11:36 26/04/2019

Cô Tô phát triển du lịch nhờ sự năng động của khối tư nhân

Lê Cẩm Lê

Trong một phần tư thế kỷ, từ một quần đảo hoang sơ, dân cư thưa thớt, không có cơ sở hạ tầng, Cô Tô hiện nổi lên như một điểm du lịch được yêu thích ở vùng Đông Bắc

Đánh lưới bên bãi đá Móng Rồng, Cô Tô - Ảnh: Nguyễn Thành Chung.
Đánh lưới bên bãi đá Móng Rồng, Cô Tô - Ảnh: Nguyễn Thành Chung.

Năm 1998, khi anh Hoàng Văn Thủy lần đầu tiên đặt chân lên đảo Cô Tô để công tác trong ngành giáo dục, huyện Cô Tô mới thành lập được 4 năm với hơn 40% hộ nghèo và "làm du lịch" là một từ còn xa lạ với người dân. Ngoài cư dân sinh sống trên đảo, những người từ nơi khác đến khá hiếm hoi. Đến tận năm 2005, suốt 12 tháng cũng chỉ có khoảng một nghìn người đến thăm đảo, rất nhiều người trong đó là cán bộ nhà nước hoặc nhóm công tác ra vì nhiệm vụ chính trị.

Mọi việc dần thay đổi vào năm 2008, khi hình ảnh của Cô Tô bắt đầu được giới thiệu rộng rãi hơn.

"Chúa đảo Cô Tô" là cái tên những người làm du lịch ưu ái dành cho Vũ Thanh Minh, Chủ tịch Hội du lịch Cô Tô. Năm 2008, khi Cô Tô chỉ có một cơ sở lưu trú duy nhất là nhà khách ủy ban nhân dân huyện, điện chỉ có vài tiếng một ngày, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu chở cả người và hàng hóa ra đảo vào lúc 7 giờ sáng với thời gian đi mất 4 tiếng, anh Minh quyết định làm du lịch ở đây.

Vạn sự khởi đầu nan

Khởi đầu, anh mở một khu cắm trại bên bãi biển, nguyên nhân theo anh là vì "ra đấy thấy đẹp quá và có nhiều tài nguyên, nhưng nghèo và dân không làm du lịch". Là một người được đào tạo bài bản về du lịch và đã từng đi rất nhiều nơi trước đó, anh đưa ra những dịch vụ mới mẻ và bắt đầu quảng bá cho Cô Tô bằng cách mời bạn bè, đồng nghiệp ra trải nghiệm, giới thiệu Cô Tô trên báo chí.

Với lượng khách dần tăng, nhiều người ở Cô Tô đã nhận ra cơ hội kinh doanh mới. Năm 2008, anh Thuỷ quyết định đưa chiếc Zace GL ra Cô Tô để mở hãng taxi duy nhất trên đảo, với tên gọi Co To Taxi.

Chiếc xe tư nhân duy nhất ấy đã nâng tổng số xe ô tô của huyện lên thành ba, trong đó một chiếc của bộ đội, một xe của ủy ban nhân dân huyện. Nhưng lần đầu tiên tham gia vào việc cung cấp dịch vụ du lịch của anh đã không như mong đợi, sau một năm, anh đóng cửa vì số khách đến đây chỉ tập trung vào mùa hè và nhu cầu sử dụng taxi không cao.

Sự khởi đầu của anh Minh lại có những kết quả thuận lợi hơn nên đến năm 2011, cùng với hai người bạn, anh xây Coto Lodge, cơ sở lưu trú tư nhân đầu tiên với 13 phòng. Cuối năm 2013, điện lưới quốc gia được kéo ra, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho Cô Tô.

Nhiều ngư dân bỏ lưới, nông dân rời ruộng, chính thức trở thành người làm du lịch và ngành này ở Cô Tô bắt đầu khởi sắc. Đó là thời điểm những chiếc bungalow gỗ của anh Minh được lắp đặt bên bãi biển Hồng Vàn, biến Cô Tô thành một điểm hẹn hò lãng mạn của giới trẻ. Loại hình du lịch cộng đồng homestay bắt đầu nở rộ.

