09:40 19/09/2007

Những tác động lâu dài từ bản án dành cho Microsoft

Kiều Oanh

Ngày 17/9, tòa án châu Âu đã ra phán quyết không thay đổi bản án năm 2004 của EC buộc tội Microsoft vi phạm luật chống độc quyền

Luật sư Bradford L. Smith, luật sư chính bào chữa cho Microsoft trong vụ kiện chống độc quyền ở châu Âu.
Luật sư Bradford L. Smith, luật sư chính bào chữa cho Microsoft trong vụ kiện chống độc quyền ở châu Âu.
Ngày 17/9, tòa án châu Âu đã ra phán quyết không thay đổi bản án năm 2004 của Ủy ban châu Âu (EC) buộc tội tập đoàn Microsoft của Mỹ vi phạm luật chống độc quyền.

Trong một bản cáo trạng dài 244 trang với những lời lẽ rất rõ ràng, tòa án châu Âu đã khẳng định Microsoft đã lạm dụng ảnh hưởng của mình trên thị trường khi bổ sung bộ phận nghe nhạc kỹ thuật số Media Player vào Windows nhằm "chơi xấu" đối thủ dẫn đầu trước đó trong lĩnh vực này là Real Networks. Theo phán quyết của tòa, Microsoft sẽ phải dỡ bỏ Media Player khỏi Windows.

Bản cáo trạng này cũng yêu cầu Microsoft tuân thủ phán quyết của EC đưa ra tháng 3/2004 trong đó tập đoàn này phải chia sẻ mật mã máy tính với các đối thủ khác để phần mềm của họ có thể tương thích với hệ điều hành Windows. Ngoài ra, mức tiền phạt trong bản án sơ thẩm mà Microsft phải trả vẫn được giữ nguyên ở mức 497,2 triệu Euro, tương đương với 698,4 triệu USD.

Thúc đẩy hay hạn chế cạnh tranh?

Phán quyết này của tòa lại được đưa ra trong bối cảnh trọng tâm của ngành công nghiệp máy tính đang dần dịch chuyển khỏi lĩnh vực phần mềm cho máy tính cá nhân, lĩnh vực thế mạnh của Microsoft. Các chức năng email và xử lý văn bản ngày càng được thực hiện nhiều hơn thông qua phần mềm trên trình duyệt web. Những thiết bị khác như điện thoại di động ngày càng được sử dụng nhiều hơn như những lựa chọn khác thay thế cho máy tính cá nhân.

Do vậy, sau hơn 1 thập kỷ thống lĩnh ngành công nghiệp phần mềm, thử thách thực sự đối với Microsoft giờ đây không phải là phán quyết của tòa án hay những quy định của Chính phủ mà là thực tế đang diễn ra trên thị trường.

Bởi thế, theo David B. Yoffie, một giáo sư ở Đại học Havard, ảnh hưởng trực tiếp từ phán quyết của tòa án châu Âu đối với Microsoft chỉ là nhỏ. Tuy nhiên, việc Microsoft nằm dưới sự giám sát liên tục và không biết bao giờ mới kết thúc của cơ quan chức năng châu Âu có thể sẽ có một ảnh hưởng lâu dài.

“Kết cục của việc cản trở một công ty lớn sẽ không phải là tăng cường cạnh tranh mà sẽ là hạn chế cạnh tranh và tạo ra những công ty độc quyền mới. Những ví dụ dễ thấy nhất là Google trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng và Apple trong lĩnh vực nhạc số,” GS. Yoffie nói.

Sau khi tòa án châu Âu ra phán quyết, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra một tuyên bố bày tỏ những lo ngại đối với phán quyết này. Phía Mỹ cho rằng, hành động mạnh tay đối với những công ty lớn có thể gây ra những hậu quả tiêu cực.

Theo Thomas O. Barnett, một chuyên gia chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ, rất có thể, phán quyết này sẽ không đem lại lợi ích cho người tiêu dùng mà ngược lại, sẽ làm hại người tiêu dùng vì ngăn cản sự sáng tạo và hoạt động cạnh tranh. Theo ông Barnett, mục tiêu cuối cùng của chống độc quyền nên là bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng thay vì bảo vệ lợi ích của các đối thủ cạnh tranh.

Ngược lại, Neelie Kroes, y viên y ban Cạnh tranh của EU cho rằng, phán quyết của tòa án châu Âu đã tạo ra một tiền lệ quan trọng trong hoạt động chống độc quyền và khẳng định quan điểm của EC về việc người tiêu dùng đang bị Microsoft điều khiển.

