 300 triệu. Dĩ nhiên có thể các doanh nghiệp đầu mối sẽ không sử dụng hết hạn ngạch nói trên, nhưng hoạt động nhập khẩu lậu có thể gia tăng.

Lãi suất huy động USD tăng lên đi kèm với biến động tăng của tỷ giá cho thấy biểu hiện của tâm lý dự phòng trước tình huống xấu như năm 2010. Báo cáo tuần trước của Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất giao dịch USD bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 3 tháng tăng lần lượt 0,12%, 0,18% và 0,66%.

Các ngân hàng thương mại đang niêm yết tỷ giá mua bán quanh mức 20.565 VND/ 20.615 VND/USD. Đến hôm nay, tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại đã là 20.735 VND/20.815 VND đối với mỗi USD. Tỉ giá trên thị trường tự do thậm chí còn tăng cao hơn.

Tình cảnh hiện tại có điểm giống thời kỳ 2010 khi áp lực tăng tỷ giá cuối năm mạnh lên sau 4 tháng ổn định trước đó. Vẫn là ảnh hưởng cũ khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng cao do chênh lệch lãi suất vay khiến các doanh nghiệp vay USD nhiều hơn.

Cũng không loại trừ hoạt động “carry-trade” bằng việc vay USD, chuyển qua VND để gửi lấy lãi suất cao. Khi dòng vốn này chảy ngược tất yếu gây áp lực lên tỷ giá.

Ngoài ra những yếu tố không mới như thâm hụt thương mại, giảm kiều hối, giảm vốn gián tiếp, áp lực lạm phát cao, yếu tố giá vàng tạo hiệu ứng cộng hưởng lên tỷ giá. Sau một thời gian dài lãng quên, thị trường chứng khoán lại có cơ sở để quan tâm tới biến động của tỷ giá vì điều này liên quan mật thiết đến cơ hội giảm lãi suất. Yếu tố giá vàng có thể coi là biến số mới gây khó khăn thêm cho khả năng giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Trước mắt, có thể mục tiêu ưu tiên bình ổn tỷ giá sẽ trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất, dù thanh khoản tiền đồng trong hệ thống ngân hàng vẫn đang tốt.