14:50 28/05/2007

Xu hướng đầu tư ngắn hạn vào cổ phiếu điện

Hoàng Xuân

Dường như trong cả hai đợt triển khai kế hoạch bán bớt cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp điện của EVN đều không may mắn

Trong năm 2007, có tới 10 doanh nghiệp ngành điện thực hiện bán đấu giá cổ phần qua thị trường chứng khoán - Ảnh: VT.
Trong năm 2007, có tới 10 doanh nghiệp ngành điện thực hiện bán đấu giá cổ phần qua thị trường chứng khoán - Ảnh: VT.
Dường như trong cả hai đợt triển khai kế hoạch bán bớt cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp điện của EVN đều không may mắn.

Lần đầu tiên vào năm 2005, số cổ phần không được bán hết do số lượng đăng ký mua quá thấp, thậm chí thấp hơn cả lượng bán ra. Còn lần thứ hai vào năm 2007, số cổ phần không bán hết không phải không có người mua mà vì mua được rồi nhưng họ lại bỏ.

Cách đây hai năm, khi lần đầu tiên các doanh nghiệp thuộc EVN gồm: Điện lực Khánh Hòa, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Thủy điện Thác Bà đồng loạt thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng để tiến hành cổ phần hóa, số cổ phiếu đưa ra bán đã không hết vì số lượng quá lớn. Giá trúng thầu chỉ bằng giá khởi điểm đưa ra là 10.800 đồng.

Lãnh đạo EVN thừa nhận rằng, các cuộc đấu giá cổ phiếu ra công chúng của các đơn vị ngành điện từ đầu năm 2007 đến nay đều không đạt thành công như mong đợi do nhiều nhà đầu tư đã trúng thầu từ chối nộp tiền mua cổ phần. Mặc dù giá đấu cao hơn nhiều so với giá khởi điểm nhưng cuối cùng số cổ phiếu vẫn không bán hết do nhà đầu tư từ chối nộp tiền.

Trong năm 2007, có tới 10 doanh nghiệp ngành điện thực hiện bán đấu giá cổ phần qua thị trường chứng khoán, trong đó 9 doanh nghiệp thực hiện bán đấu giá lần đầu để cổ phần hóa và 1 doanh nghiệp bán tiếp vốn Nhà nước lần hai.

Những đơn vị bán đấu giá lần đầu như Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa, Thủy điện Thác Mơ, Nhiệt điện Ninh Bình, Công ty Tư vấn xây dựng điện 1, Tư vấn xây dựng điện 2, Tư vấn xây dựng điện 3, Tư vấn xây dựng điện 4, Công ty Cơ điện Thủ Đức và Trung tâm Tư vấn xây dựng điện. Riêng Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại thực hiện bán bớt cổ phần Nhà nước lần 2.

Từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều nhà đầu tư sau khi trúng thầu trong các phiên đấu giá cổ phiếu ngành điện đã chấp nhận mất tiền cọc 10%. Khối lượng cổ phiếu đã trúng thầu bị bỏ lại thường chiếm trên 35% tổng khối lượng cổ phiếu phát hành, thậm chí tới 70%.

Theo thống kê của EVN, tỷ lệ từ chối mua cổ phiếu của Nhà máy điện như Bà Rịa là 39,7% (giá trúng thầu thấp nhất 62.500 đồng/cổ phiếu), Thủy điện Thác Mơ là 33,4% (giá trúng thầu thấp nhất là 58.500 đồng/cổ phiếu), Công ty tư vấn xây dựng điện 1, được đánh giá là đứng đầu bảng trong số các công ty tư vấn xây dựng điện 1 hiện nay có khối lượng cổ phiếu bị bỏ đạt mức kỷ lục trên 70% (giá trúng thầu thấp nhất 64.500 đồng/cổ phần).

Các công ty tư vấn khác cũng có tỷ lệ bỏ cọc khá cao như: Công ty Tư vấn xây dựng điện 2 là 35,2%, Điện 3: 45,7%, Điện 4: 10,7%, Nhiệt điện Phả Lại: 22,3%. Và theo quy định khi nhà đầu tư bỏ tiền đặt cọc hơn 30% phải đấu giá lại.

