13:08 02/10/2009

Truyền hình trả tiền sẽ được quản lý chặt hơn

Mạnh Chung

Phát triển truyền hình trả tiền thời gian qua đã có rất nhiều bất cập và cần sớm có một hành lang để quản lý

Truyền hình theo công nghệ DTH - truyền hình trả tiền- vẫn còn xa xỉ với phần đông người dân.
Truyền hình theo công nghệ DTH - truyền hình trả tiền- vẫn còn xa xỉ với phần đông người dân.
Phát triển truyền hình trả tiền thời gian qua đã có rất nhiều bất cập và cần sớm có một hành lang để quản lý.

Do phát triển quá nhanh chóng nên lĩnh vực truyền hình trả tiền đã phát sinh nhiều vấn đề vượt ngoài tầm của những quy phạm quản lý hiện có. Chính vì thế, tại buổi lấy ý kiến về dự thảo Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền được Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 1/10, đại diện các sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành đều cho rằng cần thiết có một “hành lang” để quản lý hoạt động này.

Còn nhiều bất cập

Theo Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện cả nước có 47 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với khoảng 2 triệu thuê bao. Năm 2003 mới có khoảng 80.000 thuê bao. Những đơn vị cung cấp số lượng kênh chương trình trên mạng truyền hình cáp nhiều nhất là Đài Truyền hình Việt Nam (SCTV), Đài Truyền hình Tp. HCM (HTVC), Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (HaCTV).

Số lượng các chương trình truyền hình được cung cấp trên các mạng truyền hình cáp cũng tăng gấp hai lần, trung bình mỗi mạng truyền hình cáp đang chuyển tải khoảng 45- 50 kênh chương trình.

Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh - truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, hiện có rất ít các đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền, đặc biệt truyền hình cáp có đủ năng lực cá nhân sự, tài chính, công nghệ, kỹ thuật. Vì thế, rất nhiều đơn vị được cấp phép hoạt động đã không trực tiếp thực hiện triển khai cung cấp dịch vụ.

Theo dự thảo, ngay việc quản lý nội dung truyền hình trả tiền cũng đang bị bỏ ngỏ, đặc biệt là với các chương trình truyền hình nước ngoài phát trên hệ thống truyền hình trả tiền.

Truyền hình trả tiền, đặc biệt là truyền hình cáp đang phát triển khá manh mún, không có sự liên thông và tập trung chủ yếu ở các khu đô thị lớn, khu vực đông dân cư. Chính do phát triển theo địa bàn hành chính nên hệ thống truyền hình cáp chưa kết hợp thế mạnh tổng hợp về nội dung chương trình, công nghệ kỹ thuật và dịch vụ, gây lãng phí về nhân lực và nguồn tài chính.

Lẽ ra ở bất kỳ điểm nào của Việt Nam, người dân cũng có thể sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền (bằng công nghệ truyền dẫn cáp, DTH hay mặt đất kỹ thuật số), nhưng thực tế diện phủ sóng truyền hình cáp tại vùng nông thôn rất thấp và khống có ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Thêm nữa, do chi phí trả cho việc hưởng thụ dịch vụ truyền hình trả tiền bằng công nghệ DTH còn cao so với mặt bằng thu nhập của người dân nên đại đa số người dân có mức thu nhập trung bình, thấp đều chưa được tiếp cận với dịch vụ này.

Hiện mức phí lắp đặt thiết bị thu tín hiệu DTH của VTV là xấp xỉ 2 triệu đồng, VTC là 3 triệu đồng, phí thuê bao DTH của VSTV là 800.000 đồng/năm, của VTC là 1.140 nghìn đồng/năm. Riêng mức phí lắp đặt của các mạng truyền hình cáp cũng trung bình từ 500.00 – 650.000 đồng/thuê bao. Vì thế, với người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa… truyền hình trả tiền bằng công nghệ DTH vẫn còn là thứ xa xỉ.

Quá nhiều phí, lệ phí

Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền gồm tới 8 chương, 38 điều quy định quản lý, cung cấp, sử dụng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ truyền hình trả tiền và nội dung thông tin trên truyền hình trả tiền.

Theo nhận định của đại diện nhiều sở thông tin và truyền thông và lãnh đạo các nhà đài tỉnh, thành, việc ban hành quy định mới về lĩnh vực truyền hình trả tiền như một “hành lang” pháp lý để định hướng, phát triển truyền hình trả tiền có trọng tâm và hiệu quả, không như hiện tại là cứ “mạnh ai nấy làm”, gây lãng phí và bất cập.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM cho rằng, khi có quy chế thì việc phát triển các công nghệ truyền hình của các nhà đài sẽ được định hướng đầu tư theo công nghệ số, có khả năng tích hợp nhiều nội dung, chất lượng chuyển tải cao và đa dạng các loại hình dịch vụ, nhờ vậy việc phát triển loại hình dịch vụ này cũng sẽ bền vững hơn.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cùng có chung nhận xét, dự thảo đã có quá nhiều các quy định về… phí và lệ phí mà các đơn vị cung cấp dịch vụ phải đóng, nộp, như lệ phí cấp phép chương trình truyền hình trả tiền, lệ phí cấp phép cung cấp nội dung, lệ phí cáp phép cung cấp dịch vụ, phí biên tập, phí bản quyền, phí thẩm định, phí thuê bao…

Ông Mai Sông Bé, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Nai không đồng tình: “Sao có quá nhiều phí thế này! Phí nhiều thế này thì nhà đài chỉ có cách tăng phí sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, như thế người dân vốn đã đang khó tiếp cận vì chi phí cao lại càng khó hơn”.

Một đại diện của Sở Thông tin và Truyền thông Phú Yên cũng cho rằng, quy định xây dựng các chương trình truyền hình hàng tháng mà cũng tính lệ phí thì sẽ rất phiền toái và phức tạp.

Đi ngược lại với xu hướng truyền hình trả tiền, được ông Lưu Vũ Hải nhận định sẽ ngày càng là sự lựa chọn của số đông, ông Mai Sông Bé cho rằng, thời gian tới số lượng người sử dụng truyền hình trả tiền vẫn chưa nhiều vì chi phí của loại hình dịch vụ này vẫn còn rất cao so với mức thu nhập trung bình của người dân hiện nay.

“Vì hiện mới chỉ có khoảng 2 triệu thuê bao, mà chủ yếu ở các thành phố lớn, điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền vẫn chưa thu hút được người sử dụng dịch vụ”, ông Bé dẫn chứng.

Theo ông, song song với quy hoạch về phát triển truyền hình kỹ thuật số của Chính phủ đến năm 2020, vẫn cần để các nhà đài phát triển và sử dụng truyền hình với công nghệ  analog để người dân được hưởng thụ đầy đủ các dịch vụ truyền hình.