17:06 17/05/2010

Khi đất Ba Vì tăng giá: Trong thế giới “cò”

Từ Nguyên - Anh Quân

Những cơn sốt đất ở Ba Vì - nơi được trù tính là địa điểm xây trung tâm hành chính quốc gia - đang tạo ra nhiều chuyện bi hài

Hễ cứ thấy có biển "bán đất" thì ngay lập tức những chiếc ôtô sẽ dừng lại để hỏi.
Hễ cứ thấy có biển "bán đất" thì ngay lập tức những chiếc ôtô sẽ dừng lại để hỏi.
Những cơn sốt đất ở Ba Vì - nơi được trù tính là địa điểm xây trung tâm hành chính quốc gia - đang tạo ra nhiều chuyện bi hài.

Chuyên đề: Quy hoạch Thủ đô

Xóm thôn nhộn nhịp


Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, các khu vực như Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Sơn Tây bấy lâu nay chỉ được biết đến với một vài địa điểm du lịch, sinh thái. Thế nhưng, trong một vài tháng trở lại đây, trong hàng trăm hàng nghìn chuyến xe dọc tuyến Láng - Hòa Lạc chạy lên khu vực này mỗi ngày, có không ít trong đó là của những người có mục đích “săn đất”.

Có cầu ắt có cung, trên địa phận huyện Hoài Đức bám sát đường Láng - Hòa Lạc, những khu vực vốn xưa nay chỉ có một vài quán giải khát phục vụ người đi đường hay chỉ là chỗ người dân bán các loại chim, gà, thỏ, nhím... thì nay cũng đã lác đác mọc lên các biển hiệu xanh đỏ với dòng chữ nổi bật phía trên cùng là “trung tâm nhà đất”...

Những điểm thông tin nhà đất kiểu này càng xôm tụ hơn khi đi vào các khu vực như Quốc Oai, Ba Vì... Ngay ngã ba cuối đường Láng - Xuân Mai, đã có hàng chục văn phòng, trung tâm thông tin nhà đất tự phát mọc lên.

Trên các trục đường rẽ vào các thôn dọc tuyến Láng - Hòa Lạc, theo những người dân ở đây thì xưa nay thỉnh thoảng mới có một vài chiếc ôtô chạy vào làng. Thế nhưng, kể từ khi quy hoạch Thủ đô được công khai, người dân từ nơi khác đổ về tìm mua đất ngày càng nhiều thì đến trẻ con trong làng cũng đã biết đọc vanh vách những hiệu xe hơi nổi tiếng như Mercedes, BMW hay Lexus...

Và rồi, tính nhạy bén với kinh tế thị trường dường như cũng được những nông dân vốn quanh năm chân lấm tay bùn nơi đây thể hiện không thua kém người dân thị thành. Các điểm thông tin, môi giới nhà đất, các quán nước chè trên các con đường liên thôn, xã cứ đua nhau mọc lên và trở thành chốn nghỉ chân cho “người Hà Nội” lên tìm mua đất.

Phản ánh trung thực hơn cả về cơn sốt đất ở đây vẫn là cảnh ngày càng nhiều chuyến xe công nông chở gạch, xi măng, cát và cả máy trộn bê tông đi vào làng cùng với những lời hỏi thăm nhà anh Thành, anh Tuấn ở thôn 5, thôn 6... đang xây nhà ở đâu?

Theo người dân địa phương, đó là những gia đình vừa bán 1 - 2 mảnh đất với giá cao gấp nhiều lần so với một hai năm về trước.

Đắt vì cạnh đất “nhà quan”?

Tại một văn phòng thông tin nhà đất nằm ngay trên mặt đường Xuân Mai - Sơn Tây, thuộc xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, chúng tôi được một “cò đất” có tên là Thiết, là chủ văn phòng này, giới thiệu nhiệt tình về tình hình mua bán đất trên địa bàn.

Trước khi vào nội dung chính câu chuyện, Thiết không quên chạy ra nhìn biển số xe chúng tôi rồi hỏi: các anh tìm mua đất để ở hay “lướt sóng”? Được trả lời rằng không phải mua đất để ở, Thiết nói: “Các anh đi xe biển xanh thì đúng là toàn thành phần có điều kiện rồi. Nếu không để ở thì nên tranh thủ “lướt”, cơ hội chỉ đến một lần”.

