09:32 31/01/2011

Tiêu điểm công nghệ: Những điều khó tin

Thu Lan

16% dân số Hà Nội biết dùng Internet, VietNamNet vẫn tiếp tục hứng chịu những đòn tấn công D-Dos mạnh chưa từng có

Số người biết dùng Internet vẫn còn ít ỏi.
Số người biết dùng Internet vẫn còn ít ỏi.
16% dân số Hà Nội biết dùng Internet, tài khoản của ông chủ mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng bị hack, VietNamNet vẫn tiếp tục hứng chịu những đòn tấn công D-Dos mạnh chưa từng có... là những điểm nóng công nghệ tuần qua.

Báo điện tử VnMedia cho hay, du nhập vào Việt Nam từ năm 1997, Internet đã trở nên khá phổ biến và được coi là đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe nhìn Tp. Hà Nội năm 2010, thì Hà Nội mới có 16% người biết dùng Internet.

Con số này được coi là vẫn còn khá nhỏ so với vị thế của một thủ đô của cả nước, một trong những thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm tại Bắc Bộ với diện tích trên 3000km2 và hơn 6 triệu dân. Theo kết quả điều tra, toàn Tp. Hà Nội đã thu thập được 01 phiếu 1, 29 phiếu 2, 577 phiếu 3 và 10.096 phiếu 4.

Trong đó, phiếu 1 dùng để điều tra thống kê máy tính và sử dụng Internet ở các cơ quan Đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; phiếu 2 điều tra thống kê máy tính và sử dụng Internet ở các cơ quan Đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện; phiếu 3 điều tra thống kê điện thoại, Interent và nghe nhìn ở cấp xã; và phiếu 4 điều tra thống kê điện thoại, Internet và nghe nhìn ở cấp thôn.

Kết quả cụ thể, tại cơ quan cấp thành phố gồm cơ quan Đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, 76% cán bộ công chức được trang bị máy tính, trong đó 96% máy tính được nối mạng Internet. Còn các cơ quan thuộc cấp huyện, 70% cán bộ công chức được trang bị máy tính để là việc, trong đó 86% máy tính được nối mạng Internet.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất và thực hiện điều tra vất vả nhất là phiếu 4, với số lượng lớn và khá chi tiết. Theo đó, toàn hành phố có tới 3615 điểm Internet công cộng, 28% số hộ gia đình có trang bị máy tính và 22% có nối mạng Internet, nhưng chỉ có 16%, gần 1 triệu người biết dùng Internet, hơn 2,5 triệu người dùng điện thoại di động (chiếm 45%), 59% hộ có điện thoại cố định. Còn về phát thanh, truyền hình, 9% tỷ lệ hộ gia đình có máy thu thanh, 94% hộ có tivi và 31% hộ dùng truyền hình cáp.

Tuần qua, lần đầu tiên báo mạng VietNamNet buộc phải dùng tới tên miền mới www.vietnamnet.com.vn để hướng độc giả truy cập vào trang chủ của báo, do VietNamNet vẫn là mục tiêu tấn công D-Dos của tin tặc. Theo lời ông Bùi Bình Minh, Trợ lý Tổng biên tập báo VietNamNet, dù số lượng các máy tính tại Việt Nam tham gia tấn công là rất lớn, nhưng hệ thống BotNet này lại nhận lệnh từ các máy chủ nước ngoài.

Từ sáng 27/1, báo VietNamNet đã phải hứng chịu đợt tấn công lớn chưa từng có. Vào khoảng 10h sáng, có những thời điểm hơn 1,5 triệu lượt truy cập dồn dập đổ tới. Vụ tấn công D-Dos này đã khiến VietNamNet tê liệt trong nhiều giờ và tình trạng truy cập lúc được lúc không kéo dài cho tới sáng 28/1.

