06:01 04/08/2017

Smartphone Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Samsung, Apple

Kim Tuyến

Smartphone Trung Quốc đang bám sát Samsung, Apple trong cuộc chiến giành thị phần

Trong quý 2, các
thương hiệu Trung Quốc chiếm gần 50% doanh số smartphone toàn cầu - Ảnh: South China Morning Post.<br>
Trong quý 2, các thương hiệu Trung Quốc chiếm gần 50% doanh số smartphone toàn cầu - Ảnh: South China Morning Post.<br>

Quý 2/2017, Samsung và Apple tiếp tục duy trì hai vị trí dẫn đầu về thị phần di động thông minh (smartphone) toàn cầu. Tuy nhiên, các thương hiệu Trung Quốc gồm Huawei, Oppo và Xiaomi đang ngày càng rút ngắn khoảng cách.

Theo số liệu mới nhất của hãng phân tích Canalys, Samsung và Apple tiếp tục dẫn đầu với thị phần lần lượt là 23,5% và 11,4%. Trong khi đó, Huawei đang bám sát nút ở vị trí thứ 3 với 10,7%, tăng từ 9,4% của quý 2 năm ngoái.

Samsung vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về thị phần nhưng tăng trưởng khá khiêm tốn do ảnh hưởng của các dòng điện thoại dùng hệ điều hành Android khác. Trong quý 2, Samsung bán ra 79 triệu điện thoại di động, tăng 4% so với quý 2 năm ngoái, còn Apple bán ra 41 triệu chiếc, tăng 2%.

Trong khi đó, Huawei bán được 38 triệu chiếc di động, tăng tới 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn Oppo và Xiaomi chứng kiến mức tăng trưởng doanh số mạnh nhất, lần lượt là 44% và 52%.

Smartphone Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Samsung, Apple  1
Theo một báo cáo của Counterpoint Research, trong quý 2, các thương hiệu Trung Quốc chiếm gần 50% doanh số smartphone toàn cầu nhờ tiếp tục mở rộng mạnh mẽ tại thị trường đông dân nhất thế giới. Trong khi đó năm 2015, con số này chỉ là 38%.

“Doanh số Samsung Galaxy S8 khá tốt tại một số khu vực, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu dòng điện thoại này đang được đánh giá quá cao”, chuyên gia phân tích cấp cao Tim Coulling của Canalys cho biết trong một thông cáo. “Nghiên cứu theo kênh của Canalys cho thấy lượng tồn kho lớn của dòng điện thoại này ở châu Âu, và khi kết hợp với chương trình giảm giá tại Mỹ có thể thấy rằng Samsung đang thách thức các giới hạn về giá của di động dùng hệ điều hành Android”.

“Còn về phía Apple, kể cả khi tung ra dòng iPhone mới với những trải nghiệm người dùng độc đáo, hãng này phải dùng những cải tiến về cả tính năng lẫn thiết kế để biện minh cho việc tăng giá đáng kể”, Couling nói thêm.

“Các thương hiệu Trung Quốc không chỉ thành công trong việc khẳng định vị thế ở sân nhà, mà còn đang và sẽ tiếp tục mở rộng ngoài Trung Quốc trong nửa cuối năm 2017, trong đó Ấn Độ, Nam Á, châu Phi là trọng điểm”, Tarun Pathak, giám đốc Counterpoint Research, cho biết. “Việc đa dạng hóa thị trường cũng giúp các hãng này bù đắp lại những bất ổn trên thị trường quê nhà vốn đang ngày càng bão hòa”.

Còn theo Jin Di, trưởng nhóm phân tích tại IDC China: “Smartphone Trung Quốc từng bị cho chỉ là hàng nhái. Nhưng hiện nay tình thế đã thay đổi rất nhiều”. “Một mặt, các thương hiệu smartphone Trung Quốc không ngừng cải tiến để cải thiện chất lượng sản phẩm. Mặt khác, họ đẩy mạnh nâng cao hình ảnh thương hiệu”, Di nói thêm.

Theo tờ South China Morning Post, để xóa bỏ hình ảnh rẻ tiền, từ năm 2013, Huawei tổ chức ra mắt sản phẩm hàng năm tại London, Anh thay vì ở quê nhà Trung Quốc.

Richard Yu Chengdong, Giám đốc Bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei thậm chí còn lên lộ trình để soán vị trí thứ 2 của Apple vào năm 2018 và vị trí dẫn đầu của Samsung vào năm 2021.  

Theo nhà phân tích Linda Sui của Strategy Analytics, điện thoại iPhone của Apple đang trở nên lỗi mốt tại Trung Quốc - thị trường đông dân nhất thế giới và điều này đang tác động lớn lên doanh số toàn cầu của hãng này.

Ngày 2/8, Apple mới công bố doanh thu và lợi nhuận quý vượt dự báo. Tuy nhiên, doanh thu tại Trung Quốc của hãng này lại giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 8 tỷ USD, đánh dấu quý giảm thứ 5 liên tiếp tại thị trường này.