14:59 19/02/2009

7 doanh nghiệp “nộp bài” 3G

Quỳnh Anh

Cuộc thi tuyển công nghệ 3G, sau nhiều lần lỗi hẹn vì hững lý do khách quan, cũng đã đến giai đoạn hoàn tất cuối cùng

Theo các chuyên gia viễn thông, công nghệ 3G có những ưu thế hơn hẳn so với công nghệ 2G đang hiện hành, thể hiện ở khả năng cung cấp các dịch vụ dữ liệu cao.
Theo các chuyên gia viễn thông, công nghệ 3G có những ưu thế hơn hẳn so với công nghệ 2G đang hiện hành, thể hiện ở khả năng cung cấp các dịch vụ dữ liệu cao.
Sáng 18/2, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận hồ sơ xin phát triển, kinh doanh dịch vụ công nghệ 3G của 7 doanh nghiệp thông tin di động Việt Nam.

Đó là: Công ty Dịch vụ viễn thông (VinaPhone), Công ty Thông tin di động (VMS - đơn vị quản lý mạng MobiFone), Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Thông tin viễn thông Điện lực (EVN Telecom), Công ty Cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu (Gtel Mobile), và Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom).

Tuy nhiên, với 7 doanh nghiệp di động kể trên, chỉ có 6 hồ sơ được nộp sáng 18/2, do EVN Telecom và Hanoi Telecom cùng liên danh thực hiện hồ sơ.

Chỉ còn chờ “chấm bài”

Như vậy, cuộc thi tuyển công nghệ 3G, sau nhiều lần lỗi hẹn vì những lý do khách quan, cũng đã đến giai đoạn hoàn tất cuối cùng.

Cho tới thời điểm này, các doanh nghiệp tham gia thi tuyển 3G đã xong “phần việc” của mình. Tiến trình cấp phép 3G chỉ còn chờ việc “chấm bài” của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hiểu được tầm quan trọng của cuộc thi này, thời gian qua tất cả các “thí sinh” đều nỗ lực chuẩn bị cho cuộc thi mà đã có người ví như “sinh tử” này.

Theo các chuyên gia, đứng đầu trong số các ứng viên nặng ký của “tấm giấy phép 3G” chính là hai đại diện của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là VinaPhone và MobiFone, cùng mạng di động Viettel.

VNPT đặt quyết tâm cao trong cuộc thi này để có thể giành được giấy phép 3G với việc công bố sẽ đầu tư tới 1 tỷ USD cho việc xây dựng mạng 3G của mình. Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone, từng nhận xét rằng đề thi tuyển 3G mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra là khoa học và hợp lý. Với đề thi tuyển này, mạng di động nào có đủ tiềm lực tài chính, hạ tầng mạng lưới và tính toán khả năng thu hồi vốn tốt sẽ lấy được giấy phép 3G.

Còn ông Hoàng Trung Hải, Phó giám đốc VinaPhone cũng cho rằng đề bài mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra có các tiêu chí và thang điểm rõ ràng để chọn ra được các mạng di động có đủ năng lực triển khai mạng 3G tốt nhất.

Ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết: Viettel đã có kế hoạch phủ sóng đến hầu hết các tỉnh, thành phố, thị xã ngay từ năm đầu tiên (khoảng 30% dân số có thể sử dụng được dịch vụ). Tuy nhiên, thời gian đầu dịch vụ 3G phục vụ cho nhóm khách hàng cao cấp, 3 năm sau sẽ cung cấp 50%, 5 năm sau phát triển dịch vụ cung cấp cho 79% và 10 năm sẽ phủ sóng 100%. Viettel sẽ phấn đấu giữ vị trí số 1 trong lĩnh vực này.

Nhiều nguồn tin cho hay, một số mạng di động bỏ tiền ra thuê tư vấn nước ngoài cho cuộc chạy đua lấy giấy phép 3G. Có mạng di động rất lạc quan về việc giành được giấy phép 3G nên đã chuẩn bị cho đấu thầu nhập thiết bị 3G để triển khai mạng trong năm 2009.

4/6 hồ sơ sẽ được cấp phép

Theo ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển và cấp phép 3G, các doanh nghiệp sẽ phải trải qua hai vòng thi.

Vòng đầu tiên là sơ tuyển, sẽ có 11 tiêu chí để xem xét. Vòng thứ hai là xét tuyển với 5 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí quan trọng như vùng phủ sóng, thời gian triển khai nhanh; tiền đặt cọc và cam kết sử dụng chung hạ tầng của mạng 2G... của doanh nghiệp.

Sau khi hoàn tất vòng hai, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình danh sách 4 hồ sơ đạt điểm cao nhất lên Thủ tướng Chính phủ. Ông Phạm Hồng Hải cũng khẳng định việc thi tuyển 3G sẽ được tiến hành công khai minh bạch để đảm bảo chọn ra mạng di động có khả năng cung cấp dịch vụ 3G tốt nhất cho người dân.

Ông Hải cho biết: dự kiến thời gian xem xét và chấm vòng sơ tuyển sẽ diễn ra trong khoảng 1 tháng kể từ khi chính thức nhận được hồ sơ. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến đến quý 2/2009, việc cấp phép 3G sẽ được hoàn tất.

Được biết, sau khi đã chọn ra 4 mạng trúng tuyển 3G, các mạng này sẽ có 3 tháng chuẩn bị tiền đặt cọc bảo lãnh để làm thủ tục cấp phép 3G. Số tiền mà các mạng di động đặt cọc nhằm mục đích bảo lãnh thực hiện triển khai giấy phép theo cam kết trong hồ sơ thi tuyển 3G, sẽ không thấp hơn 5% tổng đầu tư mạng trong 3 năm đầu tiên.

Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để xét tuyển, bởi nó cũng thể hiện quyết tâm triển khai mạng 3G và năng lực tài chính của các mạng di động.

* 3G là công nghệ di động không dây thế hệ mới có tốc độ truyền tải nhanh với nhiều kỹ thuật khác nhau như HSPA, EV-DO, LTE... Tốc độ tải lên khoảng 7,2 Mb/giây và tốc độ tải xuống ở mức vài chục Mb/giây. Người sử dụng công nghệ 3G sẽ được dùng các dịch vụ: thoại video, kết nối Internet, xem phim trực tuyến, thực hiện giao dịch thanh toán qua mạng... 

Với tiện ích trên, việc triển khai 3G sẽ thúc đẩy sự phát triển của băng rộng và các ứng dụng phục vụ phát triển thương mại, nhu cầu thông tin đời sống cũng như các lĩnh vực kinh tế - xã hội cần đến băng rộng… Ngoài ra, công nghệ 3G cũng sẽ là sự hỗ trợ kịp thời cho 2G, vì băng tần của 2G mà các nhà mạng đang sử dụng hiện đã gần quá tải.