"Homestay ở Cô Tô trong thời kỳ đầu manh nha du lịch đã trở thành nơi lưu trú chính của khách," anh Minh nhớ lại "Họ khá là thích các homestay tại Cô Tô, vì lúc đó các homestay đều là do người dân địa phương làm, có sự phóng khoáng và nhiệt thành riêng của người biển đảo".

Giai đoạn 2013-2016 là thời kỳ các cơ sở lưu trú được xây nhiều nhấtvới số lượng lần lượt là 58, 87, 118 và 286.Đến nay Cô Tô có hơn 2.800 phòng, đáp ứng đủ cho hơn 300 nghìn khách/năm như trong ba năm gần đây.

Ngoài việc được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và chính quyền địa phương xây dựng, thực thi các chính sách nhằm biến du lịch thành ngành mũi nhọn và đóng góp trên 40% trong cơ cấu kinh tế của huyện hàng năm như được xác định trong "Đề án Phát triển du lịch Cô Tô bền vững giai đoạn 2016 - 2020", sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân cũng là một nguyên nhân quan trọng cho sự phát triển của đảo Cô Tô.

Là một trong những người đầu tiên tham gia vào lĩnh vực du lịch, năm 2011, anh Thuỷ rời ngành giáo dục, chuyển sang lĩnh vực xây dựng, tham gia vào việc làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng ở Cô Tô và một vài nơi khác trong tỉnh Quảng Ninh. Năm 2013, anh lập dự án đầu tư cửa hàng xăng dầu Cô Tô, đến tháng 12/2014 hoạt động, sau đó đầu tư thêm ba chiếc tàu dầu, trong đó hai tàu hoạt động tại Cô Tô, một chiếc hoạt động tại cảng Cái Rồng- Vân Đồn. 

Tháng 4/2019, Starlight, một toà nhà đặt ở trung tâm thị trấn Cô Tô do anh Thuỷ đầu tư đã được đưa vào hoạt động, với 22 phòng lưu trú và các gian hàng cho thuê ở tầng một, mang lại một dấu ấn về sự hiện đại, năng động và đầy tính đô thị cho Cô Tô.

Phần lớn các cơ sở lưu trú, dịch vụ trên đảo, các hãng tàu vận tải hiện nay do tư nhân đầu tư, xây dựng và quản lý. Những cái tên như Coto Hotel Group, Hoàng Trung, Thanh Măng, Coto Eco Lodge, Coto Village, Coto Center Homestay, Thái Hà và Ánh Sao vv… đang cùng nhau tạo nên diện mạo của Cô Tô hiện nay. 

Những người chủ của các cơ sở dịch vụ này, có người là dân Cô Tô gốc, những người khác đến định cư từ các địa phương như Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương và các huyện của Quảng Ninh. Là dân tứ xứ tụ hội, để đạt được sự đồng thuận và những cái bắt tay, họ đã trải qua khá nhiều khó khăn.

Trong năm 2019, thành viên của Hội du lịch Cô Tô đã liên kết với nhau, cùng ký những cam kết (hay "hương ước" như cách họ gọi) để đảm bảo việc minh bạch thông tin và giá, cũng như những "quy ước" trong việc đối xử và hỗ trợ khách đoàn do các công ty lữ hành đưa đến cũng như khách lẻ. 

Thay vì mỗi hãng một mức giá như trước đây, năm nay các hãng tàu đã thống nhất là bán chung một giá (250 nghìn đồng/chiều), các đơn vị lưu trú cam kết bán đúng giá niêm yết và có chính sách hỗ trợ khi thời tiết thay đổi bất thường khiến khách phải ở lại. Việc thông báo cấm tàu theo đơn vị ngày làm rất nhiều đoàn ra đến nơi phải hủy chuyến, đổi sang nơi khác đã được thay đổi, hiện nay tình hình thời tiết hay cấm tàu ra khơi được cập nhật theo giờ.

