16:17 18/12/2007

Tivi LCD nội thua vì công nghệ “ốc vít”

Giá thấp quá thì người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng, nếu giá ngang với các thương hiệu nước ngoài thì chẳng có ai mua

Không thể hình thành một nhãn hiệu riêng chỉ bằng những cái ốc vít.
Không thể hình thành một nhãn hiệu riêng chỉ bằng những cái ốc vít.
Không ít doanh nghiệp từng cho rằng việc lắp ráp tivi LCD sẽ phát triển mạnh vì sản phẩm sẽ có giá rẻ hơn. Nhưng thực tế thị trường cho thấy không phải như vậy

Đã vắng bóng

Cách đây gần nửa năm, tivi LCD giảm giá mạnh, có lúc gần 40% so với giá niêm yết trước đó. Lúc đó, một vài model ti vi LCD của Tiến Đạt, VVC (công ty điện tử Thắng Lợi), VTB (Viettronics Tân Bình)... còn xuất hiện tại các siêu thị điện máy với giá rẻ hơn các nhãn hiệu nước ngoài khoảng 20%.

Thời điểm đó, LG LC4 có giá rẻ nhất là 9,9 triệu đồng (thời kỳ khuyến mãi giữa tháng 6/2007), trong khi TDA 32 inch của Tiến Đạt chỉ 7,7 triệu đồng. Chênh lệch giá (20%) như vậy với hàng điện máy là một tiêu chí mà người tiêu dùng không thể bỏ qua. Nhưng tivi LCD là chuyện khác: hàng mang nhãn hiệu trong nước không được người tiêu dùng đón nhận.

Bằng chứng là các siêu thị có trưng bày sản phẩm của những nhãn hiệu Việt đều không bán được. Khi khách muốn mua, nhân viên siêu thị sẽ đi lấy hàng từ chính nhà sản xuất.

“Vì mua đứt bán đoạn nên chúng tôi không dám găm hàng với những nhãn hiệu bán không được hàng, kể cả những nhãn hiệu nước ngoài”, giám đốc kinh doanh của một siêu thị điện máy tại Tp.HCM nói.

Theo một nguồn tin riêng, trong năm 2007, ước tính thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 100.000 chiếc tivi LCD. “Miếng bánh” này chủ yếu rơi vào tay các hãng như Samsung, Sony, LG, Toshiba...

Trong khi đó, các nhãn hiệu trong nước bán chưa quá 1.000 chiếc (ước chừng nhập khoảng 2.000 chiếc). Một chuyên gia về mặt hàng này cho biết không chỉ các nhãn hiệu trong nước “chết” mà ngay những nhãn hiệu khá nổi tiếng như BenQ cũng chấp nhận “buông súng”.

Chưa hiểu thị trường

S.C là một doanh nghiệp chuyên thiết kế, sản xuất và cũng là một nhà phân phối các sản phẩm kỹ thuật số phục vụ giải trí. Từng có ý định nhập hàng, nhưng sau đó S.C dán tên mình lên sản phẩm, coi như là sản phẩm của mình sản xuất để bán trên thị trường. Nhưng sau khi kiểm tra các yếu tố, doanh nghiệp này đã ngưng kinh doanh tivi LCD.

Một chuyên gia kỹ thuật của S.C cho biết: “Trên thị trường, ti vi LCD 32 inch có giá 14 triệu đồng, trong khi nhà sản xuất bên Hàn Quốc chào hàng 8,5 triệu đồng (đã có VAT). Với giá như vậy, hỏi làm sao không mê được”. Cũng theo chuyên gia này, sau khi tính toán hết mọi khoản chi, nhà sản xuất (thực chất là nhà nhập khẩu) cũng kiếm được ngót nghét 1 - 1,5 triệu đồng/chiếc.

Sau khi biết được ý định tham gia thị trường của các nhà sản xuất trong nước bằng những model giá rẻ, các hãng đã cùng nhau “đạp giá”. Model 32D300A của Sony từ 24,99 triệu hiện giảm còn 21,99 triệu đồng; LG 32LC4 từ 11,49 xuống 10,49 triệu đồng; Samsung 32R7 từ 15,99 xuống còn 10,99 triệu đồng... Việc đạp giá này đã “dằn mặt” các nhà sản xuất trong nước muốn ngấp nghé “miếng bánh” tivi LCD.

Và công nghệ ốc vít

Với ti vi LCD thương hiệu ngoại, người tiêu dùng bình thường dễ bị các nhà sản xuất làm “lóa mắt” bởi tính năng của công nghệ. Hiện trên thế giới, chỉ có sáu nhà sản xuất là LG - Philips, Sharp, Hitachi, Sony - Samsung, Chung Hwa, Chimei sản xuất panel LCD.

Những nhà sản xuất khác chỉ có thiết kế mẫu và đưa các ứng dụng vào trong chiếc tivi, sau đó bắt các ốc vít là có một sản phẩm hoàn chỉnh tung ra thị trường. Anh Quốc Trình, một thợ sửa tivi LCD cho biết: “Công lắp ráp một chiếc LCD chỉ tốn khoảng 50.000 đồng”.

Các nhà sản xuất trong nước cũng đi theo quy trình này, nhưng vì số lượng đặt hàng quá ít, chưa có các công đoạn nghiên cứu về mẫu mã, giá trị gia tăng nên sản phẩm chưa tạo được nét riêng. Họ mua theo từng cụm, sau đó bắt vít và dán tên của công ty lên mặt trước màn hình. Sản phẩm thiếu hẳn đường nét tinh tế, khách hàng nhìn là thấy ngay. Thêm vào đó, hàng bán không được vì không có kinh phí quảng cáo.

Còn có thêm một yếu tố mà người bán hàng đã chỉ ra: giá thấp quá thì người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng, nếu giá ngang với các thương hiệu nước ngoài thì chẳng có ai mua. Dù có giảm giá nhưng tivi LCD vẫn còn là một tài sản có giá trị. Chính vì vậy, ít người đủ dũng cảm để mua một tivi LCD nhãn hiệu trong nước.

Những thông tin trên cho thấy ý tưởng hình thành các nhãn hiệu tivi LCD trong nước đã không thành vì không đầu tư đúng mức cho việc gia tăng giá trị. Không thể hình thành một nhãn hiệu riêng chỉ bằng những cái ốc vít.