12:00 28/12/2011

Viễn thông, công nghệ thông tin 2011: Những cơn sóng ngầm

Mạnh Chung

Thị trường viễn thông, công nghệ thông tin năm 2011 đang có những thay đổi lớn về chất

Quyết định sáp nhập EVN Telecom vào Viettel cho thấy, thị trường viễn thông đã và đang rơi trên đỉnh cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt, mà ở đó không phải ai cũng có thế “hái ra tiền”, cũng có kẻ thắng, người thua.
Quyết định sáp nhập EVN Telecom vào Viettel cho thấy, thị trường viễn thông đã và đang rơi trên đỉnh cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt, mà ở đó không phải ai cũng có thế “hái ra tiền”, cũng có kẻ thắng, người thua.
Thị trường viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam 2011 không quá nhiều sự kiện ồn ào, sôi động như những năm trước đó, nhưng đang có những thay đổi lớn về chất và những vấn đề có tính cảnh báo ở tầm vĩ mô.

VnEconomy xin điểm lại 10 vấn đề, sự kiện nổi bật nhất của ngành viễn thông, công nghệ thông tin trong năm nay.

1. EVN Telecom và khởi đầu của sự sáp nhập

Quyết định sáp nhập Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) vào Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) của Chính phủ đã khiến nhận định của một số lãnh đạo, chuyên gia về viễn thông trước đó rằng, thị trường viễn thông Việt Nam sẽ có sự mua bán, sáp nhập đã trở thành hiện thực sớm hơn dự kiến.

Sự sáp nhập này được coi là cột mốc đầu tiên về mua bán, sáp nhập trên thị trường viễn thông di động tại Việt Nam - một lĩnh vực mà lâu nay vẫn được coi là nhiều màu mỡ và “hái ra tiền” của các nhà mạng. Quyết định sáp nhập EVN Telecom vào Viettel cho thấy, thị trường viễn thông đã và đang rơi trên đỉnh cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt, mà ở đó không phải ai cũng có thế “hái ra tiền”, cũng có kẻ thắng, người thua. 

Trong những năm qua, EVN Telecom kinh doanh thua lỗ triền miên. Năm 2010, doanh thu của EVNTelecom chỉ đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng và lỗ khoảng hơn 1 nghìn tỷ đồng, hệ số nợ của doanh nghiệp này lên đến 5,1 lần. Năm nay, mỗi tháng, EVN Telecom bị ghi nợ khoảng 176 tỉ đồng, từ tiền lãi ngân hàng, hoạt động thường xuyên… 

Tuy nhiên, không chỉ có EVN lâm vào cảnh “bước đường cùng”. Hiện, một số doanh nghiệp viễn thông khác cũng đang rất khó khăn về mặt tài chính, thị phần cũng như về mô hình kinh doanh hiệu quả. Với thực tế này, thị trường viễn thông Việt Nam rất có thể sẽ còn chứng kiến nhiều cuộc mua bán, sáp nhập với các doanh nghiệp viễn thông khác.

2. Viettel sản xuất điện thoại

Ngày 17/10, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức công bố đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, với tổng giá trị đầu tư trên 200 tỷ đồng. 

Theo công bố của Viettel, dây chuyền sản xuất có công xuất thiết kế đạt tới 5 triệu USB 3G/năm, hoặc 3 triệu máy điện thoại di động/năm hoặc 900 ngàn máy tính/năm, nhằm phục vụ cho nhu cầu thị trường của Viettel, đồng thời gồm cả những thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư. 

Đáng chú ý, đây được coi là dây chuyền sản xuất điện thoại di động và các thiết bị thông minh đầu tiên của doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam. Dây chuyền sản xuất này có khả năng sản xuất nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau như thiết bị đầu cuối (điện thoại di động thông thường và thông minh, máy tính bảng, máy tính All-in-one,...), thiết bị hạ tầng mạng, thiết bị thông tin quân sự…

3. Bài toán khó của VNPT

Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông (được Chính phủ ban hồi tháng 4/2011) quy định, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ, đã đặt Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vào thế khó xử.

Sở dĩ, vì VNPT đang sở hữu 100% vốn tại hai mạng di động lớn MobiFone và VinaPhone, với lợi nhuận mỗi năm lên tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng. Cả hai doanh nghiệp đang thương hiệu và là xương sống của tập đoàn, đặc biệt là MobiFone. 

Tuy nhiên, với nghị định này, VNPT buộc, hoặc là cổ phần hóa một trong hai mạng viễn thông và được giữ lại 20% vốn điều lệ, và hai là hợp nhất giữa VinaPhone và MobiFone thành một. 

Trường hợp thứ hai - hợp nhất hai nhà mạng thành một - xem ra sẽ khó khả thi hơn vì như thế vô hình chung sẽ làm cồng kềnh bộ máy lãnh đạo, quản trị, làm “pha loãng” mô hình kinh doanh vốn khá hiệu quả hiện nay của MobiFone. Hơn nữa, như thế, ít nhất sẽ làm mất đi một thương hiệu, được nhận định có giá trị lên tới một tỷ USD.

