09:02 25/09/2007

Tổng thống Mỹ tương lai “ve vãn” giới công nghệ

Kiều Oanh

Các ứng cử viên của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008 đang dành cho thung lũng Silicon không ít chuyến viếng thăm

Bà Hillary Clinton đang vạch ra những kế hoạch đầy tham vọng cho lĩnh vực công nghệ.
Bà Hillary Clinton đang vạch ra những kế hoạch đầy tham vọng cho lĩnh vực công nghệ.
Các ứng cử viên của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008 đang dành cho thung lũng Silicon không ít chuyến viếng thăm.

Hôm 31/5, ứng cử viên sáng giá của phe Dân chủ, bà Hillary Clinton đã công bố những kế hoạch của bà dành cho lĩnh vực công nghệ nếu trúng cử trước các nhà quản lý đến từ Microsoft, HP, Intel và Google tại Santa Clara, California.

Bà Hillary cũng đã cùng với các ứng cử viên khác của đảng Dân chủ là Barack Obama, John Edwards và đối thủ đến từ Cộng hòa John McCain có các cuộc gặp gỡ để trả lời câu hỏi của các nhân viên Google tại trụ sở tập đoàn này ở Mountain View, California. McCain cũng thể hiện những thành ý của ông dành cho lĩnh vực công nghệ bằng chuyến viếng thăm trong tháng 7 vừa qua tới Đại học Stanford và Câu lạc bộ Churchill.

Nguồn tài chính quan trọng

Một phần lý do khiến các ứng cử viên của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới thăm thung lũng Silicon nhiều như vậy là vì nơi này đang nổi lên là một nguồn huy động tài chính cho chiến dịch bầu cử của họ. “Chưa bao giờ các ứng cử viên tổng thống lại dành nhiều sự quan tâm đến vậy cho thung lũng Silicon”, Gary Fazzino, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ với chính phủ của HP, cho biết.

Thống kê cho thấy, chỉ riêng trong nửa đầu năm nay, ngành công nghiệp máy tính của Mỹ đã đóng góp 2,2 tỷ USD cho các ứng cử viên, so với mức 1,2 tỷ USD trong nửa đầu năm 2004 và các chiến dịch lựa chọn ứng cử viên vào năm 2000.

Mặt khác, đối với các ứng cử viên tổng thống Mỹ, California có một vị trí đặc biệt quan trọng vì nhiều ngành công nghiệp ở bang này đóng vai trò lớn trong nhiều vấn đề cấp thiết mà nước Mỹ hiện đang phải đối mặt, bao gồm tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ với châu Á và châu Âu và tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế.

Do đó, mặc dù những vấn đề trọng tâm trong cuộc tổng bầu cử sẽ là cuộc chiến Iraq, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố cũng như những vấn đề kinh tế, các ứng cử viên muốn sớm tạo ra ưu thế riêng cho mình bằng những ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, vị tổng thống tới của nước Mỹ sẽ là một “tổng thống công nghệ” - một người hiểu được việc phát minh diễn ra như thế nào và có những ý tưởng cụ thể để duy trì sự phát triển của nền kinh tế công nghệ,” Adam Kovacevich, một phát ngôn viên của Google nói.

Ngân sách cho nghiên cứu cơ bản

Việc tăng cường ngân sách Chính phủ cho nghiên cứu cơ bản là một ưu tiên lớn dành cho Microsoft, HP, Intel và các công ty công nghệ khác, vì những công ty này được hưởng lợi khi những đột phát trong nghiên cứu cơ bản tạo ra thị trường mới cho các sản phẩm của họ.

“Chúng ta ngày càng nhận thức rõ ràng rằng, ưu thế của nền kinh tế Mỹ không phải là điều tự nhiên”, James Jarrett, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý và doanh nghiệp của Intel cho biết. Trong khi đó, ngân sách liên bang dành cho Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF), Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) cũng như các cơ quan nghiên cứu khác đã không tăng trong vòng nhiều năm qua.

Để giải quyết mối lo ngại này, tháng 8 vừa qua, Tổng thống Bush đã ký một đạo luật phân bổ 22 tỷ USD cho NSF, 17 tỷ USD cho Văn phòng Khoa học của Bộ Năng lượng và 2,7 tỷ USD cho NIST nhằm mục đích tăng gấp đôi ngân sách cho những cơ quan này. Tuy nhiên, những khoản ngân sách này vẫn cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua.

“Đây là một bước tiến quan trọng. Đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu cơ bản sẽ thúc đẩy các phát minh và sáng kiến kỹ thuật”, Jack Krumholtz, Giám đốc chịu trách nhiệm các vấn đề với chính phủ liên bang của Microsoft nói.

