01:26 08/12/2011

iPad gặp hạn với “IPAD” Trung Quốc

Kiều Oanh

Một tòa án Trung Quốc bác bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu thương mại iPad của hãng Apple tại nước này

Han Ziwen, chàng trai đã xếp hàng suốt 60 tiếng để trở thành người đầu tiên mua iPad tại thị trường Trung Quốc, tháng 9/2010 - Ảnh: Reuters.
Han Ziwen, chàng trai đã xếp hàng suốt 60 tiếng để trở thành người đầu tiên mua iPad tại thị trường Trung Quốc, tháng 9/2010 - Ảnh: Reuters.
Việc tiêu thụ chiếc máy tính bảng đình đám iPad đang có nguy cơ bị gián đoạn ở Trung Quốc, sau khi một tòa án bác bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu thương mại iPad của hãng Apple tại nước này. Một hãng đối thủ, thậm chí, còn đang tìm cách để iPad bị cấm bán tại hai thành phố của Trung Quốc.

Theo tờ Financial Times, đây là những diễn biến mới nhất trong một cuộc tranh chấp kéo dài giữa Apple và Proview Technology ở Thâm Quyến - một công ty vốn có bảng thành tích kinh doanh bết bát. Công ty này đã đăng ký nhãn hiệu IPAD ở nhiều quốc gia từ lâu trước khi Apple tung ra chiếc máy tính bảng đình đám của mình.

Thông thường, Apple thường là nạn nhân của các vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc, thị trường mà đến các gian bán lẻ của Apple cũng bị làm nhái. Tuy nhiên, hãng công nghệ Mỹ này vẫn chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của doanh số tại Trung Quốc trong thời gian từ quý 1 đến quý 3 năm nay. Từ năm ngoái tới nay, Apple đã đẩy mạnh mở rộng hệ thống phân phối ở Trung Quốc, với 4 cửa hiệu bán lẻ mới ở Bắc Kinh và Thượng Hải, cộng thêm 1.000 điểm phân phối sản phẩm khác được thiết lập ở khắp quốc gia này.

“Apple là một “người khổng lồ” với một hình ảnh đẹp, bởi vậy không ai có thể hình dung ra việc Apple có thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi. Ai cũng nghĩ là các công ty nhỏ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công ty lớn”, luật sư Xiao Caiyuan đại diện cho Proview nói.

Ông Li Su, một đại diện của Proview, thì phát biểu: “Chúng tôi hy vọng là quyết định này của tòa sẽ giúp các cuộc đàm phán của chúng tôi với Apple thuận lợi hơn”.

Là một hãng gia công màn hình phẳng, hồi năm 2000, Proview đã nỗ lực tung ra một chiếc máy tính bảng nhưng sản phẩm này ngay lập tức chìm vào quên lãng. Tuy nhiên, nhãn hiệu IPAD đã được Proview đăng ký ở Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trong thời gian từ năm 2000-2004.

Theo Proview, vào năm 2006, hãng Proview Electronics ở Đài Loan đã nhất trí bán cho Apple “nhãn hiệu thương mại toàn cầu” đối với tên gọi IPAD với giá 35.000 USD. Tuy nhiên, hai bên sau đó đã bất đồng về việc thỏa thuận bán tên này có bao gồm thị trường Trung Quốc hay không.

Trước khi bắt đầu bán iPad tại Trung Quốc hồi đầu năm nay, Apple đã nộp đơn lên nhà chức trách nước này để đăng ký sở hữu nhãn hiệu thương mại iPad. Tuy nhiên, nhà chức trách đã từ chối đơn này vì nhãn hiệu này vẫn thuộc quyền sở hữu của Proview Technology ở Thâm Quyến, một chi nhánh khác của Proview International - công ty mẹ được niêm yết trên thị trường Hồng Kông và là “anh em” với Proview Technology Đài Loan.

Sau đó, Apple kiện Proview Technology ở Thâm Quyến, đề nghị tòa tuyên bố mình có quyền sở hữu hợp pháp nhãn hiệu thương mại IPAD ở Trung Quốc. Nhưng tòa trung thẩm thuộc Tòa án Nhân dân Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị này hồi đầu tuần này trong một phán quyết mà Apple có thể kháng cáo.

Cùng với đó, Proview Technology ở Thâm Quyến đã đâm đơn kiện các nhà phân phối sản phẩm Apple tại hai thành phố Thâm Quyến và Huy Châu, đề nghị tòa ban lệnh cấm bán tạm thời đối với iPad. Dự kiến, các tòa án của Thâm Quyến sẽ bắt đầu thực hiện việc phân giải vụ việc này vào cuối tháng 12, đầu tháng 1 tới.

“Chúng tôi bắt đầu ở hai thành phố này và nếu thành công trong việc buộc iPad bị cấm bán, chúng tôi sẽ xem xét kiện các nhà phân phối Apple ở bất kỳ nơi nào khác tại Trung Quốc”, một luật sư khác của Proview là ông Xie Xianghui cho biết. Hiện Apple chưa có bình luận gì về vụ việc này.

Vụ tranh chấp nhãn hiệu thương mại này của Apple với các đối thủ Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh “quả táo” đang vướng vào một loạt trận chiến pháp lý trên toàn cầu với các “đại gia” điện thoại thông minh như Samsung và HTC. Bất chấp một số thất bại gần đây của Apple, phần thắng trong các vụ kiện trên vẫn nghiêng về hãng này.