Phương án đầu tiên sẽ khả thi hơn, là trước mắt sẽ cổ phần hóa một mạng viễn thông. Lâu nay, chủ trương cổ phần hóa MobiFone đã có nhưng do có nhiều nguyên nhân khách quan nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nhưng, nếu cổ phần hóa MobiFone và chỉ được giữ lại 20% vốn điều lệ, trong khi MobiFone với hoạt động kinh doanh hiệu quả với nguồn lợi nhuận rất lớn hiện nay, biết đâu VNPT sẽ chuyển sang cổ phần hóa VinaPhone?

4. Dự án sản xuất chip vi mạch lớn nhất Việt Nam

Ngày 24/11, lần đầu tiên, dự án nghiên cứu sản xuất chip vi mạch lớn nhất Việt Nam mang tên “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” do Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt đầu tư và ủy quyền cho Đại học Quốc gia Tp.HCM làm chủ đầu tư, với số vốn đầu tư gần 146 tỷ đồng chính thức được công bố.

Dự án này được thực hiện trong 4 năm nhằm thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi xử lý 32 bit công suất thấp và là loại công nghệ nhận dạng bằng song vô tuyến, có thể ứng dụng vào nền công nghiệp của Việt Nam. Dự án này được xây dựng trên nền tảng việc nghiên cứu và sản xuất thành công chip xử lý 32 bit đầu tiên “made in Vietnam” trước đó .

Chip VN1632 có khả năng đáp ứng yêu cầu của các hệ thống điều khiển phức tạp, đòi hỏi tốc độ cao như trong điện thoại di động, mã hóa, giải mã dữ liệu, thiết bị truyền thông, xử lý ảnh…; đồng thời có thể ứng dụng trong các thiết bị công nghệ phục vụ an ninh quốc phòng với khả năng bảo mật thông tin cao.

Mặc dù công nghệ sản xuất chip của Việt Nam “sinh sau đẻ muộn” hơn rất nhiều so với các nước phát triển nhưng chip 32 bit và dự án “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” được coi như những nấc thang góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghệ vi xử lý của Việt Nam.

5. Báo động tấn công vào các website Chính phủ

Trong năm 2011, rất nhiều website của Chính phủ bị đồng loạt tấn công, đặc biệt là vào thời điểm tháng 6 và tháng 7. Điển hình như đầu tháng 6/2011, các website của Việt Nam bị hacker nước ngoài tấn công tương đối mạnh, chỉ trong nửa tháng có tới 275 website bị tấn công. Tính đến tháng 12/2011, có khoảng 329 website tên miền .gov.vn (website của các cơ quan Chính phủ) bị tấn công.

Tỷ lệ các cuộc tấn công ở không gian mạng Việt Nam cũng tăng theo tỷ lệ thuận với sự phát triển của công nghệ thông tin. Hàng năm, số lượng các website bị tấn công đều tăng từ 2 - 3 lần so với các năm trước. Trong đó, hai hình thức tấn công là thay đổi giao diện website và tấn công từ chối dịch vụ. 

Mặc dù các cuộc tấn công trong năm 2011 gần như không gây ra thiệt hại gì đáng kể cho Việt Nam, tuy nhiên, tính chất của các cuộc tấn công mạng đã tạo lên sự quan tâm lớn của xã hội, là vấn đề đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho các website và các cổng thông tin điện tử của ta còn yếu và còn nhiều lỗ hổng.

6. Nhà nước chỉ nắm chi phối 5 doanh nghiệp viễn thông

Quyết định số 55/2011/QĐ-TTg về danh mục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do Nhà nước nắm cổ phần, vốn góp chi phối được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, điều đó có nghĩa, lĩnh vực viễn thông Việt Nam vốn chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước sẽ bắt đầu có sự chuyển đổi dần sang cổ phần, mua bán hay sáp nhập.

Vì thế, dự báo thời gian tới, thành phần tham gia thị trường viễn thông tại Việt Nam sẽ ngày càng đa dạng hơn, đặc biệt là khối các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh. Với quyết định trên, Chính phủ không chỉ tái cơ cấu, tập trung được nguồn lực kinh tế, tránh đầu tư quá nhiều không hiệu quả và giữ được những doanh nghiệp nòng cốt, đồng thời cũng thu hút được mọi nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia vào thị trường.

5 doanh nghiệp viễn thông hiện do Nhà nước nắm cổ phần trên 50% vốn điều lệ hoặc có phần vốn góp trên 50% vốn điều lệ, gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty TNHH Một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel) và Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương (Indochina Telecom).

7. An toàn cho cáp quang biển

Chỉ trong vòng một tháng, từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9, Việt Nam đã hai lần bị đứt cáp quang biển, gây ảnh hưởng đến tốc độ truy cập Internet của Việt Nam.

