11:31 26/10/2007

Ai bán blog? Tôi mua!

Kiều Oanh

Blog đang trở thành mục tiêu mua lại hấp dẫn trong mắt những công ty truyền thông lớn

Hiện số lượng blog đang gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Hiện số lượng blog đang gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Ban đầu là những mạng xã hội, tiếp đến là các thế giới ảo. Còn giờ đây, blog đang trở thành mục tiêu mua lại hấp dẫn trong mắt những công ty truyền thông lớn.

Các blog, đặc biệt là blog có thương hiệu lớn như TechCrunch, Gawker, GigaOm, Boing Boing và Huffington Post, là những hình mẫu kinh doanh rất hấp dẫn. Đây thực sự là thông tin tốt lành đối với những công ty truyền thông truyền thống đang tràn đầy hy vọng nắm bắt và thu lợi nhuận từ thế giới Web 2.0 đang phát triển nhanh chóng.

Blog là nơi cung cấp những lời bình luận được cập nhật liên tục về một vấn đề cụ thể nào đó như chính trị, kinh tế, tin tức hoặc giải trí. Việc các công ty truyền thông lâu năm tìm đến với blog cho thấy những công ty này đã bắt đầu thừa nhận rằng, người sử dụng Internet đang tham gia vào việc cung cấp tin tức thay vì chỉ tiêu thụ tin tức.

Bên cạnh đó, blog thường nhằm vào một nhóm độc giả nhất định. Với quan điểm và tiếng nói riêng, mỗi blog đều phát triển cho mình một “cộng đồng” độc giả nhất định, tạo cơ hội cho những quảng cáo nhằm vào nhóm độc giả đó.

Hiện số lượng blog đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Tính đến tháng 9/2007, công ty Technorati chuyên về theo dõi các blog đã xếp hạng hơn 106 triệu blog, tăng 12 triệu blog so với tháng trước đó. Theo thống kê của comScore, một công ty nghiên cứu marketing trực tuyến, blog công nghệ Boing Boing đã trở thành một trong 5 blog có số lượng người truy cập đông đảo nhất trên mạng, với số lượng người ghé thăm là khoảng 7,5 triệu lượt mỗi tháng.

Theo Technorati, Boing Boing là blog có số lượng truy cập lớn nhất thế giới tính theo số lượng người coi trang này là trang yêu thích (favourite). Trong khi đó, tổng số lượng người đọc của Wired - một tờ báo in về công nghệ - là 1,9 triệu người, tính đến tháng 6/2007.

Điều này có ý nghĩa như thế nào về những công ty truyền thông lớn? Thường thường, đối với những công ty này, bất kỳ một nguồn thông tin nào mới cũng được coi là một đối thủ. Tuy nhiên, họ lại đang hợp tác hợp tác ngày càng nhiều hơn với các blogger để chia sẻ lượng độc giả và lợi nhuận. Trong thời gian gần đây, nhiều tờ báo đã đưa một số blog trở thành một bộ phận của mình với mục tiêu thu hút một lượng độc giả lớn hơn.

Đầu tháng 8 vừa qua, tờ New York Times đã phối hợp với các tác giả của blog Freakonomics chuyên bình luận về các vấn đề kinh tế trong các tình huống diễn ra hàng ngày và đưa blog này trở thành một bộ phận của tờ New York Times trực tuyến và mục xã luận của tờ báo này. Stephen Dubner, một đồng tác giả của blog này, coi việc hợp tác này là cơ hội để làm việc với một tờ báo có tiếng và để thu hút độc giả cũng như sự hỗ trợ của tờ báo.

Các công ty truyền thông truyền thống khác cũng nhảy vào lĩnh vực blog. Tờ Houston Chronicle đã tuyển 50 blogger vào làm việc. Những lời bình luận của blogger này sẽ xuất hiện trên website của tờ báo. Trên tời Washington Post điện tử cung cung cấp đường link của nhiều blog về công nghệ, sức khỏe, giải trí… Vào năm 2006, Conde Nast, công ty sở hữu tờ Wired cũng như nhiều tạp chí và website khác, đã mua lại Reddit, một trang tin xã hội.

Nhà phân tích đầu tư Jim Peters của Standard & Poor tin tưởng rằng, mặc dù nhiều tờ báo in đã có trang web lớn trên mạng , việc hợp tác với các blog khiến các sản phẩm truyền thông của họ trở nên toàn diện và hấp dẫn hơn. Điều này đặc biệt đúng với thế hệ độc giả trẻ tuổi, những người ít sử dụng các phương tiện truyền thông truyền thống để phục vụ nhu cầu thông tin của mình hơn cha mẹ họ.

“Tôi cho rằng, đây là một phần trong xu hướng tổng thể tiến tới bổ sung cách thức đưa thông tin, chứ không phải là một sự thay thế”, chuyên gia Peters nhận định.

Nhà phân tích đầu tư Tuna Amobi của S&P cũng đồng ý với quan điểm cho rằng các công ty truyền thông truyền thống dường như đang nhận ra tính hữu ích tiềm tàng của các blog trong việc tăng cường lượng độc giả cho các trang web của họ.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích này bên cạnh những cơ hội lớn là rất nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ pha loãng thương hiệu cũng như những thông tin có tác dụng tiêu cực. Mặc dù đưa ra dự báo về việc các công ty truyền thông lớn sẽ xem xét những vụ mua lại có quy mô tương đối nhỏ nhằm vào các blog có khả năng thúc đẩy những lĩnh vực và thương hiệu vốn chủ chốt của họ, Amobi vẫn cho rằng, các công ty cần phải nỗ lực rất nhiều để tung ra những sản phẩm có chi phí thấp.

Theo Scott Kessler, một chuyên gia phân tích đầu tư của S&P, các công ty trực tuyến như CNET, Google, IAC/InterActiveCorp và Yahoo rất có thể cũng quan tâm đến việc theo đuổi những cơ hội mà blog có thể mang lại thông qua nội dung, quảng cáo và các công cụ. Tháng 6 vừa qua, Huffington Post - một trang web cung cấp thông tin và bình luận kết hợp với blog - đã công bố liên minh quảng cáo chiến lược với IAC Advertising Solutions. Công ty này sẽ là bộ phận độc quyền chịu trách nhiệm về kinh doanh cho bộ phận quảng cáo trực tuyến của Huffington Post.

Vào ngày 7/10 vừa qua, MSNBC Interactive News, một liên doanh giữa Microsoft và NBC Universal, đã tuyên bố mua lại Newvine, một trang web mới được xây dựng. Với số lượng độc giả khoảng 1 triệu người, Newvine cho phép người truy cập đọc và bình luận về những bài báo từ những nguồn lớn. MSNBC Interactive News, với 27,3 triệu độc giả trực tuyến tính đến tháng 8/2007, hy vọng vụ mua lại này sẽ thu hút được một lượng lớn độc giả trung thành.

Trong bối cảnh các công ty truyền thông truyền thống đang tìm cách để thu lợi nhuận từ những sáng kiến truyền thông mới, chuyên gia Amobi coi hiện tượng blog không chỉ là một gợi ý cho họ trong dài hạn. Ngoài ra, trước mắt, các công ty truyền thông này nên tập trung nhiều hơn vào các mạng xã hội.

Một xu hướng dài hạn khác mà Amobi nhận thấy là sự hợp tác ngày càng tăng của các công ty quảng cáo lớn với các blog phổ biến. Điều này sẽ giúp tạo ra một mối quan hệ thương hiệu tiềm năng với khách hàng. Ông cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều đối tượng hơn trung thành với chi tiền vào hoạt động quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.

(Theo BusinessWeek)