10:19 16/08/2017

Doanh nghiệp nội dung số: Teo tóp vì “bảo hộ ngược”?

Thủy Diệu

Trong khi doanh nghiệp Việt phải làm theo quy định thì các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Youtube… không phải kiểm duyệt, giải trình

<span style="font-family: &quot;Times New Roman&quot;; font-size: medium;">Buổi tọa đàm "Luật Công nghệ thông tin và định hướng phát triển trong thời gian tới" tổ chức chiều 15/8 - Ảnh: T.Đạt.</span>
<span style="font-family: &quot;Times New Roman&quot;; font-size: medium;">Buổi tọa đàm "Luật Công nghệ thông tin và định hướng phát triển trong thời gian tới" tổ chức chiều 15/8 - Ảnh: T.Đạt.</span>
Trong khi các công ty xuyên biên giới như Google, Facebook, Youtube… không phải đóng thuế, không chịu ràng buộc bởi các quy định, chính sách, thì các doanh nghiệp công nghệ nội dung số Việt Nam phải chịu đủ thứ quy định. Thay vì được hỗ trợ thì doanh nghiệp Việt Nam lại khó khăn hơn và anh em doanh nghiệp gọi đây là cơ chế “bảo hộ ngược”.

Bức xúc trên được lãnh đạo rất nhiều doanh nghiệp công nghệ nội dung số thẳng thắn đưa ra tại buổi tọa đàm "Luật Công nghệ thông tin và định hướng phát triển trong thời gian tới" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, chiều 15/8.

1 tỷ USD nội dung số bằng 5 tỷ USD ngành dệt may

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc VTC Intecom, nói, cách đây 10 năm doanh thu của nội dung số từ dịch vụ giá trị gia tăng đã đạt 3.000 - 4.000 tỷ đồng, đến nay quy mô ngày càng lớn, từ truyền hình, các dịch vụ trên online, sự dịch chuyển sang ngành quảng cáo trực tuyến, các nội dung trên mạng xã hội…

Đưa ra con số khá cụ thể, theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, tổng doanh thu của các công ty vào khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng mỗi năm tại thị trường Việt Nam. Nếu tính công ty “giả” Việt Nam (như công ty nước ngoài vào Việt Nam làm) thì lên đến 15.000 - 20.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó có nguồn thu đến từ quảng cáo và game, phim cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Ông Tân nhìn nhận, quy mô của thị trường nội dung số trong khoảng 5 năm tới đạt 1 tỷ USD, trong 20 năm là 5 tỷ USD chẳng hạn, nhưng ý nghĩa của 1 tỷ USD và 5 tỷ USD này khác hoàn toàn so với ngành dệt may. Vì, theo ông, ngành dệt may, nếu xuất khẩu 5 tỷ USD thì Việt Nam thu về 10%, khoảng 500 triệu USD, còn 1 tỷ USD xuất khẩu nội dung số ra nước ngoài thì thu về khoảng 700 triệu USD, trừ ra các chi phí thì còn khoảng 500 triệu USD. 

Điều đó cũng có nghĩa, xuất khẩu 1 tỷ USD của nội dung số thì giá trị mang về cho Việt Nam tương xứng với 5 tỷ USD của dệt may. “Tôi mạnh dạn dự báo trong 5-10 năm tới, nếu ngành nội dung số phát triển thì chỉ đứng sau du lịch, còn lại vượt qua dệt may, xăng dầu… về giá trị kinh tế mang lại cho Việt Nam”, ông Nguyễn Thế Tân nói và đồng thời cho rằng, cùng đó ước chừng có khoảng một triệu lao động.

Nhưng bị “trói buộc”

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc VTC Intecom, cho rằng, đang có một số hạn chế sự phát triển của ngành nội dung số trong nước, đó là việc nhà nước có quy định quản lý nội dung số trong nước rất chặt. 

Ông kể, trước đây, đơn vị mình có làm một số trang thông tin, nhưng khi đưa nội dung lên thì hết cơ quan này đến đến đơn vị khác điện hỏi. Sau đó công ty quyết định đưa hết nội dung lên Facebook thì chẳng thấy ai đến hỏi cả. 

Một ví dụ nữa được ông Hưng dẫn chứng là ngành game online nhà nước quy định Game G1 phải phê duyệt nội dung kịch bản, với các thủ tục hành chính giấy tờ rất nhiều. Tuy nhiên, theo ông Hưng, khi gửi hồ sơ xin phép thì các anh phê duyệt không chơi game nên làm sao đọc được. Mặt khác, trên Store (kho ứng dụng) một ngày ra bao nhiêu game mới không sao kiểm soát được, trong khi chỉ có doanh nghiệp Việt Nam bị quản lý chặt, dễ bị sờ gáy.

Ngành nội dung số đang chuyển dịch mạnh từ PC sang mobile, nhưng chính sách quản lý vẫn chưa phù hợp, quy định chỉ xoay quanh các quy định mà chỉ áp dụng cho thị trường Việt Nam. Nội dung số trên mobile đang bị cảnh “một cổ hai tròng”, vừa phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, vừa phải tuân theo các quy định của các nhà cung cấp nền tảng, theo ông Hưng. 

