09:39 02/12/2020

Đánh giá lại GDP: Kết quả và một số vấn đề đặt ra

Dương Ngọc

Đầu tiên là độ tin cậy của GDP và các chỉ tiêu có liên quan trước khi đánh giá và sau đánh giá lại

Đánh giá lại GDP là cần thiết, nhưng cần cung cấp thêm các chứng cớ xác thực, cần điều chỉnh số liệu lịch sử về quy mô GDP cùng các chỉ tiêu có liên quan. Các cơ quan có trách nhiệm cần rà soát lại những khoản còn sót để có giải pháp xử lý. Kế hoạch 2021-2025, Chiến lược 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 cần tính theo việc đánh giá lại này.

Cách đây vài năm, Tổng cục Thống kê đã công bố GDP đánh giá lại thời kỳ 2010-2017, từ 2018, 2019 chưa được công bố chính thức. Nhưng từ Niên giám thống kê 2019 (phần ghi chú ở biểu 78 - trang 208) và Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đưa ra ước tính GDP đánh giá lại (7,99 triệu tỷ đồng - tương đương 340 tỷ USD), có thể nhận diện kết quả và một số vấn đề đặt ra như sau.

NHỮNG NHẬN XÉT TỪ SỐ LIỆU THỐNG KÊ

Thứ nhất, quy mô của nền kinh tế Việt Nam đã cao hơn trước khi GDP đánh giá lại. Các chỉ tiêu tổng GDP tính bằng VND, USD; GDP bình quân đầu người tính bằng VND, USD; tổng GNI, tỷ lệ GNI/GDP, GNI bình quân đầu người tính bằng USD... cao lên, thể hiện Việt Nam không là một nền kinh tế nhỏ. Việt Nam sẽ có sức hấp dẫn hơn đối với thế giới về đầu tư trực tiếp, về thương mại, về lượng khách đến Việt Nam... 

Theo đó, khát vọng của Việt Nam đến năm 2025 (với mục tiêu có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp); đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao); đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao) mà Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đề ra có thêm tính khả thi....

Thứ hai, các chỉ tiêu về hiệu quả đầu tư (ICOR), mức năng suất lao động - các yếu tố liên quan đến chất lượng tăng trưởng - sau khi đánh giá lại cũng cao hơn trước khi đánh giá lại. Đây chính là tiềm năng để tăng trưởng kinh tế tính theo giá so sánh đạt cao hơn khi chưa đánh giá lại (2015 tăng 6,99% so với 6,68%, 2016 tăng 6,69% so với 6,21%, 2017 tăng 6,94% so với 6,69%...).

Thứ ba, nhiều chỉ tiêu có liên quan (nhất là chỉ tiêu số 8- tỷ lệ so với GDP) tính theo GDP đánh giá lại đều thấp xuống so với trước khi đánh giá lại. Điều này phản ánh dư địa (tiềm năng) của các chỉ tiêu này vẫn còn không nhỏ mà thời gian tới cần có các giải pháp khai thác tốt hơn.

Thứ tư, việc đánh giá lại GDP và các chỉ tiêu có liên quan, nhất là năm gốc so sánh 2020 được dùng làm cơ sở cho việc xây dựng các chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm (2021-2025), Chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ năm, việc đánh giá lại GDP và các chỉ tiêu có liên quan của Việt Nam sẽ làm cơ sở để so sánh các chỉ tiêu của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới, phục vụ cho việc so sánh, đánh giá ở trong nước và quốc tế.

ĐỘ TIN CẬY CỦA GIÁ TRỊ GDP

Vấn đề đầu tiên là độ tin cậy của GDP và các chỉ tiêu có liên quan trước khi đánh giá và sau đánh giá lại. Trước khi đánh giá lại đã bỏ sót khá lớn thể hiện ở chênh lệch về GDP sau khi đánh giá lại so với trước khi đánh giá lại qua các năm (2010 là 27%, 2011 là 27,33%, 2012 là 25,53%, 2013 là 24,9%, 2014 là 25,38%, 2015 là 23,83%, 2016 là 25,11%, 2017 là 25,72%, 2018 là 25,2%, 2019 là 26,79%, khả năng năm 2020 là 24,2%). 

