10:37 18/03/2010

“Cuộc chiến” iPhone giữa các nhà mạng Việt Nam

Mạnh Chung

iPhone, dòng sản phẩm điện thoại nổi tiếng của hãng Apple, đang được các nhà mạng di động trong nước ganh đua “chào hàng”

Sẽ có một cuộc chạy đua giá bán iPhone tại Việt Nam?
Sẽ có một cuộc chạy đua giá bán iPhone tại Việt Nam?
iPhone, dòng sản phẩm điện thoại nổi tiếng của hãng Apple, đang được các nhà mạng di động trong nước ganh đua “chào hàng”.

Ngày 17/3, các diễn đàn công nghệ trên mạng xôn xao xung quanh việc hai nhà mạng di động lớn nhất nhì công bố bắt đầu bán iPhone từ ngày 26/3 tới, với các mức giá gây sốc: VinaPhone đưa ra mức giá thấp nhất là 4 triệu đồng, ngay sau đó, Viettel “tiếp chiêu” với mức giá từ… 0 đồng cũng có thể được sở hữu một chiếc iPhone.

Lẽ dĩ nhiên, người mua sẽ phải cam kết sử dụng các gói cước mà mỗi mạng đề ra.

Chưa tiết lộ ra các gói cước cụ thể, nhưng cả VinaPhone và Viettel đều hé lộ những chính sách bán hàng của mình. Viettel sẽ cung cấp cho người tiêu dùng 5 lựa chọn, bao gồm hình thức bán giá không cam kết và 4 hình thức bán iPhone cam kết với nhiều ưu đãi linh hoạt để khách hàng lựa chọn.

Còn với VinaPhone, nhà mạng này sẽ bán sản phẩm này với mức giá hấp dẫn, kèm theo 3 gói cước trả sau và 1 gói cước trả trước dành riêng cho khách hàng mua máy iPhone, và với các gói cước ưu đãi, khách hàng có thể tiết kiệm 45% so với đơn giá thông thường và được sử dụng hàng trăm phút gọi miễn phí hàng tháng…

Sau khi Viettel công bố thông tin, một lãnh đạo của VinaPhone đã cho biết sẽ xem lại chính sách giá bán của VinaPhone để đủ sức cạnh tranh với đối thủ của mình. Mặc dù MobiFone còn chưa nhảy vào cuộc, khi mà mới đây nhà mạng này cũng công bố sẽ tham gia phân phối iPhone và hiện vẫn đang trong quá trình đàm phán với nhà cung cấp, nhưng cuộc đua trong lĩnh vực phân phối iPhone tại thị trường Việt Nam như vậy là đã có một khởi đầu rất nóng.

Xét ở góc độ người tiêu dùng, đương nhiên càng có cạnh tranh khách hàng càng có lợi.

Nhưng ngược lại, đối với các nhà mạng di động, sự cạnh tranh quyết liệt cũng sẽ đặt ra nhiều vấn đề nhức đầu, cho dù việc phân phối iPhone chính hãng sẽ giúp tăng uy tín cho nhà mạng, đồng thời giúp phát triển và giữ chân thuê bao, do khách hàng phải gắn bó lâu dài với các gói cước của nhà mạng phân phối. Tuy nhiên, chỉ số ARPU (doanh thu bình quân của một thuê bao/tháng) ở Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 6 - 7 USD/tháng, nghĩa là nhu cầu sử dụng bình quân chỉ chừng 150 - 160 nghìn đồng/tháng. Chính vì thế, chính sách phân phối iPhone kiểu "bia kèm lạc", trả góp qua các gói cước của mỗi nhà mạng để thu hồi lại giá một sản phẩm trung bình từ 16 - 20 triệu, là một bài toán kinh doanh không phải không có rủi ro.

Apple cũng là nhà cung cấp rất khó tính trong việc hợp tác với các nhà phân phối, đó là một lý do giải thích tại sao Việt Nam không có nhà phân phối độc quyền iPhone. Việc đồng nhất các chính sách áp dụng với các đối tác trên toàn cầu, như cam kết về sử dụng hình ảnh logo để quảng bá, hay cam kết từ chính người sử dụng..., đặc biệt là việc áp đặt cam kết về doanh thu sản phẩm iPhone của Apple đối với nhà phân phối trong từng thời gian nhất định, cũng sẽ là những thách thức lớn với các nhà phân phối iPhone tại Việt Nam.