14:25 18/02/2011

Vì sao nhiều công ty họp sớm đại hội cổ đông?

Hoàng Thạch Lân

Năm nay, hơi lạ là các công ty niêm yết tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên năm 2011 sớm hơn mọi năm

Một cuộc họp đại hội cổ đông diễn ra tại khách sạn Daewoo, Hà Nội.
Một cuộc họp đại hội cổ đông diễn ra tại khách sạn Daewoo, Hà Nội.
Năm nay, hơi lạ là các công ty niêm yết tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên năm 2011 sớm hơn mọi năm.

Mới đến giữa tháng 2, mà đã có hơn 100 công ty niêm yết, trong tổng số 660 công ty niêm yết trên hai sàn HSX và HNX, thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội cổ đông.

Có công ty thông báo chốt danh sách từ tháng 1, phần nhiều chốt danh sách vào cuối tháng 2, để tổ chức đại hội cổ đông vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4.

Nói chung các kỳ đại hội cổ đông chỉ có ba chuyện lớn để bàn. Thứ nhất: kết quả kinh doanh của năm cũ và kế hoạch phát triển năm mới. Thứ hai: bàn việc phân chia cổ tức, thưởng, phát hành quyền cho cổ đông. Thứ ba: bầu hội đồng quản trị hay ban giám đốc.

Để đại hội thành công tốt đẹp, việc đầu tiên là phải thông qua kết quả kinh doanh năm cũ mà không có ai chống đối, phủ quyết. Đến thời điểm này, đa số công ty niêm yết đều đã công bố báo cáo tài chính (báo cáo tài chính) năm 2010, tuy nhiên nếu là cổ đông chân chính, sẽ phải lưu ý một chuyện là liệu có tin được cái báo cáo tài chính đó không?

Bởi, rất đơn giản là báo cáo tài chính đó chưa được kiểm toán, do thời điểm tổ chức đại hội cổ đông quá sớm nên báo cáo tài chính chưa kịp được kiểm toán.

Nếu đại hội cổ đông thông qua số liệu do các lãnh đạo công ty niêm yết viết ra, rồi tiến đến thông qua kế hoạch năm, bầu lại các lãnh đạo đó cho nhiệm kỳ mới, đến khi kiểm toán, lại ra con số khác, kết quả khác thì rất phiền. Bài học của năm 2010 và những năm trước đã cho thấy: những trường hợp lệch số liệu không phải là ít, xảy ra ở cả những công ty lớn như ITA, VCG..., với mức độ lệch cũng không hề nhỏ. Nhiều công ty công bố lãi nhưng sau kiểm toán lại lỗ.

Hoặc có trường hợp, sau kiểm toán số lãi của công ty bị hụt đi kha khá.

Ví dụ: ABT: lãi sau kiểm toán tăng hơn 10 tỷ đồng so với trước kiểm toán, ANV lệch 48 tỷ đồng, ASM lệch 6 tỷ đồng (nhưng cũng là 10%), BMC giảm 1,7 tỷ đồng (cũng gần 10%), BT6 giảm 9 tỷ đồng (hơn 10%), CAD trước kiểm toán thì lãi, sau KT thì lỗ, CSC tăng lãi gần 45% so với trước kiểm toán, DCT giảm gần 10%, DMC giảm hơn 10%, ITA giảm 45 tỷ đồng (cỡ khoảng 10%), MSN lại tăng gần 40 tỷ đồng, PVS tăng 48 tỷ đồng (khoảng 8%) còn PVX giảm 33 tỷ đồng (khoảng 13%), SDH giảm 4,8 tỷ đồng (khoảng 21%), SGT tăng gần 9 tỷ đồng (lệch 10%), VCG giảm 257 tỷ đồng (khoảng 58%), VSH tăng 54 tỷ đồng (lệch 17%)...

Đây cũng mới chỉ là sai lệch con số lãi sau thuế thôi, chứ chưa nhìn vào các con số khác, mà chắc chắn cũng sẽ có sai lệch nhiều, dẫn đến sai lệch các chỉ số định giá, chỉ số nợ, chỉ số hoạt động, chỉ số hiệu quả...

Bỏ qua chuyện con số  lớn hay nhỏ trong từng trường hợp, vấn đề quan trọng ở đây là một khi doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính thì phải có trách nhiệm trong đó. Công ty dù nhỏ hay lớn cũng đều phải có trách nhiệm như nhau. Lớn như DPM hay đa ngành nghề như FPT cũng phải công bố số liệu cho chuẩn.

Thời gian công bố số tạm tính quý 4 (trong đó thường có mục lũy kế, tức là cả năm), rồi số kiểm toán, có khi cách xa nhau hơn 3 tháng, trong khi đó nhà đầu tư thì có thể mua ngay hay bán ngay cổ phiếu khi đọc báo cáo tài chính quý 4, chứ họ đâu chờ số kiểm toán, như vậy nếu lệch số liệu thì ai chịu trách nhiệm trước họ đây?

Năm 2010 là một năm không thuận lợi cho các doanh nghiệp niêm yết và như  vậy chắc chắn báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp sẽ không được tô hồng như mong muốn. Nếu đợi kiểm toán, e rằng mức độ chân thực của những báo cáo tài chính đó sẽ được phản ánh rõ hơn.

Phải chăng vì lẽ đó mà nhiều công ty niêm yết hăng hái tổ chức đại hội cổ đông sớm như vậy?

Năm 2010, một trong những thành công nhất của thị trường chứng khoán được mọi người nhắc đến là việc đưa quy định phải có soát xét đối với báo cáo tài chính bán niên. Điều này không chỉ đơn giản là nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, mà hàm ý rằng không ai dám tin báo cáo tài chính của chính các công ty niêm yết viết ra.

Nên chăng, cơ quan quản lý thị trường là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty niêm yết hãy chờ xong kiểm toán mới họp đại hội cổ  đông, và ngoài chuyện giải trình chênh lệch quý này so với quý khác, phải có giải trình có trách nhiệm cụ thể về những sai lệch cỡ 10% nói trên.