Nắm bắt được nguyện vọng này của các tập đoàn công nghệ lớn, một số ứng cử viên như Hillary Clinton, McCain và Obama đã vạch ra những kế hoạch đầy tham vọng cho ngành công nghệ.

Tăng cường ngân sách liên bang cho nghiên cứu là trung tâm trong kế hoạch công nghệ của ứng cử viên Hillary Clinton. Bà đề xuất thành lập một quỹ đầu tư quốc gia cho năng lượng thay thế trị giá 50 tỷ USD và tăng ngân sách nghiên cứu cơ bản tại các cơ quan liên bang thêm 50% vào cuối thập kỷ này.

Đặc biệt, bà Hillary còn kêu gọi các cơ quan liên bang dành ít nhất 8% ngân sách nghiên cứu cho hoạt động thăm dò có độ rủi ro cao, nhấn mạnh nghiên cứu của Bộ Quốc phòng đã dẫn tới sự ra đời của mạng Internet và hệ thống định vị toàn cầu.

Ứng cử viên Obama thì kêu gọi Chính phủ áp dụng vĩnh viễn quy định về tín dụng thuế (một kiểu giảm trừ thuế) cho các khoản chi tiêu mới cho nghiên cứu và phát triển thay vì gia hạn hàng năm như hiện nay. Tuy nhiên, ưu thế nổi trội của ứng cử viên này nằm ở kế hoạch Internet băng thông rộng của ông, trong đó việc mở rộng băng thông Internet chính là cách để tạo ra cơ hội việc làm cho những người dân nghèo ở khu vực đô thị. Ông cũng có kế hoạch tăng các khoản phí mà các công ty điện thoại phải nộp cho Chính phủ để chi trả cho hoạt động này.

Trong khi đó, ứng cử viên Edwards đề xuất xây dựng một quỹ năng lượng thay thế để phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học. Ứng cử viên Hilary Clinton và Romney cùng nhấn mạnh việc đầu tư vào việc sản xuất điện, công nghệ nano và tạo ra những vật liệu công nghiệp mới.

Visa cho lao động nhập cư

Vấn đề về người lao động nước ngoài mà các công ty công nghệ của Mỹ đang phải đối mặt chính là vấn đề visa. Năm nay, Chính phủ Mỹ đã cấp 65.000 visa H-1B, loại visa dành cho các công dân nước ngoài học tại các trường đại học Mỹ và muốn làm việc cho các công ty Mỹ. Tuy nhiên, đối với các công ty công nghệ cao muốn thu hút nhiều lao động trình độ cao của nước ngoài, con số này vẫn còn quá nhỏ bé.

“Thành công của nước Mỹ như ngày hôm nay là nhờ những nhân vật xuất chúng nhất của thế giới đã tới đây”, Maeder, một chuyên gia của quỹ đầu tư Highland Capital Partners nói.

Tháng 6 vừa qua, một đạo luật nhập cư trong đó đề xuất việc nâng số visa H-1B cấp trong năm 2008 lên mức 115.000 visa đã được trình lên Thượng viện Mỹ nhưng không được thông qua. Phản ứng trước vấn đề này, Microsoft đã mở một văn phòng phát triển ở Vancouver, Canada để thu hút lao động nước ngoài không được tuyển dụng tại Mỹ.

Ứng cử viên McCain là một người ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của đương kim Tổng thống Bush trong việc cải cách các quy định nhập cư, bao gồm cả việc tạo điều kiện cho những người nhập cư trái phép được trở thành công dân Mỹ và các biện pháp tăng cường an ninh biên giới. Tuy nhiên, theo McCain, chỉ riêng việc cấp thêm visa cho người nhập cư là không đủ để tăng sức cạnh tranh của nước Mỹ, điều cần có nữa là phải thúc đẩy hoạt động giáo dục và đào tạo cho công dân Mỹ.

Do đó, giáo dục các bộ môn toán học và các khoa học khác cũng là những ưu tiên của các ứng cử viên tổng thống Mỹ. Bà Hillary nhấn mạnh việc đầu tư thêm ngân sách liên bang vào chương trình đại học để khuyến khích phụ nữ và các nhóm thiểu số tham gia vào lĩnh vực khoa học.

Bên cạnh đó, các ứng cử viên cũng đưa ra nhiều hứa hẹn về việc áp dụng những hình phạt mạnh tay hơn đối với những hành vi xâm hại đến tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ ở Trung Quốc nhằm bảo vệ sức cạnh tranh của các công ty này.

(Theo BusinessWeek)