10:36 19/05/2010

Khi đất Ba Vì tăng giá: Lo “hậu” cơn sốt

Bảo Anh

Chuyện “sốt” đất ở Ba Vì và các khu vực lân cận là chuyện có thật, chứ không hẳn chỉ do “cò” dựng lên

Những khu đất như thế này xưa nay chỉ để trồng rừng, nay đã được chia nhỏ cho các chủ mới với tường rào vây quanh chắc chắn.
Những khu đất như thế này xưa nay chỉ để trồng rừng, nay đã được chia nhỏ cho các chủ mới với tường rào vây quanh chắc chắn.
Chuyện “sốt” đất ở Ba Vì và các khu vực lân cận là chuyện có thật, chứ không hẳn chỉ do “cò” dựng lên.

Chuyên đề: Quy hoạch Thủ đô

Tuy nhiên, nếu một mai cơn sốt có lắng xuống, kết cục gì sẽ xảy ra với những người nông dân nơi đây, cũng như với những người đang có ý định đầu tư lẫn ai đã mua đất tại khu vực này?

“Tiền không còn là tiền”

Rời xã Phú Cát (Quốc Oai), chúng tôi ngược miền sơn cước để tiếp tục tìm hiểu cơn sốt đất ở khu vực mà theo như lời một cán bộ quy hoạch cấp bộ sẽ là “trung tâm của trung tâm hành chính quốc gia sau này”.

Địa điểm đó là xã Yên Bài, thuộc địa phận Ba Vì, cách ngã ba Láng - Xuân Mai chừng hơn 20 km theo hướng ngược phía Tây vào sườn núi, với những đồi chè xanh mướt như tranh vẽ.

Dù được mệnh danh là “trung tâm của trung tâm”, song sự hoạt động của “cò” ở khu vực này dường như có vẻ “trầm” và kín đáo hơn các khu giáp ranh như Thạch Thất, Quốc Oai.

Trong một ngôi nhà nhỏ ở thôn Kim Sơn, trên đường vào thôn Yên Bài, có treo cả biển hiệu bán đất lẫn... cắt tóc, chúng tôi được chủ nhà thông báo ngay rằng “mua đất ở khu vực này thì phải có tiền tỷ”.

Một số thông tin cơ bản về giá đất, diện tích nhanh chóng được anh cung cấp miễn phí: 6 triệu đồng/m2 chưa sổ đỏ; có sổ đỏ là 8 - 10 triệu đồng/m2; mặt đường tính theo mét dài là 155 triệu đồng/m; đất ruộng cách đây 2 tháng chỉ khoảng 300 triệu đồng/sào, giờ hơn 1 tỷ đồng...

Quá “bão hòa” với những thông tin từ “cò”, chúng tôi quyết định vào một nhà dân để hỏi tìm mua đất giá gốc.

Bà chủ nhà cho biết gia đình đã không còn đất để bán: “Các chú tìm mua đất trong dân mà giờ mới lên đây thì muộn rồi. Đất đã tăng gấp 10 lần so với tháng trước”.

Dù không nhờ hỏi, chủ nhà cũng rút điện thoại gọi cho một người bà con xem còn "mảnh" nào không. Sau vài câu vâng, dạ, chủ nhà quay sang nói: “Hết rồi, sáng nay vẫn còn, nhưng nó bảo vừa có hai “ông quan” Hà Tây cũ mua rồi, đang đếm tiền, 15 tỷ cho hơn 5 sào đất chú ạ”.

Trước khi chia tay, người đàn bà này với theo một câu: “Nhiều tiền thì sướng thật đấy, nhưng dân ở đây nhiều người giờ cũng coi trời bằng vung. Tiền không còn là tiền nữa các chú ạ”.

“Đua nhau bán đất xây nhà, mua xe”

Dưới cái nắng gay gắt của trưa hè, chúng tôi quay xe trở ra thị xã Sơn Tây để tìm cái ăn lót dạ. Trên đoạn đường gần chục km trải dài trên địa bàn hai thôn Cổ Động và Sơn Động của thị xã Sơn Tây, hàng quán nơi đây mọc lên san sát, xe cộ nườm nượp.

Trước một quán cơm khá lớn trên đoạn đường đó, có hơn hai chục chiếc xe hơi đắt tiền tấp vào ăn trưa. Giữa mớ âm thanh hỗn độn trong quán, dễ nhận thấy một chủ đề quen thuộc, đó là đất. Miếng này, miếng kia, ở Kim Sơn hay hơn, ở Yên Bài đắt quá, hay là tháng nữa rồi đẩy luôn, đảo hàng...

“Nếu quyết lấy mảnh đất lúc nãy thì phải vay ngân hàng thêm 5 tỷ đồng nữa”, kế hoạch của một đôi vợ chồng cũng đang ngồi chờ cơm như chúng tôi ở bàn bên cạnh.

Với chủ quán cơm, có lẽ ông chỉ mong cơn sốt đất kéo dài mãi. “Từ Tết đến giờ bán hàng tốt lắm chú ạ”. Chủ quán cũng cho hay, tuần trước vợ ông đã mua một mảnh đất có giá gần 5 tỷ đồng, ở sâu trong thôn Cổ Động, bằng tiền đi vay mượn khắp nơi.

“Mua đất bằng tiền không phải của mình, trong khi nghe nói phải 30 - 40 năm nữa nơi đây mới thành trung tâm được. Nếu nó mà giảm thì không khéo cũng phải bán cả nhà lẫn quán này trả nợ”.

“Cả khu vực chân núi Ba Vì này, giờ nhà nhà đua nhau bán đất xây nhà, mua xe. Nhiều gia đình xưa nay con cháu đi làm ăn ở xa tận đâu nay cũng bỏ việc tìm về tranh giành bán đất, chia tiền...”, ông chủ nói. “Chỉ sợ rằng khu vực này nay mai lại giống như khu Mỹ Đình, Mễ Trì gì đấy dưới Hà Nội ngày trước, dân đổ xô bán đất để rồi thấy ti vi đưa tin là thanh niên cả làng thất nghiệp”.