14:18 17/02/2007

Làm nhà nuôi yến

Bùi Huy - Hà Nhân

Việc ấp nở chim yến để nuôi và lấy tổ một cách “bài bản” lần đầu tiên đã được thực hiện ở Việt Nam

Chim yến làm tổ trong nhà - Ảnh: Eeka Vietnam.
Chim yến làm tổ trong nhà - Ảnh: Eeka Vietnam.
Việc ấp nở chim yến để nuôi và lấy tổ một cách “bài bản” lần đầu tiên đã được thực hiện ở Việt Nam.

Kết quả dự án nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ do Công ty Yến sào Khánh Hoà thực hiện có khả năng mở ra một thời kỳ mới trong việc khai thác nguồn lợi vốn lệ thuộc vào tự nhiên và vẫn được coi là “đặc ân” của thiên nhiên đối với con người. Đây cũng là tín hiệu vui cho người nuôi yến Việt Nam trước thềm năm mới.

Không ngẫu nhiên khi dự án nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ được thực hiện tại Khánh Hoà. Vùng đất mệnh danh “vua yến của Việt Nam” hàng trăm năm qua vẫn được xem là nơi thuận lợi và thích nghi đặc biệt cho loài chim quý này cư trú, dù cả nước có tới 24 địa điểm có chim yến vào nhà làm tổ và sinh sống.

Nhưng quan trọng hơn cả, những thành tựu thu được sau hơn 10 năm nghiên cứu về loài chim yến của đội ngũ cán bộ khoa học Công ty Yến sào Khánh Hoà mới chính là cơ sở bảo đảm cho thành công của dự án lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.

Tiếp bước... thiên nhiên

Lý do của dự án hết sức thực tế: đó chính là lợi nhuận đặc biệt của loại sản vật nổi tiếng bổ dưỡng mà ngày xưa chỉ dành cho các bậc vua chúa, mỗi năm mang về nguồn thu hơn 40 tỉ đồng cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, trong khi một số nước như Malaysia, Indonesia, công nghệ nuôi yến đã phát triển từ hàng chục năm qua và sản phẩm bán ra thị trường phần lớn là yến nuôi trong nhà, thì yến sào Việt Nam nói chung và Khánh Hoà nói riêng vẫn chủ yếu thu hoạch từ nguồn tổ tự nhiên trên các đảo.

Thế nhưng, ngay cả với nghề nuôi yến trong nhà, bước đầu có dấu hiệu phát triển khá mạnh tại một số vùng của Việt Nam và ở một số quốc gia được xem là cái nôi của nghề này như Indonesia, người nuôi vẫn sử dụng phương pháp gọi yến thiên nhiên vào nhà là chính.

Do đó, trong lúc các biện pháp nhân giống đàn chim bằng cách ấp nở chưa thực sự hiệu quả, thì việc nuôi chim yến trong nhà vẫn dựa vào may rủi, bởi thực tế: dù đã thực hiện rất chính xác về kỹ thuật, không phải ngôi nhà nào gọi yến cũng thành công.

Chính vì thế, trong dự án nuôi chim yến nhà để lấy tổ, việc ấp nở nhân tạo và nuôi chim con được xem là giải pháp phát triển đàn chim yến nhà mang tính bền vững. Đó cũng đồng thời là tiền đề để hoàn chỉnh quy trình công nghệ nuôi chim yến trong nhà, từ khâu ấp nở nhân tạo đến nuôi chim con và chim làm tổ tại ngôi nhà yến - một nội dung cơ bản của dự án này.

Điều kiện chín muồi để thực hiện dự án “Nuôi chim Yến trong nhà để lấy tổ” xảy ra vào năm 2004. Qua nhiều đợt khảo sát khoa học quần thể chim yến, Công ty Yến sào Khánh Hòa xác định được chim sinh sống và làm tổ tại khu nhà 155 Thống Nhất - thành phố Nha Trang.