“Chính vì có nhiều hạn chế về chính sách nên các doanh nghiệp nội dung số Việt không còn mặn mà đầu tư vào công nghệ nội dung số, vì muốn phát triển ngành này phải đầu tư tương đối dài hạn, một nền tảng tốt cần được đầu tư từ 3 - 5 năm. Vì thế, rất nhiều công ty nội dung số Việt đang mất dần niềm tin và chỉ còn xu hướng khai thác dịch vụ ngắn hạn, không đầu tư dài hạn”, vị này nói.

Ông Nhan Thế Luân, đại diện Nhaccuatui, cũng cho rằng, các công ty nội dung của Việt Nam đang gặp một vấn đề là vừa phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài lớn vừa bị “trói buộc lại trong góc tường”. Theo ông, trong số 300 website được cấp phép hiện nay thì tổng traffic chỉ chiếm khoảng trên 20% so với các ông lớn nước ngoài như Google, YouTube, Facebook dù họ không có giấy phép tại thị trường Việt Nam.

Theo ông Luân, trước đây, một số công ty có xin giấy phép làm mạng xã hội nhưng chưa kịp làm đã chết trước khi Facebook lớn mạnh như ngày nay, lý do cũng bởi doanh nghiệp Việt quá tuân thủ pháp luật và vô hình chung các công ty nước ngoài có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.

Như bị “dồn nén” từ lâu, ông Nguyễn Thế Tân, cũng kể ra một loạt các bất cập. Cụ thể, bình thường doanh nghiệp nội dung số Việt Nam phải làm theo quy định, sai thì phạt, rồi thanh kiểm tra, nhưng ngược lại, doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Youtube… không phải kiểm duyệt, giải trình khi có nội dung được xem là không tích cực… Hoặc, nếu cấp phép làm con cá thì chỉ được phép làm con cá. Nếu làm trang tin điện tử thì không làm mạng xã hội. Đã làm nhạc trực tuyến thì không được làm thông tin tổng hợp. Trong khi, ứng dụng trên Facebook không biết gọi là gì khi vừa là mạng xã hội, vừa đọc báo hay livestream… 

“Doanh nghiệp Việt Nam nếu làm sai giấy phép thì phạt vài chục triệu, nếu sai 3 lần thì đóng cửa. Không doanh nghiệp nào dám bỏ ra 10 triệu USD đầu tư vào cái không có giấy phép. Như VCCorp, ném ra 100 tỷ để làm thì ngày mai không biết có tương lai hay không, hay lại thành vi phạm quy định đi tù. Dù đó không phải là ý định của nhà quản lý mà lại là bảo hộ ngược, trói tay doanh nghiệp”, Tổng giám đốc VCCorp, nêu quan điểm.

Hay một bất cập nữa được ông Tân gọi là “bảo hộ ngược”, là khi các doanh nghiệp Việt Nam đóng tất cả các loại thuế, còn các doanh nghiệp xuyên biên giới lại không: không thuế thu nhập cá nhân VAT, không thuế thu nhập doanh nghiệp, không bảo hiểm… Những bất lợi này ngày càng khiến doanh nghiệp Việt teo tóp.

Giải pháp nào?

Theo ông Nguyễn Thế Tân, điều mong mỏi của các doanh nghiệp nội dung số hiện nay là cơ quan quản lý cần thực hiện nguyên tắc cái gì không thu của doanh nghiệp nước ngoài thì đừng thu của Việt Nam. 

Ông Tân cũng như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nội dung cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông nên đề xuất với nhà nước gọi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, vì khi đó hoàn toàn có thể sử dụng các chính sách về thuế để không những giữ được các nguồn thu trong nước mà còn hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 

Từ đó xác định ưu đãi cho ngành nội dung số cần tập trung vào đâu, về con người, nhân lực. Còn tiền không cần vì doanh nghiệp tự kiếm từ thị trường. 

Trong khi đó, Giám đốc VTC Intecom, cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu chính sách yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Kinh tế số là nền kinh tế không có biên giới, cần có chế tài đối với các doanh nghiệp toàn cầu như Google, Facebook khi họ có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng từ thị trường Việt Nam nhưng không đóng thuế.

Vị này cũng cho rằng, trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp cung cấp nền tảng Bộ không trao đổi giúp với doanh nghiệp nước ngoài là một… “thiếu sót”, thiệt thòi cho doanh nghiệp Việt. “Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đơn giản hóa thủ tục hành chính, đúng với mục tiêu chính phủ kiến tạo, cụ thể giảm bớt cấp phép trong các lĩnh vực do Bộ quản lý, giảm bớt thủ tục cấp phép game”, ông Hưng kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số, luật khi sinh ra phải làm được điều đấy, không phải luật sinh ra bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nước ngoài do đó cần hiệu chỉnh lại, có những quy định với doanh nghiệp trong nước phải đi theo hướng không cấp phép mà chuyển sang hậu kiểm, giảm bớt các thủ tục hành chính.