11:25 22/10/2015

Triển khai 4G: Tránh kiểu làm "không giống ai"

Thủy Diệu

Nguyên Thứ trưởng Mai Liêm Trực cho rằng, cơ quan quản lý nên trung lập về mặt công nghệ

Buổi tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” do ICT Press Club tổ chức chiều ngày 21/10/2015.<br>
Buổi tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” do ICT Press Club tổ chức chiều ngày 21/10/2015.<br>
Nếu triển khai 4G hay 5G mà vẫn như kiểu 3G, thì giống như trên đường từ Hà Nội vào Tp.HCM, một đoạn cao tốc, một đoạn tỉnh lộ, đoạn huyện lộ..., tốc độ trung bình sẽ vẫn như vậy, không thể cao lên được.

Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, người vừa rời nhiệm sở khoảng hơn một tháng để về nghỉ theo chế độ đã thẳng thắn đưa ra quan điểm trên tại tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức chiều 21/10.

“Làm 4G để lấy thương hiệu?”

Đại diện các nhà mạng Viettel, VNPT tại tọa đàm khẳng định công nghệ 4G đã chín muồi, các doanh nghiệp đã chuẩn bị hạ tầng mạng lưới, và đang rất sẵn sàng cung cấp dịch vụ 4G ra thị trường sau khi nhận được giấy phép thử nghiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ Viettel Telecom cho biết, Viettel đã ký hợp đồng mua 12.000 trạm BTS 4G và sẽ triển khai lắp đặt xong trong khoảng cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016.

Mặc dù cũng thừa nhận việc triển khai 4G đã đến thời điểm chín, nhưng ông Lê Nam Thắng cho rằng, các nhà mạng cần phải tính toán kỹ trên ba yếu tố, tránh làm 4G chỉ để lấy tiếng và thương hiệu.

Đầu tiên phải xem công nghệ đã đến thời điểm hay chưa, có tính phổ biến chưa. Bởi nếu triển khai quá sớm thì giá thành thiết bị sẽ đắt, cước phí sẽ đắt và không phù hợp.

Ngược lại, nếu triển khai giữa chừng (triển khai chậm trễ) thì lại bị lỡ nhịp vì thế giới khi đó đã chuyển sang công nghệ khác.

“Chúng ta từng trả giá cho công nghệ đưa vào Việt Nam nhưng không phù hợp thời điểm hoặc lạc hậu. Ví dụ CityPhone, Calling, CDMA2000... chỉ phát triển trên thế giới được một thời gian, cũng có một giai đoạn phát triển tốt tại Việt Nam nhưng không kéo dài, số người dùng không nhiều nên giá thành cao”, ông Thắng nói.

Thứ hai là băng tần. Cần phải sắp xếp quy hoạch băng tần cho phù hợp, vì nếu thời điểm tốt, công nghệ tốt nhưng băng tần không phù hợp thì cũng không được.

Thứ ba là nhu cầu thị trường. Người dùng luôn muốn có công nghệ cao, chất lượng tốt, tốc độ nhanh, vùng phủ sóng rộng, cũng giống như ai cũng thích đi xe Mercedes, Audi trên đường cao tốc, nhưng quan trọng là phải xem sự cần thiết của nhu cầu thị trường, trình độ phát triển chung của xã hội ra sao.

Nếu triển khai 4G hay kể cả 5G mà vẫn như kiểu 3G thì giống như trên đường từ Hà Nội vào Tp.HCM, có đoạn là đường cao tốc, đoạn tỉnh lộ, đoạn lại huyện lộ... , tốc độ trung bình vẫn vậy, không thể cao lên được.

Bởi theo ông Thắng, hiện các nhà mạng triển khai 3G tương đối lộm chộm, mỗi chỗ một trạm, nếu  triển khai 4G cũng vậy thì không bao giờ đạt được tốc độ như kỳ vọng.

“Phải có nhu cầu thì việc kinh doanh mới thực chất và có hiệu quả, còn nếu nhu cầu chưa có thì việc doanh nghiệp triển khai 4G chỉ là để lấy tiếng, để làm thương hiệu”, ông Lê Nam Thắng nói.

“Bộ không nên can thiệp vào công nghệ”

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu Chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, Việt Nam bây giờ mới cấp phép 4G là chậm.

“Nếu đã chín muồi, có băng tần thì nên cấp phép ngay, chúng ta không nên chờ đến 2016 mới cấp phép. Nếu ta cứ ngồi chờ các nước khác triển khai hết để lấy kinh nghiệm thì mạng 5G sẽ tới thì sao? Các nước triển khai 4G sớm sẽ có lợi cho người dùng, cho thị trường và các doanh nghiệp cũng chủ động”, ông nói.

Thông thường các nước trên thế giới khi cấp phép thì sau hai ba năm doanh nghiệp mới cung cấp được dịch vụ ra thị trường. Bởi vậy, theo ông Trực, việc sớm cấp phép cũng là để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị mọi yếu tố cho việc cung cấp dịch vụ 4G.

Vị chuyên gia kỳ cựu về viễn thông cho rằng, cơ quan quản lý không nên “áp” quan điểm đợi 3G hoàn vốn xong rồi mới cấp phép 4G, bởi đây là công việc của doanh nghiệp chứ không phải của cơ quan quản lý, cho dù có những lo lắng phần lớn doanh nghiệp đều là của Nhà nước.

Nếu các doanh nghiệp có nhu cầu thử nghiệm và triển khai sớm mạng 4G thì Bộ Thông tin và Truyền thông nên cấp phép vì điều này phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp, không phải phụ thuộc vào Bộ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cũng phân tích, do một số đặc thù của Việt Nam nên chúng ta làm “không giống ai”.

Cụ thể, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước là phải trung lập về công nghệ, không nên can thiệp về công nghệ, thậm chí, hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam mới hoàn tất đàm phán cũng có quy định cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp về công nghệ, tuy nhiên, đâu đó, quan chức bộ chủ quản vẫn phát biểu theo kiểu chưa trung lập về công nghệ.

Theo TS. Mai Liêm Trực, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ nên quản lý về mặt tài nguyên tần số và trung lập về mặt công nghệ. Đồng thời, Bộ cần mạnh mẽ hơn, nếu có tài nguyên thì sớm cấp phép, bởi “không khéo chờ rồi 5G đến, rồi lại chờ tiếp”.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Trần Tuấn Anh, đại diện Cục Viễn thông cho biết, vấn đề quan trọng không phải việc cấp phép mà còn phụ thuộc mô hình kinh doanh, cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang xem xét cấp phép cho 3 doanh nghiệp xin phép cung cấp thử nghiệm dịch vụ 4G. Mỗi doanh nghiệp triển khai tối đa tại 3 tỉnh trên toàn quốc, thử nghiệm trên băng tần 1800, 2300 và 2600.

“Trên cơ sở đánh giá kết quả thử nghiệm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét đánh giá mô hình hiệu quả kinh doanh cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội thì sẽ chính thức cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông theo đúng quy định”, ông Tuấn Anh cho biết.