15:38 24/09/2015

Cửa hiệu nhái Apple Store mọc như nấm ở Trung Quốc

Diệp Vũ

Nhân viên tại các cửa hiệu này tiết lộ, họ mua điện thoại iPhone từ cả trong và ngoài nước

Một cửa hiệu nhái Apple Store ở Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc vào tháng 7/2011 - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Một cửa hiệu nhái Apple Store ở Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc vào tháng 7/2011 - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Chỉ một con phố sôi động của thành phố Thẩm Quyến, Trung Quốc đã có tới hơn 30 cửa hiệu gắn logo “táo cắn dở” nhận đặt hàng trước iPhone 6s và iPhone 6s Plus - hai mẫu điện thoại mới nhất của Apple.

Điều đáng nói là nhiều cửa hiệu trong số này trông không khác gì cửa hiệu bán lẻ chính thức Apple Store.

Cũng nhân viên mặc áo phông màu xanh có in logo màu trắng của Apple, cũng các mẫu máy tính bảng iPad, điện thoại iPhone, và đồng hồ thông minh Apple Watch trưng bày trên bàn gỗ...

Tuy vậy, theo hãng tin Reuters, Apple chỉ có duy nhất một cửa hiệu bán lẻ Apple Store ở Thẩm Quyến và 5 nhà phân phối chính thức khác ở thành phố này. Còn lại, những cửa hiệu khác trông “na ná”, thậm chí giống y chang Apple Store ở Thẩm Quyến đều là cửa hiệu nhái, cho dù bán sản phẩm thật của Apple.

Số cửa hiệu nhái Apple Store ở Thẩm Quyến đang tăng với tốc độ chóng mặt trước thời điểm iPhone 6s và iPhone 6s Plus chính thức được Apple đưa lên kệ vào thứ Sáu tuần này. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng của thương hiệu Apple tại thị trường Trung Quốc, nơi doanh thu của hãng này trong quý 3 vừa qua tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức hơn 13 tỷ USD.

“Nhiều người Trung Quốc hâm mộ hàng Apple. Họ sẵn sàng chi thêm tiền để có chiếc iPhone mới trước người khác”, anh Zhao, nhân viên tại một nhà phân phối chính thức của Apple ở Thẩm Quyết, cho biết.

Việc sở hữu một chiếc iPhone thế hệ mới nhất ngay khi sản phẩm lên kệ không phải là chuyện dễ ở Trung Quốc. Vào ngày iPhone 6s và 6s Plus được bán lẻ chính thức ở Trung Quốc, chỉ những khách hàng đã đặt mua trước trên mạng mới được nhận sản phẩm. Chưa kể, Apple nói rằng nhu cầu đặt mua trước đã vượt quá nguồn cung.

Các cửa hiệu nhái Apple Store ở Thẩm Quyến đã nhân cơ hội này để kiếm lời, bằng cách bán ra những chiếc iPhone mà họ gom được từ các kênh phân phối chính thức với giá cao gấp đôi. Nhiều khách hàng không muốn chờ đợi vài tuần mới mua được hàng sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu luôn một chiếc iPhone thế hệ mới nhất. Các cửa hiệu nhái cũng nhận đặt trước iPhone và khẳng định có hàng từ ngày thứ Sáu.

Nhân viên tại các cửa hiệu này tiết lộ, họ mua điện thoại iPhone từ cả trong và ngoài nước. Đối với hàng từ nước ngoài, họ vận chuyển lậu qua biên giới.

Theo một số nhà phân tích, các cửa hiệu nhái có thể vẫn là điều tốt đối với Apple, vì giúp làm gia tăng nhận thức thương hiệu “quả táo” ở Trung Quốc. Tính đến quý 3 năm nay, Apple mới chỉ có 22 cửa hiệu ở Trung Quốc. Hãng đang có kế hoạch tăng con số này lên 40 cửa hiệu trong thời gian từ nay đến giữa năm 2016.

Tuy vậy, cũng có những ý kiến lo ngại rằng sự phát triển mạnh mẽ của các cửa hiệu giả mạo Apple Store tại Trung Quốc sẽ khiến Apple gặp khó khăn trong việc quản lý thương hiệu và đảo lộn các kế hoạch dài hạn của hãng.