08:47 19/12/2011

Tiêu điểm công nghệ: Nokia bôi bác đối thủ

Phúc Minh

Sau Microsoft, đến lượt Nokia khiến dư luận bị “sốc” vì những lời chê bai các đối thủ iPhone và Android

Nokia hy vọng với chiêu bài hạ bệ đối thủ thì các dòng Windows Phone của hãng sẽ được dư luận chú ý tới nhiều hơn.
Nokia hy vọng với chiêu bài hạ bệ đối thủ thì các dòng Windows Phone của hãng sẽ được dư luận chú ý tới nhiều hơn.
Sau Microsoft, đến lượt Nokia khiến dư luận bị “sốc” vì những lời chê bai các đối thủ iPhone và Android thiếu căn cứ; Nhiều hãng công nghệ lớn của Việt Nam mất tên miền quốc tế… là những tin công nghệ đáng chú ý trong tuần.

“Dìm hàng” đối thủ

Đầu tuần trước, chuyên gia marketing Ben Rudolph của Microsoft đã tuyên bố trên Twitter rằng, bất kỳ chủ sở hữu chiếc điện thoại Android nào từng bị nhiễm phần mềm độc hại thì có thể chia sẻ trên Twitter, để có cơ hội nhận được một chiếc điện thoại Windows Phone hoàn toàn miễn phí.

Trước đó, “người khổng lồ tìm kiếm trực tuyến” Google quả thực đã phải gỡ bỏ hơn 100 ứng dụng độc hại từ gian hàng trực tuyến của họ. Và nhân cơ hội hấp dẫn này, Microsoft đã tung chiêu này nhằm hai mục đích, nâng tầm Windows Phone của họ và hạ bệ hệ điều hành Android của đối thủ.

Dư luận chưa hết ngạc nhiên vì màn “dìm hàng” thiếu tính cạnh tranh của Microsoft thì lại bị “sốc” khi đại gia điện thoại di động Phần Lan tuyên bố hồi giữa tuần qua rằng, giới trẻ ngày nay đang phát chán với chiếc điện thoại thông minh đình đám iPhone và gặp khó khăn khi sử dụng smartphone Android.

Trả lời trên trang tin tức Pocket-lint, Niels Munksgaard, Giám đốc bán hàng, marketing và đầu tư của Nokia tuyên bố, “các bạn thanh niên kém hứng thú với iPhone. Bởi có vẻ ai cũng đang sở hữu chiếc điện thoại này. Trong khi nhiều bạn trẻ khác chẳng tìm được sự hấp dẫn của smartphone Android, vì nền tảng này quá phức tạp và không có bảo mật tốt”.

Ông Munksgaard không quên “bồi” thêm rằng, giới trẻ ngày nay muốn trải nghiệm thứ gì đó mới mẻ, và đang dần chuyển sang sử dụng smartphone cài Windows. Được biết, hồi cuối tháng 10 vừa qua, Nokia đã tung ra thị trường các mẫu di động chạy hệ điều hành Windows Phone đầu tiên, với kỳ vọng giành lại thế đứng trên mảng smartphone.

Tuy nhiên, những tuyên bố của Nokia và Microsoft lại gây hiệu ứng ngược, vì sau đó, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng hai hãng này nên tập trung vào công việc của họ, như đổi mới thiết kế, cải thiện bảo mật và xây dựng hệ thống dịch vụ/ứng dụng phong phú cho smartphone Windows của họ, thay vì đua nhau chọc phá Apple hay Google.

Thú vị hơn, ngay sau tuyên bố tặng điện thoại Windows Phone của Rudolph, trang tin WinRumors đã lập tức đưa tin về lỗ hổng bảo mật trên Windows Phone. Lỗi này cho phép một kẻ phá hoại gửi tin nhắn văn bản tới smartphone Windows Phone bất kỳ, làm cho thiết bị tự động khởi động lại. Sau đó ứng dụng nhắn tin sẽ bị tê liệt hoàn toàn.  

