14:41 29/10/2007

Cái nhìn cởi mở hơn về phần mềm nguồn mở

Tùy Phong

Nhận thức và sử dụng phần mềm nguồn mở trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã “thoáng” hơn trước

OpenOffice là lời giải cho bài toán gánh nặng chi phí bản quyền đối với phần mềm văn phòng.
OpenOffice là lời giải cho bài toán gánh nặng chi phí bản quyền đối với phần mềm văn phòng.

Diễn đàn phn mềm nguồn mở với chủ đề “Nguồn mở với bài toán bản quyền phần mềm” vừa được tổ chức tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ Tin học Việt Nam lần thứ 16 (IT Week 16).

Những thông điệp tại diễn đàn cho thấy nhận thức về việc sử dụng phần mềm nguồn mở trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã “thoáng” hơn trước.

Quyết tâm từ trung ương…

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng ban thư ký Ban chỉ đạo công nghệ thông tin các cơ quan Đảng, cho hay, nhằm thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, các cơ quan của Đảng đã lựa chọn chuẩn mở và chuyển đổi sang sử dụng phần mềm nguồn trong ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan Đảng.

Cụ thể, các máy chủ sẽ dùng hệ điều hành Linux (hệ thống nguồn mở miễn phí), trong khi đó, các máy trạm sang cài đặt hệ điều hành Linux kèm theo phần mềm văn phòng OnpenOffice (phần mềm nguồn mở miễn phí). “Đơn vị nào muốn dung hệ điều hành, phần mềm thương mại như của Microsoft thì phải chứng minh được nhu cầu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Kế hoạch cụ thể của Ban chỉ đạo công nghệ thông tin các cơ quan Đảng là tới 31/12/2007 tất cả các máy trạm đều cài đặt phần mềm OnpenOffice, kể cả những máy đã cài phần mềm Microsoft Office, và hệ điều hành nguồn mở.

Một mục tiêu lớn khác mà ông Tuấn chia sẻ là trong quý đầu tiên của năm 2008, các cơ quan Đảng chỉ trao đổi các tệp văn bản định dạng ODF, một tiêu chuẩn mở đầu tiên của quốc tế về định dạng tài liệu điện tử.

Trưởng ban thư ký Ban chỉ đạo công nghệ thông tin các cơ quan Đảng cho rằng đây là “con đường” hợp lý, có hiệu khi mà kinh phí đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tin còn hạn chế. Bởi, nếu trang bị phần mềm văn phòng Office của Microsoft cho 30.000 máy trạm ngốn tốn tới 210 tỉ đồng, trong khi đó sử dụng nguồn mở mất khoảng 15 - 20 tỉ đồng, số tiều này chi cho các dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi, đào tạo nhân lực.

“Và hiển nhiên hệ thống nguồn mở, như hệ điều hành Ubuntu, phần mềm văn phòng OpenOffice ổn định, thân thiện và ứng dụng không thua kém so với phần mềm thương mại của Microsoft”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Về khó khăn khi triển khai, ông Tuấn nhận định rằng trước thì nhiều, nay chỉ còn có hai khó khăn nhưng khắc phục được, đó là thói quen của người sử dụng và đội ngũ nhân lực về phần mềm nguồn mở.

Tới “địa phương”…

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Tp.HCM với mã STB - một trong những cổ phiếu thuộc dạng bluechip trên thị trường - cũng đã chọn phần mềm văn phòng OpenOffice trước áp lực chi phí trong kinh doanh và thực thi vấn đề sở hữu trí tuệ.

Cũng có những khó khăn khi triển khai như thói quen của người sử dụng nên Sacombank triển khai OpenOffice thí điểm đầu tiên trong khối công nghệ thông tin sau đó nhân rộng triển khai diện rộng trên toàn mạng lưới với sự hỗ trợ của đội ngũ công nghệ thông tin.

Triển khai đồng loạt từ năm 2006, tới nay tại hơn 180 điểm giao dịch trên toàn quốc với 3.000 nhân viên, Sacombank đã tiết kiệm mỗi máy một phiên bản Microsoft Office tối thiểu là 380 USD, cùng đó số lượng máy tính do đặc thù sử dụng chức năng cao cấp từ Microsoft Office phải mua chỉ chiếm khoảng 15 - 17% trong toàn hệ thống.

Chuẩn áp dụng

Và hậu thuẫn cho những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm nguồn mở, Bộ Thông tin Truyền thông đã thành lập Hội đồng tư vấn để thẩm định các phần mềm nguồn mở nhằm tìm ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng và đưa vào danh mục các sản phẩm phần mềm nguồn mở ưu tiên mua trong các dự án công nghệ thông tin sử dụng ngân sách Nhà nước.

Theo thông tin từ quan chức của Bộ Thông tin Truyền thông tại Diễn đàn trên, hội đồng gồm 20 thành viên từ nhiều đơn vị khác nhau đã gặp mặt để thông qua tiêu chí đánh giá phần mềm văn phòng nguồn mở. OpenOffice 2.0 là phần mềm văn phòng đầu tiên đã được các thành viên chọn, sử dụng thử và qua đó sẽ “bỏ phiếu tín nhiệm” trong thời gian tới.

Nếu vượt qua “cửa ải” này, OpenOffice sẽ là bộ phần mềm nguồn mở đầu tiên lọt vào danh mục các sản phẩm phần mềm nguồn mở. Thời gian tới, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ tiếp tục thẩm định các hệ điều hành nguồn mở và các ứng dụng nguồn mở khác.