21:25 24/10/2017

Đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông "không thể trì hoãn"

Hà Vũ

Chính phủ đánh giá, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 4 - 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 làn xe - Ảnh minh họa.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 4 - 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 làn xe - Ảnh minh họa.

Việc đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là không thể trì hoãn, theo Chính phủ.

Lý do cần thiết

Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vừa được Chính phủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Chính phủ cho biết, chủ đầu tư giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Bộ Giao thông vận tải. Đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI). 

Địa điểm nghiên cứu gồm 32 tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tp.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Sự cần thiết không thể trì hoãn của dự án được Chính phủ nêu tại tờ trình, trước hết để cải thiện năng lực cạnh  tranh của nền kinh tế.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỷ lệ các công trình hiện đại (như hệ thống đường cao tốc) còn thấp so với các nước trong khu vực và được xác định là điểm nghẽn của quá trình phát triển, theo Chính phủ.

Tờ trình dự án cũng nêu rõ, hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Tp.HCM, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long nên có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. 

Tờ trình cũng dẫn kết quả  nghiên cứu của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. 

Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, việc đầu tư ngay một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là không thể trì hoãn, Chính phủ thêm môt lần nhắc lại.

4 - 8 làn xe

Về thứ tự ưu tiên đầu tư, tờ trình cho biết các đoạn sắp xếp theo nhu cầu vận tải từ cao đến thấp như sau: Cao Bồ (Nam Định) - Nghi Sơn (Thanh Hóa); Dầu Giây (Đồng Nai) - Phan Thiết (Đồng Nai); cầu Mỹ Thuận 2 (nối Tiền Giang và Vĩnh Long); Phan Thiết (Đồng Nai) - Nha Trang (Khánh Hòa); Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh); Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế); Hàm Nghi (Hà Tĩnh) - Vũng Áng (Hà Tĩnh); La Sơn (Thừa Thiên Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng); Tuy Hòa - Nha Trang; Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Hàm Nghi (Hà Tĩnh), Quy Nhơn - Tuy Hòa, Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Quy Nhơn và Cần Thơ - thành phố Cà Mau.

Giai đoạn từ năm 2017 - 2020: đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2. Giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe.

Giai đoạn sau 2025 đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - thành phố Cà Mau.

Về quy mô, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 4 - 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 làn xe.

Chính phủ dự kiến giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án thành phần đầu tư tư theo hình thức BOT.  Tổng diện tích chiếm dụng khoảng 3.736 ha. Tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 8.200 hộ, số hộ dự kiến tái định cư khoảng 2.020 hộ. Sơ bộ tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (xác định theo mặt bằng giá quý 2/2017) khoảng 14.155 tỷ đồng

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng (xác định theo mặt bằng giá quý 2/2017).

Nguồn vốn thực hiện dự án được nêu tại tờ trình là từ nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn do nhà đầu tư huy động. 

Cụ thể, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án quan trọng quốc gia thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng, bao gồm: vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.

2021 hoàn thành 

Dự án dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành năm 2021.

Tờ trình nêu rõ, các chỉ tiêu đánh giá cho thấy dự án mang lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh những lợi ích có thể định lượng được để tính toán hiệu quả kinh tế, việc đầu tư dự án còn mang lại nhiều lợi ích nhưng không định lượng được như giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông; hạn chế tác động môi trường thông qua giảm lượng khí thải và tiếng ồn; trực tiếp tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội…

Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào kinh doanh khai thác (khoảng 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km) và mức giá cụ thể cho từng thời kỳ trong vòng đời dự án làm cơ sở tính toán phần vốn góp của Nhà nước và xác định giá gói thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Theo nghị trình, phiên bế mạc kỳ họp thứ tư chiều 24/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.