Chênh lệch (sai số) trong thống kê là khó tránh khỏi, khi trong điều tra chọn mẫu phải suy rộng từ mẫu điều tra còn nhỏ ra toàn bộ nền kinh tế (theo lý thuyết toán học là ±5%); cộng với sai số do các yếu tố khác, như đối tượng điều tra cung cấp không đúng, một số ngành, lĩnh vực nhạy cảm mà nhiều nước và Việt Nam lâu nay không thống kê hoặc không thống kê được (nhất là kinh tế ngầm, tệ nạn xã hội...) nhưng mức độ sót lên đến trên dưới 1/4 tổng quy mô thì quá lớn.

Luật Thống kê đã được Quốc hội ban hành từ cách đây trên 15 năm và sửa đổi cách đây trên 5 năm cần được ngành Thống kê và các ngành, các cấp nghiêm chỉnh chấp hành để giảm thiểu chênh lệch (sai số). Không thể coi thường số liệu thống kê, khi số liệu thống kê không chỉ phục vụ cho việc đánh giá, lập kế hoạch, xây dựng quy hoạch, đề ra chính sách... mà còn phục vụ sự giám sát của Quốc hội, của các tổ chức chính trị, xã hội...

Vấn đề thứ hai, đây chỉ là sự đánh giá lại các hoạt động thực tế đã diễn ra, quy mô kinh tế tăng lên chỉ là về mặt tính toán, chứ không phải là sự tăng thực tế, là thành tích, khi so sánh với các thời kỳ trước khi đánh giá lại, hay khi so sánh với khu vực, với châu Á và thế giới.

Vấn đề thứ ba, khi đánh giá lại, thì nhiều chỉ tiêu so với GDP đánh giá lại sẽ thấp xuống, nhất là các chỉ tiêu về thu/chi ngân sách, bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, dư nợ tín dụng.

Thu ngân sách/GDP trước khi đánh giá lại từ năm 2011 trở về trước thuộc loại cao (như năm 2010 lên đến 27,8%); với chủ trương "khoan thư sức dân", tỷ lệ này đã giảm xuống trong 4-5 năm sau. Nhưng từ năm 2016, tỷ lệ trên đã vượt qua mức 25%- thuộc loại cao so với chủ trương "khoan thư sức dân". 

Tuy nhiên, thu ngân sách/GDP theo GDP đánh giá lại chỉ còn trên dưới 20% - lại thuộc loại thấp. Thời gian tới cần rà soát để mở rộng cơ sở thuế (đối với những đơn vị bỏ sót), rà soát doanh thu, thu nhập để tính đúng, tính đủ số thu cho ngân sách. Mặt khác, có thể nghiên cứu để giảm tỷ suất thuế tính trên doanh thu, tỷ suất thuế tính trên thu nhập, hạn chế tình trạng chồng thuế để "khoan thư sức dân", "nuôi dưỡng nguồn thu".

Tỷ lệ chi ngân sách/GDP trước khi đánh giá lại và sau khi đánh giá lại GDP nói chung còn cao, chủ yếu do 3 nguyên nhân: chi thường xuyên còn chiếm tỷ trọng cao; chi đầu tư phát triển còn lãng phí, thất thoát và nhà nước còn ôm đồm; chi trả nợ lãi và vốn gốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu, tổng chi ngân sách (chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao, chủ yếu do tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng, nấc, số lượng người hưởng lương ngân sách quá nhiều (trong khi mức lương thấp). Chi đầu tư phát triển bị phân tán, dàn trải, bị co kéo; giải phóng mặt bằng chậm; lãng phí thất thoát lớn; chậm đưa vào sử dụng, sản xuất kinh doanh và sự ôm đồm của nhà nước. Trong khi hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực nhà nước thấp nhất trong 3 nguồn (nhà nước, ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP sau khi đánh giá lại thấp hơn trước khi đánh giá lại. Dù thấp hơn, nhưng bội chi thể hiện hiệu quả đầu tư thấp, trong điều kiện trả nợ lãi và vốn gốc hiện đã ở mức cao, là nguy hiểm.

Dư nợ tín dụng/GDP sau khi đánh giá đã thấp hơn trước khi đánh giá lại, nhưng vẫn còn ở mức trên 100%, cao gấp rưỡi, gấp đôi tỷ lệ của nhiều nước. Đây là một trong những yếu tố tiềm ẩn của nợ xấu, yếu tố trực tiếp của lạm phát và của một số bất ổn vĩ mô khác.