15:47 08/07/2009

Google chuẩn bị “xuất xưởng” hệ điều hành máy tính

Kiều Oanh

Google vừa làm tăng nhiệt cuộc chiến với hãng phần mềm Microsoft khi cho biết sẽ tung ra một hệ điều hành mới

 Trình duyệt Chrome của Google tung ra vào cuối năm 2008, hiện mới chỉ chiếm một thị phần hết sức khiêm tốn.
Trình duyệt Chrome của Google tung ra vào cuối năm 2008, hiện mới chỉ chiếm một thị phần hết sức khiêm tốn.
“Gã khổng lồ” tìm kiếm trực tuyến Google vừa làm tăng nhiệt cuộc chiến với hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft khi cho biết sẽ tung ra một hệ điều hành mới, cạnh tranh với hệ điều hành Windows của Microsoft.

Ngày 6/7, Google cho hay, hệ điều hành mà hãng chuẩn bị cho ra mắt sẽ dành cho mọi loại máy tính cá nhân từ những chiếc netbook nhỏ gọn tới những chiếc máy tính để bàn kích thước cồng kềnh. Với tên “khai sinh” đầy đủ là hệ điều hành Google Chrome, phần mềm mới này sẽ chính thức chạm ngõ thị trường vào nửa sau của năm 2010.

Theo Google, hãng đang trong quá trình làm việc với nhiều nhà sản xuất khác nhau để đưa hệ điều hành này vào các sản phẩm máy tính.

“Một phần văn hóa của Google là bám đuổi và cố gắng loại bỏ Microsoft ở vai trò thống trị trong thế giới công nghệ. Phần mềm mới này là một phần trong chiến lược đó của Google”, ông Rob Enderle, nhà phân tích chính tại hãng nghiên cứu Enderle Group, nhận định. “Đòn tấn công này của Google vào Microsoft là khá hiểm. Nếu họ thực thi được, Microsoft sẽ chịu tác động đáng kể”, ông Enderle nói thêm.

Từ lâu, mối quan hệ giữa các “ông lớn” trong làng công nghệ đã chẳng êm thấm gì. Mặc dù Google vẫn được biết tới dịch vụ chính là công cụ tìm kiếm và Microsoft thống lĩnh ở mảng phần mềm, nhưng hai hãng này vẫn luôn tìm cách “lấn sân” những lĩnh vực khác của nhau.

Điển hình nhất là vụ Microsoft tìm cách mua lại Yahoo để cạnh tranh với Google trong lĩnh vực dịch vụ trực tuyến, và mới đây, tung ra công cụ tìm kiếm mới có tên Bing. Google cũng không chịu “kém miếng” khi tung ra trình duyệt web mang tên Chrome, hệ điều hành Android cho điện thoại di động thông minh, và sắp tới là hệ điều hành Google Chrome cho máy tính.

Dự kiến, hệ điều hành Chrome sẽ làm việc tốt với nhiều phần mềm ứng dụng phổ biến của Google như Gmail, Google Calendar và Google Maps. Google cho biết, hệ điều hành được xây dựng dựa trên phần mềm mã nguồn mở Linux này sẽ có tốc độ chạy nhanh và chiếm ít dung lượng bộ nhớ, cho phép người sử dụng vào web trong vòng vài giây đồng hồ.

“Hệ điều hành Chrome là nỗ lực của chúng tôi nhằm thay đổi cách nghĩ về việc các hệ điều hành cần phải như thế nào”, ông Sundar Pichai, Phó chủ tịch quản lý sản phẩm của Google, tuyên bố.

Google cho biết thêm, dự án hệ điều hành Chrome là một dự án mới, không liên quan gì tới dự án hệ điều hành Android dành cho điện thoại. Hiện hãng máy tính cá nhân lớn thứ ba thế giới là Acer đã nhất trí đưa ra thị trường những chiếc netbook chạy hệ điều hành Android.

Ở thời điểm hiện tại, phần mềm hệ điều hành Windows của Microsoft được sử dụng cho hơn 90% số máy tính cá nhân trên toàn thế giới. Bởi vậy, chìa khóa quyết định thành công của Google sẽ là liệu hãng có thiết lập được mối quan hệ tốt với các hãng sản xuất máy tính cá nhân như HP hay Dell hay không.

Trình duyệt Chrome của Google tung ra vào cuối năm 2008, hiện mới chỉ chiếm một thị phần hết sức khiêm tốn. Theo hãng nghiên cứu Net Applications, tính tới tháng 2 vừa qua, thị phần của trình duyệt này đạt mức 1,2%, so với mức thị phần 70% của trình duyệt Internet Explorer của Microsoft.

Bà Charlene Li, một chuyên gia thuộc công ty tư vấn Altimeter Group, nhận định, hệ điều hành mới của Google ban đầu sẽ có sức hấp dẫn với người tiêu dùng tìm kiếm những thiết bị dạng netbook dùng cho việc lướt web, thay vì những ai dùng máy tính để bàn để chơi game hay những thiết bị tốc độ cao.

Tuy nhiên, bà Li cũng cho rằng, nếu Chrome chạy nhanh hơn Windows, khả năng hệ điều hành này được đưa vào những chiếc máy tính mạnh là hoàn toàn có thể. Bà kỳ vọng Google sẽ chỉ thu một mức phí danh nghĩa, hoặc thậm chí cung cấp miễn phí hệ điều hành mới, vì mô hình kinh doanh của hãng này là tìm kiếm doanh thu từ các ứng dụng kết nối hoặc quảng cáo.

(Theo Reuters)