14:02 11/11/2013

Nhật Bản, “mỏ vàng” bất ngờ của Apple

An Huy

Trong vòng hai năm qua, Nhật Bản đã nổi lên thành thị trường tăng trưởng nhanh chóng nhất của Apple

Doanh số iPhone nhận được một “cú huých” mới vào cuối tháng 9 vừa qua 
khi nhà mạng không dây lớn nhất Nhật Bản là NTT DoCoMo bắt đầu cung cấp 
điện thoại iPhone - Ảnh: AFP/Getty.<br>
Doanh số iPhone nhận được một “cú huých” mới vào cuối tháng 9 vừa qua khi nhà mạng không dây lớn nhất Nhật Bản là NTT DoCoMo bắt đầu cung cấp điện thoại iPhone - Ảnh: AFP/Getty.<br>
Hãng công nghệ Apple đang khai phá một “mỏ vàng” mới mà ít ai có thể ngờ tới: thị trường Nhật Bản.

Theo tờ Wall Street Journal, chỉ trong vòng hai năm qua, Nhật Bản đã nổi lên thành thị trường tăng trưởng nhanh chóng nhất của Apple, vượt xa thị trường “sân nhà” là Mỹ cũng như các thị trường mới nổi như Trung Quốc đại lục và phần còn lại của châu Á. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là thị trường đem lại cho Apple tỷ suất lợi nhuận cao nhất, và là thị trường duy nhất trong số 5 thị trường khu vực của Apple chứng kiến lợi nhuận trước lãi và thuế tăng lên trong năm tài khóa vừa qua.

Thực tế này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên bởi Nhật Bản không nằm trong ý tưởng của hầu hết các công ty về một thị trường tăng trưởng. Đất nước mặt trời mọc đã trải qua hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế trì trệ, dân số lão hóa và suy giảm. Ngoài ra, các công ty Nhật vốn nổi tiếng về hàng điện tử tiêu dùng đã tạo ra một rào cản đối với các đối thủ nước ngoài suốt nhiều thập kỷ.

Chính chiếc điện thoại iPhone đã thúc đẩy Apple đi tới thành công tại thị trường Nhật Bản. Chiếc điện thoại này đã đạt mức doanh số đáng mơ ước tại xứ hoa anh đào nhờ ngân sách quảng cáo “khủng” và tiền trợ giá dồi dào từ các nhà mạng di động. Chiếc điện thoại này đã đáp ứng tốt nhu cầu cao của người tiêu dùng Nhật đối với các sản phẩm đồ hiệu, tương tự như những “cơn sốt” từng xảy ra ở nước này với các sản phẩm túi xách Louis Vuitton và khăn quàng Burberry.

“Thương hiệu Apple rất nổi ở đây. Ai cũng muốn sở hữu một chiếc điện thoại iPhone”, nhà phân tích Eiji Mori thuộc công ty BCN Inc. nhận định.

Doanh số iPhone nhận được một “cú huých” mới vào cuối tháng 9 vừa qua khi nhà mạng không dây lớn nhất Nhật Bản là NTT DoCoMo bắt đầu cung cấp điện thoại iPhone tới 61,8 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ của mạng này. Là nhà mạng lớn sau cùng ở Nhật cung cấp iPhone, DoCoMo đang mạnh tay giảm giá các mẫu iPhone mới nhằm hút khách.

Ngay từ trước đó, iPhone đã là smartphone bán chạy nhất ở Nhật, chiếm thị phần 37% trong thời gian 6 tháng tính đến ngày 30/9- theo số liệu của viện nghiên cứu MM Research ở Tokyo. Tại Mỹ, thị phần của iPhone trong quý 3 là 36%, theo số liệu của Kantar Worldpanel ComTech.

Cũng theo MM Research, chiếc iPad của Apple chiếm thị phần hơn 50% trên thị trường máy tính bảng của Nhật Bản trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2013.

Theo ông Timothy Arcuri, Giám đốc điều hành công ty Cowen & Co., Apple sẽ tiêu thụ được từ 11-12 triệu chiếc iPhone tại thị trường Nhật trong năm 2013, cao hơn gấp đôi so với mức doanh số ước tính khoảng 5-6 triệu chiếc trong năm 2012. Ông Arcuri dự báo, doanh số iPhone tại Nhật sẽ tăng lên khoảng 20 triệu trong năm tới. Trên phạm vi toàn cầu, chuyên gia này nhận định, doanh số iPhone sẽ tăng 16% trong năm nay vào 10% trong năm tới.

“Họ sẽ tiến gần tới mức thị phần 50% vào năm tới tại thị trường Nhật”, ông Arcuri nói.

Theo hãng nghiên cứu Strategy Analytics, Nhật Bản là thị trường smartphone lớn thứ tư thế giới trong quý 1/2013, sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Vào cuối tháng 9 năm nay, có 50,15 triệu thuê bao smartphone tại Nhật, theo MM Research.

Giới chuyên gia nhận định, hai yếu tố chính dẫn tới thành công của chiếc iPhone tại thị trường Nhật là sự giàu có của người Nhật và mức trợ giá cao của các nhà mạng đối với khách hàng ký hợp đồng sử dụng hợp đồng nhiều năm. Tương tự như ở thị trường Mỹ, dịch vụ trả sau đã trở thành dịch vụ chính trên thị trường viễn thông Nhật.

Trong khi đó, ở những thị trường mà hầu hết người tiêu dùng phải trả trước toàn bộ số tiền để mua điện thoại, mức giá của điện thoại iPhone có thể là một rào cản đối với doanh số. Tại Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới, hai mẫu iPhone mới nhất là 5S và 5C có giá gao gần gấp đôi so với những chiếc điện thoại tương tự, có màn hình lớn hơn nhưng là hàng nội. Trong quý 3 vừa qua, theo số liệu của hãng nghiên cứu Canalys, Apple chỉ xếp thứ 5 về doanh số trên thị trường smartphone ở Trung Quốc.

Theo hãng nghiên cứu IDC, ở Ấn Độ, thị trường mà 2/3 số smartphone có giá dưới 200 USD/chiếc, thị phần smartphone của Apple chỉ chiếm chưa đầy 5%.

Một nhân tố đặc biệt tại thị trường Nhật là sự hiện diện khá nhỏ bé của Samsung, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Samsung đứng thứ tư ở Nhật Bản về thị phần smartphone, sau Apple, Sony và Sharp, một phần vì người tiêu dùng Nhật Bản có xu hướng không chuộng các thương hiệu Hàn Quốc.

Ngoài ra, Apple còn hưởng lợi từ những thách thức mà các “đại gia” điện tử Nhật Bản đang phải đương đầu. Năm nay, hãng NEC đã phải chấm dứt hoạt động mảng smartphone, trong khi hãng Panasonic tuyên bố có kế hoạch ngừng sản xuất smartphone cho người tiêu dùng đại chúng.

Doanh số của Apple tại Nhật trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 9 vừa qua tăng 27%, đạt mức 13,5 tỷ USD, so với mức tăng 12,8% và 4,1% tương ứng của thị trường Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương. Trong năm tài khóa trước đó, tăng trưởng doanh số của Apple tại Nhật đạt tới 94%.

Tỷ suất lợi nhuận trước lãi và thuế của Apple tại Nhật cũng vượt mức 40% trong năm tài khóa vừa rồi, so với mức 35% của các thị trường còn lại.