Để tăng tính thuyết phục, Thiết cũng không quên giới thiệu về gốc gác của anh, vốn là dân chạy xe ôm bám trên trục đường này. Nhưng kể từ trước Tết, khi giá đất ở đây cũng như lượng người đổ về tìm mua đất tăng dần thì anh bỏ hẳn nghề cũ, chuyển sang mở “văn phòng nhà đất”.

Thiết khoe, cũng do làm môi giới, sau đó cả thêm lướt sóng, giờ anh đã có trong tay ngót chục tỷ đồng (?), và số người như anh ở khu vực này cũng không ít.

Chúng tôi đề nghị Thiết dẫn đi xem một số mảnh đất mà anh giới thiệu từ khi gặp mặt, nhẩm sơ qua cũng không dưới 5 mảnh mà theo Thiết, toàn là vị trí “đắc địa” nếu sau này quy hoạch được triển khai.

Mảnh đất đầu tiên Thiết dẫn chúng tôi xem là nằm trên đường vào thôn 7 của xã Phú Cát. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những mảnh đất nằm xung quanh khu vực này không được anh giới thiệu là nằm cạnh đất của một quan chức có cỡ (?), đang được "đứa em nhờ bán". Cũng chính vì vị trí đắc địa trên, phần lớn các ô đất quanh khu vực này đều được hét giá từ 15 triệu đồng/m2, dù chỉ là mặt đường liên thôn.

Thấy chúng tôi có vẻ chưa hài lòng, Thiết đã nhanh chóng chuyển hướng sang một mảnh khác cách đó chừng nửa cây số, theo hướng vào sâu trong thôn 7. Mảnh đất này được anh giới thiệu rộng 12 sào, tương đương khoảng 4.300 m2, đã được xây tường rào bao quanh, và là đất của anh, do một người trong họ hàng đứng tên. Theo Thiết, mảnh đất này thành tiền là khoảng 24 tỷ đồng, cũng tương đương với giá của một biệt thự hạng sang ở trung tâm Thủ đô.

Tuy nhiên, Thiết cho biết kể cả chúng tôi có quyết mua thì anh cũng chỉ bán 1 nửa (6 sào) với giá “nét” là 6 triệu đồng/m2. Nửa còn lại anh bảo để dành để xây biệt thự nhà vườn!

Lấy lý do giá quá cao cần phải tìm hiểu, khảo sát thêm, chúng tôi chia tay Thiết. Anh cũng vui vẻ đưa số điện thoại và quay lại văn phòng để chờ khách mới, nhưng không quên với theo: "Đi các nơi khác có thể rẻ hơn chút xíu, nhưng cạnh đất của nhà quan thì chỉ có mảnh của tôi thôi. Đắt nhưng xắt ra miếng đấy, các anh ạ".

Cũng trên đoạn đường liên thôn dài chưa đầy 2 km này, có không ít xe ôtô biển 29, 30 đang dừng đỗ bên đường.

Thấy xe chúng tôi đi chậm, một "cò" khác liền cho xe máy bám sát bắt chuyện. Giới thiệu tên Hiền, anh cho biết đang có rất nhiều đất cần bán để cho con đi nước ngoài... du học.

Một loạt danh sách đất cần bán được Hiền đưa ra giới thiệu. Và lạ thay, mảnh đất đầu tiên mà anh giới thiệu cũng chính là mảnh cạnh “đất của nhà quan” nói trên, và cũng là "của đứa em nhờ bán".

Chỉ khác một điều, nếu như cùng mảnh đất đó, Thiết ra giá 15 triệu đồng/m2, cộng phí môi giới 1% thì Hiền chỉ ra giá 12 triệu đồng/m2, cộng 70 triệu đồng tiền giới thiệu.

Và cũng như hàng chục “cò” khác đang “tác nghiệp” trên đoạn đường này trong buổi sáng hôm đó, Hiền ra sức giới thiệu về quy hoạch, về các dự án ở khu vực này trong nay mai, và thậm chí là cả việc em họ của anh sắp lên chủ tịch xã, nên sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc làm thủ tục, giấy tờ.

Rồi cũng với lý do ban đầu, chúng tôi từ chối đàm phán tiếp với Hiền và lên xe đi sâu vào một số vùng được cho là tâm điểm của trung tâm hành chính quốc gia trong tương lai...

Kỳ tới: Lo “hậu” cơn sốt

Tiếp tục mô tả cơn sốt đất tại khu vực Ba Vì, trong kỳ tới VnEconomy sẽ chia sẻ cùng độc giả những câu chuyện nửa vui, nửa buồn cũng như những tác động của việc giá đất tăng tới cuộc sống của người dân nơi đây.