Cụ thể, ngày 30/8, tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) đã bất ngờ bị đứt làm toàn bộ nhánh cáp biển đi vào Việt Nam ở khu vực Vũng Tàu bị ngắt kết nối. Trước đó, ngày 8/3, tuyến cáp quang này cũng bị đứt. Sự cố này đã khiến tất cả lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang hoạt động trên tuyến này bị ảnh hưởng. 

Tới ngày 28/9, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản với tổng chiều dài 6.800 km cũng bị đứt đã gây ảnh hưởng đến tốc độ truy cập Internet của Việt Nam.

Đã có những ý kiến lo ngại, liệu vấn đề nằm ngoài yếu tố kỹ thuật mà có dấu hiệu của sự phá hoại? Trước nguy cơ này, mới đây, Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã ký kết thỏa thuận phối hợp và hợp đồng giám sát, bảo vệ tuyến cáp quang biển AAG và SMW3 trong vùng biển Việt Nam.

8. Beeline tái xuất trên đường đua

Sau khi được đối tác ngoại là tập đoàn VimpelCom của Nga bơm vốn đầu tư mới là 500 triệu USD và thay đổi tổng giám đốc, mạng di động Beeline đã thực sự quay trở lại thị trường (cuối tháng 6). Hơn hai tháng sau, mạng di động này đã khuấy động thị trường viễn thông di động và tạo ra cơn sốt trên thị trường với gói cước tỷ phú và điện thoại di động siêu rẻ.

Cụ thể, gói cước tỷ phú cho phép các thuê bao Beeline chỉ cần nạp tối thiểu 20.000 đồng là sẽ nhận 1 tỷ đồng gọi nội mạng và miễn phí cuộc gọi 30 ngày đầu tiên trong cùng hệ thống của Beeline. Trung bình mỗi ngày Beeline tặng cho khách hàng 270.000 đồng tiền khuyến mại gọi nội mạng (tương đương 200 phút).

Sau một tháng rưỡi kể từ khi mạng này tung ra chương trình gói cước tỷ phú và điện thoại siêu rẻ cho tới khi hết hạn đăng ký (từ giữa tháng 9/2011 đến hết 31/10), lượng thuê bao của Beeline đã tăng gần 400%.

Sự kiện này được coi như là cơn sóng đầu tiên trên thị trường viễn thông di động trong năm 2011, vốn không có nhiều sôi động, ồn ào với các chiến dịch giảm giá của nhà mạng như những năm trước đó. 

Ngày sau đó, một loạt nhà mạng lớn cũng tung ra các gói cước nội mạng với giá cước cũng siêu rẻ, như mạng Viettel với gói cước Cà chua xanh (Tomato Green) gọi siêu rẻ tới 50 đồng/phút, MobiFone với gói Alo 24/7 cho các thuê bao nhận được tin nhắn khuyến mại với mức cước trung bình từ 50 - 60 đồng/phút, và VinaPhone với gói cước nội mạng “gọi 10 phút”… nhằm để giữ chân khách hàng. 

9. “Miền đất hứa” viễn thông với nhiều lỡ hẹn

Thị trường viễn thông năm 2011 chứng kiến nhiều tham vọng tham gia thị trường cả khởi đầu cũng như chính thức đã bị lỡ hẹn. 

Đó là kế hoạch mua cổ phần EVN Telecom của Công ty Cổ phần FPT, của Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC), hay lại là sự lỡ hẹn lần nữa của MobiFone khiến công ty viễn thông Orange France Telecom (Pháp) thêm một năm “mòn mỏi” theo đuổi mua cổ phần. Và đặc biệt, kế hoạch cung cấp dịch vụ ra thị trường của mạng viễn thông di động thứ 8 tại Việt Nam - mạng Đông Dương Telecom - đã không trở thành hiện thực.

Thực tế, tham vọng và kế hoạch của những doanh nghiệp trên vẫn còn “nóng hổi”, điều đó dự báo, trong năm 2012, với chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, thị trường viễn thông dự định sẽ thực sự sôi động và có nhiều bất ngờ.

10. “Giấc mơ” nước mạnh về công nghệ thông tin

2011 cũng là năm đầu tiên bắt đầu triển khai đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, với những mục tiêu lớn như đưa Việt Nam lọt vào top 15 quốc gia dẫn đầu thế giới về dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số vào năm 2015, top 10 vào năm 2020; hỗ trợ những doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn mở rộng thị trường để vươn tầm khu vực và thế giới, hướng tới có một số doanh nghiệp đạt doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020…

Vì thế, liên tiếp nhiều cuộc hội thảo chuyên đề được quy mô quốc gia với nhiều đối tượng được tổ chức, như hội thảo với các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, viễn thông; với các doanh nghiệp công nghệ thông tin nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam; hội thảo về nguồn nhân lực… để bàn cách thực hiện thành công đề án.

Tuy nhiên, đến giờ, sau gần một năm thực hiện, theo một vị lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc triển khai đề án hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu và vẫn chưa có được những kết quả hứa hẹn. Vì thế, “giấc mơ” đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông nếu không có đường hướng chính sách và quyết tâm mạnh mẽ, có lẽ sẽ khó có được kết quả như mong muốn.