Trên những con đường bê tông chạy quanh đảo, ngoài mấy chục chiếc ôtô còn có hơn 200 xe ôtô điện phục vụ du khách. Gần 35 tàu cao tốc nối đất liền với Cô Tô với năng lực vận tải gần 3.400 khách, trong đó nhiều chiếc là tàu hai thân chở được hơn 200 khách, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và việc say sóng, đồng thời cũng giúp kéo dài được mùa du lịch ở Cô Tô, vốn đang khá ngắn với chỉ vài tháng trong năm hiện nay.

Cô Tô được định hướng trở thành Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp trong quần thể du lịch Cát Bà - Hạ Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái - Trà Cổ. Để cạnh tranh với các điểm du lịch vốn đã có bề dày khai thác du lịch đó, Cô Tô phải làm một cách bài bản, đó là nhận định của các thành viên trong Hội du lịch Cô Tô cũng như các thế hệ lãnh đạo huyện Cô Tô. 

Cô Tô là huyện đảo đầu tiên của cả nước phủ sóng wifi miễn phí trên toàn đảo từ năm 2012, và cũng là huyện đảo đầu tiên tổ chức đưa chủ các cơ sở lưu trú, vận tải, nhà hàng, dịch vụ xuống Hà Nội để quảng bá du lịch, trong nỗ lực khai thác mạnh thị trường khách du lịch nội địa, trong đó chú trọng thị trường từ các đô thị lớn như: Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi Bắc Bộ.

Nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới phát triển bền vững

Cô Tô phát triển du lịch nhờ sự năng động của khối tư nhân - Ảnh 1.

Diện mạo hiện tại của huyện đảo Cô Tô - Ảnh: Nguyễn Thành Chung.

Trong một chuyến famtrip được tổ chức vào đầu tháng 4/2019 với sự tham gia của hơn 50 công ty lữ hành để quảng bá cho du lịch Cô Tô, một vị lãnh đạo của huyện Cô Tô đã nhận định rằng Cô Tô hiện đang chịu áp lực khách đông nhưng chi tiêu thấp, ở ngắn ngày do dịch vụ trên đảo chưa phát triển. Rất đông khách là học sinh, sinh viên và những người có thu nhập chưa cao, với mức chi tiêu bình quân từ 500-800 nghìn/ ngày và thời gian lưu trú khoảng 2 ngày.

Tốc độ phát triển nhanh chóng, khách sạn sau xây to, đẹp, đạt chuẩn hơn khách sạn trước, nhưng sự phát triển vể cơ sở lưu trú ở Cô Tô được đánh giá là còn mang tính tự phát và chưa phù hợp với tài nguyên của đảo. 

Riêng với mô hình lưu trú được ưa thích trên đảo là homestay, theo anh Minh, trong vài năm trở lại đây, đã có sự lẫn lộn giữa homestay và nhà nghỉ, khách sạn mini. Lý do là do nhiều khách thích homestay nên chủ nhà nghỉ và khách sạn mini đặt như vậy nhằm thu hút khách, họ không hiểu bản chất của homestay. Một nguyên nhân khác là nhu cầu lưu trú cao hơn nhu cầu hưởng thụ văn hoá địa phương thuần chất.

Trong những đợt cao điểm với 5.000 khách/ngày, cơ sở hạ tầng của đảo có lúc không đáp ứng được, thêm vào đó, lượng rác thải xả ra cũng rất nhiều mà trên đảo chỉ có duy nhất một nhà máy xử lý, công suất không đủ.

Vì vậy, huyện quyết định thay đổi chiến lược, không thu hút khách theo số lượng mà chủ động nâng cấp chất lượng và giá dịch vụ, biến đây thành một điểm nghỉ dưỡng để thu hút khách cao cấp hơn. 

Theo ông Trần Như Long, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, thế mạnh của Cô Tô là không khí trong lành, bãi biển đẹp, rừng nguyên sinh, thức ăn sạch sẽ với nhiều loại hải sản quý hiếm, phù hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Chính vì vậy, Cô Tô cần phải giữ được sự hoang sơ, đồng thời nâng cấp sự chuyên nghiệp và chất lượng của không gian nghỉ dưỡng.

Năm 2018, huyện tuyên truyền để người dân hiểu về đề án hạn chế túi nylon, và dự kiến đến tháng 6/2019, đề án này sẽ được xây dựng thành nghị quyết có chế tài xử lý để đảm bảo tất cả dân trên đảo đều làm theo quy định. 

