14:19 15/06/2010

Hà Nội đề xuất "khoanh vùng" xây nhà cao tầng

Bảo Anh

Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân vùng và định hướng phát triển cao tầng trong khu trung tâm thành phố

Nhiều dự án cải tạo chung cư cũ bị đình lại vì chỉ đạo dừng xây nhà cao tầng khu trung tâm của Thủ tướng.
Nhiều dự án cải tạo chung cư cũ bị đình lại vì chỉ đạo dừng xây nhà cao tầng khu trung tâm của Thủ tướng.
Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân vùng và định hướng phát triển nhà cao tầng trong khu trung tâm thành phố.

Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, việc phát triển nhà cao tầng cần phải theo nguyên tắc không gia tăng dân số, không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, khuyến khích chuyển đổi chức năng sử dụng đất cho các nhu cầu công cộng, công viên, cây xanh, vườn hoa, bãi đỗ xe và các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội cùng các tiện ích đô thị khác.

Cụ thể, đối với khu vực trung tâm thành phố gồm bốn quận nội thành cũ như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và khu vực bên trong đường vành đai 2, thành phố Hà Nội đề xuất phân vùng thành ba khu vực kiểm soát phát triển nhà cao tầng.

Khu vực thứ nhất là khu đặc thù: đây là khu vực không xây dựng nhà cao tầng bao gồm trung tâm chính trị Ba Đình, một số tuyến phố cổ, hồ Gươm, thành cổ và khu vực an ninh quốc phòng, ranh giới giáp các phố Phan Đình Phùng, Trần Phú, Điện Biên Phủ...

Khu vực thứ hai là khu kiểm soát đặc biệt: khu này cần hạn chế xây dựng nhà cao tầng, quản lý kiểm soát cao tầng bao gồm xung quanh hồ Trúc Bạch cho đến bắc  Phan Đình Phùng và Yên Phụ; giới hạn bởi phố Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ và Nguyễn Thái Học; phần còn lại của quận Hoàn Kiếm ngoại trừ khu phố cổ và khu vực hồ Gươm.

Khu vực thứ ba, khu vực phát triển có điều kiện là các khu vực còn lại trong khu trung tâm đến đường vành đai 2 gồm phía tây quận Ba Đình từ đường Kim Mã đến đường ven hồ phía Nam hồ Tây, Bưởi, Đào Tấn - Kim Mã; khu vực còn lại của toàn trung tâm được giới hạn từ đường vành đai 2 gồm đường Láng - Trường Chinh - Đại La - Minh Khai, Nguyễn Khoái, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Quốc Tử Giám - Cát Linh, Kim Mã - Đào Tấn, Bưởi.

Kết quả khảo sát cho thấy, hiện thành phố đang có 233 dự án nhà cao tầng đang triển khai tại 4 quận trung tâm kể trên (trong đó quận Hoàn Kiếm có 19 dự án; quận Hai Bà Trưng có 53 dự án; quận Ba Đình có 60 dự án; quận Đống Đa có 91 dự án).

Đối với những dự án thuộc khu vực mà Thủ tướng chỉ đạo dừng xây dựng các tòa nhà cao tầng tại khu vực trung tâm, UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai đối với các dự án công trình cao tầng đã được cấp phép xây dựng, chưa thi công; đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và quy mô công trình, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc; đã được thỏa thuận quy hoạch và phương án kiến trúc hoặc đã hoàn tất thủ tục về đất đai, nghĩa vụ tài chính và đang thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, “lệnh cấm” mà thành phố ban hành trong thời gian qua không có nghĩa sẽ không có nhà cao tầng mới tiếp tục xuất hiện ở bốn quận trung tâm thành phố. Sắp tới thành phố cũng sẽ có những phương án xử lý cụ thể đối với 233 dự án nhà cao tầng kể trên.
 
Đối với các dự án công trình cao tầng chưa xác nhận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sẽ được thành phố xem xét cụ thể. Các dự án mới sẽ được xem xét cụ thể trên cơ sở phù hợp quy định phân vùng và định hướng phát triển công trình cao tầng trong khu trung tâm.
 
Ông Tuấn cũng cho biết, chủ trưởng của thành phố đối với những dự án phù hợp không gian, cảnh quan chung sẽ vẫn được xây dựng bình thường. Riêng khu vực chung cư cũ vẫn có thể được xây nhà cao tầng theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất nhưng không làm tăng dân cư và phải phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và điều kiện không gian.