13:15 16/02/2019

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: 40 năm nhìn lại

Hoàng Vũ

Tri ân và tôn vinh đồng bào, chiến sỹ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc

Chiến sỹ Đại hội 2 bộ binh, Tiểu đoàn 1, Đoàn H54 Bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn, được tặng Huân chương Chiến công hạng 3 về thành tích dũng cảm,chiến đấu, đánh lui nhiều đợt tất công của địch, giữ vững chốt trên cao điểm 340, thuộc bản Phiệt, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai). Ảnh: TTXVN.
Chiến sỹ Đại hội 2 bộ binh, Tiểu đoàn 1, Đoàn H54 Bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn, được tặng Huân chương Chiến công hạng 3 về thành tích dũng cảm,chiến đấu, đánh lui nhiều đợt tất công của địch, giữ vững chốt trên cao điểm 340, thuộc bản Phiệt, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai). Ảnh: TTXVN.

Với chủ đề "Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc 40 năm nhìn lại (1979-2019)", hội thảo khoa học quốc gia do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 15/2/2019.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày quân và dân ta chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu là các nhà khoa học, các giảng viên đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; viện nghiên cứu và trường đại học uy tín trong cả nước. Đặc biệt, có sự tham dự của các nhân chứng, cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Hội thảo cũng là dịp nhìn lại sự kiện lịch sử diễn ra cách đây 40 năm một cách khách quan, trung thực. Qua đó, tăng cường tình đoàn kết, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Cách đây 40 năm hơn 60 vạn quân Trung Quốc tràn qua biên giới tấn công toàn diện 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên trong thời điểm hiểm nghèo đó, quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc với sự hỗ trợ của quân và dân cả nước cùng với sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã chiến đấu ngoan cường và vô cùng dũng cảm đã giành được thắng lợi, giữ yên núi sông bờ cõi buộc quân đội Trung Quốc phải rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cha ông ta luôn quan tâm giữ gìn vùng biên cương của Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nhân dân Việt Nam đã kiên cường đánh trả và giành nhiều thắng lợi buộc quân Trung Quốc phải chịu tổn thất nặng nề. Đây là chiến công, dấu son của lịch sử dựng nước và giữ nước, viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc trong việc bảo vệ giữ vững độc lập dân tộc của đất nước. Do đó việc nhìn lại lịch sử từ cuộc chiến này để rút ra bài học kinh nghiệm là điều vô cùng cần thiết và có ý nghĩa.

GS, nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh cho rằng, theo tư liệu lịch sử và phân tích của các nhà sử học thì có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng về bản chất Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến xâm lược đối với một quốc gia độc lập, có chủ quyền và quân dân Việt Nam đã kiên cường chống trả nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Theo ông Ninh, Trung Quốc tuyên bố rút quân ngày 14-3-1979 nhưng trên thực tế cuộc chiến còn kéo dài tới 10 năm sau là năm 1989, đặc biệt là mặt trận Vị Xuyên tại Hà Giang vào mùa hè năm 1984.

Các nhà nghiên cứu, các học giả khi nhìn nhận về cuộc chiến tranh này đã phân tích quân Trung Quốc đã phải trả giá đắt, không thực hiện được ý đồ vì quân dân Việt Nam chiến đấu kiên cường

Nhiều tham luận được các diễn giả chia sẻ tại hội thảo cũng khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc; tri ân và tôn vinh đồng bào, chiến sỹ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc; tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, xương máu và tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.