09:48 26/07/2017

Giá nào cho Bphone 2 trong cuộc chơi "tiền tấn"

Thủy Diệu

Bkav sẽ lựa chọn phân khúc giá nào để Bphone 2 trở nên “gần thị trường, gần người tiêu dùng hơn”

Hình ảnh rò rỉ được cho là bộ khung của Bphone 2017.
Hình ảnh rò rỉ được cho là bộ khung của Bphone 2017.
Bkav liệu sẽ lựa chọn phân khúc giá như thế nào để Bphone 2 trở nên “gần thị trường, gần người tiêu dùng hơn”, bởi sản xuất điện thoại di động không đơn thuần là khát vọng mà nó là cuộc chơi “tiền tấn”?

Bphone thế hệ mới, tạm gọi là Bphone 2, sẽ được Bkav ra mắt ngày 8/8 tới. Hiện tại, mọi thông tin về sản phẩm như thiết kế, cấu hình, giá bán… vẫn được Bkav giấu kín. Tuy vậy, một vài thông tin chưa chính thức được rò rỉ, như giá bán của sản phẩm sẽ dưới 10 triệu, Bkav có thể sẽ cho ra mắt nhiều hơn một sản phẩm… 

Phân khúc nào cho Bphone 2?

Thị trường điện thoại di động tại Việt Nam, dải phân khúc giá từ 2-3 triệu cho đến dưới 15 triệu đều đã ken kín các mẫu, dòng sản phẩm đến từ hàng chục thương hiệu toàn cầu. Riêng phân khúc smartphone cao cấp trên 15 triệu đồng gần như chỉ là sân chơi dành cho Appple và Samsung.

Bkav giả sử cho ra mắt sản phẩm có giá dưới 10 triệu đồng như đồn đoán – nghĩa là thay đổi về chiến lược giá - thì việc lựa chọn một khoảng giá cố định cũng không hề dễ. Lý do là khoảng cách giá giữa các sản phẩm trong dải phân khúc giá dưới 10 triệu đồng hiện khá sát, chỉ cách nhau vài trăm nghìn đồng. Ở mỗi khúc giá đều có hàng chục sản phẩm cạnh tranh và đều có những sản phẩm “đinh” được người dùng lựa chọn.

Quản lý một hệ thống bán lẻ điện thoại với chục năm thương trường, phán đoán, khả năng Bkav sẽ không cho ra sản phẩm dưới 5 triệu đồng, vì phân khúc giá này cạnh tranh rất khốc liệt, chủ yếu là các sản phẩm của các thương hiệu Trung Quốc, như Oppo, Xiaomi, Huawei, Vivo, Lenovo, Meizu… Thậm chí, cả Samsung cũng “quét” phân khúc giá này, như hai sản phẩm Galaxy J5 Prime, J2 Prime luôn nằm trong top 10 smartphone bán chạy nhất tại thị trường Việt thời gian qua.

Thứ nữa, phân khúc giá dưới 5 triệu, nhất là mức giá 2-3 triệu, có biên độ lợi nhuận mỏng nên được xem là không phù hợp lắm với những công ty “chân ướt chân ráo” như Bkav.

Phân khúc giá cao hơn, 5- hơn 6 triệu, theo vị này, cũng như một “chảo lửa” và đang là “sân chơi” của Samsung và Oppo, cũng rất khó cạnh tranh. “Chỉ còn khúc giá 7-8 triệu là rộng cửa cho Bphone hơn cả”, vị quản lý trên, nhận xét. 

Dù vậy, ông cho rằng, nói là còn cơ hội nhưng không hoàn toàn là “khoảng đất trống” vì một số hãng cũng ra sản phẩm ở mức giá này, hơn nữa, những sản phẩm có giá hơn 10 triệu sau một thời gian bán ra thị trường cũng được điều chỉnh về mức giá tương đương. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm trong khúc giá tầm trung này (7-8 triệu) chưa quá nhiều, dung lượng thị trường còn lớn, người dùng yêu cầu không quá khắt khe, dễ thử sản phẩm mới, nhất là của một thương hiệu nội.

