11:49 19/11/2008

WiMAX không chỉ là công nghệ

Các nhà cung cấp cho rằng họ đã đạt những bước tiến quan trọng trong việc triển khai WiMAX ở Việt Nam

Các em bé dân tộc H’mông ở bản Tả Van đến trường. Đây là nơi được chọn làm địa điểm triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 công nghệ WiMax tại Việt Nam.
Các em bé dân tộc H’mông ở bản Tả Van đến trường. Đây là nơi được chọn làm địa điểm triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 công nghệ WiMax tại Việt Nam.
Với những thành công ghi nhận được từ dự án WiMax thử nghiệm ở tỉnh Lào Cai trong hai năm qua và ở Festival Huế vào tháng 6 vừa rồi, các nhà cung cấp cho rằng họ đã đạt những bước tiến quan trọng trong việc triển khai WiMax ở Việt Nam.

Du khách dự Festival Huế hồi tháng Sáu năm nay đã có thêm sự thú vị bất ngờ. Họ có thể lướt web, chơi trò chơi điện tử, tán gẫu… khi đang dạo phố bằng xích lô hay du ngoạn trên sông Hương.

Để làm được điều này, Alcatel Lucent đã lắp đặt sáu trạm phát sóng WiMax và tích hợp vào các thiết bị đầu cuối như điện thoại thông minh, PDA, laptop… Nhờ hệ thống điểm truy cập Internet cố định và di động, du khách cũng có thể theo dõi cầu truyền hình trực tiếp, tìm đường với hệ thống bản đồ trực tuyến, tra cứu thông tin, gửi bưu ảnh, xem lại các sự kiện diễn ra trong suốt lễ hội…

Công nghệ WiMax (Worldwide Interoperability for Microwave Access) cung cấp các tiêu chuẩn giao diện vô tuyến cho việc truy nhập băng thông rộng không dây được các nhà cung cấp kỳ vọng sẽ thành công ở Việt Nam.

Sau hai năm thử nghiệm ở Lào Cai, dự án WiMax đầu tiên của Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn cung cấp. Một trạm phát sóng chính được đặt tại Bưu điện Lào Cai với khoảng 20 thiết bị thu tín hiệu đặt tại 19 địa điểm khác nhau, kết nối băng thông ở tốc độ 8MB/giây. Những điểm được triển khai là trường học, bưu điện, trung tâm y tế, quán cà phê WiFi...

Rất ít người dân miền núi Lào Cai biết mình đang sử dụng công nghệ viễn thông mới, đang được phát triển trên thế giới. Họ xem máy tính là công cụ hiện đại nhưng “cao siêu” mà mình không vươn tới được. Chính vì vậy, công nghệ mới nói chung hay WiMax nói riêng không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về công nghệ, mà còn là cơ hội để nâng cao dân trí.  

Ông Ray Owen, Tổng giám đốc Motorola Việt Nam, nhận định rằng hiện đã đến thời điểm thuận lợi để công nghệ băng thông rộng không dây thực sự đi vào đời sống ở một thị trường như Việt Nam.

WiMax là sự lựa chọn phù hợp cho việc phủ sóng băng thông rộng không dây ở các vùng không gian rộng, vùng sâu vùng xa và thay thế các tuyến cáp hữu tuyến ở các đô thị vốn tốn kém và mất mỹ quan. Để giải quyết được vấn đề này, nhiều công nghệ sẽ được ứng dụng, WiMax là một phần của sự lựa chọn đó. 

Chip WiMax đang phát triển

Điều ông Ray Owen nói chưa phải là bức tranh phổ biến về WiMax tại Việt Nam. Các dự án tại Việt Nam chỉ mới ở bước đầu thử nghiệm từ WiMax cố định sang WiMax di động và chưa tiến được vào thị trường thương mại.

Trong khi đó trên thế giới, WiMax được nhiều thị trường quan tâm vì chi phí băng thông rộng tính bình quân trên mỗi người sử dụng thấp và nó giải quyết được rào cản do sự phân tán dân cư về mặt địa lý tạo nên.  

Hãng nghiên cứu thị trường IDC nhận định ngành chip WiMax đang phát triển nhờ việc khai thác cơ sở hạ tầng hỗ trợ công nghệ này tăng nhanh. Dự báo vào cuối năm nay, khi Intel cho ra mắt dòng chip Montevina hỗ trợ công nghệ WiMax thì hoạt động này sẽ càng nhộn nhịp hơn.

Hàng loạt sản phẩm mới ra đời sẽ đẩy mạnh doanh thu của việc sản xuất bộ vi xử lý cho công nghệ kết nối WiMax, ước tính đạt 480 triệu Đô la Mỹ vào năm nay và tăng lên 1,2 tỷ Đô la Mỹ vào năm 2012.
 
Các nhà cung cấp thiết bị nhìn thấy xu hướng lớn mạnh của WiMax đã đưa ra các chiến lược mới về sản phẩm và thị trường. Điều này giúp cho thiết bị đầu cuối và các chi phí khác càng “tiệm cận” hơn với túi tiền của người nghèo, đối tượng chính của công nghệ mới.

Thị trường trở nên sôi động hơn khi nhiều nhà cung cấp như Asus, Acer, Toshiba, Lenovo, HTC Mobile, Motorola… tung ra các sản phẩm mới hỗ trợ WiMax như laptop, điện thoại, USB. Các bộ phận bán lẻ của các công ty viễn thông cũng đang tìm kiếm những phương thức mới để theo kịp nhu cầu tiêu dùng. Họ đưa ra nhiều gói dịch vụ kết hợp giữa máy tính, điện thoại và băng thông rộng.

Bỏ rào cản chi phí Internet

Ông Bernd Nordhausen, kiến trúc sư về giải pháp cao cấp của Chương trình Intel World Ahead, nhận định rằng chỉ có khoảng 5% hộ gia đình tại các thị trường mới nổi tại Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc là có máy tính trong khi châu Á có số lượng người sử dụng Internet lớn nhất thế giới.

Mật độ thấp chủ yếu là do chi phí truy nhập dịch vụ Internet còn cao và khả năng mua sắm máy tính của người dân còn nhiều hạn chế. Điều đó đã tác động tiêu cực đến thị trường, làm hạn chế động lực phát triển nội dung số và các ứng dụng Internet trong các doanh nghiệp.

“Sự hạn chế của băng thông đã cản trở các dịch vụ số đến được những hộ gia đình có thu nhập thấp tại các thị trường đang phát triển do quan niệm sai lầm rằng phân khúc thị trường này không đủ khả năng mang lại lợi nhuận,” Bernd Nordhausen nhận định.  

Theo ông Bernd Nordhausen, khi các dịch vụ Internet và máy tính có chi phí trở nên phù hợp hơn với các hộ gia đình có thu nhập thấp thì những mối hoài nghi về cơ hội kinh doanh từ việc kết nối những người sử dụng mới vào mạng cũng sẽ được xóa đi.

Khi rào cản chi phí về sự thâm nhập của máy tính và mạng Internet được gỡ bỏ, chúng ta sẽ có thể được chứng kiến sự gia tăng về số lượng doanh nhân và công ty mới khởi nghiệp chớp được lợi thế của nền kinh tế số đang phát triển này.

Cả chính phủ lẫn các nhà đầu tư sẽ quan sát những thị trường này một cách kỹ lưỡng, thực hiện các khoản đầu tư chiến lược để khuyến khích văn hóa kinh doanh và tạo ra những cơ hội tăng trưởng cho khu vực này.

Tuyết Ân (TBKTSG)