Bên cạnh đó, đề án phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020 cũng đang được thực thi để bảo vệ môi trường với sự tham gia của tất cả các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, du lịch, khu vực công cộng, công sở, trường học, chợ; các tàu khách, tàu hàng, tàu ngư dân tại vùng biển Cô Tô.

Đầu tháng 4, các hộ dân đã được phát miễn phí túi phân loại rác thải, theo đó túi màu đen là đựng rác thải vô cơ khó phân hủy như chai, lọ, đồ kim loại, túi màu xanh là để đựng rác thải hữu cơ, dễ phân hủy.

Trên cơ sở các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, phong phú thuận lợi để khai thác để phát triển du lịch cùng nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử văn hoá, làng nghề truyền thống, huyện Cô Tô định hướng xây dựng các loại hình du lịch đặc trưng có tính cạnh tranh cao như du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm, galar, dinner…), du lịch sinh thái biển, rừng, du lịch tham quan thắng cảnh biển, các di tích lịch sử, văn hóa và làng nghề gắn liền với cộng đồng dân cư trên đảo, du lịch thể thao biển vui chơi giải trí, thám hiểm đa dạng sinh học biển; du lịch khám phá đảo, du lịch trải nghiệm; du lịch cộng đồng "homestay" và du lịch "phi truyền thống".

Một đơn vị nước ngoài đã được thuê xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, dịch vụ của huyện Cô Tô. Theo ông Trần Như Long, dự kiến tháng 6/2019 quy hoạch này sẽ được công bố, làm cho việc xây dựng và phát triển huyện đảo bài bản và đồng bộ hơn và các dự án lớn cũng sẽ được triển khai.

Trong tương lai không xa, huyện đảo này sẽ thu hút những công ty có tên tuổi hàng đầu, đầu tư xây dựng Cô Tô thành một điểm đến cho khách nghỉ dưỡng sang trọng, điều mà Cô Tô còn thiếu hiện nay.

Ngày 23/3/2019, huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) kỷ niệm 25 năm ngày thành lập. Trong một phần tư thế kỷ, từ một quần đảo hoang sơ, dân cư thưa thớt, không có cơ sở hạ tầng, cả tháng mới có một chuyến tàu ra đảo, hiện nay huyện Cô Tô, với gần 50 hòn đảo lớn nhỏ (trong đó có bốn đảo lớn: Cô Tô, Thanh Lân, Trần, Mã Cháu) đã thành nơi cư trú của gần 1.300 hộ với hơn sáu nghìn dân thuộc 10 dân tộc, hệ thống nước, trường, trạm được đầu tư đầy đủ. Tháng 10/2013 điện lưới quốc gia được kéo ra huyện đảo, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và tạo điều kiện cho du lịch phát triển nhanh chóng.

Cách đất liền gần 60km, việc đi lại được thu ngắn nhờ gần 35 con tàu chở khách nối đảo với đất liền mỗi ngày. Huyện chỉ còn 0,51% hộ nghèo (năm 2018), không những vậy mức thu nhập trung bình của người dân ở đây đã đạt 3.350 USD/ người (năm 2018). Trong những năm gần đây Cô Tô nổi lên như một điểm du lịch được yêu thích ở vùng Đông Bắc.

Du lịch đóng góp rất lớn vào sự chuyển mình của Cô Tô. Nếu năm 2012, doanh thu từ du lịch chỉ đạt 40 tỷ, đến năm 2018, con số này đã tăng hơn 12 lần, đạt 498 tỷ đồng. Trong ba năm 2016-2018, mỗi năm trung bình có khoảng 300 nghìn lượt khách chọn nơi đây là điểm đến để trải nghiệm và khám phá thiên nhiên hoang sơ với biển, núi và rừng.

Việc rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Cô Tô cũng là một điểm thuận lợi cho du lịch. Cuối năm 2018, khi cao tốc Hạ Long – Vân Đồn thông xe sau ba năm thi công, du khách chỉ mất hơn ba giờ đi từ Hà Nội đến Vân Đồn và thêm hơn một tiếng đi từ cảng Cái Rồng ra đảo Cô Tô.