Lãnh đạo tập đoàn sản xuất điện thoại thương hiệu toàn cầu tại Việt Nam, lại tỏ ra “tiếc nuối” rằng, giá như sản phẩm trước - Bphone 1 - Bkav lựa chọn phân khúc giá rẻ thì cơ hội sẽ lớn hơn, vì độ phủ người tiêu dùng có nhu cầu lớn, lại không đòi hỏi quá cao về thương hiệu cũng như chất lượng, thiết kế sản phẩm. Trong khi, theo ông, những sản phẩm có giá trên 10 triệu, tức người dùng phải bỏ là một “món” tiền lớn hơn nên sẽ khắt khe hơn trong lựa chọn, do đó, cơ hội cũng ít hơn nhiều.

“Cách tiếp cận thị trường như phân tích trên, tôi nghĩ, vẫn còn đúng với Bkav ở thời điểm hiện nay”, vị này nói và cho rằng, tất nhiên, Bkav vẫn có thể kết hợp cho ra cả sản phẩm ở phân khúc cao (như Bphone 1) và cả sản phẩm giá bình dân hoặc tầm trung để cơ hội thị trường rộng mở hơn.

Làm giá rẻ, định vị thương hiệu có mất?

Định hướng và triết lý của Bkav khi “dấn thân” vào con đường sản xuất điện thoại di động là “chỉ làm những sản phẩm đỉnh cao, cao cấp”. Trước thời điểm ra mắt Bphone 1, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav, người phụ trách mảng sản phẩm, trực tiếp phụ trách việc thiết kế sản xuất điện thoại, lý giải với VnEconomy về việc Bkav làm điện thoại cao cấp.

“Điện thoại di động là đỉnh cao công nghệ. Vì là sản phẩm đỉnh cao, nên nếu anh muốn trở thành tập đoàn công nghệ đỉnh cao, thì phải làm những thứ đỉnh cao”.

Ông Thắng cho rằng, khi đưa ra một sản phẩm, ta cần phải định vị ngay trong đầu khách hàng ấn tượng là gì. “Nếu anh định vị là thương hiệu cao cấp thì khách hàng sẽ ghi nhớ việc đấy. Còn nếu định vị là thương hiệu rẻ tiền ngay từ đầu thì sau này không thể làm lại được”.

Triết lý của Bkav là luôn định vị cao thương hiệu, cho nên không làm những sản phẩm giá rẻ. Sau này có thể làm giá rẻ, nhưng ngay từ đầu nó phải là sản phẩm cao cấp, ông nói. Với cách trả lời này, ông Vũ Thanh Thắng đã gợi “hướng mở” cho Bkav trong trường hợp làm điện thoại giá rẻ.

Một lãnh đạo của Tập đoàn Bkav cho VnEconomy biết, trường hợp Bkav nếu có thay đổi về chiến lược giá (tức ra sản phẩm giá thấp – pv) thì cũng không quá đột ngột, nghĩa là sản phẩm có giá không quá thấp (rẻ) và định hướng của công ty vẫn phải là sản phẩm có chất lượng cao.

Một chuyên gia về truyền thông và marketing cho rằng, trước đây, khi Bkav định vị sản phẩm cao cấp nghĩa là hướng vào người dùng có tiền, nhưng nay, khi bán sản phẩm giá rẻ thì bộ định vi marketing cũ không dùng được nữa. Hãng sẽ phải dồn toàn bộ hoạt động, nguồn lực để làm lại từ đầu để hướng về người dùng sản phẩm giá rẻ hoặc tầm trung. Còn người dùng cao cấp người ta sẽ không quan tâm.

Theo vị chuyên gia này, Bphone cần tìm được đúng đối tượng khách hàng mà chưa được phục vụ hoặc phục vụ chưa tốt để phục vụ và có lãi thì mới có cơ hội. 

“Nếu Bkav cho ra sản phẩm giá rẻ hoặc tầm trung sẽ phải tìm cách định vị lại trong đầu người dùng là: “hàng của tôi rất “xịn” nhưng tôi bán giá rẻ và các anh nên bỏ tiền ra mua đi”. Tất nhiên, chất lượng Bphone phải ít nhất bằng các sản phẩm cùng giá trên thị trường hoặc tốt hơn”, vị này nói.