Theo giải thích của ông Đặng Phan Tường, Trưởng ban Cổ phần hoá và Chứng khoán, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguyên nhân của hiện tượng này được xác định là do các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư ngắn hạn, nhỏ lẻ đã không căn cứ vào khả năng thực tế của doanh nghiệp để bỏ giá thầu mà hầu hết là căn cứ vào số lượng nhà đầu tư tham dự, khối lượng đặt mua để tính giá.

Trong nhiều trường hợp, do nghe ngóng quá nhiều nguồn thông tin thiếu chính xác trên thị trường nên cũng bỏ giá cao hơn so với giá trị thực tế của cổ phiếu. Bên cạnh đó, tâm lý chán nản khi thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giảm liên tục trong khoảng thời gian từ lúc đấu giá xong đến khi lúc thanh toán tiền mua cổ phần, khiến nhiều nhà đầu tư đành chấp nhận mất tiền cọc để bảo toàn vốn.

Thêm nữa, nhiều nhà đầu tư trong cùng một đợt đấu giá đã bỏ quá nhiều giá khác nhau, chênh lệch lớn khiến cho giá trúng bình quân bị đẩy lên cao. Có những lệnh đặt mua lên tới vài chục triệu một cổ phiếu. Một lý do khác có ảnh hưởng mạnh tới kết quả các phiên đấu giá cổ phần của ngành điện chính là các cổ phiếu đã niêm yết trên sàn chính thức như PPC, VSH, TBC, KHP. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã không nghiên cứu kỹ các thông số của các cổ phiếu này để nhận biết sự khác nhau hoàn toàn giữa chúng.

“Giá khởi điểm của Nhiệt điện Phả Lại được tính toán trên cơ sở cổ tức 12%/năm, trong khi đó Thủy điện Thác Mơ là 5% nhưng giá đấu thành công lại ngang ngửa với Phả Lại. Chính vì vậy, khi thị trường đi xuống, các nhà đầu tư mới tĩnh tâm xem xét lại và thấy không phù hợp để mua vào. Trong thời điểm đó, trên thị trường chính thức các cổ phiếu của ngành cũng liên tục tụt giá trong nhiều phiên liên tiếp, các nhà đầu tư phải tính toán lại mục tiêu đầu tư”, một chuyên gia chứng khoán giải thích thêm.

Tuy nhiên, ông Tường cũng phủ nhận ý kiến cho rằng việc đưa ra đấu giá nhiều cổ phiếu cùng một lúc sẽ làm cung hàng hóa tăng lên khiến cho giá cổ phiếu phải giảm. Mức giá khởi điểm mà Ban tư vấn và cổ phần hóa đưa ra đều được Bộ Công nghiệp phê duyệt trên quan điểm là giá phải phù hợp để Nhà nước thu được vốn nhưng nhà đầu tư cũng phải có lợi.

Theo ông Tường, việc đấu giá không thành công của các doanh nghiệp vừa qua không có ảnh hưởng gì đáng kể, ngoại trừ tiến độ ra mắt các công ty cổ phần và tổ chức đại hội cổ đông bị chậm lại một hai tháng. Sự ảnh hưởng có chăng là đối với các nhà đầu tư đã trúng thầu và đã đóng tiền, thời gian tính cổ tức cho họ vì thế chắc chắn sẽ bị chậm lại.

Hiện nay vẫn chưa xác định được thời gian cụ thể để tổ chức đấu giá lại cổ phiếu của Nhiệt điện Bà Rịa, Thủy điện Thác Mơ và Tư vấn điện 1 và 4 vì đến thời điểm này, Ban chỉ đạo cổ phần hóa của EVN vẫn chưa nhận được báo cáo chi tiết và khoản tiền đã thu được qua lần đấu giá thứ nhất từ các công ty chứng khoán làm nhiệm vụ nhận lệnh.

Đây chính là khó khăn hiện nay khiến cho EVN chưa thể lập phương án đấu giá lại. Ngoại trừ một số công ty đã đấu giá lại, đến nay các đơn vị khác chưa có kế hoạch cụ thể vì còn vướng việc đăng ký đấu giá phụ thuộc vào các trung tâm giao dịch chứng khoán hiện đang bị kín lịch, do đó doanh nghiệp không chủ động được.