14:29 24/01/2013

Giải cứu bất động sản: “Càng can thiệp, coi chừng càng rối”

Nguyên Thảo

Thông điệp chính sách phá băng thị trường bất động sản chưa đủ sức thuyết phục

Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn cả về quy mô và mức độ "giá băng" của thị trường bất động sản.
Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn cả về quy mô và mức độ "giá băng" của thị trường bất động sản.
Không ít cảnh báo đã được đưa ra với cùng quan ngại “càng can thiệp, coi chừng càng rối” của Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch tại phiên giải trình do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 24/1 về thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Hàng trăm trang báo cáo với sự đăng đàn trọn buổi sáng của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng sự "chia lửa" của đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa làm tăng niềm tin của nhiều vị đại biểu Quốc hội vào sự ấm lên của thị trường bất động sản. Và thông điệp chính sách, đương nhiên cũng chưa đủ sức thuyết phục.

Ai làm thị trường bất động sản đóng băng?

Cầm trên tay bản báo cáo 29 trang của Bộ Xây dựng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh cho rằng việc xác định nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự trầm lắng của thị trường bất động sản chưa chuẩn, từ đó cách tiếp cận chưa thuyết phục.

Báo cáo nói thị trường phát triển thiếu quy hoạch, mất cân đối, cung vượt quá cầu vậy lúc các doanh nghiệp đổ xô kinh doanh bất động sản thì ai cấp phép? Làm rõ điều này là hết sức cần thiết, đề nghị làm rõ trách nhiệm ai làm thị trường bất độnng sản đóng băng để giờ phải lo giải cứu, ông Minh nói.

Bàn đến giải pháp làm ấm thị trường, đại biểu này cũng quan ngại, nếu ngân hàng cho vay  bằng lãi suất huy động cộng ba phần trăm cho nhà đầu tư, hoặc cộng một phần trăm cho người mua nhà thì cũng không khả thi. Nhà một tỷ đồng mỗi năm phải trả 100 triệu lãi vay thì người thu nhập thấp làm gì có tiền mà mua nhà, khi đó không giải cứu được thị trường, nợ xấu chồng lên nợ xấu thì tính tới chưa, ông Minh tiếp tục đặt câu hỏi.

Trước đại biểu Minh, câu hỏi về trách nhiệm cũng đã được các đại biểu Nguyễn Thị Khá, Trần Du Lịch đề cập. Và câu trả lời của Bộ trưởng Dũng là "trách nhiệm của quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Xây dựng".

Tuy nhiên, ông Dũng cũng phân trần rằng bất động sản là thị trường còn rất non trẻ, kinh nghiệm còn rất thiếu.

Liên quan đến quản lý giá thành và chính sách tín dụng của đại biểu Minh, Bộ trưởng quả quyết việc kiểm soát giá với nhà ở xã hội không khó và giá sẽ thấp hơn giá nhà thương mại cùng loại. Ông cũng đồng tình "nếu giá nhà 1 tỷ thì dân khó mua  thật, nên mong muốn là 500 triệu đồng trở lại thôi".

Chữa bệnh mà không rõ bệnh

Mặc dù tài liệu phục vụ phiên giải trình bên cạnh báo cáo của Bộ Xây dựng còn có của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và thêm cả ba thành phố đầu tàu Bắc - Trung - Nam song nhiều ý kiến vẫn băn khoăn cả về quy mô và mức độ "giá băng" của thị trường bất động sản.

Nêu các con số về nợ xấu liên quan đến bất động sản khác xa nhau, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Trần Xuân Hòa bình luận thực trạng thị trường còn là điều bí ấn, vậy nên việc  giải cứu giống như đang chữa bệnh mà không biết bệnh nhân có bệnh gì.

Một số ý kiến cũng đặt vấn đề liệu có nên giải cứu thị trường hay không. Khi lãi khủng các doanh nghiệp địa ốc có quan tâm đến nhà cho người thu nhập thấp không, đại biểu Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi.

Đại biểu Hòa cũng băn khoăn rằng tại sao cung đã vượt cầu mà giá không giảm, trong khi dư luận cho rằng đang có thế lực cố tình kìm giữ để trông chờ vào sự giải cứu nhà nước.

Với phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam thì cái khó là làm thế nào bóc gỡ tham nhũng và giá trị ảo để giải cứu được, không thể và không đủ sức đủ sức giải cứu thì hãy để thị trường tự điều tiết có lợi cho dân hơn, ông Nam tỏ rõ quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa  vẫn băn khoăn cách tiếp cận vấn đề thiên về phía cung nhiều hơn và lo lắng nhiều quá về hàng tồn kho. Nên tiếp cận từ phía cầu, cân nhắc đầy đủ hơn để chính sách tác động đúng mới tháo gỡ được, ông Hòa đề nghị.

Ở phần trả lời, hơn một lần bộ trưởng Dũng khẳng định chính sách tháo gỡ khó khăn không chỉ dành cho doanh nghiệp mà hoàn toàn vì tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Bảo vệ lợi ích doanh nghiệp cũng là bảo vệ lợi ích của dân, ngân hàng cũng được lợi và cuối cùng là ổn định vĩ mô, ông Dũng nói.

Ông cũng nhiều lần nhấn mạnh đến trách nhiệm của các địa phương trong quy hoạch và kiểm tra kiểm soát vì phần lớn các dự án đã phân cấp. Năm 2013 tình hình còn rất khó khăn nhưng nếu các địa phương quyết liệt thì bất động sản sẽ ấm dần lên, Bộ trưởng lạc quan.

Tuy nhiên, ở lần thứ hai đứng dậy sau khi nghe khá nhiều câu trả lời của bộ trưởng, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nếu chưa làm rõ được bao nhiêu luật đang chi phối thị trường xem bất cập chỗ nào và bàn cách sửa thì e càng can thiệp coi chừng càng rối.

Tán đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho đây là việc rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn một cách căn cơ và tăng cường quản lý nhà nước với thị trường bất động sản.