09:46 31/10/2007

Nghiên cứu nhiều, ứng dụng bao nhiêu?

Viết Lê Quân

Nghiên cứu khoa học để làm gì? Củng cố, phát triển lý thuyết hay nhắm đến cái đích triển khai vào đời sống thực tiễn?

Chỉ riêng tại Tp.HCM, theo thống kê của Sở Khoa học Công nghệ, từ năm 2003 đến năm 2006 đã có hơn 1.300 đề tài khoa học được tổ chức nghiên cứu, chưa kể các chương trình và dự án khác.
Chỉ riêng tại Tp.HCM, theo thống kê của Sở Khoa học Công nghệ, từ năm 2003 đến năm 2006 đã có hơn 1.300 đề tài khoa học được tổ chức nghiên cứu, chưa kể các chương trình và dự án khác.
Nghiên cứu khoa học để làm gì? Củng cố, phát triển lý thuyết hay nhắm đến cái đích triển khai vào đời sống thực tiễn? Xét về mặt triển khai, thì trong những năm qua các đề tài khoa học đã thực sự mang hơi thở cuộc sống hay chưa?

Đó là những câu hỏi vẫn luôn làm day dứt khôn nguôi nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và dĩ nhiên cả không ít những người dân dù không hiểu biết bao nhiêu về khoa học nhưng lại góp một phần công của vào sự nghiệp này qua thuế.

Chỉ riêng tại Tp.HCM, theo thống kê của Sở Khoa học Công nghệ, từ năm 2003 đến năm 2006 đã có hơn 1.300 đề tài khoa học được tổ chức nghiên cứu, chưa kể các chương trình và dự án khác.

Tính xác thực củanhững số liệu thống kê?

Cũng theo thống kê này, tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu là từ 70-85%. Chỉ số này đã làm bất ngờ không ít người trong giới chuyên môn, vì lâu nay họ ước đoán tỷ lệ ứng dụng đối với khối đề tài khoa học công nghệ, tính một cách rộng rãi là chỉ khoảng 50%, trong khi đề tài khối khoa học xã hội còn có thể thấp hơn nhiều. Như vậy, những con số thống kê trên của Sở Khoa học Công nghệ Tp.HCM được nêu ra dựa trên căn cứ nào?

Hình như chưa có một bản báo cáo nào của Sở Khoa học Công nghệ được thông báo rộng rãi về kết quả ứng dụng các đề tài khoa học vào thực tiễn, chưa kể việc cần phải phân loại được các cấp độ ứng dụng (như ứng dụng mang tính thử nghiệm hay ứng dụng nhằm sản xuất hàng loạt), đánh giá được hiệu quả của các đề tài ứng dụng không phải theo định tính mà bằng định lượng (hiệu quả kỹ thuật và các chỉ số hiệu quả kinh tế).

Còn nếu hàng năm cứ đưa ra những con số đẹp như cơ quan quản lý khoa học đã tổ chức xét duyệt và nghiệm thu bao nhiêu đề tài khoa học với một tỷ lệ khá cao trong số đó được triển khai ứng dụng, thì e rằng dư luận về tính lãng phí không tránh khỏi trong nghiên cứu khoa học vẫn kéo dài và càng lúc càng gay gắt.Thật ra, tình trạng "nghiên cứu khoa học giả" ở Tp.HCM không phải là cá biệt.

Thậm chí, người ta còn đề cập đến hiện tượng lãng phí có hệ thống và kéo dài trong nghiên cứu khoa học. Mà nếu lãng phí không thu hồi được thì coi như là tiền thất thoát. Đến đây, người ta không thể không nói rằng, trong những năm qua, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã xảy ra một tỷ lệ thất thoát nào đó (có người ví tương đương với tỷ lệ thất thoát ước tính trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là 30%).

Như vậy, với bình quân 35-40 tỷ đồng kinh phí cấp hàng năm cho nghiên cứu khoa học tại Tp.HCM (năm 2006 là 42,9 tỷ đồng), con số lãng phí và thất thoát có thể đã lên đến hơn 10 tỷ? Con số này tuy không là gì so với nhiều vụ tham nhũng khác, nhưng cũng đủ để xây dựng một trường học khang trang, một cơ sở khám chữa bệnh dư dả giường nằm hay cả một nhà máy nhỏ.