Bà nhấn mạnh việc thị phần của Microsoft trên thị trường phần mềm máy chủ đã tăng mạnh mẽ và hệ điều hành Windows với Media Player của hãng này đã thống lĩnh thị trường. Bà hy vọng sau phán quyết này của tòa, thị phần 95% của Microsoft trên thị trường phần mềm toàn thế giới sẽ giảm nhanh chóng. “Microsoft không thể điều khiển thị trường bằng cách áp đặt sản phẩm và dịch vụ của mình lên người tiêu dùng,” bà nói.

Mặc dù vậy, phán quyết của tòa án vẫn là một mối đe dọa đối với kiểu kinh doanh truyền thống của Microsoft là bổ sung thêm những chức năng và sản phẩm mới vào hệ điều hành Windows. Phán quyết của tòa đã đặt ra một tiền lệ, ít nhất là ở thị trường châu Âu. Chẳng hạn, nếu Microsoft muốn đưa tính năng viết tay và nhận dạng lời nói hoặc phần mềm an ninh mạnh hơn vào Windows, cơ quan chức năng của châu Âu có thể sẽ xem xét các đơn kiện từ phía các đối thủ của hãng.

Khác với ở châu Âu, tại Mỹ, vào năm 2001, Bộ Tư pháp nước này giải quyết vụ kiện chống độc quyền đối với Microsoft mà vẫn cho phép hãng có thể tự do đưa bất kỳ tính năng nào vào hệ điều hành Windows.

Điềm xấu cho những “ông lớn” khác?

Theo các chuyên gia phần mềm và pháp lý, phán quyết của toà án châu Âu có thể là dấu hiệu cho những vấn đề mà các công ty khác như Apple, Intel và Qualcomm sắp phải đối mặt. Hiện vị trí thống lĩnh trên thị trường của các công ty này trong các lĩnh vực download nhạc trực tuyến, sản xuất con chip máy tính và công nghệ điện thoại di động cũng đang nằm trong phạm vi giám sát của EC.

“Quyết định của tòa án châu Âu là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính sách công kích ở nước Mỹ đối với những công ty chiếm vị trí thống lĩnh thị trường,” Andrew I. Gavil, một giáo sư về luật tại Đại học Howard, Mỹ nói. “Và những vụ kiện khác cũng có thể sẽ đi đến kết cục tương tự.”

Những ai ủng hộ Microsoft cho rằng, quyết định của tòa án châu Âu có thể sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với chiến lược kinh doanh của nhiều công ty công nghệ toàn cầu khác.

“Phán quyết này chắc chắn sẽ mở đầu cho nhiều bất ổn ở phía trước,” Jonathan Zuch, Chủ tịch Hội Công nghệ cạnh tranh, một nhóm ủng hộ Microsoft trong vụ kiện ở châu Âu nói. “Mấu chốt trong phán quyết của tòa là ở chỗ, nếu một công ty nào đó phát triển một sản phẩm thành công và trở nên lớn mạnh, EC sẽ ra tay với công ty đó.”

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia cho rằng, ảnh hưởng lớn nhất đối với các công ty công nghệ cao từ phán quyết của tòa án châu Âu có thể chính là việc tòa án này yêu cầu Microsoft phải chia sẽ thông tin kỹ thuật với các đối thủ để phần mềm máy chủ của họ tương thích với hệ điều hành Windows.

Phán quyết này của tòa án chỉ áp dụng ở châu Âu, nhưng Microsoft có thể sẽ gặp khó khăn trong việc hạn chế ảnh hưởng này trong phạm vị thị trường châu Âu. Theo các nhà phân tích, do Internet chạy trên phần mềm máy chủ, phán quyết của tòa sẽ có ảnh hưởng rất lâu dài.

Timothy F. Bresnahan, một nhà kinh tế học tại Đại học Stanford nói: “Internet đã mở ra một cánh cửa thực sự tốt để ngành công nghiệp phần mềm và cả xã hội được tiếp cận với tốc độ phát minh và tăng trưởng nhanh chóng hơn so với trong lĩnh vực máy tính cá nhân, nơi Microsft nắm quyền điều hành mọi thứ. Châu Âu đang nỗ lực để đảm bảo rằng, những phát minh trong lĩnh vực máy chủ vẫn sẽ được diễn ra nhanh chóng.”

Luật sư Bradford L. Smith, luật sư chính bào chữa cho Microsoft thì không cho biết cụ thể tập đoàn có kháng án hay không. Trong một bản tuyên bố do Microsoft đưa ra, luật sư này nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đã diễn ra rất nhiều sự thay đổi kể từ khi vụ kiện bắt đầu vào năm 1998. Thế giới đã thay đổi, ngành công nghiệp phần mềm đã thay đổi và công ty của chúng tôi cũng đã thay đổi.”

(Theo NYT)