10:28 24/08/2018

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung “dậm chân tại chỗ”

An Huy

Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung kéo dài hai ngày vừa kết thúc ở Washington không đạt được bước tiến cụ thể nào

Những container hàng hóa ở một bến cảng ở Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 7/2018 - Ảnh: Reuters.
Những container hàng hóa ở một bến cảng ở Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 7/2018 - Ảnh: Reuters.

Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung kéo dài hai ngày vừa kết thúc ở Washington không đạt được bước tiến cụ thể nào cho việc xuống thang cuộc chiến tranh thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay, từ khi được công bố vào tuần trước, cuộc đàm phán ở cấp thấp hơn này đã vấp phải sự hoài nghi, từ cả giới chuyên gia kinh tế lẫn quan chức hai nước. Bởi vậy, việc cuộc đàm phán khép lại với kết quả gần như bằng 0 là điều không gây bất ngờ.

Theo lời mời của Mỹ, một đoàn quan chức Trung Quốc dẫn đầu bởi Thứ trưởng Bộ Thương mại Wang Shouwen đã tới Washington để đàm phán thương mại vào ngày thứ Tư và thứ Năm. Dẫn đầu các quan chức Mỹ tham gia cuộc đàm phán này là Thứ trưởng Bộ Tài chính David Malpass.

"Chúng tôi đã hoàn tất hai ngày thảo luận với các đối tác Trung Quốc và trao đổi quan điểm về làm thế nào để đạt được sự bình đẳng, cân bằng và có đi có lại trong mối quan hệ kinh tế, bao gồm thông qua việc giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu ở Trung Quốc", Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters nói với báo giới. "Chúng tôi đánh giá cao việc đoàn Trung Quốc tới Mỹ để tham dự các cuộc gặp này".

Những vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung trước đây đều có sự tham gia của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và các quan chức cấp cao hơn của Mỹ như Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross.

Bởi vậy, vòng đàm phán cấp thứ trưởng vừa diễn ra chỉ được coi như một sự "thăm dò lẫn nhau", thay vì nhằm đạt một thỏa thuận thực sự. Giới phân tích cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không cho rằng đây là thời điểm để nhượng bộ đối phương.

Vòng đàm phán này "không đúng cấp, đúng người và đúng lúc" - chuyên gia cấp cao Yun Sun thuộc Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson ở Washington nhận định.

Việc cuộc đàm phán thương mại "dậm chân tại chỗ" cũng cho thấy rằng, sự phản đối chiến tranh thương mại từ nhiều tổ chức đại diện doanh nghiệp Mỹ dường như không có nhiều tác động đến lập trường cứng rắn của Washington.

Trong ngày thứ Năm, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thêm bước leo thang mới khi hai bên áp thuế quan bổ sung 25% lên thêm 16 tỷ USD hàng hóa của nhau. Trước đó, hai nước đã áp thếu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của bên kia. Như vậy, mỗi bên đến nay đã chính thức đánh thuế bổ sung đối với 50 tỷ USD hàng hóa của nhau.

Trái với sự phản đối từ giới doanh nghiệp và ngành công nghiệp Mỹ, nông dân nước này vẫn dành cho ông Trump sự ủng hộ lớn. Một số cuộc khảo sát cho thấy thậm chí tỷ lệ nông dân ủng hộ ông Trump gần đây còn tăng ở một số tiểu bang, bất chấp việc Trung Quốc đánh thuế mạnh đậu tương Mỹ.

Sự trung thành của tầng lớp nông dân đối với ông Trump có thể sẽ được củng cố hơn nữa nhờ gói hỗ trợ 12 tỷ USD cho ngành nông nghiệp mà ông Trump thông qua vào tháng trước.

Theo dự kiến, Mỹ sẽ đạt một thỏa thuận với Mexico và Canada về Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) trong vài ngày tới. Giới phân tích cho rằng nếu Mỹ có được một thỏa thuận tốt hơn với Mexico và Canada, thì điều đó sẽ giúp ông Trump càng giữ vững lập trường cứng rắn trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.