08:51 28/06/2012

UPCoM và giấc mộng “xóa sổ chợ OTC”

Hoàng Xuân

Đã có những kết quả ban đầu không tồi trong hành trình 3 năm thực hiện giấc mộng “xóa sổ chợ OTC”

Giá trị giao dịch bình quân phiên trong 6 tháng đầu năm 2012 cũng tăng mạnh, đạt 30,4 tỷ đồng/phiên.
Giá trị giao dịch bình quân phiên trong 6 tháng đầu năm 2012 cũng tăng mạnh, đạt 30,4 tỷ đồng/phiên.
Với 130 doanh nghiệp đăng ký giao dịch,  giá trị vốn hóa đạt trên 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với cuối năm 2009, thị trường giao dịch chứng khoán các công ty đại chúng chưa niêm yết (hay còn gọi là UPCoM) đã có những kết quả ban đầu không tồi trong hành trình 3 năm thực hiện giấc mộng “xóa sổ chợ OTC”.

Ngày 24/6/2009, cùng với việc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức đi vào hoạt động, thị trường UPCoM cũng chính thức được khai trương đi vào hoạt động. Trong bối cảnh thị trường tự do có sự bùng phát mạnh, tiềm ẩn những rủi ro hệ thống, nhiều lúc khó kiểm soát  giai đoạn năm 2009, thị trường UPCoM đã được xây dựng với mục tiêu nhằm thu hẹp thị trường tự do, tăng cường thị trường có tổ chức và quản lý của Nhà nước.

1,8 tỷ cổ phiếu và giá trị hơn 18.000 tỷ đồng

Bắt đầu với 10 cổ phiều đầu tiên được đưa vào đăng ký giao dịch, với tổng khối lượng đăng ký giao dịch đạt hơn 123,14 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị đăng ký giao dịch theo mệnh giá tương ứng là 1.231,4 tỷ đồng, đến nay, sau ba năm khai trương hoạt động, thị trường UPCoM đã có sự tăng trưởng khá về quy mô với hơn 130 cổ phiếu đăng ký giao dịch, với tổng khối lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch lên tới hơn 1,8 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị đăng ký giao dịch tính theo mệnh giá đạt 18.027,4 tỷ đồng (tăng gấp 14,64 lần so với ngày đầu tiên đi vào hoạt động). Trong 3 năm hoạt động, thị trường UPCoM đã có không ít cổ phiếu chuyển sang niêm yết tại các Sở giao dịch, phần lớn là niêm yết tại HNX.  

Trong số các doanh nghiệp hiện đang đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM có không ít các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn và cũng là những hàng hóa chất lượng cho thị trường, chẳng hạn như: Công ty Cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) với mức vốn điều lệ là 2.560 tỷ đồng, Công ty Cổ phần phát triển đô thị Nam Hà Nội (NHN) có mức vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TIS) với mức vốn điều lệ đạt 1.840 tỷ đồng...

Cùng với việc thực hiện mục tiêu chiến lược là xóa sổ chợ OTC, thị trường UPCoM đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tạo ra một môi trường cho các doanh nghiệp làm quen với thị trường chứng khoán và các quy định của thị trường chứng khoán trước khi chính thức niêm yết tại các sở giao dịch. Tham gia thị trường UPCoM, tính thanh khoản của các cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết tăng lên rõ rệt.

Theo thống kê từ HNX, khối lượng giao dịch  bình quân phiên của năm 2009 chỉ đạt mức 293.219 cổ phiếu/phiên. Đến năm 2010, con số này đã tăng 609.038 cổ phiếu/phiên (tăng hơn 2 lần so với năm 2010).

Đến nửa đầu năm 2012, thị trường có nhiều biến động khởi sắc, qua đó đã nâng khối lượng giao dịch  bình quân phiên lên 969.408 cổ phiếu/phiên. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay trên thị trường UPCoM, đồng thời cũng vượt xa mức bình quân của (nửa cuối) năm 2009.

Giá trị giao dịch bình quân phiên trong 6 tháng đầu năm 2012 cũng tăng mạnh, đạt 30,4 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 3 lần so với mức 9,2 tỷ đồng/phiên của năm 2011 và 9,1 tỷ đồng/phiên của năm 2010.

Cải tiến giao dịch, tăng thanh khoản

Trong thời gian mới đi vào hoạt động, thị trường UPCoM áp dụng 2 hình thức giao dịch là thỏa thuận thông thường và thỏa thuận điện tử với mục tiêu kỳ vọng là biến các công ty chứng khoán trở thành trung tâm của thị trường với vai trò là các nhà tạo lập thị trường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy là hình thức giao dịch này không được các nhà đầu tư cũng như các công ty chứng khoán hoan nghênh do còn có những điểm bất cập nhất định. Đến tháng 7/2010, HNX đã thay đổi phương thức giao dịch trên thị trường UPCoM và chuyển sang áp dụng 2 phương thức giao dịch là khớp lệnh liên tục và thỏa thuận, tương tự như đối với thị trường cổ phiếu niêm yết. Việc thay đổi phương thức giao dịch cũng đã gián tiếp góp phần nâng cao tính thanh khoản của thị trường so với thời gian trước đó.

Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường UPCoM trong 3 năm qua đạt 420.390.416 cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt 8.517,4 tỷ đồng. So với thị trường niêm yết cổ phiếu, khối lượng giao dịch của các cổ phiếu trên thị trường UPCoM chưa thực sự cao, nhưng với sự gia tăng của số lượng hàng hóa trên thị trường đã giúp đa dạng hóa lựa chọn cho các nhà đầu tư, qua đó nâng cao tính thanh khoản cho thị trường, gia tăng khối lượng giao dịch của thị trường.   

Cần sự trợ giúp của doanh nghiệp

Phải thừa nhận rằng, sự hiện diện của thị trường UPCoM đã góp phần không nhỏ trong những thay đổi tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam. Những chợ OTC tự phát nay gần như xóa sổ, quy mô, mức độ hoạt động và tính chất phức tạp của thị trường tự do đã được kiểm soát tốt, sự ảnh hưởng của thị trường tự do lên các thị trường chính thức cũng vì thế đã giảm đi rõ rệt, trật tự kỷ cương và tính ổn định của thị trường được duy trì, từ đó tạo dựng được niềm tin trong công chúng đầu tư.

Chỉ có điều, với quy mô còn nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng, tính thanh khoản tuy được cải thiện song vẫn ở mức thấp, hoạt động của thị trường UPCoM đang bị hạn chế nhiều. Khi mà đại bộ phận doanh nghiệp nếu muốn tham gia thị trường giao dịch cổ phiếu tập trung, xu hướng niêm yết vẫn là sự lựa chọn chính và UPCoM vì thế chỉ là lựa chọn thứ yếu đối với đại bộ phận doanh nghiệp.

Đó là chưa kể, tư tưởng trì hoãn tham gia thị trường vẫn phổ biến trong các doanh nghiệp đại chúng do lợi dụng được một số quy định còn chưa rõ trong thực thi Luật Chứng khoán.

Bên cạnh đó, tín hiệu chưa thực sự mạnh mẽ, quyết liệt từ các cơ quan quản lý, các công ty đại chúng vẫn đang hy vọng có phương án xây dựng thị trường thứ tư cho chuyển nhượng cổ phiếu của các công ty đại chúng cũng là một trở ngại cho UPCoM trong hành trình thực hiện giấc mộng của mình.