18:26 17/05/2017

“Mong Chính phủ ra tay dẹp sốt đất ảo ở Tp.HCM”

Bảo Anh

Chủ tịch HoREA kiến nghị Chính phủ cần ra tay cùng Tp.HCM để dẹp cơn sốt ảo đất nền vùng ven kéo dài trong nhiều tháng trở lại đây

 Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, thay vì sốt thật, nhu cầu mua tăng cao, thì sốt vừa qua chủ yếu do đầu nậu, cò đất - là thủ phạm chính gây ra cơn sốt đất này. <br>
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, thay vì sốt thật, nhu cầu mua tăng cao, thì sốt vừa qua chủ yếu do đầu nậu, cò đất - là thủ phạm chính gây ra cơn sốt đất này. <br>
Phát biểu trước hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 17/5, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu kiến nghị Chính phủ cần ra tay cùng Tp.HCM để dẹp cơn sốt ảo đất nền vùng ven kéo dài trong nhiều tháng trở lại đây.

Theo ông Châu, hiện cơn sốt đất nền chủ yếu diễn ra tại một số khu vực như quận 9, quận 12, huyện Củ Chi, Cần Giờ...thậm chí lan sang một số tỉnh thành Nam Trung bộ. Ngoài ra, một số dự án của các tập đoàn lớn đầu tư tại thành phố cũng bị giới đầu nậu lợi dụng, đẩy giá lên.

Việc giá đất tăng bất thường cuối năm 2016 và đầu 2017 tại nhiều khu vực, trong đó đặc biệt là các huyện vùng ven do có sự tác động của giới đầu cơ đất. Đây là những đầu nậu chuyên thâu tóm quỹ đất, thường hoạt động theo nhóm hoặc cá nhân nhưng có điểm chung là luôn hoạt động mạnh tại những khu vực xuất hiện công trình hạ tầng mới hoặc các siêu dự án tầm cỡ.

Những đối tượng này có lợi thế về dòng vốn lớn và nắm bắt thông tin nhanh nhạy thường đi trước diễn biến thị trường một bước. Tình trạng thu gom đất để đầu cơ (chủ yếu chờ tăng giá hoặc trực tiếp thổi giá để bán kiếm lời) khiến cho thị trường bị nhiễu loạn thông tin, tác động đến việc hình thành tâm lý đám đông. Nguồn cung trở nên khan hiếm cục bộ, xuất hiện nhiều mức giá mới cao hơn, tăng đột biến trên thị trường, thổi bùng cơn sốt đất ảo.

Tuy nhiên, thay vì sốt thật, nhu cầu mua tăng cao, thì sốt vừa qua chủ yếu do đầu nậu, cò đất - là thủ phạm chính gây ra cơn sốt đất này.

Chính vì vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA), dù thị trường bất động sản đang có những bước phát triển tương đối ổn định, song do thao túng của một số đầu nậu khiến thị trường luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Ông Châu cho rằng, cơ quan quản lý và chính quyền thành phố cần công bố rõ các thông tin định hướng, quy hoạch, bao gồm cả thông tin huyện nào lên quận để tránh việc giới cò đất lợi dụng, tung tin hoả mù.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM kiến nghị cần sửa quy định Luật kinh doanh bất động sản, yêu cầu kinh doanh bất động sản cũng phải đăng ký, tránh chuyện cò đất lợi dụng kẽ hở này, kinh doanh tràn lan.

Cùng với đó, cần sửa đổi một loạt quyết định của Thủ tướng liên quan tới khung pháp lý trong cổ phần hoá doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần sớm sửa cơ chế đấu giá, sử dụng đất, khắc phục tình trạng “chân gỗ, quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá.

Phản hồi về kiến nghị này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, những diễn biến trên thị trường bất động sản rất quan trọng. Do đó, ông yêu cầu Bộ Xây dựng, cơ quan địa phương phải phải tăng cường kiểm soát nhà nước về thị trường bất động sản.

Về phần mình, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Thanh Liêm, khẳng định: tình hình giá bất động sản biến động mạnh trong thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã nắm bắt được và đã chỉ đạo kiểm tra, xem xét...

Trước đó, theo khảo sát của các đơn vị tư vấn, giá đất phía Đông, Nam và Tây Tp. HCM đua nhau nhảy múa, thậm chí khu vực Cần Giờ cũng không ngừng leo thang. Mức tăng phổ biến 10-40% trong 4 tháng và tăng 1,5-2 lần nếu so với 12 tháng qua.

Trục đô thị phía Đông thành phố gồm các quận 2, 9, Thủ Đức, được cho là điểm khởi đầu của cơn sốt. Đất trên địa bàn 3 quận này đã kéo dài tình trạng tăng giá 5-10% nhích lên 30-50%, sau đó liên tục tiến dần đến ngưỡng tăng đột biến 70-100%, thậm chí gấp 1,5-2 lần trong suốt quãng thời gian 2016 - 2017.