16:13 16/01/2018

Đề xuất cho thống kê hoạt động kinh tế phi pháp, kinh tế ngầm vào GDP

KIỀU LINH

Tổng cục Thống kê đề xuất điều chỉnh quy mô GDP, đo đếm kinh tế phi pháp, kinh tế ngầm vào GDP.

Sẽ thống kê hoạt động kinh tế phi pháp, kinh tế ngầm vào GDP.
Sẽ thống kê hoạt động kinh tế phi pháp, kinh tế ngầm vào GDP.

Tại hội nghị tổng kết ngành Kế hoạch và Đầu tư diễn ra chiều 15/1, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết, GSO sẽ điều chỉnh quy mô GDP trên cơ sở kết quả của Tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2017.

Bên cạnh đó, GSO cũng sẽ trình Thủ tướng phê duyệt thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. 

Khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: Hoạt động kinh tế ngầm; Hoạt động kinh tế phi pháp; Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; Hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; Hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.

Ông Lâm cho biết, hoạt động kinh tế ngầm bao gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm một cách chủ ý nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, với người lao động và với xã hội và tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính như thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê.

Hoạt động kinh tế phi pháp bao gồm các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm như sản xuất và buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm,…; các hoạt động kinh tế hợp pháp không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép thực hiện.

Việc đưa các thành tố trên đo đếm vào GDP sẽ thu thập đầy đủ thông tin của các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra và ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế nhưng chưa được đo lường và tính toán đầy đủ trong GDP.

Mặc dù vậy, theo ông Lâm, hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế phi pháp rất khó cho cơ quan thống kê thu thập thông tin để tính toán.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cam kết, trong quý 1/2018, sau khi Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Thống kê hứa với Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng với các Bộ, ngành và địa phương tìm giải pháp có tính khả thi để triển khai thực hiện, sẽ từng bước tính toán đầy đủ hơn quy mô chỉ tiêu GDP trong những năm tới.

Nhân dịp này, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng khẳng định, phương pháp biên soạn chỉ tiêu GDP và GRDP của Việt Nam thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và của Thống kê Liên hợp quốc; theo đúng phương pháp khoa học, được quốc tế công nhận. Vì vậy số liệu GDP do cơ quan này biên soạn là chính xác, tin cậy.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê tại hội nghị cũng cho thấy, năm 2017 ngành thống kê thực hiện 28 cuộc điều tra thống kê tổng điều tra kinh tế, góp phần đánh giá chính xác các chuyển biến của nền kinh tế và dự báo sớm các diễn biến của nền kinh tế, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gửi Chính phủ.

Các bộ, ngành hầu hết tham gia, phối hợp cung cấp dữ liệu đầy đủ cho cơ quan thống kê. Tuy nhiên, có 5 bộ, ngành chậm trễ chia sẻ thông tin thống kê theo chỉ đạo, gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Trước sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện việc chia sẻ thông tin từ dữ liệu hành chính, nhất là 5 đơn vị nêu trên.

Trong đó, Bộ Tài chính cần thực hiện cung cấp các số liệu (dự toán, ước tính, quyết toán) về thu, chi ngân sách, thuế sản phẩm, thuế xuất nhập khẩu trên địa bàn phân bổ theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cung cấp số liệu lao động của các công ty bảo hiểm và môi giới bảo hiểm phân tổ theo loại hình doanh nghiệp và theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thống kê kiến nghị cung cấp dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng, tốc độ tăng dư nợ tín dụng so với cuối năm trước và cùng kỳ năm trước của các tổ chức tín dụng và số dư huy động vốn của các tổ chức tín dụng phân tổ theo ngành kinh tế và theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê đề nghị thực hiện cung cấp bổ sung số liệu thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi bảo hiểm xã hội, chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phân tổ theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.