Netbook, máy tính bảng và ultrabook

Cuộc chiến giữa netbook và máy tính bảng đã bắt đầu thấy kết quả. Việc xuất hiện ngày càng ít những sản phẩm netbook hiệu suất thấp, cấu hình đơn giản cho thấy dòng máy tính xách tay này đang thảm bại trước máy tính bảng. Và mới đây nhất, hãng máy tính Dell của Mỹ đã quyết định dừng bán loại netbook của mình.

Trên trang web của Dell đã xuất hiện một thông báo rằng, “những dòng netbook mini của Dell sẽ không tồn tại nữa. Xin vui lòng chuyển sang lựa chọn những sản phẩm tuyệt vời hơn, như Inspiron 14R - mẫu laptop 14-inch rất phong cách và cơ động”.

Giám đốc phụ trách quảng bá tiêu dùng toàn cầu của Dell, Matthew Hutchison nói với trang tin Cnet: “Chúng tôi đã bán hết các sản phẩm Dell Mini. Dell đang tập trung vào những dòng máy tính xách tay có cấu hình cao và mỏng hơn, đặc biệt là những dòng sản phẩm từng mang lại nhiều thành công cho Dell, như dòng XPS”.

Tuy nhiên, có vẻ như ngay cả máy tính bảng cũng đang dần mất hấp dẫn và các hãng công nghệ đang chuyển dần việc sản xuất sang ultrabook để duy trì lợi nhuận. Theo trang DigiTimes, nhiều nhà sản xuất đang dần chuyển hướng tập trung vào thị trường ultrabook thay vì máy tính bảng như trước, nhằm cải thiện tình hình lợi nhuận.

Với sự thay đổi chiến lược này, thị trường máy tính xách tay được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi trở lại, sau thời kỳ bị thoái trào trong năm 2011. Những hãng nổi bật đi theo xu hướng này là Acer và Asus. Trên thực tế, không ít hãng công nghệ đã tuyên bố không từ bỏ mảng máy tính bảng, song thực tế là trên phân khúc này, iPad chưa từng có đối thủ.

Không chỉ có Viettel.com

Tại Việt Nam, tuần qua, cư dân mạng đã xôn xao trước thông tin tên miền Viettel.com, trùng với tên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, đang được rao bán với giá 1,5 triệu USD. Khi truy cập vào địa chỉ www.viettel.com, người dùng Internet sẽ nhìn thấy trên màn hình máy tính dòng thông tin rao bán tên miền này.

Tuy nhiên, không chỉ có Viettel.com, nhiều tên miền khác trùng với tên các đại gia công nghệ của Việt Nam như VNPT.com, VNPT.net, FPT.com, Mobifone.com… cũng đã bị người khác đăng ký mất từ rất lâu.

Chẳng hạn, theo ICTNews, tên miền VNPT.com đã thuộc sở hữu của một tổ chức có địa chỉ tại Hàn Quốc từ tháng 10/2010, hay tên miền VNPT.net cũng đã thuộc sở hữu của một tổ chức Hàn Quốc từ năm 2001. Chỉ có các tên miền như VNPT.ws, VNPT.la, VNPT.org… là chưa có người đăng ký sử dụng.

Ngoài tên miền Viettel.com, các tên miền quốc tế trùng với tên Tập đoàn Viễn thông Quân đội như Viettel.net, Viettel.org… cũng đã có người “chiếm hữu”, chỉ có duy nhất tên miền viettel.ws là chưa có người mua.

Ngay như tên miền quốc tế FPT.com (trùng với tên Tập đoàn FPT) đã được một người tại Mỹ mua từ năm 1995 và nắm quyền sở hữu đến năm 2012, hay tên miền Mobifone.com (trùng với tên công ty MobiFone) hiện vẫn đang thuộc quyền sở hữu của một người Hàn Quốc…