Theo Vietnam+, nhiều độc giả cảm thấy thất vọng bởi sau một thời gian khá dài, mà các đơn vị liên quan vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Trả lời trên ICTNews, một chuyên gia an ninh mạng cho hay, việc truy tìm hacker tấn công VietNamNet rất khó khăn do các máy chủ tấn công vào báo điện tử này được đặt ở nước ngoài và các nguồn tấn công liên tục thay đổi dải IP. "Đó là lý do giải thích cho việc truy tìm thủ phạm kéo dài như vậy", chuyên gia này cho biết thêm.

Còn theo ông Bùi Bình Minh, hiện VietNamNet vẫn bị phải “sống chung với hacker” chưa biết đến khi nào mới… thoát nạn. Ông cho biết thêm, tên miền www.vietnamnet.com.vn đã được đơn vị này mua từ lâu. Song để chia tải cho website chính, tên miền này mới được đưa vào hoạt động.

Tài khoản Facebook của Mark Zuckerberg, người sáng lập kiêm CEO mạng xã hội lớn nhất thế giới, tuần qua đã bị tin tặc ghé thăm và để lại thông điệp kêu gọi Facebook nên tiếp nhận những  “luồng đầu tư từ công chúng” thay vì giới chủ ngân hàng như trước. Đây được xem như sự ám chỉ đến những báo cáo gần đây công bố giá trị của Facebook đã đạt đến con số 50 tỷ USD, đứng đằng sau bởi Goldman Sachs và một hãng vốn đầu tư tư bản của Nga.

Trước đó đã có nhiều tin đồn rằng, Facebook, hoặc đang chuẩn bị cho việc công khai hóa cổ phiếu của họ, hoặc cổ phần thuộc sở hữu của Goldman Sachs sẽ được bán cho những nhà đầu tư lắm tiền nhiều của, những người muốn hưởng lợi từ thành công không ngừng của Facebook.

Bức thông điệp mà hacker để lại hôm 25/1 có nội dung: "Nếu cần tiền, thay vì tới ngân hàng, tại sao Facebook không để người sử dụng đầu tư cho Facebook theo cách xã hội? Sao không biến Facebook thành mô hình kinh doanh xã hội như Muhammad Yunus, người từng giành giải Nobel năm 2006, đã thực hiện? Các bạn nghĩ thế nào?".

Đã có hơn 1.800 người nhấn nút “Thích” cho dòng thông điệp mạo danh này. Một số người phỏng đoán, rằng trang Facebook của Mark Zuckerberg được điều hành bởi nhiều người, và một trong số họ, do sơ ý, đã để mất mật khẩu đâu đó. Facebook sau đó đã xóa và khóa tài khoản này. Đại diện mạng xã hội lớn nhất thế giới giải thích rằng, một lỗi phần mềm đã khiến hacker giả dạng nhà sáng lập của họ và một vài nhân vật nổi tiếng khác, nhưng rắc rối này đã được khắc phục.

Tuy nhiên, theo Graham Cluley, trưởng tư vấn công nghệ tại hãng bảo mật Sophos, thì hiện chưa rõ cách thức vụ tấn công đã diễn ra như thế nào. Manh mối duy nhất để lại bởi tin tặc là là một đường link nhúng trong thông điệp cập nhật dẫn đến một trang Wikipedia, vốn đã bị sửa đổi, nói về đề tài “doanh nghiệp xã hội”, và một đường link khác dẫn đến một bức ảnh trên trang Facebook của một nhóm có tên Hackercup.

Graham Cluley cho rằng, “vẫn không rõ có phải Mark Zuckerberg không thận trọng bảo vệ mật khẩu, hay vì Mark Zuckerberg ngồi trong một quán cà phê Starbuck và bị tấn công khi đang dùng mạng không dây không được mã hóa. Tuy nhiên, dù gì chăng nữa, vụ việc cũng như một quả trứng ném vào mặt Mark Zuckerberg khi Facebook muốn khẳng định với người dùng rằng hãng luôn nghiêm ngặt chuyện bảo mật và riêng tư”.