Cần làm gì để minh bạch hoá?

Hiển nhiên, muốn làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu khoa học không thể cứ bằng lòng với những con số thống kê có vẻ được lượng hóa nhưng lại thiếu hẳn tính thực chất, mà việc đánh giá đề tài ứng dụng cần được "ISO hóa", phân thành các tiêu chí cụ thể và kèm theo điều kiện như ứng dụng đến mức độ nào, có xác nhận của đơn vị ứng dụng, ứng dụng mang tính thử nghiệm hay có thể đưa vào sản xuất hàng loạt.

Một yếu tố khác không thể không đối chiếu là việc ứng dụng các đề tài khối khoa học công nghệ có kết hợp được với Chương trình 04 hay không (Chương trình 04 của UBND Tp.HCM về sản xuất hàng chất lượng tương đương ngoại nhập với chi phí thấp, với Sở Khoa học Công nghệ là cơ quan chịu trách nhiệm chính về phối hợp triển khai với các viện, trường, cơ sở kinh tế).

Một vấn đề có vẻ "tế nhị" khác là những đề tài khoa học đã qua nghiệm thu cần được công khai, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên mạng Internet, trong đó cần nêu cụ thể tên chủ nhiệm đề tài và các thành viên nhóm đề tài, mục tiêu đề tài, những nội dung nghiên cứu chính, thời gian thực hiện, các kết quả chính đạt được, tổng kinh phí, những kết quả nghiên cứu đã được các cấp thẩm quyền đánh giá, nghiệm thu và công nhận, quyết toán kinh phí.

Rõ ràng, càng công khai hóa càng nâng cao được tính phản biện khoa học và phản biện xã hội, mà phản biện lại là một yếu tố giúp cho cơ quan quản lý khoa học rất nhiều ý kiến phong phú và xác đáng. Mặt khác, tính phản biện cũng sẽ giúp cơ quan nhà nước có thêm "động lực" để thực hiện chế tài đối với các đề tài không đạt yêu cầu, những đề tài được làm "cho có" để lấy tiền, còn lại hoàn toàn vô trách nhiệm với kết quả đi về đâu của chúng.

Trong thời gian gần đây, tuy tình hình quản lý đề tài khoa học đã được trấn chỉnh phần nào, nhưng vẫn còn tình trạng đề tài khoa học làm chậm, làm dối, tình trạng "cai thầu" trong nghiên cứu.

Với những đề tài khi xảy ra hậu quả không đạt, hầu hết các chủ nhiệm đề tài đều đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, nguyên nhân "bất khả kháng" nào đó mà không chịu thừa nhận lỗi chủ quan của mình (vì nếu do lỗi khách quan thì chủ nhiệm đề tài chỉ phải hoàn lại tối đa 10% tổng kinh phí đề tài, thay vì 30% nếu do lỗi chủ quan).ở Tp.HCM, không chỉ một lần, đề tài khoa học được nghiệm thu với kết quả tốt được Sở Khoa học Công nghệ có văn bản kiến nghị với UBND thành phố cho tổ chức ứng dụng, nhưng chẳng hề nhận được hồi âm.

Tình trạng như vậy trở nên khá phổ biến, và cho đến một lúc nào đó, người ta nhận ra rằng dường như các cơ quan nhà nước xem công tác khoa học chỉ như một cái gì đó thuần túy mang tính "nghiên cứu" chứ chẳng mấy chú tâm vào việc biến những kết quả của nó thành sự sống động trong đời sống.

Trong khi đó, nhiều đơn vị sản xuất, đặc biệt là những đơn vị có liên quan đến kỹ thuật và công nghệ, dù vẫn luôn bày tỏ nhu cầu được ứng dụng kết quả nghiên cứu, nhưng họ lại ít khi đưa ra được đề nghị chi tiết nào.

Vậy cuối cùng trách nhiệm về sự trống vắng tính ứng dụng thuộc về ai? Sở Khoa học Công nghệ - cơ quan vừa làm công tác quản lý khoa học, vừa là đầu mối tập hợp các tổ chức và cá nhân khoa học - phải chăng đã chưa chủ động trong nhiệm vụ vụ tổ chức ứng dụng của mình?