Ngay tại thời điểm đó, công ty đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp quản lý, bảo vệ. Hai năm sau, từ một căn phòng duy nhất hơn 100 con sinh sống, đàn chim đã phát triển gấp 10 lần, số tổ chim cũng tăng lên nhanh chóng; đồng thời phát triển sang nhiều phòng khác. Cùng với việc bảo vệ đàn chim bố mẹ, công ty cũng bắt đầu triển khai ấp nở nhân tạo, nuôi và đưa chim con vào để phát triển nhanh bầy đàn trong những ngôi nhà yến mới.

Mọi công việc đều được thực hiện hết sức khoa học ngay từ đầu: trứng thu từ các đảo yến trong vịnh Nha Trang sau những mùa thu hoạch tổ sẽ được tuyển chọn cẩn thận trước khi đưa vào ấp. Tất cả phòng ấp, máy ấp và các dụng cụ liên quan đều được khử trùng nghiêm ngặt, nhằm giảm thiểu tối đa mầm bệnh cho chim con.

Trứng đủ tiêu chuẩn phải nguyên vẹn, không rạn nứt, vỏ trứng nhẵn, hình ô van, không dính một loại hóa chất nào trên bề mặt. Những quả trứng được xác định chắc chắn là tốt còn phải qua công đoạn soi đèn.

Khi trứng đưa vào ấp, việc quan trọng ngay trong ngày đầu tiên là phải đảo trứng để phôi không bị lòng đỏ ép vào thành trứng làm ngừng sự phát triển, gây phôi chết. Máy ấp trứng do đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của Công ty Yến sào nghiên cứu và chế tạo. Máy tự động điều chỉnh nhiệt độ. Tự động đảo trứng với chu kỳ 2giờ/lần. Trứng được đảo theo trục xoay từ 90 - 120OC. Lúc ấp trứng, máy được cài tự động, nhiệt độ ở 36,5 - 38OC.

Sau 12 ngày ấp, trứng được cho ra khay và khay vẫn được đặt trong máy ấp ở nhiệt độ 36,5OC, lúc này chim bắt đầu nở. 3 ngày đầu sau khi nở, chim vẫn được để trong máy ấp, sang ngày thứ 4 mới đưa vào máy nuôi chim con (chế tạo giống như tổ thật). Máy nuôi cũng do các cán bộ khoa học kỹ thuật của Công ty yến sào nghiên cứu và chế tạo.

Bằng công nghệ này, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tiến hành các đợt ấp nở trên nhiều lô trứng ở những thời điểm khác nhau. Kết quả, tỷ lệ trứng nở đạt 78,5% và chim con mới nở đạt trọng lượng trung bình 1,67 gram. Một thành công ngoài mong đợi. Kết quả này còn thể hiện hiệu quả vượt trội của máy “ta” so với thiết bị ngoại nhập khi tiến hành đối chứng.

Xây nhà cho... chim yến

Khi xúc tiến việc xây dựng những ngôi nhà yến, điều phải quan tâm trước tiên là chống địch hại của loài chim yến gồm mèo, rắn, rết, chuột, gián... Không bảo đảm khả năng chống địch hại cũng có nghĩa là môi trường sống của chim yến nhà bị đe dọa, dễ dẫn đến nguy cơ đàn chim yến bị hao hụt hoặc chim tự dời đi nơi khác.
Nhà yến phải xây ở những nơi thích hợp có nhiều cây cối, ruộng vườn, môi trường mát mẻ và có nhiều côn trùng tự nhiên để chim ăn. Phía trên ngôi nhà thì đặt nhiều lỗ nhỏ thông hơi từ trong ra ngoài.

Sau khi xây nhà xong, chim con trên 50 ngày tuổi đưa vào ngôi nhà nuôi để làm quen môi trường sống tự lập. Khoảng 56 - 58 ngày tuổi, chim bắt đầu tập bay, khả năng bay lượn nhiều vòng và bắt đầu tự kiếm ăn ở môi trường bên ngoài.

Hiện tại, đàn chim yến do Công ty Yến sào Khánh Hoà thực hiện ấp nở đang phát triển rất tốt. Buổi sáng chim đi kiếm ăn từ 5 giờ 30 - 7 giờ. Buổi chiều chim về từ 16 - 19giờ; trong đó 18 giờ 30 là thời điểm chim về nhiều nhất. Trước khi “vào nhà”, chim bay lượn rất nhiều vòng để “làm quen”.

