13:05 09/05/2021

Nhân lực ngành dệt may thiếu hụt trầm trọng, doanh nghiệp cần có giải pháp căn cơ

Hương Loan

Từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp dệt may có nhiều khởi sắc về đơn hàng, thị trường xuất khẩu, nên nhu cầu tuyển dụng thêm lao động khá lớn. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn trong tuyển dụng và phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong báo cáo về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam trong quý 1 của Công ty Navigos Search nhận định, hiệu lực của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là EVFTA (FTA Việt Nam – EU) tuy chưa thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu do Covid-19 gây ra nhưng đã đem lại những tác dụng đáng kể trong việc tăng các đơn hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng tại Myanmar đã khiến các đơn hàng đổ về Việt Nam nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng các vị trí trong ngành dệt may tăng lên, đặc biệt trong tháng ba.

NHU CẦU TUYỂN DỤNG TĂNG 50-60%

Những lợi thế trên đã giúp nhu cầu tuyển dụng trong ngành dệt may tăng khoảng 50-60% so với cùng kỳ năm 2020, nhất là đối với các vị trí quản lý cấp trung và cấp cao. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), sau đợt cắt giảm lao động năm 2020, ngành dệt may giờ chật vật tuyển lại vì lao động về quê không trở lại hoặc đi bán hàng online.

 

"Hoạt động kinh tế tự do đang nổi lên thời gian gần đây là bán hàng trực tuyến. Một số lao động nữ giờ chọn bán hàng online chứ không muốn làm việc ở khu công nghiệp”

Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Vitas  

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 200 nhà máy may. Theo Vitas Thanh Hóa, số lao động đang làm việc trong các nhà máy may tại Thanh Hóa mới chỉ đáp ứng khoảng 60-70% công suất thiết kế của các nhà máy, nên nhu cầu tuyển dụng lao động tại các đơn vị là rất lớn.

Hiện đã xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số doanh nghiệp dệt may ở Tp. Thanh Hóa, Bỉm Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống, Yên Định. Tính chung ngành dệt may và da giày, chỉ từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hai lĩnh vực này của Thanh Hoá đã đăng ký tuyển dụng tới gần 10.000 vị trí việc làm. Song, số lượng lao động tuyển dụng được lại không nhiều.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cũng thừa nhận, lao động dệt may luôn thiếu hụt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thiếu lao động sau Tết là vấn đề thường niên, nhưng sang năm 2021, lượng hàng dịch chuyển về Việt Nam từ cuối quý 1 – 3 tăng khá nhiều. Hiện đơn hàng veston của May 10 mới hồi phục 50%, còn mặt hàng sơ mi đã có đơn hàng đến hết quý 3/2021, vì thế nhu cầu tuyển dụng lao động bổ sung vào May 10 lại càng lớn.

Đến hết quý 1/2021, số lao động ở May 10 tuyển dụng vào khoảng 10% nhưng số lao động nghỉ việc cũng tương ứng, thậm chí còn cao hơn. Như vậy, May 10 vẫn đang thiếu hụt rất lớn số lao động để đáp ứng lượng hàng tăng đột biến này. Với việc mở rộng xí nghiệp, năm 2021 May 10 mong muốn tuyển dụng 3.000-5.000 lao động nữa, song điều này khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay.

VÌ SAO NGÀNH DỆT MAY KHÓ THU HÚT LAO ĐỘNG?

Có nhiều nguyên nhân khó thu hút lao động tham gia vào ngành dệt may được các chuyên gia đưa ra, đó là do mức tiền lương, chế độ phúc lợi mà các doanh nghiệp đưa a vẫn chưa hấp dẫn người lao động. Trong khi số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều đã tạo ra sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường lao động.

 

Trước kia, đào tạo nghề may mất 18 tháng, sau đó rút xuống 12 tháng và giờ là 6 tháng. Hiện ngành may cũng có những môn đào tạo chỉ trong 2 tuần hoặc 1 tháng là người lao động có thể làm được theo từng công đoạn. Trong khi đó, các ngành điện tử, bán lẻ, dịch vụ... thì áp lực đào tạo nghề với lao động trẻ không cao, chỉ trong 1 tuần có thể làm việc ngay.

Theo lãnh đạo Tổng công ty May 10, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập, môi trường làm việc, cơ hội phát triển của người lao động. Tuy nhiên, mức lương trả cho lao động ngành may hiện không hề thấp, ở mức trung bình khá. Bên cạnh đó, môi trường, điều kiện làm việc, phúc lợi xã hội cũng đều ở mức cao, hợp lý.