Cán bộ kỹ thuật bật tiếng chim kêu tạo môi trường quen thuộc cho chim vào ở. Trong số 5 phòng của ngôi nhà yến vừa xây dựng và đưa vào nuôi, có 3 phòng chim vào rất nhiều. Xong giai đoạn này, công ty lại cho ấp nở và nuôi những đợt kế tiếp.

Anh Nguyễn Xuân Viễn - Cán bộ kỹ thuật Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết: “Qua một đợt nuôi như vậy chúng tôi rút kinh nghiệm, đúc kết và xây dựng một quy trình hoàn thiện nhất để đưa ra ứng dụng cho người dân làm điều kiện phát triển tối ưu, hiệu quả cao nhất, đồng thời giảm nguồn chi phí tối đa theo điều kiện cụ thể của Việt Nam”.

Phát triển bền vững

Cùng với việc thành công công nghệ ấp nở trứng, tạo nguồn giống, Công ty Yến sào Khánh Hòa còn thực hiện các giải pháp được coi là bí quyết công nghệ như: di đàn và tạo môi trường sống để phát triển nhanh bầy đàn chim yến.

Đây cũng là một nội dung quan trọng của dự án “Nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ” đã thành công ở các ngôi nhà do công ty trực tiếp triển khai. Công ty cũng đã tiến hành chuyển giao công nghệ này và thu được kết quả khả quan tại một số địa điểm thuộc khu vực miền Trung và miền Nam.

Theo kết quả ghi nhận được, tại thành phố Tuy Hoà (Phú Yên), hộ ông Trần Quốc Bửu từ chỗ vài chục cặp chim giống, sau một năm thực hiện các giải pháp kỹ thuật, đến nay đàn chim đã phát triển trên 1.000 con và làm tổ khá nhiều. Ông Nguyễn Văn Hoài ở số 7 đường Nguyễn Huệ - thị xã Gò Công - Tiền Giang vốn làm nghề kinh doanh xe máy, sau khi bàn bạc và thống nhất với Công ty Yến sào Khánh Hoà, đã quyết định xây thêm một nhà yến trên tầng thượng ngôi nhà hai tầng của mình.

“Bí quyết công nghệ” nhanh chóng được triển khai và thật bất ngờ, chim kéo về 70 - 80 con và bắt đầu làm tổ khi chưa đầy một tháng.

Tổ chim yến được gọi là yến sào. Sau khi chim làm tổ thì việc khai thác tổ sao cho hiệu quả mà vẫn phát triển nhanh bầy đàn, là điều hết sức quan trọng. Chim yến nhà có đặc điểm là thay lông, làm tổ và sinh nở quanh năm. Do vậy, việc khai thác tổ cũng được tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, không nên thu những tổ chim vừa làm xong, chưa kịp đẻ trứng mà phải đợi đến khi chim con đã lớn và rời tổ. Lúc bấy giờ tổ già, chất lượng cũng tốt hơn, nhưng điều quan trọng là với cách khai thác như vậy, đàn chim con cũng được giữ lại để bổ sung nhanh cho bầy đàn chim yến.

Ông Trần Văn Thiết, một hộ nuôi chim yến ở xã Long Bình - huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi khai thác theo phương pháp cuốn chiếu. Cứ 10 hoặc 20 ngày vô lấy một lần và không lấy tổ có chim con hoặc trứng. Bỏ chim non, trứng để lấy tổ sẽ làm huỷ hoại đàn chim”.

Thực tế cho thấy: người nuôi chim yến nhất thiết phải thực hiện đúng công nghệ cũng như được tư vấn bởi các cơ quan nghiên cứu chính thức. Đã có nhiều hộ dân trong nước thấy lợi nhuận hấp dẫn, vội tìm hiểu và mua các thiết bị phụ trợ từ những đơn vị không có chức năng, nên tỉ lệ rủi ro cao hay thất bại là điều khó tránh.

Với những kết quả thu được từ dự án nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ, giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng cho biết: bước đầu công ty đã được phép triển khai thực hiện và kiểm soát công nghệ nuôi cho 50 hộ dân địa phương tại thời điểm đầu năm mới 2007.