Ông Việt phân tích cụ thể hơn, yếu tố lao động trong ngành may chuyển nghề cũng như lao động mới không muốn vào làm việc trong ngành may có lẽ là do cơ cấu ngành nghề. Bởi họ cho rằng ngành may chịu áp lực về thời gian, dây chuyền sản xuất, đào tạo nghề cho một công nhân may.

Trước kia, đào tạo nghề may mất 18 tháng, sau đó rút xuống 12 tháng và giờ là 6 tháng. Hiện ngành may cũng có những môn đào tạo chỉ trong 2 tuần hoặc 1 tháng là người lao động có thể làm được theo từng công đoạn. Trong khi đó, các ngành điện tử, bán lẻ, dịch vụ... thì áp lực đào tạo nghề với lao động trẻ không cao, chỉ trong 1 tuần có thể làm việc ngay.

Bên cạnh đó, ông Việt cho rằng có thể do thời gian làm việc cũng khiến người lao động không mặn mà với dệt may. Những tháng thấp điểm thì ít việc, tháng cao điểm có thể phải làm thêm. Trong khi đó, đa số lao động dệt may là nữ. Cộng với kinh tế phát triển, phụ nữ muốn có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, con cái hơn.

Hiện nay mức thu nhập bình quân của May 10 trước dịch Covid (năm 2019) là trên 8 triệu đồng/người/tháng. Khi dịch bùng phát, mức lương giảm còn 7.900.000 đồng/người/tháng. Ông Việt cho biết: “Mức lương này tuy không cao nhưng cũng không thấp trong điều kiện làm việc rất tốt cho lao động hiện nay ở May 10 như không làm thêm giờ nhiều, môi trường làm việc có hệ thống làm mát, chế độ phúc lợi tốt như ăn ca, khám sức khoẻ định kỳ 2 lần/năm, có nhà trẻ, trường mầm non chăm sóc con em lao động, có ký túc xá người lao động ở xa...”.

“Để ổn định về mức lương trong nghề may, lao động phải có ít nhất 3-4 năm trong nghề, tay nghề tốt và vững. Thu nhập bình quân của May Hưng Yên 9-10 triệu đ/tháng, nhưng lao động mới chỉ có 5-6 triệu đồng. Trong khi nghề may đòi hỏi tay nghề khéo léo, tỉ mỉ. Vì thế chuyện lao động đi – về là bình thường”. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, cho biết sự cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp trong ngành và giữa doanh nghiệp dệt may với các lĩnh vực khác cũng cao. Nói riêng trong ngành dệt may, khi doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, họ thu hút những lao động giỏi với mức lương hấp dẫn. Một số lao động có tay nghề tốt như chuyền trưởng, phó; nhóm trưởng, phó... bị doanh nghiệp mới lôi kéo như ở Bắc Giang, Hưng Yên.

TÌM CÁCH GIỮ CHÂN NGƯỜI LAO ĐỘNG 

Đứng trước khó khăn về lao động ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may, thêu đan Tp.HCM, cho rằng giải pháp trong thời gian tới là doanh nghiệp trong ngành nên đầu tư thêm máy móc tự động để thay thế số lượng lao động bị sụt giảm, đồng thời đào tạo tay nghề cho lao động để nâng cao năng suất. 

Nhiều chuyên gia nhận định trong giai đoạn tới ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động. Để giải quyết bài toán này, theo các chuyên gia cần cấp phép các dự án sử dụng nhiều lao động theo quy hoạch, tránh xung đột cạnh tranh lao động không lành mạnh. Mặt khác, bản thân mỗi doanh nghiệp dệt may cũng cần chủ động đổi mới công tác quản lý, đầu tư thêm máy móc, thiết bị công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động. Quan tâm thực hiện tốt chế độ đãi ngộ, thu nhập cho công nhân... Có như vậy, mới thu hút và giữ chân người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Để giữ chân người lao động, ông Dương nhấn mạnh, thay đổi thiết bị công nghệ sản xuất, may, cắt tự động, nâng cao đời sống người lao động tốt lên, thời gian làm việc hợp lý. Như vậy, sẽ tăng cơ hội giữ chân cũng như tuyển dụng thêm người lao động.

Theo Liên đoàn Lao động các tỉnh, các doanh nghiệp cần chủ động có nhiều biện pháp, cách làm cụ thể để giữ chân người lao động. Trong đó, cần quan tâm đến việc chăm lo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động về các vấn đề lương, thưởng, chế độ làm thêm giờ, phụ cấp thâm niên...

Box: Các doanh nghiệp cần chủ động có nhiều biện pháp, cách làm cụ thể để giữ chân người lao động. Trong đó, cần quan tâm đến việc chăm lo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động về các vấn đề lương, thưởng, chế độ làm thêm giờ, phụ cấp thâm niên...